Bản tin thời sự sáng 31/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyển 3 vụ việc liên quan mua sắm trang thiết bị y tế sang Bộ Công an; hàng xuất sang Trung Quốc không phải xét nghiệm từ đầu năm sau; 1.500 tỷ đồng nâng cấp đường kết nối Vành đai 4 TP.HCM; doanh thu Vietnam Airlines năm 2022 bằng hơn hai năm dịch gộp lại; Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bị điều tra nhận hối lộ…

Chuyển 3 vụ việc liên quan mua sắm trang thiết bị y tế sang Bộ Công an

Căn cứ kết quả thanh tra tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển 3 vụ việc sang Bộ Công an để xem xét xử lý theo quy định.

Theo kết luận thanh tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế có thiếu sót, sai phạm
Theo kết luận thanh tra, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế có thiếu sót, sai phạm

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế.

Theo Kết luận thanh tra giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021, quá trình thực hiện còn có thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức mua sắm.

Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu sử dụng các hợp đồng mua sắm hàng hóa tương tự không đáp ứng thời hạn quy định để xây dựng giá gói thầu, vi phạm quy định.

Đặc biệt, việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với các gói thầu tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Phổi Trung ương có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.

Cùng với đó, việc chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế có trường hợp còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn tại các bệnh viện khi thực hiện; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm kéo dài, dẫn đến quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm bị chậm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch…

Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin của 3 vụ việc sang Bộ Công an để xem xét xử lý theo quy định. Cụ thể, vụ thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu có vi phạm Điều 360 Bộ luật Hình sự; vụ việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ Luật hình sự; Vụ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc mua bán thiết bị y tế qua nhiều trung gian, làm tăng giá thiết bị y tế khi bán cho các bệnh viện, có dấu hiệu lợi dụng dịch Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường.

Hàng xuất sang Trung Quốc không phải xét nghiệm từ đầu năm sau

Hải quan Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu với hàng hoá nhập khẩu, gồm cả hàng đông lạnh từ 8/1/2023.

Hải quan Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu từ 8/1/2023

Hải quan Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu từ 8/1/2023

Theo Bộ Công Thương, quy định này sẽ được hải quan Trung Quốc áp dụng đồng thời với thời điểm ngừng cách ly khách nhập cảnh vào nước này. Động thái này được cơ quan chức trách Trung Quốc đưa ra sau khi nước này thông báo mở cửa trở lại, nới lỏng dần chiến lược "zero Covid" duy trì gần 3 năm qua.

Phía Trung Quốc yêu cầu, các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.

Trước động thái nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh với hàng hoá nhập vào Trung Quốc, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới.

Các địa phương, nhất là nơi có vùng trồng nông sản xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc, doanh nghiệp xuất nhập khẩu... cần phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc trong điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Sau thời gian dài theo đuổi chiến lược "zero Covid", kiểm soát chặt chẽ phòng dịch, y tế khiến hàng hoá nhiều thời điểm ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, hôm 26/12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang bước thêm bước nữa để tiến tới mở cửa hoàn toàn.

1.500 tỷ đồng nâng cấp đường kết nối Vành đai 4 TP.HCM

Tỉnh lộ 746 dài gần 12 km được nâng cấp, mở rộng lên 38 m với 6 làn xe nhằm kết nối Vành đai 4 TP.HCM và các địa phương trong tỉnh Bình Dương.

Đường tỉnh 746 được mở rộng thành 6 làn xe

Đường tỉnh 746 được mở rộng thành 6 làn xe

Dự án Mở rộng Tỉnh lộ 746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) được UBND tỉnh Bình Dương khởi công sáng 30/12. Việc nâng cấp dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Công trình dài 12 km, tốc độ thiết kế 80 km/h cho các đoạn ngoài đô thị và 50 - 60 km/h ở các đoạn qua đô thị; mặt đường rộng 38 m với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; trong đó chi phí xây lắp 500 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, công trình này sẽ kết nối với đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và Vành đai 4 TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng như: sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải...

Doanh thu Vietnam Airlines năm 2022 bằng hơn hai năm dịch gộp lại

Năm 2022, Vietnam Airlines ước đạt doanh thu gần 72.360 tỷ đồng, cao hơn 3.900 tỷ đồng so với doanh thu hai năm 2020, 2021 và tương đương gần 74% mức trước dịch.

Nam 2022, Vietnam Airlines ước đạt doanh thu gần 72.360 tỷ đồng

Nam 2022, Vietnam Airlines ước đạt doanh thu gần 72.360 tỷ đồng

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, năm 2022, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, đạt 107,8% kế hoạch và 211.900 tấn hàng hóa.

Doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 72.359 tỷ đồng, đạt 121% kế hoạch, trong đó công ty mẹ đạt hơn 50.617 tỷ đồng. Con số này tương đương gần 74% mức doanh thu năm 2019.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hãng đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân về tiết kiệm và cắt giảm chi phí được gần 4.300 tỷ đồng. Vietnam Airlines đã giảm lỗ so với kế hoạch gần 70 tỷ đồng. Như vậy, cả năm nay, công ty mẹ Vietnam Airlines có thể vẫn lỗ hơn 9.200 tỷ đồng.

Công ty dự kiến nhu cầu đi lại và tốc độ phục hồi của thị trường năm 2023 vẫn bị ảnh hưởng bởi rủi ro suy thoái kinh tế, lạm phát, xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng... Do đó, Vietnam Airlines đặt nhiệm vụ trọng tâm năm tới là tăng hiệu suất sử dụng nguồn lực, tăng năng suất lao động 14% so với năm 2019, tiếp tục các chương trình lớn như tái cơ cấu toàn diện tổng công ty, tăng tốc công tác chuyển đổi số, nâng cấp chất lượng dịch vụ và cải thiện thu nhập của công ty...

Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn bị điều tra nhận hối lộ

Ngày 30/12, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can là cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn về hành vi “nhận hối lộ”; đồng thời, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 1 bị can về hành vi “đưa hối lộ”.

Bị can Phan Văn Nhâm (thứ hai từ phải sang) cùng hai thuộc cấp và bị can Đinh Thị Hòa

Bị can Phan Văn Nhâm (thứ hai từ phải sang) cùng hai thuộc cấp và bị can Đinh Thị Hòa

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện vụ việc có dấu hiệu “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 3 bị can về hành vi “nhận hối lộ”, gồm: Phan Văn Nhâm - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; Ngô Xuân Khang - Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; Đặng Minh Sơn - cán bộ Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Đồng thời, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bị can Đinh Thị Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lao Base Barite về hành vi “đưa hối lộ”.

Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam nêu trên đều đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

TP.HCM cấm xe giường nằm vào nội đô từ 10/1/2023

Lãnh đạo TP.HCM đồng ý phương án cấm ô tô giường nằm vào trung tâm Thành phố thời gian từ 6 - 22h từ 10/1/2023 để giảm ùn tắc, tai nạn, hạn chế tình trạng "bến cóc, xe dù".

Xe giường nằm chờ khách trên đường Hùng Vương

Xe giường nằm chờ khách trên đường Hùng Vương

Nội dung trên được đề cập trong công văn UBND TP.HCM gửi các bên liên quan, sau khi thống nhất phương án đề xuất của Sở Giao thông vận tải. Ô tô giường nằm bị cấm vào khu trung tâm trong thời gian trên được cho là góp phần hạn chế tình trạng xe dừng, đậu đón trả khách vốn tăng cao tại TP.HCM dịp Tết Nguyên đán.

Theo phương án của Sở Giao thông vận tải, hành lang cấm xe giường nằm vào nội đô theo vành đai các tuyến: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1.

Ngành giao thông Thành phố đưa ra lộ trình cho xe giường nằm vào bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh theo hành lang: Quốc lộ 1 - Quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh - bến xe Miền Đông - Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1. Tại bến xe Miền Tây theo trục: Quốc lộ 1 - đường Kinh Dương Vương - bến xe Miền Tây và ngược lại.

TP.HCM hiện có 58 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định với gần 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, với gần 91.000 xe khách. Trong đó, ô tô hoạt động ở 5 bến xe liên tỉnh tại Thành phố, gồm: Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga, lộ trình không qua khu trung tâm. Sở Giao thông vận tải ghi nhận 76 địa điểm xe thường xuyên đón, trả khách sai quy định, tập trung nhiều ở khu nội thành.

Theo lộ trình Sở Giao thông vận tải đưa ra trước đó, từ nay đến năm 2025 cấm xe giường nằm vào nội đô từ 6h - 22h. Sau đó, thêm các ô tô trên 30 chỗ cũng bị cấm (trừ xe buýt, xe tang, ô tô công vụ...). Ngoài ra, ngành giao thông cũng đề cập một phương án khác là sau năm 2025 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.

Kè hơn 250 tỷ đồng tại Vĩnh Long sạt lở khi đang thi công

82 m bờ kè tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) sụp đổ xuống sông Măng Thít khi đang thi công, khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Hiện trường vụ sạt lở bờ kè sông Măng Thít

Hiện trường vụ sạt lở bờ kè sông Măng Thít

Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, đoạn kè bị sạt lở cách chân cầu Trà Ôn khoảng 200 m, ăn sâu vào bờ 15 m, làm sập một căn nhà, ảnh hưởng 14 hộ dân tại Khu vực 1, thị trấn Trà Ôn.

Vụ sạt lở xảy ra khi đơn vị thi công hoàn tất phần tường kè bên ngoài và cho bơm cát vào phía trong, rất may không xảy ra thương vong. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, bố trí nơi ở tạm cho người dân và giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Đoạn kè bị sự cố thuộc Dự án Chống sạt lở bờ sông Măng Thít, dài 900 m, cao 3 m. Đây là hạng mục của Dự án Nâng cấp tuyến đê bao dọc hai bên bờ sông Măng Thít dài hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016 - 2025.

Chuyên đề