Bản tin thời sự sáng 30/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc; Quảng Nam chuyển công an điều tra 4 gói thầu với AIC; tiêu thụ điện tại TP.HCM dự báo cao kỷ lục; nhà đầu tư tại VNDirect có thể giao dịch lại từ đầu tuần sau; Hà Nội dành 5.500 tỷ đồng nâng cấp Đường 70 Hà Đông - Văn Điển…

Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc

Ngoài 2 thành phố phía Bắc và phía Tây đã được phê duyệt, Hà Nội đề xuất nghiên cứu thêm thành phố phía Nam và khu vực Sơn Tây - Ba Vì.

Phương án sắp xếp và tổ chức không gian trên địa bàn Hà Nội, theo Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phương án sắp xếp và tổ chức không gian trên địa bàn Hà Nội, theo Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được HĐND TP. Hà Nội thông qua ngày 29/3, UBND Thành phố đề xuất thêm nhiều điểm mới so với tờ trình trước đó.

Cụ thể, Hà Nội đưa ra quan điểm thủ đô là đô thị đặc biệt, bao gồm không gian đô thị trung tâm và không gian ngoài đô thị trung tâm, gồm cả khu vực đô thị và nông thôn được tổ chức theo mô hình thành phố thuộc thủ đô, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...

Theo đó, Hà Nội định hướng sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng cân đối với đô thị phía Nam.

Để thực hiện, Hà Nội dự kiến xây dựng trung tâm hành chính mới và trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm vui chơi giải trí ở khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng, trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài là đô thị thông minh - kết nối toàn cầu.

Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có 2 thành phố trực thuộc là thành phố khoa học và đào tạo Hòa Lạc và thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm 2 thành phố: thành phố du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì và thành phố sân bay phía Nam ở Phú Xuyên - Ứng Hòa khi có sân bay thứ hai vùng Thủ đô.

Trước mắt, Hà Nội ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, 2 thành phố còn lại sẽ được nghiên cứu hình thành thêm. Các thành phố này được coi là vùng phát triển đặc thù nên cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.

Với kế hoạch này, Hà Nội định hướng phát triển 5 vùng đô thị tương ứng 4 thành phố trên và 1 đô thị trung tâm.

Quảng Nam chuyển công an điều tra 4 gói thầu với AIC

Thanh tra tỉnh Quảng Nam chuyển hồ sơ sai phạm của 4 gói thầu thiết bị dạy ngoại ngữ do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện cho công an điều tra.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam là Chủ đầu tư 4 gói thầu trang thiết bị dạy học ngoại ngữ

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam là Chủ đầu tư 4 gói thầu trang thiết bị dạy học ngoại ngữ

Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, phát hiện nhiều sai phạm với 4 gói thầu thiết bị dạy ngoại ngữ, do Công ty AIC thực hiện.

Năm 2011 - 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam làm Chủ đầu tư 4 gói thầu trang thiết bị dạy học ngoại ngữ do AIC cung cấp, trị giá gần 38 tỷ đồng. Các gói thầu được Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Cơ quan thanh tra xác định, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là không đúng quy định tại Luật Đấu thầu 2013. Khi thực hiện, Sở không có quyết định mua sắm được phê duyệt; trình duyệt giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đề xuất giá hàng hóa trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu chỉ căn cứ thông tin chứng thư thẩm định giá.

Sở Tài chính không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong 4 gói thầu, 1 gói thầu hơn 14 tỷ đồng được thẩm định dựa trên thông tin liên hệ qua điện thoại, email của một nhà cung cấp.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam phê duyệt hồ sơ mời thầu không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu theo quy định.

Việc này dẫn đến các thiết bị của 4 gói thầu do AIC thực hiện không đúng nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo hợp đồng. Một số trang thiết bị dạy học ngoại ngữ ký kết hợp đồng có nguồn gốc Singapore nhưng khi lắp đặt là hàng của Trung Quốc.

Cơ quan thanh tra cho rằng, ông Hà Thanh Quốc, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng tổ nghiệm thu bàn giao phải chịu trách nhiệm về các sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,8 tỷ đồng.

Hơn 2 năm qua, AIC liên tiếp bị điều tra các sai phạm về vi phạm đấu thầu ở các đơn vị, địa phương, như: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế Quảng Ninh, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM...

Tiêu thụ điện tại TP.HCM dự báo cao kỷ lục

Do hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ của TP.HCM được dự báo lập kỷ lục mới trong tháng 4 và 5 với trên 95 triệu kWh mỗi ngày.

Công nhân Điện lực TP.HCM làm việc trên đường dây ở TP. Thủ Đức

Công nhân Điện lực TP.HCM làm việc trên đường dây ở TP. Thủ Đức

Đây là thông tin vừa được ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) dự báo.

Năm 2023, ngày tiêu thụ điện cao nhất của Thành phố đạt 90,4 triệu kWh. Tuy nhiên, mức đỉnh này đã bị vượt qua khi ngày tiêu thụ cao nhất quý I/2024 là ngày 26/3 với 92,46 triệu kWh.

Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới do thời tiết nắng nóng gay gắt ngay từ tháng 3, với nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước từ 1 - 1,5 độ C, do hiện tượng El Nino. "Hóa đơn điện tháng 3 này của khách hàng có thể nhiều hơn tương đối so với các tháng trước", ông Kiên nhận định.

Tháng 4 và 5 cũng là giai đoạn mùa khô tại TP.HCM. Theo quy luật thời tiết, đây cũng là cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 - 40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả ban đêm. Do vậy, nhu cầu dùng điện tăng, chủ yếu do sử dụng nhiều thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.

Quý I/2024, tiêu thụ điện của TP.HCM đạt 6,9 tỷ kWh, tăng 9,45% so với cùng kỳ 2023. Bình quân mỗi ngày, địa phương này tiêu thụ 78,13 triệu kWh, cao hơn 12,02%. Tiêu thụ điện sinh hoạt tại TP.HCM chiếm gần một nửa tổng sản lượng và có mức tăng gần 12%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm ngoài sinh hoạt.

Theo EVNHCMC, hệ thống điện Thành phố hiện có độ dự phòng về công suất 40 - 60% tùy theo cấp điện áp, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu dùng điện theo tất cả kịch bản tăng trưởng tiêu thụ.

Nhà đầu tư tại VNDirect có thể giao dịch lại từ đầu tuần sau

VNDirect cho biết đang hoàn tất thủ tục để kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán, dự kiến nhà đầu tư có thể giao dịch chứng khoán, rút - nhận tiền từ 1/4.

VNDirect là một trong những thành viên lớn nhất của thị trường chứng khoán

VNDirect là một trong những thành viên lớn nhất của thị trường chứng khoán

Trong thông báo sáng 29/3, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, đã kiểm tra thực hiện giao dịch chứng khoán, rút - nhận tiền thành công trên môi trường giả lập vào tối 28/3.

Công ty đang hoàn tất thủ tục với Cơ quan Quản lý an toàn an ninh thông tin để kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán. Nếu việc kết nối thông suốt, nhà đầu tư mở tài khoản tại đây có thể giao dịch trở lại từ đầu tuần sau (ngày 1/4).

Việc đưa hệ thống giao dịch trở lại là giai đoạn hai trong các bước khôi phục hệ thống của VNDirect, sau cuộc tấn công của tin tặc vào cuối tuần trước. Tính tới hôm nay, nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán này đã đứng ngoài thị trường 5 ngày, không thể giao dịch chứng khoán hay thực hiện rút, nộp tiền.

Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, Công ty sẽ đưa ra chính sách tri ân nhà đầu tư, bởi sự tin tưởng, đồng hành trong thời gian hệ thống giao dịch của doanh nghiệp này gặp sự cố.

"Đối diện với sự cố ngoài mong muốn, chúng tôi hiểu rằng việc gián đoạn giao dịch đã và đang ảnh hưởng đến khách hàng", lãnh đạo VNDirect nói, và thừa nhận "không tránh khỏi sự bất ngờ" trước cuộc tấn công của tin tặc.

Cuối tuần trước, Chứng khoán VNDirect thông báo, hệ thống của họ bị một tổ chức quốc tế tấn công. Các công ty thành viên và liên quan của VNDirect cũng bị ảnh hưởng tương tự. Đến nay, khách hàng tại VNDirect chỉ được tra thông tin tài khoản, còn hệ thống giao dịch, rút tiền và các dịch vụ khác vẫn gián đoạn.

VNDirect là một trong những thành viên lớn nhất thị trường. Năm ngoái, công ty này đứng thứ ba về thị phần môi giới trên sàn HoSE, với 7,01%. Quy mô thị phần chỉ đứng sau SSI và VPS. Tới cuối năm 2023, Công ty quản lý hơn 83.000 tỷ đồng tài sản và các khoản phải trả về tài sản của khách hàng.

Hà Nội dành 5.500 tỷ đồng nâng cấp Đường 70 Hà Đông - Văn Điển

Nhận định Đường 70 đoạn Hà Đông - nút giao Tứ Hiệp là tuyến trọng yếu nhưng đã xuống cấp nặng nề, Hà Nội thống nhất dành gần 5.500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến đường này giai đoạn 2024 - 2028.

Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển chạy qua nhiều trường học, bệnh viện lớn nhưng đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng

Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển chạy qua nhiều trường học, bệnh viện lớn nhưng đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025 cấp thành phố.

Theo đó, trong số 27 dự án được UBND Thành phố trình, các đại biểu đã biểu quyết thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án, bao gồm 3 dự án nhóm A.

Dự án thứ nhất là cải tạo, nâng cấp Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp. Theo đó, Thành phố dự kiến xây dựng tuyến đường dài 7,08 km, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu nối với Khu đô thị Văn Quán, điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì.

Tuyến đường này dự kiến kết nối đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.484 tỷ đồng, nguồn ngân sách thành phố.

Ngoài xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình, Dự án được đầu tư thêm 3 cầu trên tuyến, bao gồm: xây mới cầu vượt sông Tô Lịch và Quốc lộ 1A, xây mới cầu qua sông Hòa Bình, mở rộng cầu Tó qua sông Tô Lịch.

Để thực hiện, Hà Nội tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành một dự án thành phần với vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, Chủ đầu tư là UBND quận Hà Đông.

Theo tính toán, để thi công dự án trên, huyện Thanh Trì có khoảng 200 hộ dân cần di dời với tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 41.300 m2, trong khi quận Hà Đông có 193 hộ với tổng diện tích 6.163 m2 đất bị thu hồi.

"Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã tính toán áp dụng đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng đất ở cho các hộ này theo đề nghị, yêu cầu, nguyện vọng của chính quyền địa phương và cao sát giá thị trường nên việc giải phóng mặt bằng sẽ không gặp nhiều khó khăn", UBND TP. Hà Nội cho biết.

TP.HCM phục dựng tượng đài Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn

Thành phố sẽ phục dựng 2 tượng đài, trong đó tượng Trần Nguyên Hãn được đúc khuôn phục vụ tạo thêm bản sao, ngoài bản gốc được lưu giữ, trưng bày.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành bị rơi mất chân phải trước khi được di dời để xây nhà ga metro năm 2014

Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành bị rơi mất chân phải trước khi được di dời để xây nhà ga metro năm 2014

Việc phục dựng tượng vua Lê Lợi và tướng Trần Nguyên Hãn vừa được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chấp thuận, sau đề xuất của Sở Văn hoá và Thể thao.

Trong đó, tượng vua Lê Lợi khi được phục dựng nguyên trạng sẽ bàn giao cho UBND Quận 6 trưng bày, tuỳ theo vị trí địa phương này đề xuất. Riêng tượng Trần Nguyên Hãn, bản cũ được bảo quản, lưu trữ sau khi hoàn thành. Ngoài ra, tượng sẽ được đúc khuôn, tạo bản sao âm bản nhằm phục vụ đúc tượng mới khi có yêu cầu từ chính quyền Thành phố.

Tượng vua Lê Lợi trước đây đặt tại vòng xoay Cây Gõ, giáp Quận 6 và 11. Từ năm 2013, tượng được dời về bảo quản tại công viên Phú Lâm, Quận 6 nhằm phục vụ thi công cầu vượt thép ở nút giao nêu trên.

Theo Sở Văn hoá và Thể thao, tổng thể tượng đài còn nguyên vẹn, mặt ngoài có dấu hiệu bị phong hoá nhẹ, một số vị trí nứt cục bộ... Tuy nhiên, Sở đánh giá tượng có kết cấu vững chắc và đủ điều kiện tái lập. Sau khi dời đến vị trí cần phục dựng, tượng sẽ được bơm xử lý các vết nứt, chống thấm, cùng biện pháp bảo quản chuyên sâu những điểm hư hỏng để phục dựng toàn bộ bề mặt bị phong hóa.

Riêng tượng Trần Nguyên Hãn, sau khi dời từ vòng xoay trước chợ Bến Thành, Quận 1, đến công viên Phú Lâm năm 2014, tổng thể công trình không còn nguyên vẹn, nhiều hư hỏng lớn như: tay phải bị gãy, chân phải bị mất, 4 chân ngựa không thể đứng...

Sở Văn hoá và Thể thao cho biết, do kết cấu tượng rỗng, sau thời gian dài cốt thép bên trong đã gỉ sét. Việc xử lý hư hỏng phức tạp, nhiều chi phí. Trường hợp phục dựng rồi đặt trên bệ cao, gió lớn cũng gây mất an toàn và tốn kém chi phí bảo trì hàng năm... Do vậy, Sở đề xuất di dời tượng Trần Nguyên Hãn về lưu trữ và tiến hành tu bổ, bảo quản tại chỗ rồi đúc khuôn theo bản gốc, nhằm tạo bản sao và thay thế tượng đài hiện hữu bằng tượng có kết cấu bền vững hơn (đúc đồng, tạc đá...) khi được cấp thẩm quyền cho phép.

Phạt loạt doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát vì trái phiếu

Không công bố đúng hạn các tài liệu về trái phiếu, An Đông và loạt công ty trong nhóm Vạn Thịnh Phạt bị phạt hành chính.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt loạt doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt loạt doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định xử phạt hành chính với Tập đoàn Đầu tư An Đông - pháp nhân "lõi" trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát - liên quan đến phát hành trái phiếu.

Trong đó, An Đông bị phạt 92,5 triệu đồng do không gửi công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), gồm báo cáo tài chính, các báo cáo về tình hình sử dụng vốn, thanh toán gốc, lãi trái phiếu... Công ty này đồng thời cũng gửi các tài liệu tương tự giai đoạn 2021 - 2022 không đúng hạn.

An Đông là một trong những doanh nghiệp có liên quan tới vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số công ty, tổ chức thành viên. Nhóm này bị cáo buộc gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân giai đoạn năm 2018 - 2019.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm đã có hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật để tạo lập 25 gói trái phiếu, tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Cùng với An Đông, Ủy ban Chứng khoán còn ra 9 quyết định xử phạt hành chính khác trong giai đoạn nửa cuối tháng 3, với chung mức phạt 92,5 triệu đồng.

Trong số này, một số doanh nghiệp khác trong nhóm Vạn Thịnh Phát cũng bị xử phạt như: Đầu tư Quang Thuận, Đầu tư và Phát triển Phú Châu, Thiết kế và Trang trí nội thất Norah.

Một số công ty khác như Đại Phú Hòa, Bách Hưng Vương, Osaka Garden, Đầu tư Sun Valley, Hoa Phú Thịnh cũng bị xử phạt hành chính với lý do tương tự nhóm Vạn Thịnh Phát, do không gửi công bố thông tin định kỳ cho HNX.

Điểm chung của nhóm doanh nghiệp này là từng phát hành trái phiếu liên quan cho một dự án bất động sản tại phường An Phú, TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư