Quảng Nam sẽ dẹp nạn khai thác vàng trái phép
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan tổ chức truy quét tệ nạn khai thác vàng trái phép ở huyện Phú Ninh và Đông Giang.
Những người khai thác vàng trái phép dùng máy múc đào bới bờ sông Pà Nan, xã Tư, huyện Đông Giang |
Trong văn bản ngày 29/11, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch Quảng Nam cho rằng, thời gian qua Tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường và khoáng sản trên địa bàn. Các cơ quan đã có nhiều buổi kiểm tra hiện trường, tổ chức truy quét, đẩy đuổi các tụ điểm khai thác, chế biến khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, tình trạng thất thoát khoáng sản, hủy hoại tài nguyên rừng, gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp.
Để ngăn chặn, lãnh đạo Tỉnh yêu cầu Công an Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Phú Ninh, Đông Giang tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép.
Phó Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu, các lực lượng cần tiêu hủy, tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện khai thác vàng trái phép; điều tra đối tượng đứng đầu ở các tụ điểm nêu trên và xử lý nghiêm. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự...
Tỉnh Quảng Nam có mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Ngoài ra, vàng còn có huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang...
Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ giá USD
Sau giai đoạn tăng mạnh giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các giao dịch ngoại hối giữa nhà điều hành và thành viên thị trường đang ghi nhận dấu hiệu bình ổn. Trong đó, NHNN vừa có lần thứ 3 liên tiếp giảm giá bán USD với các ngân hàng thương mại.
Thị trường ngoại hối dần ổn định khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ giá bán USD. |
Cụ thể, giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN hiện cố định ở mức 24.840 đồng/USD, thấp hơn 10 đồng so với cuối tuần trước và giảm 30 đồng so với đầu tháng 11.
Dù bước giá điều chỉnh mỗi lần chỉ 10 đồng/USD, việc nhà điều hành giảm giá bán ngoại tệ này 3 lần liên tiếp đồng nghĩa với việc phát đi tín hiệu bình ổn trên thị trường ngoại hối.
Thực tế, trước 3 lần giảm liên tiếp giá bán USD với các ngân hàng thương mại trong tháng 11, NHNN đã có 6 lần liên tiếp điều chỉnh tăng giá bán đồng bạc xanh từ đầu năm, đưa ra bán USD từ mức 23.050 đồng/USD đầu năm lên chạm đỉnh 24.870 đồng/USD vào cuối tháng 10, tương đương mức tăng ròng 1.820 đồng (+7,9%).
Không chỉ liên tục giảm giá bán USD, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD do NHNN công bố cũng ghi nhận xu hướng giảm liên tục trong khoảng một tháng trở lại đây, hiện cố định ở mức 23.667 đồng/USD.
Với biên độ +/-5% theo tỷ giá trung tâm, giá giao dịch sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép đưa ra hiện tại ở mức 22.484 - 24.850 đồng/USD.
Hiện hầu hết ngân hàng thương mại vẫn niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần NHNN cho phép. Tuy nhiên, việc tỷ giá trung tâm nhà điều hành đưa ra đã giữ xu hướng đi ngang và giảm trong hơn một tháng qua, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng không còn ghi nhận biến động mạnh như tháng 10.
Hơn 41.000 công nhân mất việc
1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%).
Lao động tìm việc những ngày cuối tháng 11 tại Khu công nghiệp Thăng Long |
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, con số trên được thống kê tại 44 tỉnh thành, chủ yếu từ giữa năm đến nay và chỉ với lao động có giao kết, hợp đồng trong doanh nghiệp.
Trong 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngoài số bị mất việc, số bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%; 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.
Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới.
Công đoàn dự báo khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí sang giữa năm 2023 khiến nhiều lao động mất việc, cắt giảm việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng thu nhập. Cơ quan này cũng không loại trừ có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội và chế độ khác, hoặc thanh lọc đẩy lao động trên 35 tuổi khỏi doanh nghiệp để tuyển người trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Đến cuối tháng 11, cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân phần lớn vẫn liên quan đến lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh trong khi lao động giảm sút thu nhập, tích lũy sau hai năm đại dịch.
Đề nghị tạm ứng 29,5 tỷ đồng để nhận đất làm ga T3 Tân Sơn Nhất
Bộ Quốc phòng đề nghị TP.HCM tạm ứng 29,5 tỷ đồng cho Quân chủng Phòng không - Không quân để sửa công trình, doanh trại khi giao đất làm ga T3 Tân Sơn Nhất.
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. |
Nội dung vừa được Bộ Quốc phòng gửi UBND TP.HCM liên quan việc giao đất quốc phòng đợt 1, rộng hơn 14,7 ha để làm dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Bộ sẽ bàn giao phần diện tích này khi TP.HCM ra quyết định thu hồi đất và Quân chủng Phòng không - Không quân nhận tạm ứng từ Thành phố.
Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có nhu cầu sử dụng hơn 16 ha đất quốc phòng, do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý. TP.HCM là bên đứng ra thu hồi đất, sau đó bàn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư).
Trước đó, UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, trong đó dự tính hoàn tất giao nhận toàn bộ diện tích làm nhà ga từ tháng 10. Tuy nhiên, việc này chưa thực hiện được do các bên còn vướng mắc thủ tục kiểm đếm, kinh phí bồi thường... Theo tính toán của Quân chủng Phòng không - Không quân, kinh phí đền bù khoảng 1.152 tỷ đồng.
Ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư hai năm trước với kinh phí gần 11.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn của ACV. Nhà ga có quy mô 20 triệu khách mỗi năm, khi hoàn thành, cùng với hai ga hiện hữu T1 và T2, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay lên 50 triệu khách. Trước đó, ga T3 dự kiến khởi công cuối năm ngoái, nhưng vướng mắc thủ tục thu hồi đất quốc phòng nên chưa triển khai.
29 triệu cổ phiếu NVL của vợ ông Bùi Thành Nhơn bị bán giải chấp
Công ty chứng khoán vừa bán giải chấp một phần ba số cổ phiếu NVL do bà Cao Thị Ngọc Sương đang sở hữu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Cao Thị Ngọc Sương tại Novaland đã giảm từ 4,27% xuống còn 2,78% vốn doanh nghiệp.
Công ty chứng khoán đã bán giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của vợ ông Bùi Thành Nhơn. Ảnh minh họa |
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) - vừa có báo cáo về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ ông Bùi Thành Nhơn - tại doanh nghiệp.
Theo đó, bà Sương đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu NVL, tương đương khoảng 1/3 tổng lượng cổ phiếu bà nắm giữ tại Novaland. Thời gian thực hiện bán diễn ra từ ngày 23 - 28/11.
Sau giao dịch, bà Sương chỉ còn giữ 54,3 triệu cổ phiếu NVL, giá trị tạm tính theo mức đóng cửa phiên ngày 29/11 vào khoảng 1.200 tỷ đồng. Tương tự, tỷ lệ sở hữu của bà tại nhà phát triển bất động sản này cũng giảm từ 4,27% còn 2,78%.
Đất đấu giá huyện ven Hà Nội được trả giá cao, gần 170 triệu đồng/m2
Dù thị trường đang trầm lắng nhưng các lô đất đấu giá đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn được trả cao, cá biệt có lô được trả giá tới 170 triệu đồng/m2.
Đất đấu giá ở huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn được trả giá cao. Ảnh minh họa |
Cụ thể, huyện Đông Anh đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7, xã Uy Nỗ, nơi được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện này.
Số đất được đem đấu giá là 27 lô đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 - 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động 58 - 69 triệu đồng/m2.
Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm); giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về là gần 409 tỷ đồng.
Trước đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức đấu giá loạt lô đất tại xã Dục Tú với giá trúng cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2. Cụ thể, đầu tháng 10, 27 lô đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các lô đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng.
Cựu Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng bị khởi tố
Trước khi cổ phần hóa Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng, cựu Kế toán trưởng bà Lâm Phụng Tiên và đồng phạm bị cáo buộc bán nhiều dự án không qua đấu giá.
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng từng bị phát hiện sai phạm trong bán căn hộ tại dự án Monachy. |
Ngày 29/11, Công an TP. Đà Nẵng khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với bà Lâm Phụng Tiên (56 tuổi, trú quận Hải Châu) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bà Tiên, cựu Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng, được xác định có liên quan vụ án sai phạm mua bán nhà công sản xảy ra tại công ty này, thời điểm trước khi cổ phần hóa.
Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng tiền thân là Công ty Phát triển Nhà, là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1992. Trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ngày 27/4/2009, ông Nguyễn Quang Trung (Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng) đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.
Tháng 8/2021, cơ quan cảnh sát điều tra nhận được kiến nghị khởi tố kèm hồ sơ của Thanh tra TP. Đà Nẵng về sai phạm của ông Trung trong việc quản lý tài sản công.
Ngày 7/12/2021, Công an Đà Nẵng khởi tố, bắt ông Trung; sau đó bắt thêm ông Bùi Lê Duy - thành viên hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng.
Theo cáo buộc, công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức chuyển nhượng công khai, gây thiệt hại cho Nhà nước tại nhà công sản 186 Trần Phú gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm năm 2009. Các nghi phạm còn có hàng loạt sai phạm trong quản lý 7 công sản trên địa bàn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Hà Tĩnh khoanh định 191 khu vực mỏ vật liệu xây dựng với diện tích hơn 2.374 ha
Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050) được Thủ tướng phê duyệt, Tỉnh đã khoanh định 217 khu vực bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Hà Tĩnh khoanh định 191 khu vực mỏ vật liệu xây dựng với diện tích hơn 2.374 ha |
Trong đó, có 191 khu vực mỏ vật liệu xây dựng và 26 khu vực mỏ khoáng sản kim loại, khoáng chất, than bùn và khoáng sản khác. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có 39 khu đá xây dựng với tổng diện tích dự kiến 738,5 ha; cát, sỏi xây dựng có 37 khu với tổng diện tích dự kiến 382,5 ha; sét gạch ngói 21 khu, diện tích dự kiến 170,5 ha.
Đặc biệt đất san lấp chiếm số lượng lớn với 94 khu, tổng diện tích 1.083,1 ha. Một số địa phương được khoanh định có số lượng khu và diện tích khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nổi bật như: huyện Kỳ Anh, huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Thạch Hà, huyện Hương Khê.
Ngoài ra, còn các khu quặng khoáng sản kim loại, khoáng chất, than bùn và khoáng sản khác được khoanh định gồm: 7 khu quặng sắt và titan, 1 khu quặng thiếc, vàng, sericit…