Bản tin thời sự sáng 30/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là GDP năm 2023 tăng 5,05%; VN-Index chốt năm tăng 12%; thông xe đèo Prenn ở cửa ngõ Đà Lạt trong 5 ngày; kỷ luật cảnh cáo cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên và cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thưởng Tết cao nhất TP.HCM hơn 2 tỷ đồng…

GDP năm 2023 tăng 5,05%

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế năm nay tăng trưởng 5,05%, thấp hơn mục tiêu 6,5%, trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, nhiều nước tăng trưởng thấp.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp đạt 3,02%

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp đạt 3,02%

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn quý IV các năm 2012 - 2013 và 2020 - 2022.

Như vậy, GDP năm nay tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. "Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", bà Hương nói.

Với đà tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối năm 2023. GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm ngoái. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022.

CPI bình quân quý IV tăng 3,54% so với quý trước. Tính chung, CPI năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%).

Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 62%. Theo Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào đà đi lên của dịch vụ. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,82% so với năm trước và cao hơn các năm 2020 - 2021.

Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 3,02%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% - mức thấp nhất 13 năm.

Xuất nhập khẩu đạt 693 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm ngoái nhưng là kết quả của nhiều nỗ lực mở rộng thị trường mới, xúc tiến thương mại trong bối cảnh cầu thế giới giảm sâu. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.

VN-Index chốt năm tăng 12%

Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên 29/12 tăng chỉ 1 điểm lên sát 1.130 điểm, tăng 12% so với cuối năm ngoái.

VN-Index chốt phiên 29/12 ở 1.129,93 điểm, tăng 1 điểm so với phiên trước đó

VN-Index chốt phiên 29/12 ở 1.129,93 điểm, tăng 1 điểm so với phiên trước đó

Trong phiên giao dịch cuối năm, VN-Index giữ sắc xanh cả ngày. Sau đợt rung lắc nhẹ, chỉ số này tiến sát vùng 1.135 điểm vào cuối buổi sáng, tăng gần 6 điểm. Nhưng sang buổi chiều, thị trường chịu áp lực bán lớn dần và giảm gần 3 điểm trong phiên ATC.

VN-Index chốt phiên ở 1.129,93 điểm, tăng 1 điểm so với hôm trước. Như vậy, so với cuối năm ngoái, chỉ số VN-Index tăng hơn 248 điểm, tương đương 12,2%. Trong năm, VN-Index từng đạt đỉnh hơn 1.255 điểm vào đầu tháng 9, từ mức đáy gần 1.008 điểm hồi đầu năm.

Ở sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ phiên cuối năm và chốt ở mức hơn 231 điểm. Trong năm nay, chỉ số này tích lũy gần 26 điểm, mức tăng khá tương đương với sàn TP.HCM khi đạt 12,5%.

Với mức tăng hơn 12%, đây là năm thị trường chứng khoán có hiệu suất (mức tăng về điểm số theo %) thấp nhất kể từ năm 2020, nhưng cải thiện đáng kể so với mức giảm gần 33% của năm ngoái.

Trong phiên giao dịch cuối năm, ngành hóa chất dẫn đầu đà tăng về điểm số. Theo sau là nhóm xây dựng và vật liệu, bán lẻ. Các cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng kịp chốt phiên với mức tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng giảm nhẹ về điểm số. Ngoài ra, các ngành công nghệ, bảo hiểm có diễn biến kém khả quan.

Toàn sàn HoSE có 295 cổ phiếu tăng, trong khi ghi nhận 190 cổ phiếu giảm. Góp mức cải thiện nhiều nhất cho thị trường là các mã GVR, BID, VPB, HDB. Ngược lại, VCB ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi góp hơn 3,5 điểm giảm, theo sau còn có VHM, VNM, GAS.

Thanh khoản phiên cuối năm tăng thêm 270 tỷ, đạt gần 15.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên thứ ba mua ròng liên tiếp với biên độ hơn 340 tỷ đồng, giảm khoảng 100 tỷ đồng so với hôm 28/12.

Thông xe đèo Prenn ở cửa ngõ Đà Lạt trong 5 ngày

Đường qua đèo Prenn dẫn vào trung tâm Đà Lạt được thông xe tạm thời trong 5 ngày để người dân và du khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch.

Đoạn đèo Prenn sau khi được mở rộng

Đoạn đèo Prenn sau khi được mở rộng

UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép các loại xe chạy qua đèo từ 6h đến 19h các ngày 29/12/2023 đến 2/1/2024, trừ xe tải, với tốc độ tối đa không quá 50 km/h. Đến tối 2/1, cung đường đèo đoạn từ cầu Prenn đến thác Datanla dài hơn 4 km tiếp tục đóng để hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án.

Trong thời gian mở đèo, UBND Tỉnh yêu cầu công an lập chốt trực, tổ chức tuần tra, hướng dẫn, phân luồng giao thông; bố trí 2 xe cứu hộ để xử lý tình huống phát sinh; các đơn vị thi công dừng làm việc trong 5 ngày này, lắp đặt rào chắn, cảnh báo...

Đèo Prenn nối Quốc lộ 20 - đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt - thường xuyên đông xe và quá tải dịp cuối tuần, lễ và Tết. Tháng 2 năm nay, đường qua đèo dài 7,4 km được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ô tô, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Hôm 14/12, đoạn đèo 3 km từ thác Datanla dẫn vào trung tâm TP. Đà Lạt được thông xe, giúp việc di chuyển của người dân, du khách từ bến xe liên tỉnh ở đầu Đường 3 Tháng 4 đến thác Datanla, ra đường Trúc Lâm Yên Tử trở nên thuận tiện.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự kiến toàn tuyến đèo Prenn sẽ được đưa vào sử dụng giữa tháng 1/2024. Trong thời gian đóng đèo, xe lên Đà Lạt đi theo hướng đèo Mimosa.

Kỷ luật cảnh cáo cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên và cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Kỷ luật cảnh cáo cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để xảy ra vi phạm.

Một cơ sở kinh doanh vi phạm trật tự xây dựng mọc lên từ đầu năm 2023 trên địa bàn huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Một cơ sở kinh doanh vi phạm trật tự xây dựng mọc lên từ đầu năm 2023 trên địa bàn huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Tối 29/12, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên ra thông báo về kết quả thi hành kỷ luật đảng viên.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Quang Nhất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016 và ông Nguyễn Phất, nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Trần Quang Nhất và ông Nguyễn Phất đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để xảy ra vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu, triển khai một số dự án/gói thầu do Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Tuy An nhiệm kỳ 2020 - 2025 bằng hình thức khiển trách.

Ông Bảy chịu trách nhiệm chung và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy An nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong việc lãnh đạo thực hiện không nghiêm chỉ đạo của cấp trên; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý các cá nhân xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện vi phạm pháp luật về đất đai...

Thưởng Tết cao nhất TP.HCM hơn 2 tỷ đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 cao nhất ở TP.HCM là 2,078 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái khoảng 1,3 tỷ đồng, thưởng thấp nhất là 4,8 triệu đồng.

Công nhân may ở nhà máy tại TP. Thủ Đức

Công nhân may ở nhà máy tại TP. Thủ Đức

Thông tin trên được ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết tại Hội nghị tổng kết hoạt động của ngành, sáng 29/12. Mức thưởng Tết Thành phố công bố dựa trên khảo sát 1.300 doanh nghiệp sử dụng 288.000 lao động trên địa bàn.

Số tiền thưởng cao nhất 2,078 tỷ đồng thuộc về cá nhân làm việc ở doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức này cao hơn so với mức 756 triệu đồng của năm ngoái. Thưởng Tết bình quân năm nay ở TP.HCM là 12,3 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm trước (12,88 triệu đồng).

Theo đánh giá của ngành lao động, các doanh nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại có mức thưởng cao. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn chi thưởng thấp hơn.

Có 448 doanh nghiệp, chiếm gần 35% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết gặp khó trong thưởng Tết. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố gắng chi thưởng Tết theo thỏa ước và hợp đồng lao động.

Ngoài tiền thưởng Tết, hơn 46% doanh nghiệp được khảo sát có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm nay như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, xe đưa đón. Một số doanh nghiệp có kế hoạch tất niên, thăm hỏi lao động khó khăn...

Thành phố hiện có trên 161.000 doanh nghiệp với hơn 2,8 triệu lao động, trong đó gần 1.600 công ty hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 330.000 người.

Vietnam Airlines giảm lỗ sau kiểm toán nhờ giảm 200 tỷ đồng tiền lương

Lỗ sau thuế của Công ty mẹ Vietnam Airlines sau soát xét giảm gần 11%, tương đương giảm lỗ 142 tỷ đồng nhờ điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ đồng.

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Vietnam Airlines tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Vietnam Airlines tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính Công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, tương đương giảm lỗ gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khoản lỗ hợp nhất của Vietnam Airlines giảm mạnh kỳ này là nhờ giảm lỗ tại Công ty mẹ, trong khi các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.

Riêng về báo cáo tài chính của Công ty mẹ, tổng doanh thu và thu nhập khác tăng mạnh 58% so với 6 tháng đầu năm 2022 (tăng hơn 12.308 tỷ đồng).

Tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty mẹ Vietnam Airlines tăng 34%, tương đương tăng 8.832 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính (chi chênh lệch tỷ giá) tăng. Mức tăng tổng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tổng chi phí giúp giảm lỗ hơn 3.479 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lỗ sau thuế của Công ty mẹ sau soát xét giảm 11% (giảm lỗ 142 tỷ đồng), do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, số liệu của Công ty mẹ cũng thay đổi do cập nhật dự tính chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí phục vụ chuyến bay và doanh thu dịch vụ theo hóa đơn thực nhận.

Hiện, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân bị bãi nhiệm

Tất cả đại biểu HĐND bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với ông Trần Văn Tân, sau khi ông này bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Ông Trần Văn Tân phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam tháng 12/2021

Ông Trần Văn Tân phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam tháng 12/2021

Sáng 29/12, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Văn Tân nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Tân quê ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, là tiến sĩ luật, cử nhân Anh văn. Năm 2018, khi 39 tuổi, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, là Phó Chủ tịch trẻ nhất nước thời điểm đó. Ông bị bắt cuối năm 2022 với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Cơ quan điều tra xác định ông Tân đã 9 lần nhận tiền, tổng cộng 5 tỷ đồng từ doanh nghiệp.

Tại cuộc họp sáng 15/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá ông Trần Văn Tân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Những vi phạm nêu trên "gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương". Ông Tân bị Ban Bí thư khai trừ Đảng.

Tại phiên phúc thẩm ngày 27/12, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận một phần kháng cáo của ông Tân, tuyên giảm còn 5 năm tù. Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên 6 năm tù.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) bị bắt

Ông Trần Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ) bị bắt về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Ngọc Hải (trái) và ông Trần Thanh Liêm (phải)

Ông Trần Ngọc Hải (trái) và ông Trần Thanh Liêm (phải)

Ngày 29/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ tiến hành tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Trần Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Thạnh về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và ông Trần Thanh Liêm, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Thạnh về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Trần Ngọc Hải và Trần Thanh Liêm đã có hành vi thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định pháp luật trong công tác chỉ đạo kiểm tra, xác minh đối tượng được nhận hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng trường học (THCS Vĩnh Bình, THCS Thạnh Lợi, Tiểu học Thạnh Lợi 1) thuộc huyện Vĩnh Thạnh, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 3,988 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định pháp luật.

Chuyên đề