Bản tin thời sự sáng 31/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận CPI tháng 1/2022 tăng 0,19%; Công an Hà Nội cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng dịp Tết; Huế phục dựng 'đấu trường voi hổ' dưới triều Nguyễn; đề xuất cơ chế chuyển tiếp cho dự án điện gió, mặt trời lỡ hẹn giá FIT…

CPI tháng 1/2022 tăng 0,19%

Nhu cầu mua sắm tăng cao trong tháng giáp Tết Nguyên đán, cùng giá xăng dầu tăng khiến CPI tháng đầu năm 2022 tăng 0,19% so tháng 12/2021.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận).

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận).

Thông tin này vừa được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng đầu tiên của năm nay tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Theo GSO, tháng 1 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới cũng là những yếu tố làm cho CPI tăng.

Giá vàng trong nước cũng tăng theo thị trường thế giới, với chỉ số giá vàng tháng 1 tăng 1,08% so với tháng trước. Chỉ số giá đôla Mỹ giảm 0,32% so với tháng trước và giảm 0,73% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát là một trong những vấn đề được chú ý của năm nay. Theo giới phân tích, khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam khó tránh khỏi làn sóng này.

Công an Hà Nội cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng dịp Tết

Công an Hà Nội khuyên người dân cần vay tiền nên trực tiếp tới trụ sở, chi nhánh ngân hàng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.

Công an Hà Nội cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng dịp Tết Nguyên đán

Công an Hà Nội cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng dịp Tết Nguyên đán

Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang điều tra vụ một người phụ nữ bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua ứng dụng vay tiền online.

Trước đó, Công an phường Phúc Đồng (Long Biên) nhận trình báo của chị N. (người địa phương) về việc bị một người gọi điện và tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Người này bảo chị N. kết bạn trên mạng xã hội và tải app vay tiền theo đường dẫn nếu có nhu cầu vay tiền online. Sau khi chuyển 30 triệu đồng tiền đóng phí để giải ngân khoản vay nhưng không nhận được tiền, người phụ nữ phát hiện bị lừa và trình báo công an.

Công an Hà Nội khuyến cáo thời điểm cận Tết, nhiều kẻ xấu lợi dụng nhu cầu vay tiền để chi tiêu của người dân nên giả danh cán bộ ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội.

Những lời mời chào vay vốn với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí để giải ngân có thể là bẫy của kẻ lừa đảo. Nếu cần vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi bản thân.

Huế phục dựng 'đấu trường voi hổ' dưới triều Nguyễn

Đấu trường "Hổ Quyền" nơi diễn ra các trận chiến giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn, đang dần được phục dựng, tạo thành địa chỉ tham quan độc đáo của xứ Huế.

Đấu trường Hổ Quyền được thiết kế hình vành khăn kiểu đấu trường La Mã

Đấu trường Hổ Quyền được thiết kế hình vành khăn kiểu đấu trường La Mã

Đấu trường "Hổ Quyền" nằm ở thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP. Huế. Đây là nơi xưa kia triều Nguyễn tổ chức các trận đánh giữa voi và hổ để vừa huấn luyện tượng binh vừa phục vụ nhu cầu giải trí của vua, quan. Các con hổ trước khi được tung vào đấu trường đều bị bẻ răng nanh.

Hổ Quyền khởi công xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng, kiến trúc hình vành khăn với hai vòng thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,8 m, vòng thành ngoài cao 4,75 m, dày trung bình 4,5 m...

Khán đài bố trí vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ. Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.

Để hồi sinh đấu trường này, cuối năm 2019, Trung tâm Di tích cố đô Huế đã tiến hành trùng tu với các hạng mục như hệ thống tường thành, bậc cấp, hệ thống ròng rọc gỗ mở cửa các chuồng hổ. Việc trùng tu đến nay đã hoàn thành.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau khi giải phóng mặt bằng, khu vực này sẽ tạo cảnh quan với hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe để phục vụ việc tham quan; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ đồng.

Đề xuất cơ chế chuyển tiếp cho dự án điện gió, mặt trời lỡ hẹn giá FIT

Dự án điện gió, mặt trời chưa kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá FIT ưu đãi, sẽ có cơ chế chuyển tiếp là đàm phán giá mua bán điện trực tiếp với EVN.

Một dự án điện gió tại Sóc Trăng không kịp vận hành COD đúng hạn

Một dự án điện gió tại Sóc Trăng không kịp vận hành COD đúng hạn

Đây là đề xuất được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, về cơ chế xác định giá bán điện gió, mặt trời với các dự án chuyển tiếp.

Cơ quan này cho biết, nhiều dự án điện gió, mặt trời trong quy hoạch điện lực, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và các nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực này, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không kịp mốc thời gian được hưởng cơ chế giá FIT. Với điện gió là dự án không kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021 để hưởng giá FIT, còn điện mặt trời là trước 31/12/2020.

Cho rằng cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với EVN để xác định giá mua bán điện. Giá đàm phán nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Điều kiện là các dự án có trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư tính đến 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng giá FIT theo Quyết định 13, 39.

Bộ này cũng đề nghị được giao xây dựng, ban hành Thông tư về phương pháp xây dựng khung giá phát điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án nhà máy điện gió, mặt trời thuộc diện chuyển tiếp.

Từ năm 2011 đến hết 31/10/2021 đã có 84 dự án, phần dự án vận hành thương mại (COD), tổng công suất hơn 3.980 MW. Trong số này, 15 dự án COD một phần, công suất 325,15 MW. Số còn lại chưa có COD là 1.031,1 MW.

Doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2022 khởi sắc

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2022 có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 343,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2022 là 536,1 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, theo khu vực kinh tế, tháng 1/2022 có 223 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 28,2% so với tháng 1/2021; 3.295 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 19,9%; 9.486 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 32,3%.

Tuy vậy, trong tháng 1/2022, có gần 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021.

Công an Sóc Trăng thu thập hồ sơ liên quan cây cầu 125 tỷ đồng

Công an tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ liên quan đến Dự án cầu Dù Tho (Sóc Trăng), sau khi nhận được thông tin tố giác hành vi tham ô tài sản tại dự án có tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng này.

Dự án cầu Dù Tho bị tố giác có hành vi tham ô tài sản

Dự án cầu Dù Tho bị tố giác có hành vi tham ô tài sản

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Ban Quản lý dự án 2 yêu cầu cung cấp thông tin giải quyết tố giác liên quan đến hạng mục xây dựng cầu Dù Tho.

Động thái này của công an xuất phát từ việc cơ quan này nhận được nguồn tin tố giác tội phạm tham ô tài sản xảy ra tại Dự án cầu Dù Tho.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan các hạng mục của cầu Dù Tho bao gồm: Quyết định về chủ trương đầu tư kèm theo báo cáo đầu tư xây dựng công trình, Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, các văn bản thẩm định, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, hồ sơ mời thầu, hồ sơ đấu thầu, văn bản trúng thầu hoặc chỉ định thầu... Thời gian cung cấp về Cơ quan CSĐT chậm nhất vào ngày 10/2.

Cầu Dù Tho nằm trong dự án đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng đến huyện Mỹ Xuyên, được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 12/10/2020. Tuyến đường có có tổng chiều dài hơn 25 km, tổng mức mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, trong đó, cầu Dù Tho có tổng mức đầu tư khoảng 125 tỷ đồng.

Chuyên đề