Bản tin thời sự sáng 29/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề nghị đăng ký luồng xanh “tự động” thay cho chờ phê duyệt; Công an Đà Nẵng mở chợ tạm bán thực phẩm cho dân; đề xuất cho 25.000 shipper TP.HCM hoạt động liên quận; Hà Nội huy động hơn 2.000 phương tiện dự phòng phòng chống dịch; Bình Dương xây bệnh viện dã chiến Bàu Bàng quy mô 1.000 giường; thúc tiến độ đấu thầu Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.…

Hà Nội đề nghị đăng ký luồng xanh “tự động” thay cho chờ phê duyệt

Thay vì phải có sự can thiệp của con người, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn thực hiện các bước để đăng ký luồng xanh tự động. Việc này được Sở GTVT Hà Nội đánh giá là giúp giảm quá tải, ngăn chặn tiêu cực.

Thanh tra giao thông kiểm tra luồng xanh xe tải trên đường

Thanh tra giao thông kiểm tra luồng xanh xe tải trên đường

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai vận hành phần mềm kê khai thông tin “Giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa - luồng xanh” theo cách thức mới.

Theo đó, bắt đầu từ cuối tuần này, Tổng cục Đường bộ vận hành thí điểm việc kê khai thông tin để nhận diện phương tiện thông qua mã QR code được thực hiện tự động trên hệ thống (phần mềm) cấp mã nhận diện luồng xanh tự động. Sau khi nhận được hồ sơ điện tử của DN vận tải, hệ thống sẽ tự động xử lý cấp mã luồng xanh, không phải thông qua quá trình phê duyệt của con người như trước đây. Việc này cũng bỏ việc xét duyệt hồ sơ từ các sở GTVT.

Để đảm bảo triển khai, vận hành thử nghiệm phần mềm đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vận tải, Sở GTVT Hà Nội đề nghị DN vận tải thực hiện các bước như hướng dẫn.

Cụ thể, DN vận tải truy cập vào hệ thống cấp mã luồng xanh tự động; điền các thông tin; scan các giấy tờ liên quan tải lên hệ thống. Sau khi hoàn thành các thủ tục, chậm nhất 24 giờ, DN sẽ nhận được phản hồi kết quả.

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, đã có trên 40.000 xe tải chở hàng hóa xin cấp thẻ luồng xanh để được lưu thông tại Hà Nội hoặc đi qua. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện cấp mã luồng xanh cho khoảng 20.000 xe tải.

TP.HCM đề nghị kéo dài thời gian năm học 2021-2022

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài khung thời gian kết thúc năm học 2021 - 2022 vì dịch Covid-19.

Tại TP.HCM, học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9

Tại TP.HCM, học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9

Ông Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Do đó, địa phương sẽ không thể cho học sinh tới trường học trực tiếp, thay vào đó học sinh sẽ học trực tuyến. Cụ thể, học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9. Trong tuần đầu tiên, giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn các kỹ năng để học sinh quen dần việc học trực tuyến.

Cũng theo ông Dương Anh Đức, Thành phố đã có chỉ đạo yêu cầu các nhà trường phải rà soát, nắm rõ điều kiện cụ thể của từng học sinh để có hướng dẫn dạy học. Đối với các trường hợp học sinh khó khăn, phải có chính sách kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ trẻ có thiết bị học tập. Ngoài ra, nhà trường linh hoạt các hình thức dạy học, giao bài tập cho học sinh, hướng dẫn các em tự học. Thành phố sẽ triển khai tiêm vắc xin cho 100% giáo viên trước năm học mới và tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi phù hợp khi có điều kiện.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Địa phương xác định phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế được dạy học trực tiếp. Vì thế, TP.HCM đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2 để đảm bảo chất lượng học sinh.

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, chỉ đạo các trường tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Thành phố cũng sẽ có chính sách quan tâm đến giáo viên gặp khó khăn do dịch bệnh và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhất là những em gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Công an Đà Nẵng mở chợ tạm bán thực phẩm cho dân

30 "chợ container" chứa thực phẩm đã được công an TP. Đà Nẵng đưa đến các khu dân cư để bán bình ổn giá, thông qua các tổ dân phố vào ngày 28/8.

Có 30 điểm bán hàng được tổ chức tại 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu

Có 30 điểm bán hàng được tổ chức tại 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu

Đây là ngày đầu tiên công an Đà Nẵng thực hiện việc cung ứng hàng hoá cho người dân trong thời gian cách ly xã hội.

Tại điểm bán hàng trên đường Hùng Vương (quận Thanh Khê), các chiến sĩ mang đồ bảo hộ khi bán trực tiếp cho các tổ dân phố. Thịt, cá, rau được bảo quản trong container đông lạnh để đảm bảo chất lượng.

Có 30 điểm bán hàng, trước mắt tổ chức tại 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Hàng được bán thông qua các công an phường và tổ dân phố thay phiên nhau đến mua theo đơn đặt hàng, khi người dân đang tiếp tục thực hiện "ở yên trong nhà" đến ngày 5/9 để Thành phố chống dịch Covid-19.

Khi nhận hàng, đại diện các tổ cung ứng cũng kiểm tra thêm chất lượng, nếu phát hiện thực phẩm kém chất lượng sẽ loại bỏ ngay.

Ngoài thịt, cá, gà, vịt, gạo, củ quả, gia vị được bán với giá bình ổn, công an cũng hỗ trợ mỗi đơn hàng kèm theo một phần rau xanh miễn phí để các tổ dân phố phân phát cho những hộ khó khăn.

Trước đó, từ ngày 27/8, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng cho mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện khoảng 30% các sạp hàng là nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, gia vị.

Đề xuất cho 25.000 shipper TP.HCM hoạt động liên quận

Sở Công Thương TP.HCM vừa đề xuất UBND Thành phố cho phép huy động khoảng 25.000 shipper đã tiêm vaccine hoạt động liên quận, huyện, thành phố.

Việc huy động 25.000 shipper có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình

Việc huy động 25.000 shipper có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình

Trong phương án đưa ra, Sở Công Thương đề xuất chỉ cho shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia hoạt động liên quận trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Doanh nghiệp cung ứng shipper sẽ chịu trách nhiệm lập danh sách tài xế gửi về Sở để đưa vào cơ sở dữ liệu "tra cứu shipper".

Tính đến ngày 28/8, đã có 17.449 shipper được tiêm mũi 1 tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Nếu tính theo 14 quận, huyện trừ vùng đỏ là 12.513 shipper. Sở Công Thương dự báo có thể huy động khoảng 25.000 shipper hoạt động. Các shipper tham gia phải được xét nghiệm nhanh 3 ngày một lần, với chi phí do doanh nghiệp tự chi trả. Giấy xét nghiệm nhanh sẽ là dấu hiệu nhận diện với shipper được phép hoạt động, bên cạnh các điều kiện đã đưa ra từ trước.

Sở Công Thương đánh giá, do tác động mạnh của dịch bệnh, hệ thống phân phối hàng hóa không tương xứng với phân bố dân cư, vì vậy cần có sự lưu chuyển hàng hóa để phục vụ người dân tốt hơn.

Trong đó, phương thức "mua hàng trực tuyến - giao hàng không chạm" cần được phát huy. Hiện nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng và cũng là đối tác của các doanh nghiệp vận chuyển nên việc phối hợp sẽ thuận lợi.

Sở Công Thương cho rằng, đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông nên sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động liên quận. Theo tính toán, trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20 - 25 đơn hàng mỗi ngày. Vì vậy, nếu huy động được 25.000 shipper có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 đến 650.000 hộ gia đình.

Hà Nội huy động hơn 2.000 phương tiện dự phòng phòng chống dịch

Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành phương án huy động hàng ngàn phương tiện dự phòng để ứng phó với các cấp độ phức tạp của dịch Covid-19.

Xe buýt sẽ là phương tiện dự phòng khi cần huy động chống dịch

Xe buýt sẽ là phương tiện dự phòng khi cần huy động chống dịch

Theo đó, Thành phố huy động dự phòng 2.163 phương tiện, trong đó có 1.011 xe tải và 1.152 xe chở khách (bao gồm cả người lái) của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở GTVT dự phòng 100 xe tải vận chuyển trang thiết bị phục vụ y tế; 100 ô tô con loại 5 chỗ phục vụ vận chuyển mẫu sinh phẩm và đội phản ứng nhanh của CDC Hà Nội trong công tác truy vết; 90 xe tải vận chuyển oxy y tế.

Để vận chuyển bệnh nhân F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ và trung bình, dự kiến bố trí 350 ô tô, trong đó gồm 100 xe 5 chỗ ngồi và 250 xe buýt.

Để vận chuyển bệnh nhân F0 nặng cần thở oxy dự kiến sử dụng 170 ô tô. Để vận chuyển bệnh nhân F0 rất nặng cần thở máy xâm nhập, bệnh nhân nguy kịch và ECMO, đề nghị Sở Y tế sử dụng xe cứu thương chuyên dụng…

Để vận chuyển lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, trường hợp điều phối hàng hóa trên địa bàn Thành phố sẽ dự phòng 450 xe tải các loại. Địa điểm tập kết dự phòng tại bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm, bến xe Sơn Tây, bến xe Yên Nghĩa, bến xe Gia Lâm...

Trường hợp điều phối hàng hoá từ các tỉnh về cung ứng cho Thành phố dự kiến huy động 78 xe tải.

Trường hợp một số địa điểm bán hàng bị thiếu hàng cục bộ hoặc bị ngừng kinh doanh do có liên quan đến yếu tố dịch tễ sẽ huy động 50 xe buýt được chuyển đổi công năng, tháo ghế, lắp đặt hệ thống vải bạt bên ngoài thành “xe bán hàng lưu động” phục vụ nhân dân.

Thúc tiến độ đấu thầu Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị nhà tài trợ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đấu thầu Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM để khởi công năm nay.

Sơ đồ Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM

Kiến nghị trên vừa được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận gửi Bộ GTVT để Bộ làm việc với Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) - nhà tài trợ vốn ODA cho Dự án. Động thái này được đưa ra do quá trình đấu thầu Dự án có nhiều bước cần sự chấp thuận từ EDCF trước khi Bộ GTVT phê duyệt.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận với vai trò đại diện Bộ GTVT quản lý Dự án trước đó đã lập xong hồ sơ mời thầu xây lắp, tư vấn giám sát. Đồng thời, Ban đang đề nghị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiểm tra.

Theo kế hoạch, Dự án 1A khởi công trong năm 2021. Do đó, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết cần sự phối hợp đồng bộ từ cả Bộ GTVT và EDCF mới đáp ứng tiến độ dự kiến. Hiện quá trình đấu thầu có nhiều đầu việc cần được nhà tài trợ sớm xem xét và chấp thuận như hồ sơ mời thầu xây lắp, tư vấn giám sát; kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật xây lắp, tư vấn giám sát; dự thảo hợp đồng xây lắp, tư vấn giám sát...

Dự án 1A dài hơn 8,7 km, kết nối từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3 km, còn lại qua TP.HCM. Kinh phí đầu tư cho dự án này gần 5.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Phần giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do TP.HCM và Đồng Nai thực hiện.

Cảng Hiệp Phước dừng dịch vụ đóng rút gạo

Dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của Tân Cảng Hiệp Phước dừng hoạt động do có công nhân mắc Covid-19.

Một góc cảng Tân Cảng Hiệp Phước

Một góc cảng Tân Cảng Hiệp Phước

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông báo về việc tạm dừng dịch vụ đóng rút gạo tại Tân Cảng Hiệp Phước đã được cảng này gửi tới các đại lý, hãng tàu. Dự kiến, dịch vụ này sẽ hoạt động trở lại vào trung tuần tháng 9.

Dịch vụ đóng gạo tại bến sà lan 125 thuộc Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Nhơn Trạch vẫn hoạt động, song năng lực đóng hàng của 2 cảng này thấp hơn so với thời gian trước, ảnh hưởng tới tiến độ xuất khẩu gạo ít nhất là đến hết tháng 9.

Cảng Hiệp Phước là cảng vệ tinh hệ thống cảng Cái Mép trong hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của Tân Cảng Sài Gòn, nơi thu gom, tập kết, thông quan hàng nông sản, bách hóa tổng hợp... tại khu vực phía Nam TP.HCM và các tỉnh lân cận. Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc cảng này ngừng dịch vụ đóng rút gạo sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là mặt hàng gạo trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn gửi thông báo tới khách hàng, đại lý, hãng tàu, từ ngày 27/8, người vào cảng Cát Lái, Hiệp Phước bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 giờ.

Bình Dương xây Bệnh viện dã chiến Bàu Bàng quy mô 1.000 giường

Cơ sở điều trị có tổng quy mô 1.000 giường, được thiết lập tại xã Lai Hưng (Bàu Bàng) nhằm thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1 và tầng 2 ở khu vực là "vùng đỏ".

Bình Dương xây bệnh viện dã chiến Bàu Bàng quy mô 1.000 giường. Ảnh minh họa

Bình Dương xây bệnh viện dã chiến Bàu Bàng quy mô 1.000 giường. Ảnh minh họa

Bệnh viện dã chiến Bàu Bàng được UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với huyện Bàu Bàng xây dựng đặt tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, với quy mô 1.000 giường, khi cần thiết có thể mở rộng thêm 500 giường. Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành Bệnh viện vào ngày 30/8 để sớm đưa vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Sau khi hoàn thành, cơ sở này sẽ tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 1 và tầng 2) cho các địa phương "vùng đỏ" trên địa bàn Tỉnh. Đây vốn là xưởng do doanh nghiệp cho mượn để xây dựng bệnh viện dã chiến.

Tính từ đợt dịch thứ 4, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 dã chiến tại huyện Bàu Bàng tiếp nhận điều trị trên 3.000 bệnh nhân, có 2.700 bệnh nhân được chữa khỏi, xuất viện; hơn 300 bệnh nhân đang điều trị.

Bình Dương hiện có 146 khu cách ly, 21 khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Tỉnh liên tục đưa vào hoạt động, mở rộng các khu điều trị dã chiến, các bệnh viện dã chiến ở các huyện “vùng xanh”; huy động thêm các bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tiki xin giao sách miễn phí, Be muốn tham gia “đi chợ hộ”

Tiki xin cho shipper giao sách miễn phí để kịp mùa tựu trường, còn Be đề xuất dùng đội tài xế sẵn có để "đi chợ hộ" nội quận TP.HCM.

Tiki xin giao sách miễn phí để kịp mùa tựu trường

Tiki xin giao sách miễn phí để kịp mùa tựu trường

Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã nhận được các văn bản đề xuất của Tiki, Be và đang tiến hành xem xét.

Cụ thể, Tiki vừa đề nghị Sở Công Thương TP.HCM cho phép shipper của Tikinow Smart Logistics – đơn vị vận chuyển hàng hóa của Tiki - vận chuyển sách giáo khoa và văn phòng phẩm cho người dân TP.HCM trong bối cảnh mùa tựu trường sắp đến. Tiki để xuất miễn phí vận chuyển trong địa bàn TP.HCM và bán hàng bình ổn giá để cùng người dân vượt qua đại dịch.

Phía Tiki cho biết, đội ngũ giao hàng của Tikinow Smart Logistics được đào tạo chuyên nghiệp, đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ và thực hiện đúng theo các nguyên tắc 5K. Công ty này cam kết sẽ tuân thủ các quy định và nguyên tắc phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian thực hiện dịch vụ.

Trong khi đó, Be Group đề xuất cùng tham gia chương trình "đi chợ hộ" của Thành phố. Nền tảng này đưa ra phương án người dùng vào mục "Đi chợ" trên ứng dụng, nhập địa chỉ nhận hàng, lựa chọn tên đơn vị cung ứng, các mặt hàng và số lượng cần mua.

Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng theo danh sách mà UBND Thành phố quy định trước và đã có ký kết hợp đồng với Be. Mỗi tài khoản người dùng chỉ được đặt hàng một lần mỗi ngày trong khung giờ từ 6h00 - 17h00.

Khác với Grab, Be đề xuất tận dụng tài xế đối tác của chính ứng dụng, chỉ di chuyển trong nội quận. Nền tảng này đang có hơn 3.000 tài xế xe 2 bánh đã được tiêm vaccine mũi 1.

Trường hợp người dùng đang ở trong khu vực cách ly/phong tỏa, tài xế Be sẽ giao hàng cho lực lượng bộ đội, bảo vệ, tình nguyện viên tại bàn giao nhận bên ngoài khu.

Tàu hàng hơn 4.300 tấn chìm ở biển Nghi Sơn sau khoảng 9 tháng neo đậu

Tàu vận tải Thành Hưng 41 sau khoảng 9 tháng neo đậu trên vùng biển giáp ranh với tỉnh Nghệ An thì bị chìm.

Tàu Thành Hưng 41 nổi một phần cabin lập lờ trên mặt nước sau sự cố

Tàu Thành Hưng 41 nổi một phần cabin lập lờ trên mặt nước sau sự cố

Ngày 28/8, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa Nguyễn Xuân Sơn cho biết, đơn vị này đang phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu Công ty TNHH Hàng hải Trường Giang (trụ sở tại phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM), chủ tàu Thành Hưng 41, có biện pháp trục vớt, di chuyển tàu chìm để đảm bảo an toàn khi ra vào vùng biển Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn).

Trước đó, khi đang neo đậu trên vùng biển giáp ranh hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, cách luồng vào Cảng tổng hợp Nghi Sơn hơn 2 hải lý, tàu Thành Hưng 41 (trọng tải toàn phần hơn 4.300 tấn) bất ngờ bị sóng đánh chìm, chỉ nổi một phần cabin trên mặt nước.

Hai người được thuê trông coi tàu đã nhanh chóng rời đi nên không có thiệt hại về người. Khi bị chìm, trên boong tàu đang chở hơn 3.600 tấn đá đóng bịch (đá sử dụng làm vật liệu xây dựng).

Theo đại diện Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, tàu Thành Hưng 41 rời cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến Nghi Sơn từ ngày 14/12. Tối 16/12/2020, sau khi lấy đủ hàng từ cảng Đại Dương trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tàu không đến TP.HCM để trả hàng theo lịch trình mà tiếp tục neo đậu tại cảng.

Đến ngày 21/1/2021, tàu ra khu vực vũng quay tàu trước bến cảng Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục neo đậu...

Ngày 24/6, Công ty Hàng hải Trường Giang có văn bản đề nghị cho tàu Thành Hưng 41 tiếp tục neo đậu ở vùng biển giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để thuận tiện cho việc sửa chữa, hoàn thiện trang thiết bị. Dự kiến ngày 29/6, tàu Thành Hưng 41 sẽ chuyển hàng vào TP.HCM. Tuy nhiên, quá thời gian trên, tàu vẫn án binh bất động và xảy ra sự cố.

Chuyên đề