Bản tin thời sự sáng 30/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: Chủ tịch tỉnh được quyết chủ trương đầu tư dự án dưới 4.600 tỷ đồng; giá USD ngân hàng lùi về dưới 25.500 đồng; Shopee, Lazada, TikTok Shop phải nộp thuế thay người bán từ 2025; Hà Nội thúc tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang…

Chủ tịch tỉnh được quyết chủ trương đầu tư dự án dưới 4.600 tỷ đồng

Từ 1/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C do địa phương quản lý có quy mô dưới 4.600 tỷ đồng.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), chiều 29/11

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), chiều 29/11

Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với hơn 92% đại biểu tán thành.

Theo đó, mức vốn để xác định tiêu chí dự án đầu tư công quan trọng quốc gia là 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay (10.000 tỷ đồng). Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B và C tăng 2 lần.

Dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 240 tỷ đồng; nhóm B đến 4.600 tỷ và nhóm A là các dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội vẫn quyết định chủ trương với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (vốn 30.000 tỷ đồng). Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng trở lên, do Bộ, cơ quan trung ương quản lý.

HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý hoặc dự án giáp ranh giữa hai tỉnh, có tổng mức đầu tư từ 4.600 tỷ đồng trở lên.

Điểm mới ở lần sửa đổi lần này là từ 1/1/2025, Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B và C (vốn dưới 4.600 tỷ đồng) do địa phương quản lý (hoặc dự án giáp ranh giữa hai tỉnh), thay vì HĐND.

Báo cáo giải trình tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc chuyển quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ thẩm quyền của HĐND sang UBND các cấp là thay đổi lớn. Vì thế, cần đánh giá kỹ, toàn diện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định này. Tuy vậy, thực tế Luật Đầu tư công 2019 đã quy định việc giao UBND quyết chủ trương đầu tư dự án. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021 - 2025 có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.

Bên cạnh đó, các nội dung về duyệt đầu tư, thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành.

Giá USD ngân hàng lùi về dưới 25.500 đồng

Tỷ giá trên thị trường chính thức đi xuống hai ngày liên tiếp, hiện lùi về dưới 25.500 đồng/USD.

Các ngân hàng thương mại ngày thứ hai liên tiếp giảm mạnh giá mua bán USD

Các ngân hàng thương mại ngày thứ hai liên tiếp giảm mạnh giá mua bán USD

Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.251 đồng/USD, giảm 20 đồng so với 28/11. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.038 - 25.463 đồng.

Các ngân hàng thương mại ngày thứ hai liên tiếp giảm mạnh giá mua bán USD, đưa tỷ giá về dưới vùng 25.500 đồng/USD.

Vietcombank niêm yết giá USD quanh 25.130 - 25.463 đồng, giảm 15 đồng chiều mua và 21 đồng chiều bán so với hôm qua. BIDV niêm yết 25.160 - 25.463 đồng, còn Techcombank là 25.152 - 25.463 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ sáng 29/11 cũng giảm nhẹ giá USD, neo quanh 25.700 - 25.790 đồng.

Giá đôla Mỹ trong nước đi xuống trước bối cảnh chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - giảm 1,65% trong tuần qua.

Shopee, Lazada, TikTok Shop phải nộp thuế thay người bán từ 2025

Từ ngày 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán.

Sàn thương mại điện tử sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay người bán

Sàn thương mại điện tử sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay người bán

Chiều 29/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính.

Đáng chú ý, Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế quy định, từ ngày 1/1/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán trên các nền tảng này.

Trường hợp không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay, người bán phải trực tiếp đăng ký, khai và nộp thuế. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là điểm mới khi hiện nay, các nhà bán hàng trên Shopee, Lazada, TikTok Shop... đều phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số (Facebook, Apple, Tiktok, Goolge...) phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Đồng thời, quy định mới còn tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài "có cơ sở thường trú" đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Hà Nội thúc tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang

UBND TP. Hà Nội thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng, đưa công trình Công viên hồ Phùng Khoang vào sử dụng phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phối cảnh Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang

Phối cảnh Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang

Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 562/TB-VP truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí về tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang tại các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.

Theo đó, để sớm thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng, đưa công trình vào sử dụng phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân tập trung chỉ đạo, phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư giải quyết, trả lời các nội dung kiến nghị của công dân, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại theo đúng tiến độ, quyết liệt xử lý các vi phạm tái lấn chiếm; thu hồi đến đâu, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đến đó, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/12/2024.

Yêu cầu nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành Thành phố và UBND các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân để được hướng dẫn kịp thời các thủ tục có liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép tiếp tục xây dựng; phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công xây dựng các hạng mục còn lại ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng.

Nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, bảo trì các hạng mục, công trình đã hoàn thành, bàn giao cho UBND quận Nam Từ Liêm quản lý, duy trì đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

TP.HCM cho cán bộ vay mua nhà lãi suất 3,2% mỗi năm

Cán bộ, công chức, viên chức vay mua nhà sẽ được TP.HCM giảm lãi suất từ 4,7% xuống 3,2% một năm, tính theo dư nợ giảm dần.

Công chức, viên chức hành chính làm việc tại UBND TP. Thủ Đức

Công chức, viên chức hành chính làm việc tại UBND TP. Thủ Đức

Nội dung trên được lãnh đạo Phòng Thẩm định Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM cho biết ngày 29/11. Đây là nội dung mới nhất về chính sách, chương trình cho vay tạo lập nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, lãi suất 3,2% mỗi năm được áp dụng cho các khoản vay từ Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM. Thời gian cho vay tối đa 20 năm được thế chấp bằng chính căn nhà dự kiến mua.

Người vay phải trả trước tối thiểu 30% giá trị nhà và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả nợ.

Người được vay là cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách thành phố. Nhóm lực lượng vũ trang nhân dân Thành phố gồm quân đội, công an, dân quân tự vệ. Cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn thuộc tổ chức Công đoàn Thành phố. Cán bộ, công chức, người lao động Cục Thuế Thành phố.

Không chỉ người làm trong bộ máy chính quyền TP.HCM, chính sách mới còn bổ sung thêm một số nhóm vay mới, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức các ngành dọc tại Thành phố như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Cục Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố, Cục Thống kê, Sở Ngoại vụ Thành phố.

Người vay phải thường trú tại TP.HCM và ngay thời điểm vay không đứng tên sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, chưa từng nhận chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở trừ trường hợp đã được giải quyết mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức muốn vay phải có thời gian làm việc liên tục từ 3 năm trở lên.

Tính đến cuối năm 2023, TP.HCM có gần 160.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, cán bộ, công chức các cấp là hơn 19.500 người, còn lại là viên chức, người lao động.

Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM là tổ chức tài chính do UBND Thành phố thành lập, quản lý. Vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng do ngân sách thành phố cấp, hoạt động không vì lợi nhuận. Mục tiêu của Quỹ là thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố, hỗ trợ về tài chính cho người có thu nhập thấp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở theo quy định của UBND TP.HCM.

Bắc Giang có bảng giá đất mới, cao nhất 120 triệu đồng/m2

Theo bảng giá đất mới ban hành, giá đất ở tại khu vực đô thị và ven các trục đường giao thông cao nhất là 120 triệu đồng/m2, thấp nhất 500.000 đồng/m2.

Giá đất ở cao nhất khu vực TP. Bắc Giang lên đến 120 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

Giá đất ở cao nhất khu vực TP. Bắc Giang lên đến 120 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 40/2024 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 72/2021 ngày 21/12/2021 của UBND Tỉnh ban hành quy định bảng giá đất giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Trong bảng giá đất mới, tùy khu vực, nhóm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm dao động 60.000 - 70.000 đồng/m2. Đất trồng cây lâu năm dao động 55.000 - 65.000 đồng/m2. Đất nuôi trồng thủy sản dao động 48.000 - 60.000 đồng/m2 và đất rừng sản xuất dao động 12.000 - 20.000 đồng/m2.

Nhóm đất phi nông nghiệp được phân thành hai loại, gồm: bảng giá đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại đô thị, trục đường giao thông và bảng giá đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại nông thôn.

Trong đó, giá đất ở tại khu vực đô thị và ven các trục đường giao thông cao nhất là 120 triệu đồng/m2, thấp nhất 500.000 đồng/m2, tăng trung bình so với bảng giá giai đoạn 2022 - 2024 từ 1,7 - 3,34 lần (tùy theo khu vực). Đất ở khu vực nông thôn, cao nhất là 14 triệu đồng/m2, thấp nhất 400.000 đồng/m2, tăng trung bình so với bảng giá hiện hành nơi ít nhất khoảng 1,1 lần, nơi cao nhất gần 4,9 lần.

Đáng chú ý, đường Hoàng Văn Thụ (TP. Bắc Giang) được chia thành 5 đoạn với các mức giá khác nhau. Trong đó, giá đất ở vị trí 1 trên đường Hoàng Văn Thụ cao nhất lên tới 120 triệu đồng/m2, đoạn thấp nhất 32 triệu đồng/m2. Theo bảng giá cũ ban hành vào tháng 12/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang, giá đất tại đường Hoàng Văn Thụ dao động 35 - 50 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường cũng có giá đất ở khá cao như: đường Hùng Vương có giá 35 - 100 triệu đồng/m2; đường Quang Trung 95 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Thị Lưu có giá 32 - 90 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Văn Cừ có giá 50 - 100 triệu đồng/m2…

Bảng giá đất mới của tỉnh Bắc Giang cũng quy định áp dụng bảng giá đất khi sáp nhập, chia tách địa giới hành chính.

Khôi phục tuyến vận tải hành khách Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam)

Tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam) đoạn tuyến Đông Hưng - Móng Cái được cấp phép từ năm 2022 nhưng chưa hoạt động do dịch Covid-19. Sáng 29/11, tuyến vận tải hành khách này đã được khôi phục hoạt động.

Tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam)

Tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam)

Ngày 27/11/2024, Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh (Việt Nam) đã có văn bản gửi các sở, ngành chức năng và UBND TP. Móng Cái về việc khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam) đoạn tuyến Đông Hưng - Móng Cái trên cơ sở Thư quốc tế số 8 (2024) của Trung tâm Phát triển vận tải đường bộ Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về việc khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách quốc tế tại khu vực này.

Công ty TNHH Giao thông công cộng Đông Hưng (Trung Quốc) được giao thực hiện vận tải hành khách trên tuyến. Ngay trong ngày đầu tiên (29/11) khôi phục hoạt động, đơn vị đã đưa 13 người, gồm 1 lái xe, 1 phiên dịch viên và 11 hành khách đến TP. Móng Cái. Phương tiện vận hành theo tuyến (phía Việt Nam) Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II) - đường dẫn cầu Bắc Luân II - Trần Nhân Tông - Đại lộ Hòa Bình - đường Hùng Vương (không đi qua cầu Ka Long) - bến xe Móng Cái và ngược lại.

Các điểm dừng đón, trả khách trên tuyến (phía Việt Nam) tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II), bến xe Móng Cái. Tần suất hoạt động giai đoạn đầu là 5 chuyến/ngày; thời gian khởi hành từ Đông Hưng (Trung Quốc) vào 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ, 12 giờ 30 phút, 13 giờ 30 phút (giờ Hà Nội). Giai đoạn 2 sẽ căn cứ vào lưu lượng hành khách và tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Công ty Chứng khoán BOS bị xử phạt 175 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch

Công ty CP Chứng khoán BOS bị phạt 175 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch về tỷ lệ vốn khả dụng.

Công ty CP Chứng khoán BOS thuộc hệ sinh thái FLC. Ảnh minh họa

Công ty CP Chứng khoán BOS thuộc hệ sinh thái FLC. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART).

Công ty này bị phạt tiền 175 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch. Công ty báo cáo sai tỷ lệ vốn khả dụng tại Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/4, 31/5, 30/6, 31/7 và 31/8; Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/6 đã được soát xét.

UBCKNN yêu cầu Chứng khoán BOS khắc phục hậu quả thông qua việc báo cáo thông tin chính xác tỷ lệ vốn khả dụng đối với các báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại các thời điểm nêu trên và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/6 đã được soát xét.

Chứng khoán BOS là công ty thuộc hệ sinh thái FLC và là nơi xảy ra vụ thao túng chứng khoán rúng động đối với "họ" cổ phiếu FLC. Theo biên bản kết luận từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, nhóm Trịnh Văn Quyết đã mở 141 tài khoản tại công ty này nhằm phục vụ thao túng chứng khoán. Em gái ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc BOS - đã 1.568 lần cấp hạn mức cho 79/141 tài khoản với hạn mức khống là 170.598 tỷ đồng để đặt lệnh mua bán chứng khoán.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư