Bản tin thời sự sáng 29/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ ban hành quy định mới về giá đất; Bộ Tài chính lần thứ 5 giảm phí cho người dân, doanh nghiệp; đưa vào khai thác toàn bộ Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt từ ngày 30/6/2024; Hà Nội đề xuất thí điểm thu phí vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm…

Chính phủ ban hành quy định mới về giá đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP về giá đất, quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá.

Nghị định số 71/2024/NĐ-CP làm rõ trình tự, phương pháp định giá đất

Nghị định số 71/2024/NĐ-CP làm rõ trình tự, phương pháp định giá đất

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực.

Nghị định quy định việc áp dụng phương pháp định giá đất trong các trường hợp khác nhau.

Cụ thể, trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê một lần tại thời điểm ban hành quyết định thì áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất; trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì áp dụng bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm ban hành quyết định.

Nếu giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tùy từng trường hợp cụ thể để áp dụng các phương pháp định giá đất.

Trường hợp áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất, nếu có đầy đủ điều kiện để ước tính được doanh thu phát triển, chi phí phát triển của thửa đất, khu đất thì xác định doanh thu phát triển ước tính, chi phí phát triển ước tính theo diện tích giao đất, cho thuê đất của quyết định đó.

Nếu không ước tính được đầy đủ doanh thu phát triển của thửa đất, khu đất hoặc chi phí phát triển ước tính lớn hơn doanh thu phát triển ước tính đối với diện tích cần định giá thì việc xác định doanh thu phát triển ước tính, chi phí phát triển ước tính được thực hiện cho toàn bộ dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Bộ Tài chính lần thứ 5 giảm phí cho người dân, doanh nghiệp

36 khoản phí, lệ phí sẽ giảm 10 - 50% từ ngày 1/7 đến hết năm nay, theo quyết định của Bộ Tài chính.

Việc giảm phí cho người dân, doanh nghiệp từ 1/7 đến hết năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng

Việc giảm phí cho người dân, doanh nghiệp từ 1/7 đến hết năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng

Đây là năm thứ 5 cơ quan này giảm các khoản phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Dự kiến, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Theo đó, từ 1/7 đến hết năm nay, hơn 20 khoản phí được giảm một nửa như lệ phí cấp căn cước công dân, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, chứng khoán.

Các loại phí khác cũng được giảm 50% như thẩm định duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Theo cơ quan chức năng, việc giảm các loại phí lần này giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đưa vào khai thác toàn bộ Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt từ ngày 30/6/2024

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành đã đánh dấu việc về đích của toàn bộ Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 652,86 km.

Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ 7h ngày 30/6/2024, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được đưa vào khai thác 19 km cuối tuyến (đoạn từ nút giao Quốc lộ 46B đến nút giao Quốc lộ 8A).

Việc hoàn thành 19 km cuối cùng không chỉ giúp toàn tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 5 tiếng như trước, mà còn là mảnh ghép cuối cùng đánh dấu việc về đích của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 652,86 km.

Được biết, Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài khoảng 49 km đi qua địa bàn hai tỉnh: Nghệ An (44 km), Hà Tĩnh (5 km), là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tổng vốn đầu tư Dự án là 11.157 tỷ đồng, do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ban Quản lý dự án 6 là cơ quan quản lý dự án.

Nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA 2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Hà Nội đề xuất thí điểm thu phí vỉa hè ở quận Hoàn Kiếm

Tổ soạn thảo Đề án về quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn vừa đề xuất thí điểm thu phí vỉa hè tại quận Hoàn Kiếm.

Vỉa hè phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm

Vỉa hè phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm

Sau hơn 10 tháng nghiên cứu, tổ soạn thảo (gồm 11 sở, ngành và 4 quận, huyện do Sở Xây dựng là cơ quan thường trực) đã trình UBND Thành phố việc ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố.

Từ kết quả đánh giá hiện trạng quản lý tại 123 tuyến phố, rà soát quy định hiện hành, tổ đã xác định các điều kiện, tiêu chí để xem xét việc khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường để trông xe, sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh. Tổ soạn thảo đề xuất 9 mô hình hè phố được khai thác, sử dụng ngoài mục đích giao thông và đề ra 7 nhóm giải pháp quản lý.

Mức phí cho thuê thực hiện theo Nghị quyết số 06/2020 của HĐND Thành phố. Theo đó, phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè để trông giữ ô tô cao nhất 240.000 đồng/m2/tháng tại các tuyến phố cần hạn chế thuộc quận Hoàn Kiếm, mức thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng thuộc thị xã Sơn Tây và các huyện.

Phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe máy, xe đạp tại các tuyến phố hạn chế ở Hoàn Kiếm cao nhất 135.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất 20.000 đồng/m2/tháng thuộc thị xã Sơn Tây và các huyện.

Việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh tại các tuyến phố chính của 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, các tuyến phố văn hóa ẩm thực, chợ đêm áp dụng mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến phố chính 8 quận còn lại 40.000 đồng/m2/tháng; những tuyến phố khác và phố thuộc thị xã Sơn Tây 25.000 đồng/m2/tháng; các huyện 20.000 đồng/m2/tháng.

Tổ soạn thảo đề xuất thí điểm đề án tại quận Hoàn Kiếm. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả bước đầu, Thành phố sẽ tiếp tục xem xét việc thực hiện Đề án tại khu vực đô thị thuộc của các quận, huyện.

Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của Thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 30, 94 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền. Mức phí cho thuê là 45.000 đồng/m2/tháng, thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố mỗi lần là 6 tháng.

Tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô một số khu vực ở Côn Đảo

Chiều 28/6, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Vườn quốc gia Côn Đảo quyết định tạm dừng các hoạt động bơi lội, lặn xem san hô trong một số hợp phần bảo tồn biển từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9/2024.

Nhiều khu vực bảo tồn biển ở Côn Đảo sẽ hạn chế lặn ngắm san hô

Nhiều khu vực bảo tồn biển ở Côn Đảo sẽ hạn chế lặn ngắm san hô

Theo đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo quyết định tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại các địa điểm như: vịnh Côn Sơn (trừ vùng đệm), Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tài, Hòn Thỏ, Hòn Bông Lan, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, mũi Tàu Bể, đầm Tre, Hòn Trứng, bãi Ông Cường, bãi Sạn, bãi Đất Thắm, bãi Bàn, Ông Đụng, Ông Câu, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, đầm Quốc - Hòn Bà và Hòn Vung.

Các địa điểm còn lại như: bãi Giông - Hòn Bảy Cạnh, bãi Cát Lớn - Hòn Cau, bãi trước Trạm Kiểm lâm Hòn Tre Lớn được hoạt động bơi lội, lặn xem san hô phục vụ du lịch bình thường.

Tại những địa điểm này, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có gắn phao neo và cờ hiệu để phương tiện du lịch neo đậu khi tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô. Lưu ý tuyệt đối không thả neo trên rạn san hô trong quá trình tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô.

Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo sẽ tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra hướng dẫn và xử lý vi phạm khi các phương tiện vi phạm các quy định hiện hành về bảo vệ vùng rạn.

Trước đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khảo sát thực tế hiện trạng san hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng diện rộng.

Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiếp tục thử nghiệm đón siêu tàu container 232.494,5 DWT

Nếu Gemadept - Terminal Link tiếp nhận thành công tàu container 232.494,5 DWT giảm tải - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay sẽ mở thêm cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam đưa hàng đến các cảng châu Âu và Bắc Mỹ.

Một góc cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link

Một góc cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link về việc khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải.

Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiếp tục khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam; thời gian khai thác thử nghiệm đến ngày 30/6/2025.

Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link có trách nhiệm tuân thủ sự hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục, tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải ra vào bến cảng; chịu mọi trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận tàu vào cầu cảng nếu xảy ra sự cố và hiệu quả đầu tư; không yêu cầu Bộ GTVT đầu tư, cải tạo kết cấu hạ tầng công cộng hiện hữu.

Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chỉ cho phép bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải khi đảm bảo các điều kiện phù hợp về luồng hàng hải hiện hữu, điều kiện tự nhiên, điều kiện khai thác và các nội dung khác liên quan để đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Vào giữa năm 2023, bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link từng được Bộ GTVT thống nhất chủ trương và tiếp tục khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải.

Bến cảng Cái Mép Gemalink của Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link nằm trên bờ phải luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được Cục Hàng hải Việt Nam công bố đưa vào sử dụng tháng 6/2021 để tiếp nhận tàu container trọng tải đến 200.000 DWT.

Trong thời gian qua, bến cảng này đã tiếp nhận thử nghiệm an toàn nhiều tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải. Đặc biệt, ngày 19/2/2024, cảng này đã tiếp nhận an toàn tàu container lớn nhất thế giới HMM LE HARVE của Liên minh Alliance với chiều dài tàu là 399,9 m, trọng tải đến 232.606,5 DWT.

Chính thức dùng cát biển thí điểm đắp nền đường cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Bộ GTVT cho biết, ngày 1/7, nhà thầu sẽ dùng cát biển thi công thí điểm đắp nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "đói cát"

Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "đói cát"

Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành quyết định về việc giao quyền sử dụng khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đơn vị thi công để khai thác cát biển phục vụ Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Ngày 29/6, nhà thầu sẽ tổ chức khai thác và dự kiến đến ngày 1/7 sẽ thi công thí điểm đắp nền đường. Phạm vi thi công thí điểm mở rộng được lựa chọn từ Km81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 (thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và từ Km6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau (thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Đối với công tác quản lý khai thác, thi công cát biển, Bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu thi công tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển tuân thủ các quy định liên quan.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các địa phương có Dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mở rộng trên Dự án.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc mở rộng thí điểm thi công trên Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực.

Chuyên đề