Bản tin thời sự sáng 31/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM nghiên cứu xây đường ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng; đề xuất mở cơ chế cho ACV có tiền xây sân bay Long Thành; Đồng Nai dùng đất vàng 5.700 m2 ở trung tâm TP. Biên Hòa làm bãi đậu xe; sân bay Tân Sơn Nhất có công nghệ mới giảm 'delay' dịp Tết…

TP.HCM nghiên cứu xây đường ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng

Ngành giao thông TP.HCM đang nghiên cứu phương án ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ chân cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội.

Đường Tôn Đức Thắng dọc sông Sài Gòn

Đường Tôn Đức Thắng dọc sông Sài Gòn

Phương án ngầm hóa tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn đang được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM nghiên cứu, nhằm phù hợp quy hoạch không gian thuộc vùng lõi 930 ha của khu trung tâm.

Đường Tôn Đức Thắng là một trong 5 đại lộ lâu đời nhất ở TP.HCM. Tuyến đường nằm ở trung tâm Quận 1, dài khoảng 2 km, điểm đầu giao với đường Lê Duẩn, chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng đến cầu Khánh Hội. Trục đường này kết nối trực tiếp với phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một trong những tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với Quận 4 và khu Nam Sài Gòn.

Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng được nghiên cứu dài gần 1 km, từ chân cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội. Trong đó, phương án 1 là làm hầm kín dài 765 m, từ vị trí gần tuyến Ngô Văn Năm, trải dài qua Công trường Mê Linh, Đồng Khởi, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hai đầu làm hầm hở, một bên nối vào đường dẫn cầu Ba Son, bên còn lại là cầu Khánh Hội.

Phương án còn lại là làm hầm kín, cũng bắt đầu từ gần đường Ngô Văn Năm, nhưng chỉ nối tới đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ, tổng chiều dài 683 m. Hai đầu cũng làm hầm hở tương tự. Tổng mức đầu tư 2 phương án trên lần lượt ước tính khoảng 1.477 tỷ đồng và 1.359 tỷ đồng.

Sở GTVT cho biết, đây chỉ mới là những nghiên cứu sơ bộ theo quy hoạch. Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp, khả thi.

Trước đó, theo quy chế quản lý kiến trúc được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2022, đường Tôn Đức Thắng dọc bến Bạch Đằng được quy hoạch chuyển xuống dưới mặt đất cùng bãi xe ngầm, không gian phía trên dành cho người đi bộ. Đường ngầm khi được xây dựng sẽ cho xe chạy hai chiều, cùng bãi xe dự kiến bố trí cách Công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía đường Ngô Văn Năm.

Cùng với đường Tôn Đức Thắng, khu vực giữa công trường Mê Linh ở sát bên cũng sẽ xây dựng tầng ngầm, tạo thành một "vườn trũng", xung quanh là các cửa hàng bán lẻ, cà phê, nhà hàng...

Đề xuất mở cơ chế cho ACV có tiền xây sân bay Long Thành

Bộ Tài chính đề xuất sửa Nghị định để ACV có thể tăng vốn nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu, giúp thực hiện các dự án sân bay trọng điểm.

Bộ Tài chính đề xuất mở cơ chế cho ACV có tiền xây sân bay Long Thành

Bộ Tài chính đề xuất mở cơ chế cho ACV có tiền xây sân bay Long Thành

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn được chia phần lợi nhuận còn lại cho cổ đông bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như hiện tại. Trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ được áp dụng với công ty cổ phần thực hiện các dự án quan trọng quốc gia được cấp có thẩm phê duyệt, Thủ tướng chấp thuận.

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cho trường hợp của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại thông báo cuối năm 2023.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, phần lợi nhuận còn lại sẽ phải chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Cổ tức từ phần góp vốn của Nhà nước sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

Tại tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, nếu vậy, ACV sẽ không đáp ứng nhu cầu vốn để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.

Theo báo cáo trước đó của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2025 mà ACV cần để thực hiện là 154.596 tỷ đồng. Khoản này được dự kiến bảo đảm từ nguồn vốn tự tích lũy của ACV và nguồn vốn huy động từ bên ngoài.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do Covid-19, kết quả sản xuất kinh doanh của ACV sụt giảm mạnh. Điều này dẫn đến ACV khó bảo đảm tích lũy được nguồn vốn để cân đối thực hiện các dự án đầu tư dù nhu cầu vốn sau khi rà soát cắt giảm chỉ còn 113.499 tỷ đồng.

"Trong trường hợp này, ACV sẽ phải vay các tổ chức tín dụng, dẫn tới tăng rủi ro trong hoạt động đầu tư, giảm hiệu quả dự án và giảm hiệu quả hoạt động của ACV", Bộ Tài chính đánh giá.

Theo phương án trước đó của Bộ Tài chính, nếu đề xuất này được thông qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của ACV sẽ tăng lên tương ứng với phần lợi nhuận sau thuế còn lại từ năm 2019 - 2022 (khoảng 7.845 tỷ đồng), Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại ACV mà không phải đầu tư trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đồng Nai dùng đất vàng 5.700 m2 ở trung tâm TP. Biên Hòa làm bãi đậu xe

Lô "đất vàng" hai mặt tiền 5.700 m2 ở trung tâm TP. Biên Hòa được cải tạo làm bãi đậu xe miễn phí trong thời gian chờ đấu giá.

Khu đất vàng 5.700 m2 ở TP. Biên Hòa được dùng làm bãi giữ xe

Khu đất vàng 5.700 m2 ở TP. Biên Hòa được dùng làm bãi giữ xe

Những ngày qua, đơn vị thi công đang trồng cây xanh, làm vỉa hè, thảm nền để sớm hoàn thành bãi đậu xe rộng 5.700 m2 ở hai mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám và Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng.

Khu đất này trước đây là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Tỉnh. Sau khi bệnh viện được chuyển qua trụ sở mới ở đường Đồng Khởi, thửa đất trên được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh. Năm 2022, khu đất được đấu giá 158 tỷ đồng nhưng chưa bán được nên UBND TP. Biên Hòa đã đề xuất Tỉnh "mượn tạm" làm bãi đậu xe miễn phí cho người dân.

Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, sau khi bãi đậu xe hoàn thành, toàn bộ ôtô của các hộ kinh doanh, khách sạn, trường học và cơ sở tôn giáo khu vực lân cận sẽ được đậu miễn phí. Thành phố cũng cắm biển cấm đậu xe đoạn đường Võ Thị Sáu và Cách Mạng Tháng Tám gần bãi đậu xe, góp phần đảm bảo trật tự và mỹ quan.

Ngoài dùng làm bãi đậu xe đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khu đất trên cũng là địa điểm cho người dân đến tập thể dục và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quy mô phù hợp. Trước đó, nhiều khu đất vàng ở đường Phan Văn Trị (2.000 m2) và Hưng Đạo Vương (3.700 m2) cũng được chính quyền Biên Hòa cải tạo thành bãi đậu xe.

Theo lãnh đạo TP. Biên Hòa, sắp tới địa phương sẽ đề xuất UBND Tỉnh đưa khu đất này vào quy hoạch hệ thống công viên và bãi đậu xe của thành phố để phục vụ người dân. Ngoài ra, nhiều khu đất vàng khác sẽ được điều chỉnh quy hoạch làm công viên, bãi đậu xe tạo cảnh quan thoáng, không gian mở để phục vụ cộng đồng.

Thị trường bất động sản "đóng băng" khiến công tác đấu giá "đất vàng" ở Đồng Nai gặp khó khăn.

Sân bay Tân Sơn Nhất có công nghệ mới giảm 'delay' dịp Tết

Cửa ngõ khu vực phía Nam chính thức áp dụng mô hình phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không sân bay (A-CDM) từ ngày 1/2 để tối ưu hoá nguồn lực.

Khai thác mô hình A-CDM tại trung tâm điều phối ở sân bay Tân Sơn Nhất

Khai thác mô hình A-CDM tại trung tâm điều phối ở sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không đã có văn bản chấp thuận triển khai áp dụng chính thức mô hình phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không sân bay (A-CDM) tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/2.

Đây là một cột mốc rất quan trọng, đánh dấu thành công sau 3 năm nỗ lực của sân bay này và các bên tham gia như hãng hàng không, dịch vụ mặt đất, đơn vị quản lý bay...

Tân Sơn Nhất chính thức trở thành sân bay phối hợp ra quyết định (A-CDM) trên bản đồ sân bay trong khu vực và trên thế giới.

A-CDM được hiểu là quy trình đã thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay. A-CDM cung cấp nền tảng để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại sân bay nhằm quản lý tắc nghẽn tại sân bay, tăng hiệu quả lập kế hoạch khai thác, tối ưu hóa nguồn lực tại sân bay, nâng cao khả năng dự báo và nâng cao tính đúng giờ của chuyến bay.

Công nghệ này sẽ giúp giảm thiểu lãng phí sử dụng slot và quản lý luồng không lưu, đồng thời giảm thiểu ùn tắc trên sân đỗ và đường lăn và chi phí tiêu hao nhiên liệu do việc giảm thời gian lăn. Từ đó, hạn chế ảnh hưởng tác động môi trường, giảm tiếng ồn và khí thải CO2 trong khu vực sân bay.

Mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM) là xu thế chung của các sân bay lớn trên thế giới. Hiện nay, tại châu Âu đã có 32 sân bay triển khai thành công, 8 sân bay đang thử nghiệm triển khai.

Châu Á cũng có khoảng 19 sân bay triển khai A-CDM thành công như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), sắp tới là Kualalumpur (Malaysia), Philippines...

Hà Nội bố trí 6 điểm thuê xe công cộng trên đường dành riêng xe đạp

Từ 1/2, tuyến đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ chính thức khai thác.

Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại giao thông nhằm phục vụ người dân di chuyển bằng xe đạp. Ảnh minh hoạ.

Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại giao thông nhằm phục vụ người dân di chuyển bằng xe đạp. Ảnh minh hoạ.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, trên tuyến sẽ bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng, chờ xe buýt; 1 trạm xe đạp tại Ga S8 của Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (tại Ga Láng đã có 1 trạm xe đạp công cộng).

Loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào).

Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao (nút giao cầu Mọc, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, nút giao đường Láng - Lê Văn Lương; nút giao cầu 361; nút giao cầu Cót; nút giao cầu Yên Hòa).

Được biết, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung). Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, chiều rộng 3 m, bố trí phía sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1 m bố trí phía đường Láng.

Masan lãi gần 4 tỷ mỗi ngày từ mì gói, siêu thị, thịt heo, trà sữa

Tập đoàn Masan ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động kinh doanh từ hàng tiêu dùng, chuỗi Winmart, Meatdeli và Phúc Long trong năm 2023, tăng 40%.

Nhân viên siêu thị Winmart đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng

Nhân viên siêu thị Winmart đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng

Tập đoàn Masan (MSN) cho biết các thương hiệu Masan Consumer Holdings (MCH), WinComerce (WCM), Masan Meatlife (MML) và Phúc Long ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) khoảng 1.396 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022. Đây được xem là mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của doanh nghiệp này từ khi tái cấu trúc.

Ban lãnh đạo cho biết, kết quả trên đến từ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings và khả năng sinh lời tốt của WinCommerce dù tiêu dùng suy yếu.

Với MCH, mảng này có quý IV/2023 đạt kỷ lục lợi nhuận với mức tăng lãi sau thuế 30,5%. Việc luân chuyển sản phẩm có biên lợi nhuận cao và chiến lược giá đã đóng góp lớn cho kết quả này. Lũy kế cả năm, MCH ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 7.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA), lần lượt tăng 3% và 13%.

Còn ở chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, WCM ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022 nhờ tác động của việc mở cửa hàng mới, chuyển đổi và nâng cấp mô hình cho hơn 1.600 điểm bán sẵn có.

Với mảng thịt, Masan Meatlife báo doanh thu tăng 46% lên gần 7.000 tỷ đồng trong năm 2023. Từ lỗ, mảng này có lãi EBITDA 266 tỷ đồng.

Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 3% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Chuỗi trà và trà sữa này nâng khả năng sinh lời bằng cách tối ưu hóa số lượng ki-ốt. Năm vừa qua, EBITDA đạt 255 tỷ đồng, tăng 31%.

Tổng lại, Masan có hơn 78.250 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số giảm đến gần một nửa, về còn 1.950 tỷ đồng do phần đóng góp sụt giảm của mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials và Techcombank.

Năm nay, Masan dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 84.000 - 90.000 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290 - 4.020 tỷ đồng.

TP.HCM thí điểm 200 xe điện chở khách tham quan, du lịch khu nội đô

200 xe điện loại 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô TP.HCM gồm các quận 1, 4, 5 và 6 sẽ được thí điểm trong hai năm, bắt đầu từ quý 1 năm nay.

TP.HCM thí điểm 200 xe điện chở khách tham quan, du lịch khu nội đô

TP.HCM thí điểm 200 xe điện chở khách tham quan, du lịch khu nội đô

Ngày 30/1, UBND TP.HCM phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực Thành phố.

Theo quyết định, đơn vị được triển khai thí điểm là Công ty TNHH Saigon Public Transport với số lượng phương tiện hoạt động tối đa 200 xe.

Phương tiện là loại xe bốn bánh sử dụng năng lượng điện với số chỗ từ 5 - 14 chỗ. Thời gian hoạt động từ 6 - 24h hằng ngày, thí điểm trong hai năm (từ quý I/2024 đến hết năm 2025). Người lái phương tiện buộc phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và được tập huấn nghiệp vụ theo quy định của Bộ GTVT.

Phạm vi hoạt động được thực hiện trên các tuyến đường và trong giới hạn bởi các điểm, tuyến đường khu nội đô TP.HCM.

Cụ thể, phạm vi kết nối Quận 1 với Quận 4 gồm: Bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai- Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - Đoàn Văn Bơ- Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - bến Nhà Rồng.

Phạm vi kết nối Quận 5 với Quận 6 bao gồm đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.

Năm 2023, GELEX báo lãi gần 1.400 tỷ đồng

Kết thúc năm 2023, GELEX công bố kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất đạt 29.998 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, đạt 80% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.398 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch.

Dự án Industrial Centre Yên Phong 2C tiên phong tạo lập nền tảng cho khu công nghiệp định hướng xanh và bền vững tại Việt Nam

Dự án Industrial Centre Yên Phong 2C tiên phong tạo lập nền tảng cho khu công nghiệp định hướng xanh và bền vững tại Việt Nam

Trong đó, điểm sáng về kết quả kinh doanh được ghi nhận cho mảng bất động sản; mảng thiết bị điện cũng ghi nhận kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.

Nổi bật là việc thông qua hợp tác với đối tác Fraser Property, GELEX gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất để triển khai các dự án nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.

Trong năm qua, để bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển, GELEX đã chủ động tái cơ cấu một số tài sản và khoản đầu tư trong hệ thống khi cần thiết nhằm bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu chiến lược. GELEX đã đạt được thỏa thuận với Sembcorp - Tập đoàn hàng đầu Singapore trong việc mua lại phần lớn cổ phần trong danh mục năng lượng tái tạo 245 MW của GEX.

Kết thúc 2023, tổng tài sản hợp nhất của GELEX là 55.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 21.225 tỷ đồng.

Chuyên đề