Một số cửa hàng Hà Nội lại hết xăng, còn dầu
Cảnh hết xăng, còn dầu tại một số cửa hàng thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân tái diễn vào dịp cuối tuần.
Nhân viên cây xăng trên đường Thuỵ Khuê (Tây Hồ) gỡ biển thông báo "hết xăng" sau khi cửa hàng này được tiếp thêm nhiên liệu |
Tại cây xăng thuộc hệ thống của Công ty Nam Triệu, nhân viên tại đây cho biết phải chiều tối xe bồn mới được phép vào Thành phố, hàng mới được tiếp thêm. Khoảng 18 giờ, cây xăng này được tiếp nhiên liệu, nhân viên cất biển thông báo và bán bình thường trở lại. Tuy nhiên, do lượng hàng về ít nên cửa hàng chỉ bán cho xe máy, không hạn chế lượng bán, và từ chối tiếp ô tô.
Cách đó không xa, cây xăng của Công ty CP Xăng dầu HFC không treo biển hết hàng, nhưng căng dây chặn lối vào. Khách hàng vừa táp vào cửa hàng thì nhân viên trực xua tay báo "hết hàng, không bán".
Không riêng tại khu vực Tây Thành phố, cảnh "hết xăng, còn dầu" cũng tái diễn tại một số cửa hàng ở quận Hà Đông trong ngày 30/10.
Tại cây xăng thuộc hệ thống Công ty Nam Triệu trên đường Trần Phú (quận Hà Đông), nhân viên cho biết hàng hết từ sáng, và phải khoảng 23 giờ đêm xe bồn mới về kịp để tiếp thêm nhiên liệu.
Tương tự, một cây xăng khác trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cũng không còn hàng để bán. Thường ngày vẫn qua đây nạp nhiên liệu vì gần nhà, anh Hoàng chưng hửng khi vừa tới, nhân viên đã xua tay, báo "hết", dù cửa hàng không treo biển, hay thông báo tạm ngừng bán.
Trong khi đó, các điểm bán xăng của Petrolimex, PVOil trên đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng kinh doanh bình thường.
Trong khi đó, ông Tùng, chủ một đại lý xăng dầu ở Hà Đông thông tin, vài ngày trở lại đây doanh nghiệp phân phối báo không có hàng để cấp. Hiện cửa hàng ông chỉ còn một bể khoảng 5.000 lít, bán được hơn một ngày là hết. Bán hết mà vẫn chưa nhập thêm được hàng thì đành tạm đóng cửa.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thôi lập hãng bay chở hàng
Dù hồ sơ đã đầy đủ các yêu cầu, hãng bay IPP Air Cargo vừa xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Chiếc máy bay chở hàng đầu tiên của IPP Air Cargo xuất xưởng |
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không, Công ty CP IPP Air Cargo xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Cụ thể, văn bản do Tổng Giám đốc IPP Lê Hồng Thủy Tiên ký nêu rõ, doanh nghiệp xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã trình hồi đầu năm và dừng các hoạt động cấp phép bay theo quy định. Lý do được đưa ra là xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu, kéo theo hàng loạt hệ lụy về lạm phát, lãi suất tăng, biến động về giá nhiên liệu.
Dựa trên nhận định của lãnh đạo WB, IMF thì IPP Air Cargo cho rằng, tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng. Khi thị trường thế giới ổn định trong tương lai, Hãng sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp và chấp nhận việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ đầu.
Dự án hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Hoàn thành tuyến chính cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong tháng 11/2022
Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gia hạn tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Một đoạn tuyến dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Thừa Thiên Huế |
Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1291 ngày 19/6/2018, chia làm 11 gói thầu xây lắp đã được Bộ gia hạn tiến độ đến ngày 31/10/2022.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, 6 vào tháng 10/2022 gây mưa lớn, kéo dài ngập lụt nhiều nơi làm ảnh hưởng đến công tác thi công Dự án, một số hạng mục chưa hoàn thành (còn khoảng 18 km bê tông nhựa C19; 8 km bê tông nhựa C12,5 và một số hạng mục ATGT của tuyến chính, đường gom, đường ngang, nút giao và hoàn trả đường công vụ phục vụ thi công mượn của địa phương).
Từ nguyên nhân khách quan và căn cứ điều kiện thực tế, trên cơ sở đề nghị của các nhà thầu, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến hết quý I/2023.
Trong đó, thời gian hoàn thành tuyến chính đến ngày 30/11/2022; thời gian hoàn thiện nút giao, đường gom, đường ngang đến ngày 31/12/2022 và thời gian hoàn thành đường hoàn trả các đường công vụ mượn của địa phương đến 31/3/2023.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có chiều dài 98,3 km, trong đó đoạn qua Quảng Trị 37,3 km và đoạn qua Thừa Thiên Huế 61 km. Tổng mức đầu tư dự án là 7.669 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 5.712 tỷ đồng.
PVOil lỗ lớn khi giá xăng dầu giảm mạnh
Nhà bán lẻ xăng dầu đứng thứ nhì về thị phần - PVOil báo lỗ khoảng 373 tỷ đồng, mức kỷ lục trong 10 quý gần đây.
PVOil báo lỗ khoảng 373 tỷ đồng |
Quý III, doanh thu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil - OIL) tăng hơn gấp đôi so với quý III/2021, nhưng lại lỗ hơn 373 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 57 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 quý gần đây.
Lãnh đạo PVOil giải thích, mức lợi nhuận này do ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu thế giới biến động. Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá dầu thế giới đảo chiều, giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát...
Trong kỳ này, PVOil ghi nhận hơn 320 tỷ đồng lãi gộp, giảm gần 44% so với quý III/2021. Biên lợi nhuận gộp cũng lùi về mức 1,24% - thấp nhất trong 10 quý gần đây. Ngoài ra, Công ty còn chịu hơn 13 tỷ đồng lỗ trong công ty liên doanh, liên kết. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 38% và 25%.
PVOil ghi nhận hơn 3.400 tỷ đồng hàng tồn kho vào cuối tháng 9, giảm 35% so với cuối tháng 6, nhưng tăng 34% so với đầu năm. Doanh nghiệp này trích lập dự phòng 150 tỷ đồng cho nguyên vật liệu và hàng hóa tồn kho, trong kỳ đầu năm chỉ trích hơn 1 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, doanh thu của PVOil đạt 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, giảm hơn 17%. 9 tháng, PVOil lỗ tỷ giá 92 tỷ đồng và các khoản tăng chủ yếu là chi phí nhân viên bán hàng và dịch vụ mua ngoài.
Đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng xây dựng dự án nhà ở xã hội ở trung tâm Hạ Long
Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng nằm trên 2 phường trung tâm ở TP. Hạ Long vừa được khởi công vào sáng ngày 30/10. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.360 tỷ đồng, do một liên danh gồm 2 công ty làm chủ đầu tư.
Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng |
Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư đồi Ngân hàng, được xây dựng trên diện tích 25.900 m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình trên 7.400 m2, đất cây xanh trên 5.000 m2, đất hạ tầng kỹ thuật trên 13.300 m2.
Dự án này có quy mô dân số dự kiến khoảng 3.880 người. Theo quy hoạch, Dự án sẽ có 3 tòa nhà chung cư, trong đó có 2 tòa nhà 19 tầng nổi + 1 tầng lửng +1 tầng kỹ thuật; 1 tòa nhà 17 tầng + 1 tầng kỹ thuật + 1 tầng bán hầm.
Tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2. Ba tòa nhà sẽ có tổng cộng 986 căn hộ. Tổng số vốn đầu tư trên 1.360 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu và Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư.
Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất. Thời gian thi công Dự án dự kiến từ quý I/2023 - quý IV/2025, hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng quý I/2026.
Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng giải quyết về nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động có thu nhập thấp.
Phát hiện một số thủ đoạn có dấu hiệu rửa tiền của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành công văn cảnh báo, phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền.
Cảnh báo thủ đoạn rửa tiền qua ngân hàng |
Theo NHNN, qua thông tin cung cấp từ cơ quan công an về việc tiếp nhận, giải quyết nhiều tin báo tội phạm của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (TCTD) trên địa bàn TP.HCM về giao dịch liên quan đến các tài khoản do đối tượng người nước ngoài mở tại hệ thống các ngân hàng Việt Nam.
Qua đó, cơ quan công an thông báo một số đặc điểm phổ biến nhận diện các hành vi, thủ đoạn và phương thức giao dịch có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền. Đó là, đối tượng người nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài, thị thực Việt Nam, địa chỉ cư trú tại Việt Nam để mở tài khoản khách hàng cá nhân, có mã tiền tệ giao dịch Việt Nam đồng (VND) tại phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng tại Việt Nam. Các tài khoản này phát sinh giao dịch tiền chuyển đến. Sau đó, các đối tượng đến liên hệ với phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng để rút hết số tiền này bằng tiền mặt (VND) một lần hoặc nhiều lần.
Quá trình đăng ký mở tài khoản khách hàng cá nhân, các đối tượng sử dụng hộ chiếu nước ngoài có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa, dán đè hình ảnh của đối tượng lên hộ chiếu; giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan cấp thị thực của Việt Nam. Xác minh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không có thông tin về cấp thị thực, thông tin xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Xác minh tại cơ quan đăng ký cư trú, đối tượng không cư trú tại địa chỉ được sử dụng để mở tài khoản. Thông tin quốc tịch của các đối tượng liên quan đến một số quốc gia Châu Phi như Kingdom of Lesotho, Malawi, Ghana,...
Nguồn gốc tiền là từ các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng tại Việt Nam là đơn vị trung gian trong việc giao dịch chuyển - rút tiền của các đối tượng…
Phát hiện kho đường nhập lậu tại khu vực biên giới tỉnh An Giang
Lực lượng Công an tỉnh An Giang đã phát hiện kho đường nhập lậu tại khu vực biên giới thuộc địa phận huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang).
Cận cảnh tang vật đường nhập lậu |
Chiều ngày 30/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 100 bao đường nhập lậu tại một kho hàng trên khu vực biên giới huyện Tịnh Biên.
Trước đó, qua thời gian theo dõi, ngày 30/10, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Tỉnh chủ trì phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên kiểm tra đột xuất kho hàng tại số 209, khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang do ông Nguyễn Thanh Hải (Hải đường) làm chủ.
Qua kiểm tra thực tế, Tổ công tác phát hiện trong kho có 100 bao đường xuất xứ Myanma (tổng trọng lượng 5 tấn) có dấu hiệu nghi vấn thay bao bì và 105 tờ nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Qua làm việc, ông Hải thừa nhận 100 bao đường trên, bên trong là đường cát Thái Lan, được ông mua của những người dân đi giăng lưới (không rõ họ tên địa chỉ cụ thể) với giá 800.000 đồng/bao loại 50 kg/bao.
Sau đó, ông Hải thay bao bì nhãn hiệu SINN SHWE LI và dán tem nhãn phụ của Thương nhân nhập khẩu và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa để hợp thức hóa nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Vụ việc hiện được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên thụ lý để xử lý theo quy định pháp luật.