Bản tin thời sự sáng 30/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường sắt Bắc - Nam thông tuyến; Công an TP.HCM lập tổ cứu nạn đặc biệt tinh nhuệ; Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi 98,15% diện tích Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Bình Dương quy định các khu vực cấm phân lô bán nền…

Đường sắt Bắc - Nam thông tuyến

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chiều 29/10 đã khắc phục xong đoạn đường sắt qua Quảng Trị bị hư hỏng do bão số 6, tàu hàng và tàu khách đã thông tuyến an toàn.

Tàu hàng đi kiểm tra đoạn đường sắt bị xói lở

Tàu hàng đi kiểm tra đoạn đường sắt bị xói lở

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vào lúc 15h33, tại khu gian Sa Lung - Tiên An (tỉnh Quảng Trị) đã khắc phục xong sự cố hư hỏng đường sắt do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami).

Chuyến tàu hàng đầu tiên chạy ga Sa Lung lúc 15h33 để kiểm tra đường đã an toàn. Sau khi tàu HH15 về ga Tiên An, Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đề nghị cho tiếp tàu hàng HH10 chạy từ ga Tiên An vào để kiểm tra, sau đó trả đường cho tàu khách SE6 chạy. Đến 17h01, tàu khách SE6 chạy ga Tiên An an toàn mọi mặt.

Từ chiều 27/10, bão số 6 gây mưa lớn, làm ngập tuyến đường sắt qua Quảng Trị. Nước rút làm trôi đá, xói nền, dịch chuyển ray nhiều đoạn ở phía nam ga Sa Lung, thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, gây chia cắt đường sắt Bắc - Nam.

Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên và các đơn vị trong ngành đã huy động nhiều thiết bị, vật tư cùng hơn 150 cán bộ, công nhân khẩn trương khắc phục đoạn đường sắt dài khoảng 500 m bị hư hỏng.

Trong khi chờ sửa đường, các đơn vị đã tổ chức chuyển tải bằng đường bộ an toàn qua điểm sạt lở cho 4.570 hành khách trên 17 chuyến tàu.

Công an TP.HCM lập tổ cứu nạn đặc biệt tinh nhuệ

45 chiến sĩ được chọn, huấn luyện theo chương trình đặc biệt cùng máy móc, robot để cứu nạn, chữa cháy trong điều kiện khắc nghiệt, khó khăn.

Tổ đặc biệt tinh nhuệ phối hợp robot diễn tập sự cố cháy nổ

Tổ đặc biệt tinh nhuệ phối hợp robot diễn tập sự cố cháy nổ

Tại buổi ra mắt lực lượng sáng 29/10, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, tổ cứu nạn đặc biệt tinh nhuệ gồm lực lượng trên cạn và dưới nước được xây dựng để xử lý những tình huống phức tạp, cấp bách trên địa bàn. Đây là tổ đặc biệt tinh nhuệ đầu tiên của cả nước.

Các thành viên được lựa chọn theo nhiều tiêu chí: sức khỏe tốt, chuyên môn giỏi, từng tham gia nhiều vụ cứu nạn cứu hộ sau đó tập luyện theo giáo án đặc biệt có tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổ này sẽ chuyên cứu nạn trong những tình huống khó khăn như: dùng bộ đàm, camera dưới nước để phối hợp cứu người mắc kẹt trong cống thải khi nước triều cường dâng cao, cứu người mắc kẹt trong ôtô rơi xuống sông hay nạn nhân kẹt trong tòa nhà cao tầng khi có cháy...

Thành phố cũng trang bị máy móc, robot chữa cháy, hút khói, xử lý môi trường, hóa chất độc hại trị giá 119 tỷ đồng hỗ trợ tổ này khi làm nhiệm vụ. "Tổ này sẽ chi viện cho các tỉnh thành lân cận hoặc tham gia nhiệm vụ cứu nạn quốc tế khi có yêu cầu", Đại tá Tâm nói.

Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM từng tham gia cứu nạn, chi viện nhiều vụ việc khó khăn. Trước đó, năm 2020, lực lượng từng đưa người rơi xuống hang sâu 280 m ở Hà Giang lên mặt đất hay tìm thi thể dưới hang sâu 220 m trong khe núi ở Cao Bằng. Năm ngoái, các chiến sĩ cũng từng đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cứu nạn sau thảm hoạ động đất.

Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi 98,15% diện tích Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội vừa báo cáo tình hình triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô.

Dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thiện sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội và tăng tính kết nối cho Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh

Dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thiện sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội và tăng tính kết nối cho Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh

Văn bản do ông Ngô Ngọc Vân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội ký nêu rõ, đến cuối tháng 10/2024, Thành phố đã phê duyệt và thu hồi 98,15% diện tích, hoàn thành toàn bộ 13 khu tái định cư và bố trí tái định cư cho 337/ 818 hộ dân.

Dù trên phạm vi tuyến còn nhiều điểm ngắt quãng, xôi đỗ (19 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38 km, song Chủ đầu tư khẳng định sẽ phối hợp với địa phương phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao toàn bộ mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội trong năm 2024, hoàn thành di chuyển hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi trong quý IV/2024.

Về tiến độ Dự án thành phần 2.1 (làm đường song hành), theo ông Ngô Ngọc Vân, sau 15 tháng kể từ ngày khởi công, 4 gói thầu xây lắp đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai trên phần diện tích mặt bằng đã bàn giao với 32 mũi thi công (23 mũi đường, 9 mũi cầu).

Hiện nhà thầu đang xử lý nền đất yếu, cầu và thi công hạng mục thảm bê tông nhựa bán rỗng. Sản lượng đến nay đạt khoảng 36,86%. Dự kiến hoàn thành Dự án vào quý IV/2025.

Với Dự án thành phần 3 (làm đường cao tốc), Ban đang phối hợp đóng dấu thẩm định, phát hành kèm theo hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến quý II/2025 khởi công.

Trường hợp không có nhà đầu tư đáp ứng, Ban sẽ đề xuất Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.

Về công tác GPMB đoạn qua Hà Nội, theo đơn vị Chủ đầu tư, để có thể hoàn thành Dự án đường song hành trong năm 2025, công tác GPMB phải được các địa phương hoàn thành toàn bộ trong năm 2024. Do đó, cần ưu tiên bàn giao đối với các hạng mục đường găng tiến độ của Dự án như móng cột cao thế, xử lý đất yếu.

Bình Dương quy định các khu vực cấm phân lô bán nền

Bình Dương cấm phân lô, bán nền tại các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.

Các khu vực thuộc địa giới hành chính của các TP lớn như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát cũng không được phép phân lô bán nền

Các khu vực thuộc địa giới hành chính của các TP lớn như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát cũng không được phép phân lô bán nền

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3001, cho phép các chủ đầu tư dự án bất động sản tại một số khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà, còn gọi là đất phân lô bán nền.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.

Cụ thể, gồm: Khu đô thị mới thuộc Khu liên hiệp - Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương; Khu vực dọc bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Dầu Tiếng được quy định cụ thể tại các dự án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các cấp; Khu vực dọc bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Bắc Tân Uyên được quy định cụ thể tại các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các cấp.

Khu vực tiếp giáp các tuyến đường cảnh quan chính của đô thị, các trục đường chính kết nối vùng (trục đường chính đô thị trở lên) và khu vực xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc đô thị được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các cấp.

Ngoài ra, quy định cũng không áp dụng cho các khu vực thuộc địa giới hành chính của các TP lớn như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát, cũng như các dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển nhà ở theo Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, các khu vực tiếp giáp các tuyến đường chính rộng từ 23 m trở lên theo quy hoạch đã được phê duyệt cũng không được phép phân lô bán nền.

Cũng trong Quyết định, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Xây dựng tổ chức công bố công khai các khu vực chủ đầu tư dự án nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh theo các nội dung được quy định trong quyết định này.

Cà Mau xây dựng biểu tượng tôm

Chính quyền tỉnh Cà Mau chủ trương xây công trình biểu tượng tôm, do đây là mặt hàng giá trị kinh tế cao, đóng góp chủ lực trong xuất khẩu thủy sản địa phương.

Phối cảnh quảng trường Phan Ngọc Hiển ở TP. Cà Mau nơi đặt biểu tượng tôm

Phối cảnh quảng trường Phan Ngọc Hiển ở TP. Cà Mau nơi đặt biểu tượng tôm

Ngày 29/10, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, biểu tượng tôm là hạng mục phát sinh của Dự án quảng trường Phan Ngọc Hiển.

Biểu tượng làm bằng bêtông cốt thép, ốp gốm, nằm giữa quảng trường. Hiện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình giao thông phối hợp với ông Tô Minh Tấn (tác giả biểu tượng tôm) chọn đơn vị thiết kế và thi công.

Dự án quảng trường Phan Ngọc Hiển có tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng (chưa điều chỉnh), dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025. Toàn Dự án tổng diện tích hơn 50.700 m2, gồm nhiều công trình như sân khấu, hệ thống phun nước nghệ thuật, sân, đường nội bộ, chiếu sáng, cấp thoát nước...

Cà Mau rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật nổi tiếng, trong đó có tôm với diện tích nuôi lớn nhất nước, gần 280.000 ha. Tôm trở thành ngành hàng chủ lực giúp người dân làm giàu, đóng góp quan trọng vào kinh tế của địa phương. Tỉnh phấn đấu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD năm 2025.

Ngoài Cà Mau, hiện một số tỉnh miền Tây có công trình biểu tượng như Bạc Liêu là đàn kìm, An Giang xây tượng đài cá basa.

Quảng Ngãi cần 600 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới 35 cây cầu yếu

Tỉnh Quảng Ngãi có 35 cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm luôn rình rập đối với người tham gia giao thông, nên cần khoảng 600 tỷ đồng để sửa chữa.

Cầu Trà Khúc 1, được xây dựng cách đây 60 năm, nối liền cửa ngõ phía Bắc với trung tâm TP Quảng Ngãi, hiện xuống cấp nghiêm trọng

Cầu Trà Khúc 1, được xây dựng cách đây 60 năm, nối liền cửa ngõ phía Bắc với trung tâm TP Quảng Ngãi, hiện xuống cấp nghiêm trọng

Cầu Trà Khúc 1 được xây dựng cách đây 60 năm, kết nối cửa ngõ phía Bắc với trung tâm TP. Quảng Ngãi. Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện di chuyển qua cầu nhưng hiện cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu Trà Khúc 1 có chiều dài 643 m, được xây dựng với kết cấu dầm thép liên hợp và bề rộng mặt cầu phần xe chạy chỉ 7,5 m. Hiện, hệ thống móng cọc bê tông ở chân cầu bị vỡ, làm lộ lõi sắt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhận thấy cây cầu ngày càng “già yếu”, từ năm 2015, cơ quan chức năng đã cấm các loại ô tô tải đi qua cầu.

Năm 2023, Quảng Ngãi đã quyết định chi 2.199 tỷ đồng để xây mới cầu Trà Khúc 1. Theo đó, ngày 7/12, tại Kỳ họp 20 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cầu Trà Khúc 1, với quy mô và tổng mức đầu tư được cập nhật. Chiều dài tuyến chính khoảng 830 m, bề rộng cầu khoảng 28 m, các hạng mục phụ trợ khác như hầm chui và nút giao đầu cầu sẽ được đầu tư.

Theo kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ khởi công xây dựng cầu Trà Khúc 1 trong quý III/2024. Dự án này nhằm cải thiện năng lực vận tải, kết nối giao thông từ cửa ngõ phía Bắc vào trung tâm Thành phố, đồng thời mở rộng và phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Khúc, tạo điểm nhấn kiến trúc và xây dựng biểu tượng mới cho Thành phố. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách của Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, nên dự kiến đến 2026, cầu Trà Khúc 1 mới được khởi công.

Tương tự, cầu Văn Hà 1, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức cũng xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Chính quyền địa phương đã đề nghị sửa chữa hoặc xây mới nhưng vẫn còn chờ vốn, trong khi nguy cơ sập cầu vào mùa mưa luôn rình rập.

Qua rà soát của ngành giao thông vận tải, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 35 cây cầu yếu, hư hỏng nặng trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện cần được sửa chữa hoặc xây mới với kinh phí đề xuất khoảng 600 tỷ đồng.

Đề xuất tháo dỡ, thanh lý cầu thép 50 năm tuổi ở cửa ngõ TP.HCM

Sau hơn một năm khai thác cầu Long Kiểng mới ở Nhà Bè, cầu cũ kế bên được đề xuất tháo dỡ, thanh lý nhằm tiết kiệm chi phí quản lý và an toàn cho người dân.

Cầu sắt 50 tuổi đang xuống cấp nằm liền kề cầu Long Kiểng mới

Cầu sắt 50 tuổi đang xuống cấp nằm liền kề cầu Long Kiểng mới

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), sau khi cầu Long Kiểng mới thông xe từ tháng 9/2023 đến nay, cầu cũ chủ yếu phục vụ số ít xe máy, người đi bộ. Cầu cũng ít được bảo dưỡng nên công trình xuống cấp.

Do đó, đơn vị đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) sớm thanh lý cầu nhằm tránh lãng phí chi phí quản lý cũng như an toàn hơn cho người dân. Dự kiến, sau khi tháo dỡ cầu, những vật tư còn dùng được sẽ tận dụng cho các công trình khác hoặc lưu kho.

Cầu Long Kiểng cũ nằm trên đường Lê Văn Lương, xây dựng từ khoảng năm 1975, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Công trình có kết cấu bằng thép, rộng hơn 2 m, từng bị sập, sau đó được gia cố lại.

Sau thời gian dài khai thác, công trình xuống cấp nên TP.HCM đã triển khai dự án xây cầu mới dài một km thay thế với tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng. Công trình nằm sát bên cầu cũ, khởi công năm 2018, hoàn thành sau 5 năm do vướng mặt bằng.

Sau một năm khai thác, cầu Phước Kiểng mới giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho phía Nam thành phố với tỉnh Long An, thông qua đường Lê Văn Lương.

Chuyên đề