Bản tin thời sự sáng 30/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhà thầu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đòi bồi thường gần 115 triệu USD; toàn bộ ứng dụng chống dịch liên thông mã QR từ 1/11; Bình Dương lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 12 - 17 tuổi từ ngày 31/10; Việt Nam sẽ nối lại chuyến bay thương mại quốc tế với các nước an toàn cao; đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2021…

Nhà thầu metro Nhổn - ga Hà Nội đòi bồi thường gần 115 triệu USD

Liên danh Hyundai - Ghella dừng thi công ngầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội gần 4 tháng, yêu cầu Chủ đầu tư bồi thường 114,7 triệu USD.

Toàn bộ 10 đoàn tàu của Dự án đã về đến Depot Nhổn, nhưng chưa thể vận hành thương mại theo dự kiến ban đầu vào cuối năm 2021

Toàn bộ 10 đoàn tàu của Dự án đã về đến Depot Nhổn, nhưng chưa thể vận hành thương mại theo dự kiến ban đầu vào cuối năm 2021

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, chủ đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, xác nhận thông tin trên.

Trước đó, báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai 6 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ nêu một số vướng mắc tại Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, trong đó có việc Nhà thầu đòi bồi thường.

Cụ thể, do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm nên Liên danh Hyundai - Ghella (HGU) đã yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD. HGU đề nghị chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không thể tiếp tục công việc và tiến hành thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.

Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Lê Trung Hiếu cho biết, theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được bù đắp thiệt hại nếu không phải lỗi do nhà thầu gây ra. Tuy nhiên, thiệt hại phải được chứng minh bằng thực thanh thực chi.

Lãnh đạo MRB thừa nhận tiến độ Dự án bị chậm so với kế hoạch. Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, Dự án hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh thời gian vận hành toàn tuyến tháng 12/2022. Hiện mốc hoàn thành đưa vào khai thác đoạn trên cao (8,5 km) đã được chuyển sang cuối năm 2022. Đoạn đi ngầm (4 km) đã bị dừng thi công gần 4 tháng và chưa dự kiến thời gian khai thác toàn tuyến.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, khởi công từ tháng 9/2010.

Thêm 800.000 liều vaccine Covid-19 từ Australia

Đại sứ quán Australia ngày 29/10 bàn giao thêm 800.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca cho Việt Nam.

800.000 liều vaccine Covid-19 Australia hỗ trợ Việt Nam

800.000 liều vaccine Covid-19 Australia hỗ trợ Việt Nam

Đây là lần giao vaccine thứ ba của Australia, hoàn thành cam kết chia sẻ 1,5 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam trước khi kết thúc năm 2021. Hai lô vaccine trước đó, gồm 300.000 liều và hơn 400.000 liều, đã được bàn giao cho Bộ Y tế vào ngày 6/10 và 27/8.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie thông báo, nước này sẽ hỗ trợ mua thêm khoảng 3,7 triệu liều vaccine thông qua thỏa thuận mua sắm với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Tổng cộng, Australia hiện cam kết chia sẻ 5,2 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

1,5 triệu liều vaccine mà Australia đã cung cấp nằm ngoài gói hỗ trợ Việt Nam 60 triệu đô la Australia. Gói hỗ trợ này nhằm mua sắm vaccine Covid-19, nâng cấp dây chuyền lạnh, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế, triển khai tiêm chủng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa...

Tính đến ngày 29/10, Việt Nam tiếp cận được 107 triệu liều vaccine Covid-19, hiện đã tiêm hơn 78 triệu liều.

Việt Nam đặt mục tiêu tiếp nhận 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Toàn bộ ứng dụng chống dịch liên thông mã QR từ 1/11

Sau khi VNeID áp dụng mã QR theo chuẩn chung, người dân có thể sử dụng bất cứ ứng dụng chống dịch nào để quét mã.

Người dùng có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào như PC-Covid, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử... để quét mã QR
Người dùng có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào như PC-Covid, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử... để quét mã QR

Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Đỗ Công Anh cho biết, việc liên thông mã QR giữa các ứng dụng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 1/11. Khi đó, người dùng có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào như PC-Covid, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử... để quét mã QR.

Đây là mã QR cá nhân trên các ứng dụng chống dịch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập từ 11/9. Theo đó, mỗi người dân có một mã QR duy nhất dù sử dụng ứng dụng nào. Hiện PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử và một số ứng dụng của địa phương như Hue-S đã liên thông mã QR và có thể quét lẫn nhau. Tuy nhiên, VNeID vẫn sử dụng mã QR riêng. Nếu việc liên thông được hoàn thành đúng hạn, người dân có thể sử dụng bất cứ ứng dụng nào để nhận và quét mã QR từ tuần tới.

Việc quét mã QR khi đến các địa điểm công cộng hiện là yêu cầu bắt buộc, theo nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Người dân khi đến các cửa hàng, địa điểm công cộng cần dùng smartphone để quét QR của địa điểm, hoặc đưa mã QR của mình cho chủ địa điểm quét, nhằm ghi nhận lượt ra vào. Nếu không có smartphone, người dân có thể in mã QR ra giấy, hoặc sử dụng QR trên căn cước công dân để quét.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an cũng thống nhất sẽ sử dụng PC-Covid là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch. Ứng dụng VNeID phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý, còn Sổ Sức khỏe điện tử - ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng - do Bộ Y tế quản lý.

Bình Dương lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 12 - 17 tuổi từ ngày 31/10

Bình Dương yêu cầu lập danh sách đối tượng tiêm vaccine, gửi về Sở Y tế để triển khai tiêm vào cuối tháng 10.

Bình Dương dự kiến đợt này sẽ tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi với 360.000 liều vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt. Ảnh minh họa

Bình Dương dự kiến đợt này sẽ tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi với 360.000 liều vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà vừa ký văn bản khẩn ban hành kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi trên địa bàn Tỉnh.

Cụ thể, Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 31/10 tại các trường học, cơ sở bảo trợ. Những trẻ không đến trường sẽ được tiêm tại Trung tâm Y tế tuyến huyện hoặc xã.

Theo Sở Y tế Bình Dương, dự kiến đợt này Tỉnh sẽ tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi với 360.000 liều vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt; trong đó có khoảng 28.655 trẻ không đến trường. Tỉnh yêu cầu các địa phương lập danh sách chi tiết từ trường học, đơn vị đúng theo đối tượng tiêm vaccine, gửi về Sở Y tế.

Hôm 28/7, Bình Dương đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 đợt 8 và cho phép các địa phương triển khai tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi bằng vaccine Pfizer. Tuy nhiên, Bộ Y tế không đồng ý.

Việt Nam sẽ nối lại chuyến bay thương mại quốc tế với các nước an toàn cao

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý về nguyên tắc nối lại chuyến bay thương mại quốc tế đi, đến từ các nước, vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế trước ngày 5/11.

Bộ Ngoại giao trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận hộ chiếu vaccine.

Bộ Y tế ban hành thống nhất mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử trước ngày 5/11...

Phó Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, theo đúng diện đã được Thủ tướng cho phép; người tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, thăm thân; người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân. Các trường hợp này cần có giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặc giấy xác nhận đã từng mắc và khỏi Covid-19. Riêng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được miễn thị thực theo quy định từ năm 2015.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về cách ly y tế thuận lợi, phù hợp với người nhập cảnh mang hộ chiếu vaccine.

Bộ Ngoại giao sẽ quyết định người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới…

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vaccine, của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận giấy chứng nhận vaccine của nhau.

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM

Dự án thu phí ô tô được thực hiện theo vành đai khép kín bao quanh trung tâm TP.HCM, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.274 tỷ đồng.

Khu vực thu phí được đề xuất năm 2019
Khu vực thu phí được đề xuất năm 2019

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất lập Dự án Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm Thành phố.

Theo đề xuất, hệ thống thu phí đa làn không dừng, với một trung tâm điều hành kết nối các cổng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí.

Các cổng thu phí sẽ sử dụng mặt đường, hè phố hiện hữu, không phải giải tỏa mặt bằng. Hệ thống thu phí được bố trí theo vành đai khép kín bao quanh trung tâm Thành phố (Quận 1, 3); tuyến đường Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8; Đường 3/2; Lê Hồng Phong; Lý Thái Tổ; Nguyễn Văn Cừ; Võ Văn Kiệt; Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí cũng được bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Nhà đầu tư là Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD). Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.274 tỷ đồng, trong đó chi phí ban đầu hơn 478 tỷ đồng.

Sở GTVT cũng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP.HCM xem xét, quyết định và hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án.

Năm 2019, TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về Dự án Thu phí ô tô vào khu trung tâm với 36 cổng thu phí tự động và hệ thống tương tự lần này. Tuy nhiên, Dự án sau đó bị ngưng do có nhiều ý kiến phản đối.

Năm 2020, Sở Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất đầu tư 34 cổng thu phí ô tô vào khu trung tâm, do Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách thành phố nhưng chưa được triển khai.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2021

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km nối Tiền Giang, Mỹ Thuận đi Vĩnh Long hiện đã đạt 85% tổng khối lượng công trình và sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường 10 km còn lại trong tháng 11/2021 để kịp đưa vào phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới...

Doanh nghiệp dự án đang thi công 10 km còn lại để kịp hoàn thành vào cuối tháng 11/2021

Doanh nghiệp dự án đang thi công 10 km còn lại để kịp hoàn thành vào cuối tháng 11/2021

Với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, dài 51,5 km, rộng 17 m, gồm 4 làn xe mỗi làn 3,5 m, theo hợp đồng giữa Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang, Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2021. Song vì nhiều lý do, Dự án đã phải xin gia hạn đến ngày 30/11/2021.

Phần 10 km còn lại đang tiến hành trải thảm nhựa chạy qua địa bàn thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè với 4 gói thầu; trong đó 39 cây cầu bắc qua sông trên toàn tuyến đã xây dựng xong.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, thời gian qua, tình hình dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng Doanh nghiệp cố gắng bảo đảm tiến độ công việc đã đề ra. Gần 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân tại công trường đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi 2, đạt trên 95%.

Doanh nghiệp dự án cũng cho biết, hiện tại Dự án trong giai đoạn “chạy nước rút” để kịp hoàn thành. Dự kiến đến cuối tháng 11/2021 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến. Trong tháng 12/2021 hoàn thiện các hạng mục còn lại để kịp phục vụ người dân lưu thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Đây là dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối TP.HCM đi Cần Thơ, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự kiến thí điểm xe đạp công cộng ở TP.HCM vào tháng 11

Nhà đầu tư chuẩn bị nhập về 500 xe đạp và triển khai 43 vị trí bãi đậu ở Quận 1, dự kiến thí điểm xe đạp công cộng từ tháng 11 tại trung tâm Thành phố.

Xe đạp thuộc mô hình Mobike chạy thử ở Quận 1

Xe đạp thuộc mô hình Mobike chạy thử ở Quận 1

500 xe đạp được Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) lên kế hoạch nhập về TP.HCM đầu tháng 11, trong đó 388 xe phục vụ cho thuê, còn lại dự phòng. Hệ thống xe được bố trí ở 43 vị trí trên vỉa hè một số tuyến đường Quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt; công viên, điểm du lịch... để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn. Mỗi trạm diện tích từ 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe đậu hai dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là 1 mét.

Việc bố trí các điểm này dự tính triển khai trong 1 - 2 tuần sau khi xe nhập về, để chuẩn bị cho hoạt động thí điểm 1 năm. Trước đó, kế hoạch vận hành hệ thống xe đạp công cộng dự kiến thí điểm từ tháng 8, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lùi lại.

Việc thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn Quận 1 được UBND TP.HCM thống nhất cho triển khai vào tháng 4 năm nay, sau đề xuất từ Sở Giao thông vận tải và làm việc cùng các sở, ngành liên quan. Trong 1 năm thí điểm, Sở Giao thông vận tải sẽ tính toán, điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi, tổng kết và đánh giá kết quả.

Xe đạp sử dụng trong quá trình thí điểm là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng...

Việc mở dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng ở trung tâm TP.HCM được nhiều đơn vị quan tâm. Năm 2018, một doanh nghiệp thử nghiệm xe đạp thông minh E-bike tại Đại học Quốc gia TP.HCM (TP. Thủ Đức) nhưng đã ngưng.

Chuyên đề