Bản tin thời sự sáng 30/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công nhân Pouyuen mất việc nhận bình quân 133 triệu đồng; sân vận động Long An sẽ được đấu giá hơn 1.800 tỷ đồng; giá USD ngân hàng tiếp tục đi lên; đề xuất tăng hơn 1.600 tỷ đồng đầu tư cầu Rạch Miễu 2 do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng…

Công nhân Pouyuen mất việc nhận bình quân 133 triệu đồng

Công ty Pouyuen Việt Nam (TP.HCM) chi khoảng 165 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1.200 công nhân mất việc, bình quân mỗi người nhận 133 triệu đồng, cao nhất trong các lần cắt giảm.

Công nhân công ty Pouyuen, quận Bình Tân sau giờ làm

Công nhân công ty Pouyuen, quận Bình Tân sau giờ làm

Khoản hỗ trợ được xác định sau khi Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 1.200 công nhân vào cuối tuần qua. Người nhiều nhất được khoảng 370 triệu đồng, mức thấp nhất 18,8 triệu đồng thuộc nhóm công nhân mới vào nhà máy.

Trước đó, báo cáo với ngành chức năng, Công ty Pouyuen cho biết đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng nên phải giảm lao động lần thứ ba trong năm nay. Chế độ cho người bị cắt giảm tương tự như hai lần trước.

So với hai lần trước, đợt cắt giảm ở Pouyuen lần này ít lao động hơn nên tổng số tiền chi trả thấp, song mức bình quân lao động nhận được lại cao nhất. Cụ thể, ở đợt đầu năm, con số này là 116 triệu đồng, đợt hai là 130 triệu đồng.

Trong 3 lần cắt giảm gần đây, Pouyuen chi tổng cộng 1.129 tỷ đồng hỗ trợ hơn 9.200 lao động mất việc. Người nhận cao nhất gần nửa tỷ đồng.

Pouyuen thuộc Tập đoàn Quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, là công ty đông lao động nhất ở TP.HCM. Từ khi hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996 đến nay, Công ty đã có 4 lần giảm lao động quy mô hơn chục nghìn người. Ngoài 3 lần từ đầu năm đến nay, hồi tháng 6/2020, Công ty cho hơn 2.800 lao động nghỉ việc.

Sau nhiều lần giảm lao động, đến nay nhân sự Công ty còn khoảng 40.000 người, giảm gần một nửa so với lúc cao điểm.

Sân vận động Long An sẽ được đấu giá hơn 1.800 tỷ đồng

Sân vận động Long An sau 39 năm sử dụng đã xuống cấp, sẽ được bán đấu giá với số tiền dự kiến hơn 1.800 tỷ đồng.

Sân vận động Long An hiện nay

Sân vận động Long An hiện nay

Thông tin được UBND tỉnh Long An cho biết ngày 29/8. Trước đó, HĐND Tỉnh đã thông qua đề án bán đấu giá tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không còn nhu cầu sử dụng của các cơ quan tổ chức, đơn vị cấp tỉnh.

Theo đề án này, giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Long An sẽ bán 27 cơ sở, nhà đất, tổng số tiền dự kiến thu được khoảng trên 5.100 tỷ đồng.

Hai năm tới, Tỉnh sẽ tổ chức bán đấu giá 4 trụ sở cơ quan cũ tại TP. Tân An gồm Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Thanh tra Xây dựng và sân vận động Tỉnh với tổng số tiền hơn 1.900 tỷ đồng (riêng sân vận động dự kiến thu hơn 1.822 tỷ đồng). Số tiền ngân sách này được quản lý, sử dụng ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng mới Khu trung tâm chính trị - hành chính Tỉnh, Khu phức hợp thể dục thể thao, Bảo tàng - Thư viện Tỉnh.

Sân vận động Long An bao gồm Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao - Trường thể dục thể thao rộng gần 75.000 m2 được xây dựng từ 39 năm trước, sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Qua nhiều năm, đến nay công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Giá USD ngân hàng tiếp tục đi lên

Giá USD tăng ngày thứ ba liên tiếp lên 24.300 đồng, mức cao nhất từ đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn 2% so với đợt cao điểm tháng 10 năm ngoái.

Giá USD ngân hàng tiếp tục đi lên

Giá USD ngân hàng tiếp tục đi lên

Ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.963 đồng, tăng nhẹ 3 đồng so với ngày 27/8. Với biên độ 5%, giá USD tại các ngân hàng được phép giao dịch trong vùng 22.764 - 25.161 đồng.

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 29/8 cũng tăng nhẹ giá bán USD thêm 3 đồng lên 25.111 đồng và giữ nguyên chiều mua 23.400 đồng.

Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sáng 29/8 tiếp tục tăng mạnh, cao hơn 40 - 70 đồng so với cuối ngày hôm qua. Theo đó, tỷ giá chính thức đã tăng hơn 2,5% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn khoảng 2,2% so với cao điểm tháng 10 năm ngoái.

Cụ thể, tại Vietcombank, giá mua bán USD sáng 29/8 tăng thêm 70 đồng lên 23.960 - 24.330 đồng. Tại Eximbank, tỷ giá niêm yết là 23.930 - 24.330 đồng, tăng 40 đồng so với cuối ngày 28/8.

Trên thị trường tự do, giá USD tăng nhẹ 30 đồng cả hai chiều, lên 24.100 - 24.200 đồng. Giá USD mua vào tại các điểm thu đổi ngoại tệ hiện chênh lệch không đáng kể so với ngân hàng, sau khi các nhà băng liên tục điều chỉnh tỷ giá từ chiều 28/8 đến sáng 29/8.

Đề xuất tăng hơn 1.600 tỷ đồng đầu tư cầu Rạch Miễu 2 do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị tăng tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 hơn 1.600 tỷ đồng do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB).

Thi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2

Thi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Bộ GTVT cho biết, thực hiện chủ trương đầu tư Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các thủ tục liên quan của Dự án đã được hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là hơn 3.000 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 303 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 1.279 tỷ đồng; chi phí dự phòng là gần 562 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, từ thời điểm khởi công (3/2022) đến nay, khối lượng thực hiện của toàn Dự án cầu Rạch Miễu 2 đạt hơn 845 tỷ đồng, đạt 25,5% giá trị hợp đồng đã ký.

Công tác GPMB được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được gần 4/7,95 km (đạt hơn 49%); tỉnh Bến Tre đã bàn giao được 9,35/9,65 km (đạt gần 97%).

Đến nay, các tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá bồi thường và áp giá. Kết quả thực hiện cho thấy, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có biến động lớn làm tăng hơn 1.964 tỷ đồng, dẫn đến vượt tổng mức đầu tư được duyệt của Dự án.

Nguyên nhân tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chủ yếu do biến động về đơn giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến. Đây là nguyên nhân khách quan, ngoài dự kiến nên theo quy định của Luật Xây dựng sẽ được phép điều chỉnh dự án đầu tư.

Tổng mức đầu tư của Dự án cầu Rạch Miễu 2 được đề xuất điều chỉnh là hơn 6.810 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. So với quyết định trước đó, tổng mức đầu tư tăng hơn 1.600 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án được kiến nghị điều chỉnh đến năm 2026 thay vì năm 2025 như phương án được duyệt trước đó.

Phát triển đô thị Kinh Bắc bị phạt vì "giấu" thông tin

Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 85 triệu đồng vì không gửi thông tin sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

KBC bị xử phạt 85 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định

KBC bị xử phạt 85 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định

Cụ thể, Kinh Bắc đã không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tài liệu bao gồm Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.

Bên cạnh đó, Công ty cũng không công bố thông tin không đúng thời hạn cho HNX các tài liệu như Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã được soát xét, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021.

Do vậy, Kinh Bắc bị phạt 85 triệu đồng do có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Hiện tại, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc đang là cổ đông sở hữu lượng cổ phiếu KBC lớn nhất với hơn 138,6 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 18% tổng số cổ phần.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét mới công bố, doanh thu thuần của Công ty đạt 4.550 tỷ đồng, tăng 277 tỷ đồng so với báo cáo Công ty tự lập. Giá vốn cũng vì vậy điều chỉnh tăng 122 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp tăng 156 tỷ đồng so với trước soát xét, lên mức 1.352 tỷ đồng.

Đồng Nai lại đề xuất xây cầu Cát Lái trước năm 2025

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản cho ý kiến gửi UBND TP.HCM về phương án kết nối giao thông giữa TP.HCM với Đồng Nai. Theo đó, để sớm xóa bỏ phà Cát Lái hiện nay đã quá tải, Đồng Nai tiếp tục đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái trong giai đoạn năm 2021 - 2025.

Phà Cát Lái nối giữa TP.HCM và Đồng Nai

Phà Cát Lái nối giữa TP.HCM và Đồng Nai

Theo đó, Đồng Nai thống nhất với TP.HCM về hướng tuyến của cầu Cát Lái và quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch với quy mô 6 làn xe.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng thống nhất bổ sung cầu Đồng Nai 2 (kết nối từ đường Vành đai 3 - TP.HCM tại nút giao Gò Công thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức kết nối với tuyến Đường tỉnh 777B thuộc xã Tam An, huyện Long Thành) và cầu Phú Mỹ 2 (kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc kết nối sang huyện Nhơn Trạch, đi cắt ngang Khu dân cư Phú Hữu) vào Quy hoạch Tỉnh với quy mô 6 làn xe và giai đoạn đầu tư 2026 - 2030.

Đề xuất làm đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải về việc bổ sung đường cao tốc nối Quảng Ngãi với Kon Tum.

Đề xuất xây dựng cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum. Ảnh minh họa

Đề xuất xây dựng cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum. Ảnh minh họa

Tuyến đường dự kiến dài 136 km, được thiết kế 4 làn xe, nền đường rộng 22 - 25 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Điểm đầu Dự án nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) tại thị xã Đức Phổ.

Điểm cuối giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum) - Pleiku (Gia Lai) tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Phạm vi Dự án đi qua khu du lịch Măng Đen tỉnh Kon Tum, nơi được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ” với khí hậu mát mẻ, cuốn hút du khách.

Truy quét vàng tặc ở Bồng Miêu

Sáng 29/8, ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, một tuần qua, tổ liên ngành của Xã đã tiến hành nhiều đợt truy quét những người đào vàng trái phép tại các khu vực Núi Kẽm, Đồi Sim, Thác Trắng, Đập Thải, Bãi Thầu Đâu, Hố Ba Liên...

Công an xã Tam Lãnh phá bỏ lán trại của những người làm vàng trái phép

Công an xã Tam Lãnh phá bỏ lán trại của những người làm vàng trái phép

Lực lượng chức năng tiêu hủy 9 hồ chứa hóa chất, 6 máy nổ, 1 máy bơm hơi, 2 máy phát điện, 1.000 m2 bạt, 2.000m dây nước. "Công an xã tiếp tục triển khai các chốt kiểm soát, yêu cầu người dân nhanh chóng rời khỏi khu vực để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu", ông Sự nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, từ đầu năm đến nay, chính quyền Xã đã tổ chức 31 đợt truy quét, xử lý những người khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 2 người với tổng số tiền 120 triệu đồng; tiêu hủy 75 hồ ngâm ủ hóa chất, 1.950 m dây diện, 6.400 m2 bạt, 42 máy nổ, 50 lán trại, hai máy bơm nước, 230 lít dầu diezen, 150 bao vôi, 8 cối xay, 4 máy phát điện; đưa ra khỏi khu vực mỏ hơn 300 lượt người.

Ông Nguyễn Văn Sự lý giải, dù truy quét nhiều lần, tình trạng khai thác vàng vẫn diễn ra vì địa bàn Xã rộng, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, truy quét, xử lý quá mỏng. Xã Tam Lãnh đã đề nghị UBND huyện tăng cường lực lượng truy quét để đóng cửa mỏ đúng kế hoạch.

Mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác, giấy phép hết hạn năm 2016. Năm 2018, tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty.

Chuyên đề