Bản tin thời sự sáng 29/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Kho bạc Nhà nước gửi ngân hàng gần 100.000 tỷ đồng; gần 5.000 công nhân, kỹ sư tại sân bay Long Thành thi công xuyên lễ 30/4 - 1/5; nhiều dự án tổng vốn 120.000 tỷ đồng sẽ rót vào Ninh Thuận; Đắk Nông cung cấp hồ sơ các dự án điện gió cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương…

Kho bạc Nhà nước gửi ngân hàng gần 100.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của BIDV, Vietcombank và VietinBank, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng này lên tới gần 100.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Vietcombank giữ hơn 3.300 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước.

Ngân hàng Vietcombank giữ hơn 3.300 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước.

Ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024. Các báo cáo cho thấy, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, tại BIDV, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi 40.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Con số này tăng gấp đôi so với số dư hơn 19.000 tỷ đồng gửi vào cuối năm 2023.

Tại VietinBank, Kho bạc Nhà nước có số dư tiền gửi đến cuối quý I/2024 là gần 45.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cuối năm 2023.

Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước của Vietcombank thấp nhất trong 3 ngân hàng quốc doanh, chỉ hơn 3.300 tỷ đồng, nhưng con số này cũng gấp hơn 4 lần so với cuối 2023.

Như vậy, tổng số tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng trên đạt trên 94.000 tỷ đồng.

Trước đây, lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc.

Gần 5.000 công nhân, kỹ sư tại sân bay Long Thành thi công xuyên lễ 30/4 - 1/5

Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thông tin, tại nhiều hạng mục công nhân thi công suốt kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ sân bay Long Thành

Nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ sân bay Long Thành

Ngày 28/4, Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các nhà thầu tham gia xây dựng sân bay Long Thành huy động 5.000 nhân lực cùng hàng nghìn phương tiện, máy móc thi công cả ngày lẫn đêm.

Việc thi công xuyên đợt nghỉ lễ nhằm tranh thủ thời tiết thuận lợi của mùa khô, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hiện, sân bay Long Thành đang triển khai 4 gói thầu lớn gồm nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, 2 tuyến giao thông kết nối (tuyến T1, T2) và đài kiểm soát không lưu.

Trong đó, hạng mục Nhà ga hành khách đã thi công xong phần ngầm, phần đắp đất nền, móng, trải lớp cát đệm theo hồ sơ thiết kế. Ngoài ra, hạng mục này cũng đã đậy nắp hầm, hoàn thành 100% trụ tầng 1 và đang triển khai công tác lắp ván khuôn, cốt thép, bê tông sàn tầng 1.

Tại công trường thi công đường giao thông kết nối T1, T2, các nhà thầu huy động 630 nhân sự, 196 máy móc làm việc xuyên lễ để thi công các trụ cầu, sản xuất dầm super T, cấp phối đá dăm và làm hầm chui dân sinh.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành việc lắp dầm super T trước tháng 10/2024 và hoàn thiện mặt đường cầu, chiếu sáng, lan can trước tháng 7/2025.

Tại công trình Đài kiểm soát không lưu, có 150 công nhân, kỹ sư làm việc suốt kỳ nghỉ lễ. Hiện đơn vị thi công đã hoàn thành phần thô bê tông cốt thép đến dầm sàn tầng 10m.

Đến nay, cao độ của tháp kiểm soát không lưu đã đạt cao trình khoảng 70 m. Tiến độ đang vượt 30 ngày để bù vào mùa mưa sắp tới. Dự kiến đến tháng 11, phần bê tông cốt thép tháp không lưu đạt độ cao gần 108m và đến 30/6/2025 sẽ hoàn thành tháp.

Sân bay Long Thành khởi công năm 2021, năm 2026 sẽ đưa vào khai thác. Giai đoạn 1 sân bay Long Thành có công suất 25 triệu khách/năm, sau đó nâng lên 50 triệu khách/năm vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là 100 triệu khách/năm.

Nhiều dự án tổng vốn 120.000 tỷ đồng sẽ rót vào Ninh Thuận

Lãnh đạo Ninh Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ dự án, với tổng vốn 120.000 tỷ đồng của 14 doanh nghiệp muốn đầu tư vào địa phương.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trung tâm tỉnh lỵ của Ninh Thuận

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trung tâm tỉnh lỵ của Ninh Thuận

Nội dung diễn ra tại công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận, ngày 28/4.

Trong số các dự án, có 7 dự án nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất gồm dự án Nhà máy dệt nhuộm Ninh Thuận của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (637,9 tỷ đồng); dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương (200 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn (100 tỷ đồng).

Hai dự án về năng lượng gồm Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (1.730 tỷ đồng); Dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc (1.700 tỷ đồng)...

UBND Ninh Thuận cũng trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư đối với 7 dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, Ninh Thuận cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án.

Theo quy hoạch công bố, Ninh Thuận xác định chọn năm cụm ngành đột phá, gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao...

Cùng đó, Tỉnh tập trung khai thác các tiềm năng về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối...). Địa phương cố gắng đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP và giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm ở Tỉnh.

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tỉnh có cảng biển nước sâu Cà Ná khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 300.000 tấn; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, cao tốc và đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên.

Đắk Nông cung cấp hồ sơ các dự án điện gió cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra tỉnh chuẩn bị hồ sơ các dự án điện gió để cung cấp theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao báo cáo, tham mưu cho UBND Tỉnh, theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các dự án điện gió tại Đắk Nông.

Nội dung hồ sơ bao gồm: Địa điểm thực hiện, mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời gian và tiến độ thực hiện dự án...

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu cung cấp báo cáo, thống kê các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng, UBND Tỉnh...

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 6 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh bao gồm: Dự án điện gió Đắk N’Drung 1 là 100MW; dự án Đắk N’Drung 2 có công suất 100MW, dự án Đắk N’Drung 3 có công suất 100MW; dự án điện gió Đắk Hòa có công suất 50MW; dự án Asia Đắk Song 1 có công suất 50MW; dự án Nam Bình 1 có công suất 30MW...

Trong số 6 dự án này, chỉ có Dự án điện gió Đắk Hòa, công suất 50MW đã đưa vào vận hành thương mại từ tháng 11/2021. Trong năm 2023, Dự án điện gió Đắk Hòa phát được khoảng 153,7 triệu kWh vào hệ thống điện quốc gia, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 27 tỷ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ một số sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án nhà máy điện gió.

Các sai phạm tập trung vào việc cho thuê đất trên đất quy hoạch khoáng sản; việc khởi công, nghiệm thu và vận hành thương mại các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Nông...

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư 5 dự án điện gió (trừ Dự án điện gió Asia Đắk Song 1 do chưa xây dựng) chồng lấn trên đất quy hoạch.

Quảng Trị quy hoạch 3 tuyến buýt liên tỉnh liền kề đi Huế, Quảng Bình

Trong 3 tuyến buýt liên tỉnh liền kề tỉnh Quảng Trị quy hoạch, có 2 tuyến từ huyện Gio Linh và Đông Hà đi TP. Huế, 1 tuyến từ TP. Đông Hà đi TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Xe buýt của một trong hai tuyến nội tỉnh đang khai thác tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa

Xe buýt của một trong hai tuyến nội tỉnh đang khai thác tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa

Chiều 27/4, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lê Đức Tiến vừa ký quyết định về việc công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và mạng lưới tuyến xe buýt cố định nội tỉnh, liền kề trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị có 8 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, 13 tuyến xe buýt cố định nội tỉnh và liền kề.

Đáng chú ý, đối với xe buýt, ngoài 10 tuyến nội tỉnh (2 tuyến đang khai thác, 1 tuyến đã công bố nhưng chưa khai thác và 7 tuyến quy hoạch), tỉnh Quảng Trị có 3 tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề được quy hoạch, gồm 2 tuyến từ tỉnh Quảng Trị đi tỉnh Thừa Thiên Huế và 1 tuyến từ tỉnh Quảng Trị đi tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, tuyến số 11 Gio Hải (huyện Gio Linh) - TP Huế, cự ly tuyến 84km; tuyến số 12 Đông Hà - TP Huế, cự ly tuyến 70km; tuyến số 13 Đông Hà - Đồng Hới với cự ly tuyến 103km.

Tuyến xe buýt nội tỉnh Quảng Trị đã công bố nhưng chưa khai thác là tuyến số 2 Đông Hà - Hải Lăng, cự ly tuyến 31,8km.

Hai tuyến xe buýt nội tỉnh đang khai thác gồm: tuyến số 1 Đông Hà - Hồ Xá, cự ly tuyến 40,8km; tuyến số 3 Cam Lộ - Cửa Tùng, cự ly tuyến 59,2km.

7 tuyến xe buýt nội tỉnh Quảng Trị được quy hoạch, gồm: tuyến số 4 Đông Hà - Lao Bảo, cự ly tuyến 83km; tuyến số 5 Đông Hà - thị trấn Bến Quan, cự ly tuyến 41km; tuyến số 6 Đông Hà - Mỹ Thủy, cự ly tuyến 30km; tuyến số 7 Hải Lăng - Lao Bảo, cự ly tuyến 108km; tuyến số 8 Bồ Bản - Hướng Phùng, cự ly tuyến 100km; tuyến số 9 Hồ Xá - Lao Bảo, cự ly tuyến 106km; tuyến số 10 Đông Hà - cửa khẩu La Lay, cự ly tuyến 119km.

Hành khách qua Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh

Lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều trong ngày nghỉ lễ thứ hai của dịp 30/4 - 1/5.

Hành khách làm thủ tục bay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa

Hành khách làm thủ tục bay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa

Trong ngày 28/4, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đón tổng số hơn 186.000 lượt hành khách, giảm tương đối nhiều so với ngày 27/4, ngày đầu nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho thấy, ngày 28/4, ngày nghỉ lễ thứ hai trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách bay quốc nội đã giảm tương đối, giảm 10.000 khách so với hôm qua, trong khi lượng khách bay quốc tế vẫn ở mức cao tương đương.

Theo kế hoạch bay, ngày 28/4 có hơn 84.000 lượt khách (49.000 khách quốc nội, 35.000 khách quốc tế) và 490 lượt chuyến bay (253 chuyến bay quốc nội, 237 chuyến bay quốc tế) cất hạ cánh qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

“Dự kiến trong 1 - 2 ngày tới số liệu sản lượng vận chuyển tiếp tục giảm nhẹ cho đến ngày cuối nghỉ lễ 1/5 sẽ tăng cao trở lại,” lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài nhìn nhận.

Tại phía Nam, lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sản lượng hành khách thông qua cảng trong ngày 28/4 cũng đã “hạ nhiệt” so với ngày hôm qua.

Cụ thể, Sân bay Tân Sơn Nhất đón 658 chuyến bay (327 chuyến bay đi và 331 chuyến bay đến) với tổng số khách 102.401 khách (trong đó có 55.858 khách đi và 46.543 khách đên).

“Số khách thông qua Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4 đã giảm 13.000 người so với ngày qua (ngày 27/4 đạt 115.673 lượt hành khách),” lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư