Bản tin thời sự sáng 30/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làTP.HCM tổ chức 24 điểm tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; hai cá nhân lập 102 tài khoản để thao túng cổ phiếu bị xử phạt 1,2 tỷ đồng; hơn 2.500 nhân viên taxi Vinasun nghỉ việc; đề xuất Hà Nội có thể mở lại rạp chiếu phim từ ngày 31/1/2022…

TP.HCM tổ chức 24 điểm tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Ngành y tế tổ chức 24 điểm tiêm vaccine Covid-19 cố định ở 22 địa phương phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1)

Tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1)

Nội dung trên được đề cập trong kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 mùa xuân năm 2022 do UBND TP.HCM vừa ban hành. Mục tiêu của chiến dịch tiêm lần này nhằm đảm bảo người dân từ 12 tuổi trở lên ở Thành phố được tiêm vaccine trong Tết.

TP.HCM đang nỗ lực bao phủ vaccine Covid-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Việc tiêm liều bổ sung và nhắc lại (còn gọi là mũi 3) giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các chủng khác, vì hiệu quả vaccine có thể giảm dần theo thời gian.

Chiến dịch được chia làm 2 giai đoạn. Từ 29/1 đến 6/2, Thành phố duy trì tối thiểu một điểm tiêm vaccine cố định hoạt động suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại các bệnh viện cấp huyện, bệnh viện đa khoa tại Thành phố. Từ ngày 7 - 28/2, tất cả điểm tiêm chủng (cố định, cộng đồng, lưu động) hoạt động trở lại.

Người dân được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêm vaccine sớm nhất, không phân biệt hộ khẩu, không cần đăng ký trước.

Danh sách 24 điểm tiêm vaccine trong Tết tại Thành phố, gồm: các bệnh viện Quận 1, 4, 6, 7, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt; các trung tâm y tế Quận 3, 5, 10, Cần Giờ.

TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm mũi 3. Đến nay, Thành phố đã tiêm hơn 19,8 triệu mũi, gồm 8,1 triệu mũi một; 7,2 triệu mũi hai; 4,5 triệu mũi 3.

Hai cá nhân lập 102 tài khoản để thao túng cổ phiếu bị xử phạt 1,2 tỷ đồng

Hai cá nhân dùng 102 tài khoản để thao túng cổ phiếu TTB đã bị phạt hành chính 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác cũng bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

2 cá nhân bị phạt 1,2 tỉ đồng vì thao túng cổ phiếu
2 cá nhân bị phạt 1,2 tỉ đồng vì thao túng cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt ông Dương Thanh Xuân (Tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) số tiền 600 triệu đồng và phạt ông Nguyễn Thành Nam (Số 5, ngõ 41, đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) 600 triệu đồng do có hành vi thao túng giá cổ phiếu. Theo UBCKNN, ông Xuân và ông Nam đã cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hành vi của ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 211 – Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Trước đó ông Phùng Văn Thái - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã thực hiện bán toàn bộ gần 6,2 triệu cổ phiếu TTB trong thời gian từ ngày 14 - 21/1, trước thời điểm có quyết định xử phạt về hành vi thao túng trên.

Sau động thái bán hết vốn của lãnh đạo Tập đoàn Tiến Bộ, cổ phiếu TTB bắt đầu chuỗi lao dốc. Từ mức thị giá cao nhất một năm tại 13.300 đồng (ngày 13/1), cổ phiếu TTB rơi nhanh về 10.700 đồng như hiện tại, tương ứng mất 20% giá trị chỉ sau 11 phiên giao dịch gần nhất.

Hơn 2.500 nhân viên taxi Vinasun nghỉ việc

Vinasun năm qua cắt giảm hơn 2.500 nhân viên, trong đó khoảng 1.800 tài xế, do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp vì dịch bệnh.

Tài xế Vinasun tập trung tại Toà án TP.HCM trước phiên toà kiện Grab

Tài xế Vinasun tập trung tại Toà án TP.HCM trước phiên toà kiện Grab

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chỉ còn 1.877 nhân viên vào cuối năm ngoái, giảm hơn 2.500 người so với đầu năm. Ba tháng cuối năm là giai đoạn Công ty cắt giảm nhân sự mạnh nhất với khoảng 1.900 nhân viên nghỉ việc, trong khi chín tháng trước đó không có nhiều biến động.

Theo Phó Tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ, trong số nghỉ việc có khoảng 700 nhân viên khối văn phòng và 1.800 tài xế. Tốc độ hồi phục của thị trường vận tải sau đợt giãn cách dài ngày chưa nhanh như kỳ vọng, dẫn đến lượng xe nằm bãi lớn và khối lượng công việc không nhiều là nguyên nhân chính khiến tình hình nhân sự biến động mạnh.

Đại diện Vinasun khẳng định Công ty đã thanh toán đầy đủ bảo hiểm, trợ cấp thôi việc và có thể tuyển dụng lại người lao động đã nghỉ việc khi mở rộng lại hoạt động kinh doanh.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Vinasun mạnh tay cắt giảm nhân sự. Năm 2019, số lượng nhân viên nghỉ việc xấp xỉ 1.000 người, sau đó vào 2020 là khoảng 1.400 người. Vinasun đang có chuỗi lỗ hai năm liên tiếp và nếu tình hình không thay đổi trong năm nay, cổ phiếu VNS của doanh nghiệp này có thể bị huỷ niêm yết trên sàn TP.HCM. Năm ngoái, thông tin taxi tạm ngưng hoạt động tại TP.HCM để phòng dịch khiến giá cổ phiếu rớt sâu xuống vùng 8.500 đồng.

Đề xuất Hà Nội có thể mở lại rạp chiếu phim từ ngày 31/1/2022

Đây là đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đối với các rạp phim ở Thủ đô khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - chống dịch sau khi tham khảo ý kiến Bộ Y tế.

Rạp phim tại Hà Nội đã phải đóng cửa trong gần cả năm 2021, sang đến tháng 1/2022

Rạp phim tại Hà Nội đã phải đóng cửa trong gần cả năm 2021, sang đến tháng 1/2022

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc xem xét sớm mở cửa các rạp chiếu phim.

Thông tin trên được cung cấp tại trang web cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề xuất việc cho phép các rạp chiếu phim mở lại từ ngày 31/1/2022, tức ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu).

Theo đó, công văn nêu rõ rằng đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đưa ra sau khi đã lấy ý kiến phối hợp từ Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Văn hóa cũng cho rằng các rạp chiếu có thể tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch cần thiết vì khán giả tới rạp chỉ tập trung xem phim, bản thân các nhà rạp cũng có thể tự hướng dẫn khán giả ngồi ghế giãn cách và mua vé trực tuyến để hạn chế tối đa các tiếp xúc trực tiếp.

Đề xuất này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân, đặc biệt là trong khoảng thời gian Tết và thời gian lên rạp của loạt phim Tết Việt.

Đây cũng là sự ủng hộ đối với các doanh nghiệp phát hành, vốn đã lao đao vì dịch bệnh, nhiều phim ùn ứ chưa thể ra rạp vì ảnh hưởng dịch bệnh trong suốt hai năm nay.

Đề xuất mở lại các rạp chiếu phim cũng ứng với mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế...

BOT xa lộ Hà Nội giảm phí từ ngày 1/2

Trạm BOT xa lộ Hà Nội (TP.HCM) bắt đầu giảm phí từ 0h ngày 1/2, với giá vé lượt áp dụng thấp nhất 24.000 đồng, cao nhất 137.000 đồng.

BOT xa lộ Hà Nội giảm phí từ ngày 1/2

BOT xa lộ Hà Nội giảm phí từ ngày 1/2

Chiều 29/1, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội (nhà đầu tư), cho biết việc điều chỉnh mức giá nhằm thực hiện chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Xe mua vé tháng, mức giá sẽ giảm so với hiện nay từ 30.000 - 90.000 đồng tuỳ loại. Vé quý cũng giảm từ 81.000 - 243.000 đồng tuỳ loại xe. Những xe đã mua vé tháng, quý trước ngày 1/2 không được giảm giá.

BOT xa lộ Hà Nội thu phí từ đầu tháng 4/2021 để hoàn vốn cho dự án mở rộng tuyến đường này và đoạn Quốc lộ 1 từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Tổng thời gian thu phí của Dự án dự kiến trong 17 năm 9 tháng. Hiện trạm miễn, giảm cho 11 nhóm phương tiện, gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát... theo Thông tư 35.

Năm ngoái, BOT xa lộ Hà Nội cùng các trạm thu phí khác trên địa bàn TP.HCM dừng hoạt động hơn 2 tháng khi Thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các doanh nghiệp dự án BOT sẽ được tính toán lại phương án tài chính, kéo dài thêm thời gian thu phí để bù đắp khoảng thời gian này.

Chợ đêm Đà Lạt được hoạt động từ 0h ngày 29/1

Sau hơn 6 tháng ngừng để phòng chống Covid-19, Lâm Đồng cho phép chợ đêm Đà Lạt mở cửa trở lại từ 0h ngày 29/1.

Du khách đến chợ đêm Đà Lạt năm 2019

Du khách đến chợ đêm Đà Lạt năm 2019

Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, chợ đêm phải đảm bảo giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong quá trình kinh doanh. Ngoài ra, Tỉnh cho phép quán bar ở địa bàn được mở cửa nhưng chỉ hoạt động 50% công suất.

Chợ đêm Đà Lạt còn gọi là chợ Âm Phủ, là địa điểm thu hút nhiều du khách. Trước đó, hơn 200 hộ tiểu thương ở đây đã kiến nghị UBND TP. Đà Lạt cho phép chợ mở cửa trở lại. Hiện, dịch tại Đà Lạt ở cấp độ 2 (vùng vàng). Tính đến ngày 26/1, Lâm Đồng ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm.

Chuyên đề