Bản tin thời sự sáng 30/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Petrolimex kiến nghị tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu; nhà đấu giá Pháp dời ngày đấu giá ấn vàng của vua Minh Mạng; đề xuất bổ sung gần 72.000 tỷ đồng cho giao thông TP.HCM; Vietnam Airlines giảm lỗ; toàn bộ xe buýt TP.HCM dự kiến chạy bằng điện, năng lượng xanh từ năm 2050…

Petrolimex kiến nghị tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu

Cho rằng chi phí kinh doanh xăng dầu vẫn thấp hơn thực tế tới hơn 600 đồng/lít, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị nắm hơn một nửa thị phần phân phối hiện nay - vừa gửi kiến nghị tới Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều chỉnh loại chi phí này để bớt khó cho doanh nghiệp.

Petrolimex cho biết, chi phí kinh doanh xăng dầu vẫn thấp hơn thực tế

Petrolimex cho biết, chi phí kinh doanh xăng dầu vẫn thấp hơn thực tế

Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam, phí premium nhập khẩu, trong nước và đưa từ nhà máy lọc dầu về kho doanh nghiệp... đều tăng cao bất thường so với mức hiện tính trong giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Tính toán của Petrolimex cho thấy, premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu) thực tế cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở.

Chẳng hạn, với xăng nền RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92), chênh lệch giữa thực tế và mức tính trong giá cơ sở là 622 đồng/lít; RON 95 là 551 đồng, dầu diesel 437 đồng, dầu hoả là 681 đồng và dầu mazut là 279 đồng/kg.

Tương tự, cũng đang có chênh lệch giữa premium trong nước và mức tính trong giá cơ sở, cụ thể là 70 - 120 đồng/lít với xăng, dầu.

Chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đã được điều chỉnh từ 11/10, nhưng hiện vẫn thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả 40 - 60 đồng mỗi lít xăng, dầu.

Tập đoàn này dự báo các chi phí trên sẽ tăng trong quý IV và dự kiến phát sinh trong các năm tới khoản chênh lệch tỷ giá và lãi suất vay, tăng lương của công nhân ở mức bình quân 20%...

Do các yếu tố đầu vào đều tăng vọt và mức điều chỉnh vừa qua vẫn thấp hơn thực tế, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành gần nhất. Việc này để đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của doanh nghiệp, giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xã hội.

Nhà đấu giá Pháp dời ngày đấu giá ấn vàng của vua Minh Mạng

Cuối tháng 10, trang đấu giá Drouot.com (Pháp) dự kiến bán đấu giá một số huân, huy chương, phù hiệu, tiền, chén vàng, ấn tín… dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, ngày đấu giá ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng sẽ dời đến 12 giờ ngày 10/11.

Quai ấn vàng của vua Minh Mạng đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng

Quai ấn vàng của vua Minh Mạng đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng

Drouot.com là trang web đấu giá nhiều cổ vật, đặc biệt là cổ vật châu Á và Đông Nam Á. Theo lời tự giới thiệu, trang web này đấu giá tác phẩm nghệ thuật của 21 chuyên ngành, từ cổ vật đến nghệ thuật đường phố, thu hút khoảng 3.000 người đấu giá mỗi ngày. Theo lịch đã xếp, trang web Drouot.com tại Paris dự kiến sẽ bán đấu giá một số huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng và ấn tín… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.

Tuy nhiên, mới đây, Hãng đấu giá Millon (Pháp) ra nội dung thông báo ngắn gọn, dời ngày đấu giá lô 101 (Hoàng đế chi bảo) đến 12 giờ ngày 10/11. Lý do được đưa ra là: "Do Nhà nước Việt Nam quan tâm đến lô ấn vàng 101 của vua Minh Mạng nên chúng tôi hoãn việc bán đấu giá đến 12 giờ ngày thứ 5 (10/11/2022)".

Khi nghe thông tin việc đấu giá, vì sự quan trọng của báu vật này nên ngày 26/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (Hoàng tộc nhà Nguyễn), đã có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên Hãng đấu giá Millon, yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật là bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.

Đề xuất bổ sung gần 72.000 tỷ đồng cho giao thông TP.HCM

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 71.700 tỷ đồng để mở đường chống ùn tắc.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được ưu tiên vốn đầu tư để mở rộng, giải quyết tình trạng ùn tắc trên cao tốc đoạn chạy qua TP.HCM

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được ưu tiên vốn đầu tư để mở rộng, giải quyết tình trạng ùn tắc trên cao tốc đoạn chạy qua TP.HCM

Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT cho biết, kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn nêu trên Thành phố bố trí cho lĩnh vực giao thông hơn 52.700 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 19,8% nhu cầu đầu tư các dự án.

Trong tổng nguồn vốn đề xuất bổ sung, ngành giao thông dự tính bố trí hơn 66.800 tỷ đồng cho 61 dự án đường bộ; khoảng 1.700 tỷ đồng thực hiện hai chương trình đầu tư công, gồm: tăng năng lực khai thác an toàn giao thông và phòng chống sạt lở sông, rạch trên địa bàn. Hơn 3.100 tỷ đồng còn lại sẽ đầu tư các công trình xây kè, chống sạt lở và nạo vét luồng đường thuỷ. Riêng các dự án đường sắt đô thị ở Thành phố sẽ được rà soát và đề xuất sau.

Sở GTVT kiến nghị các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, cùng các bên liên quan tham mưu chính quyền Thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn trên, đồng thời có các giải pháp huy động nguồn lực triển khai dự án trọng điểm, chiến lược...

Trước đó, theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM dự kiến đầu tư khoảng 454 km các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, cầu lớn, trục giao thông chính... với tổng kinh phí trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 92.000 tỷ đồng (chiếm 34,6%), vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư hơn 174.000 tỷ đồng (chiếm 64,3%)...

Vietnam Airlines giảm lỗ

Lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn âm nhưng đã giảm 28% so với năm ngoái nhờ thị trường nội địa phục hồi mạnh, một số mảng bắt đầu có lãi.

Vietnam Airlines tăng trưởng tích cực trong ba quý đầu năm

Vietnam Airlines tăng trưởng tích cực trong ba quý đầu năm

Theo báo cáo tài chính quý III/2022 vừa được Vietnam Airlines công bố, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ đạt hơn 11.067 tỷ đồng, tăng 293% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 394%, tương ứng tăng hơn 11.597 tỷ đồng. Lỗ sau thuế hơn 2.456 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021.

Vietnam Airlines cho biết, các khoản lỗ là do tổng chi phí tăng 160%, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng (bình quân trong quý tăng gấp 1,8 lần năm ngoái), cộng thêm chi phí tài chính tăng mạnh so với năm trước, chủ yếu là chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá.

Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí; lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh (giảm lỗ 90%). Tuy nhiên, do lỗ từ hoạt động tài chính tăng mạnh dẫn đến lỗ sau thuế của công ty mẹ chỉ giảm 562,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hợp nhất giảm chủ yếu nhờ công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags... đều kinh doanh có lãi.

Trước đó, trong quý II, doanh thu tăng gấp gần 3 lần năm ngoái lên xấp xỉ 18.430 tỷ đồng. Con số này vượt 35% so với kế hoạch và gần bằng quý đầu tiên năm 2020 - thời điểm Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Toàn bộ xe buýt TP.HCM dự kiến chạy bằng điện, năng lượng xanh từ năm 2050

TP.HCM lên lộ trình giảm dần xe buýt chạy bằng xăng, dầu để tiến tới mục tiêu 100% xe buýt tại thành phố sử dụng điện, nhiên liệu sạch từ năm 2050.

Trong giai đoạn 2022 - 2030, dự kiến 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới tại TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh

Trong giai đoạn 2022 - 2030, dự kiến 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới tại TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị đã được Sở GTVT TP.HCM gửi tới một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM. Việc này nhằm giúp các đơn vị chủ động xây dựng phương án kinh doanh, đầu tư, thay thế xe cho phù hợp với lộ trình.

Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2030, giai đoạn 2 từ năm 2031 - 2050.

Trong giai đoạn 1, dự kiến 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM đạt 25%.

Giai đoạn 2, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tham mưu Sở xây dựng định mức dự toán, đơn giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện nhằm đảm bảo đầy đủ pháp lý phục vụ công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành khi đưa xe buýt điện vào khai thác từ năm 2025.

Bình Dương thanh tra dự án treo 15 năm ở vị trí vàng

Thanh tra tỉnh Bình Dương đang tiến hành thanh tra, đánh giá tình hình chấp hành quy định pháp luật tại Dự án Khu dân cư Thế kỷ 21. Đây là dự án bị "treo" suốt 15 năm giữa lòng TP. Thủ Dầu Một. Đến nay, những người dân sống tại đây vẫn chưa hết cảnh chật vật.

Dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 bị "treo" suốt 15 năm giữa lòng TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 bị "treo" suốt 15 năm giữa lòng TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Ngày 29/10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Đoàn thanh tra Tỉnh đang tiến hành thanh tra Dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 tại phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, do Công ty TNHH Xây dựng - Đầu tư - Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (gọi tắt là Công ty Tân Vũ Minh) làm chủ đầu tư.

Hiện quyết định thanh tra đã được công bố, dự kiến sẽ tiến hành thanh tra trong 45 ngày làm việc. Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, làm Trưởng đoàn.

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao cho Công ty Tân Vũ Minh đầu tư Dự án. Theo quyết định phê duyệt, Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu tái định cư, hoàn thành năm 2009. Giai đoạn 2, xây dựng khu trung tâm thương mại, khu biệt thự, trường học, công viên..., hoàn thành vào tháng 9/2011.

TP. Thủ Dầu Một được giao đền bù giải phóng mặt bằng với tổng diện tích quy hoạch của Dự án là 24,5 ha.

Dù UBND tỉnh Bình Dương nhiều lần tạo điều kiện cho phép Chủ đầu tư thực hiện Dự án, nhưng đến năm 2015, sau 9 năm, Công ty Tân Vũ Minh vẫn chưa triển khai.

Tháng 1/2016, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi Dự án, đồng thời giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với TP. Thủ Dầu Một xây dựng Công viên Phú Cường tại đây.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguyên Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ bị bắt

Ông Tạ Văn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cùng hai cán bộ bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho khoảng 200 người.

Công an đến trụ sở UBND huyện Đất Đỏ

Công an đến trụ sở UBND huyện Đất Đỏ

Ngày 29/10, ông Bửu và Huỳnh Văn Phi, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (hiện là Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đất Đỏ) bị Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ án, ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ (hiện là Phó phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) bị khởi tố nhưng được tại ngoại.

Vào tháng 4/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại UBND huyện Đất Đỏ và các đơn vị liên quan.

Trước đó, tháng 8/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Đất Đỏ cung cấp hồ sơ liên quan đến việc thu hồi, giao, cấp đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại xã Phước Hội và thị trấn Đất Đỏ giai đoạn 2014 - 2020.

Từ giữa năm 2014, Huyện ủy Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương đồng ý với đề xuất của chính quyền trong việc giao đất ở Khu dân cư Kim Liên (xã Phước Hội) cho nhiều đối tượng bằng hình thức có thu tiền sử dụng đất. Sau quá trình thực hiện chủ trương này, chính quyền đã giao hơn 230 lô đất.

Vào năm 2017, các ngành chức năng của Tỉnh đã phát hiện việc giao đất này là sai quy định và sai đối tượng với 196 trường hợp. Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc thu hồi đất đã giao.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2022 mới có 48 người tự nguyện trả lại đất, 77 lô còn chưa xây dựng nhà hoặc chưa chuyển nhượng thì có khả năng khắc phục hậu quả. Nhưng 71 lô còn lại đã xây dựng hoặc đã chuyển nhượng thì việc thu hồi để khắc phục gần như không thể.

Phát hiện 2 lô thuốc tây và mỹ phẩm lậu trị giá hơn 18 tỷ đồng tại TP.HCM

Hai lô hàng gồm hàng chục nghìn hộp mỹ phẩm nhập lậu và thuốc phòng bệnh cho người không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy tại TP.HCM.

2 lô hàng mỹ phẩm và thuốc tây số lượng lớn được đưa đến nơi tiêu hủy

2 lô hàng mỹ phẩm và thuốc tây số lượng lớn được đưa đến nơi tiêu hủy

Ngày 29/10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, Đội QLTT số 2 cùng các đơn vị liên quan đã tiêu hủy hai lô hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu và thuốc phòng bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng trên có giá trị hơn 18 tỷ đồng.

Với hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu được cán hủy bằng xe và ép thành khối tiêu hủy. Lô thuốc tây chữa bệnh không rõ nguồn gốc được cho vào lò đốt. Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Cửu Long (Phường 5, Quận 11) dưới sự chứng kiến của nhiều đơn vị và những người có liên quan.

Trước đó, ngày 27/8, Đội QLTT số 2 phối hợp cùng nhiều đơn vị kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q.P. tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (TP.HCM). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm nhãn hiệu Obagi là mỹ phẩm nhập lậu. UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông P. hơn 98 triệu đồng.

Ngày 24/9, Đội QLTT số 2 cùng nhiều lực lượng chức năng kiểm tra điểm chứa hàng của ông B.V.Ph. tại Phường 15, Quận 10. Kho hàng của ông Ph. chứa gần 120.000 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người. Số hàng trên không có xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Ông Ph. bị phạt hành chính 97,5 triệu đồng.

Vỡ hồ chứa chất thải rộng 5.000 m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Hồ chứa chất thải rộng gần 5.000 m2 ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị vỡ, nước hôi thối tràn ra dòng suối, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân.

Vị trí hồ bị vỡ, chất lỏng màu đen có mùi hôi thối tràn qua khu đất liền kề

Vị trí hồ bị vỡ, chất lỏng màu đen có mùi hôi thối tràn qua khu đất liền kề

Hồ chứa chất thải lót bạt của Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam ở Khu xử lý chất thải tập trung bị rò rỉ, vỡ bờ bao. Tại hiện trường, một đoạn tường bê tông vài chục mét bị sập, bờ bao cao 5 m, dài khoảng 3 m bị vỡ.

Hàng nghìn m3 chất thải lỏng trong hồ tràn ra khu đất liền kề của một doanh nghiệp rồi chảy vào suối Giao Kèo - nơi có hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên. Từ tối qua, người dân phản ánh dòng nước suối màu nâu đen, sủi bọt, bốc mùi hôi thối không chịu nổi.

Đại diện UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, hồ bị vỡ chứa chất thải sinh hoạt của người, được đưa về đây xử lý, tạo phân bón. Doanh nghiệp được yêu cầu huy động xe cuốc đắp suối Giao Kèo, bơm hút, hạn chế chất thải tràn ra xung quanh. Cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, lập hồ sơ xử lý doanh nghiệp để xảy ra sự cố.

Chuyên đề