Bản tin thời sự sáng 29/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làTP.HCM đốc thúc xin chủ trương xây cảng biển 6 tỷ USD ở Cần Giờ; bỏ quy định cấm taxi trên 9 tuyến phố Hà Nội; phương tiện qua cầu Rạch Miễu ùn ứ 2km, 3 lần xả trạm; Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản; Tân Sơn Nhất lắp mái che cho khách chờ xe công nghệ…

TP.HCM đốc thúc xin chủ trương xây cảng biển 6 tỷ USD ở Cần Giờ

Việc xin chủ trương xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD cần được xúc tiến triển khai trong tháng 5, theo yêu cầu của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi.

Phối cảnh Cảng quốc tế Cần Giờ

Phối cảnh Cảng quốc tế Cần Giờ

Nội dung này được đề cập trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm, diễn ra chiều 28/4.

Đề cập đến việc quy hoạch các công trình trọng điểm, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu trong tháng 5, các sở, ngành phải triển khai xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, để trình Thủ tướng cho ý kiến Đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Trước đó, ngày 30/6, Chủ tịch Phan Văn Mãi ký văn bản gửi Thủ tướng về việc đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Cuối năm 2021, UBND TP.HCM cùng Bộ Giao thông Vận tải đã nghe nhà đầu tư báo cáo về đề xuất đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, công suất thông qua là 10-15 triệu Teus.

Theo UBND TP.HCM, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép có mực nước sâu, là điều kiện tự nhiên thuận lợi để triển khai xây dựng. Ngoài ra, khu vực này nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) như các tuyến ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

Khi hình thành cảng trung chuyển quốc tế, địa phương sẽ có lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo đột phá về kinh tế biển.

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ được liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container Mediterranean Shipping Company (MSC), lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo quy hoạch, Cảng quốc tế Cần Giờ có quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha, trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha.

Bỏ quy định cấm taxi trên 9 tuyến phố Hà Nội

Từ ngày 29/4, taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ được hoạt động trở lại trên 9 tuyến phố, ngõ, theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Biển cấm taxi đặt trên phố Lê Văn Thiêm hướng ra đường Lê Văn Lương

Biển cấm taxi đặt trên phố Lê Văn Thiêm hướng ra đường Lê Văn Lương

Dựa trên đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội (HATAS), Sở Giao thông Vận tải đã quyết định thí điểm bỏ lệnh cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đến ngày 29/10 trên 9 tuyến phố, ngõ gồm: Cát Linh, Giảng Võ, Láng Hạ, Khâm Thiên, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cừ (từ Hồng Tiến đến cầu Chương Dương), cầu Chương Dương hướng đi Hoàn Kiếm, Phương Canh và ngõ 897 đường Giải Phóng.

Với thông báo trên, hiện thành phố chỉ còn các phố Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Phủ Doãn tiếp tục cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Cụ thể, phố Phủ Doãn cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ chạy một chiều hướng từ Hàng Bông đi Tràng Thi (24/24h) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức. Phố Trần Hưng Đạo cấm lưu thông một chiều hướng từ Trần Khánh Dư đi Trần Thánh Tông (từ 6h đến 19h hàng ngày) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng Bệnh viện 108.

Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt) cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ lưu thông theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt từ 19h đến 24h các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để phục vụ phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Phố Hai Bà Trưng (đoạn từ Bà Triệu đến Ngô Quyền) cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ lưu thông cả hai chiều đoạn từ Bà Triệu đến Ngô Quyền, khung giờ 19-24h các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để phục vụ phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu giảm xe lưu thông để giảm ùn tắc, Hà Nội liên tục cấm taxi trên một số tuyến phố. Lúc cao điểm, 30 đường phố bị cắm biển cấm taxi.

Phương tiện qua cầu Rạch Miễu ùn ứ 2km, 3 lần xả trạm

Chiều 28/4, trạm BOT cầu Rạch Miễu đã 3 lần xả trạm vì phương tiện lưu thông qua cầu quá đông.

Hàng nghìn phương tiện xếp hàng nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu chiều 28/4

Hàng nghìn phương tiện xếp hàng nối đuôi nhau qua cầu Rạch Miễu chiều 28/4

Đến 18h chiều 28/4, hàng nghìn phương tiện từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông vẫn đổ về miền Tây qua cầu Rạch Miễu, khiến giao thông liên tục bị ùn ứ cục bộ.

Phía Tiền Giang phương tiện ùn ứ kéo dài từ chân cầu Rạch Miễu đến ngã tư Nguyễn Thị Thập với Quốc lộ 60, dài khoảng 2km.

Đặc biệt tại khu vực gần chân cầu Rạch Miễu phía Tiền Giang, ba ô tô cùng lúc lên dốc tạo thành "nút thắt cổ chai" khiến Quốc lộ 60 và tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm đoạn dẫn lên cầu kẹt cứng.

Trong khi đó, phía Bến Tre hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau kéo dài từ chân cầu Rạch Miễu đến trạm thu phí.

Để giải phóng lưu lượng phương tiện ùn ứ hai bên đầu cầu Rạch Miễu, từ 14h45, lực lượng CSGT Tiền Giang phối hợp CSGT Bến Tre liên tục điều tiết xe lưu thông một chiều qua cầu, mỗi đợt khoảng 20 phút, ưu tiên từ hướng Tiền Giang đi Bến Tre, sau đó ngược lại.

Dù lực lượng CSGT đã túc trực điều tiết giao thông thường xuyên trên Quốc lộ 60 phía Tiền Giang và Bến Tre, đặc biệt tại các điểm giao nhau nhưng do lượng xe quá đông, tình trạng kẹt xe đã xảy ra.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, từ 14h-18h30 chiều cùng ngày, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã 3 lần xả trạm để giải phóng lượng xe bị ùn ứ.

Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản

Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên toà án TP.HCM, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ 28/4.

Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên toà án TP.HCM

Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã nộp đơn lên toà án TP.HCM

Trong tài liệu nộp lên Sở giao dịch chứng khoán Singapore, Parkson Retail Asia (PRA) - công ty do Tập đoàn Parkson Holdings (Malaysia) nắm giữ 67,96% cổ phần - cho biết Parkson sẽ rời khỏi Việt Nam do kết quả kinh doanh thua lỗ. Những khoản lỗ này đã được cộng dồn trong nhiều năm qua do môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức kể từ Covid-19.

Trong thông báo mới đây, Parkson Holdings cũng đề cập tới thách thức cụ thể từ việc không được hỗ trợ về vấn đề mặt bằng, phải đóng cửa vì dịch, cũng như khó khăn về thuế đất.

Tập đoàn này đánh giá việc Parkson tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại. Việc nộp đơn đăng ký phá sản (từ 28/4) sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho Parkson Việt Nam.

Trong năm tài khoá 2022, các hoạt động của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 2,3 triệu SGD (tương đương 1,7 triệu USD), trong khi năm 2021 lãi trước thuế là 13,7 triệu SGD. Việc dừng hoạt động tại Việt Nam cũng được đánh giá là phù hợp với định hướng tập trung vào hoạt động tại Malaysia của tập đoàn. Doanh nghiệp cho rằng Malaysia vẫn duy trì lạc quan về triển vọng thị trường.

Trong hồ sơ gửi đi, Parkson Holdings cũng nhìn nhận việc Parkson Việt Nam phá sản dự kiến không tác động đáng kể đến thu nhập của tập đoàn trong năm tài chính 2023.

Rời Việt Nam, hiện nay PRA chỉ còn hoạt động ở Malaysia và Trung Quốc.

Tân Sơn Nhất lắp mái che cho khách chờ xe công nghệ

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lắp mái che để khách tránh nắng, mưa trong lúc chờ xe công nghệ tại ga quốc tế, sau hai tuần đổi điểm đón từ làn B qua bãi đậu trước nhà ga.

Mái che ở khu vực đón xe công nghệ trước ga quốc tế được lắp đặt

Mái che ở khu vực đón xe công nghệ trước ga quốc tế được lắp đặt

Mái che dài khoảng 15 m vừa được Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành lắp đặt, nhằm tạo điều kiện cho khách đứng chờ xe, nhất là khi sân bay đang trong cao điểm phục vụ lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng cao.

Việc lắp mái được sân bay triển khai sau khi chuyển điểm đón ôtô công nghệ từ 5 vị trí làn B ga quốc tế (cột số 9 đến 12) sang 11 vị trí trong bãi đậu xe, cách đó hơn 10 m hôm 15/4. Khoảng cách tuy không xa, nhưng khách phải đi vòng một đoạn, chờ xe, trong khi thiếu bóng mát khiến nhiều người vất vả vì nắng nóng.

Trước đó, phía sân bay Tân Sơn Nhất cho biết việc thay đổi điểm đón ô tô công nghệ khu vực ga quốc tế nằm trong tổng thể điều chỉnh hạ tầng tại khu vực, nhằm giảm ùn tắc các đợt cao điểm khách đi lại. Cùng với phương án này, đơn vị cho biết sẽ triển khai thêm việc sắp xếp lại các loại xe ra vào sân bay như taxi, ôtô chạy hợp đồng, xe cá nhân, buýt.

Tân Sơn Nhất là sân bay có lượng khách đông nhất nước, trung bình mỗi ngày đón 60.000-70.000 lượt, cao điểm lễ Tết có thể tăng lên gần gấp đôi. Nhu cầu xe cá nhân, taxi, ô tô công nghệ ra vào sân bay đón khách rất lớn, đặc biệt ở trước ga quốc nội nên ùn ứ thường xảy ra các dịp cao điểm.

Chủ xe cá nhân có thể được xác nhận điện tử giãn chu kỳ đăng kiểm

Chủ xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải có thể được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới mà không cần đưa xe, hoặc đến trung tâm đăng kiểm để xác nhận.

Hà Nội sát hạch đăng kiểm viên để bổ sung nhân sự đang thiếu hụt

Hà Nội sát hạch đăng kiểm viên để bổ sung nhân sự đang thiếu hụt

Ngày 28/4, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang nghiên cứu phương án đơn giản thủ tục đăng kiểm cho xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Căn cứ thời hạn trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp, cơ quan đăng kiểm có văn bản điện tử xác nhận thời hạn kiểm định lần tới cho phương tiện mà không phải cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định. Chủ phương tiện không phải đưa xe đi kiểm định hay phải đến để xác nhận chu kỳ mới.

Theo Thông tư số 2/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng (trước đây là 30 tháng), chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây); xe sản xuất từ 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) chu kỳ định kỳ 12 tháng; xe trên 20 năm chu kỳ là 6 tháng. Chủ xe phải đưa xe đi kiểm định trước khi xác nhận sang chu kỳ đăng kiểm mới.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải lái xe tham gia giao thông cần giấy chứng nhận kiểm định. Nếu không có văn bản xác nhận thời hạn kiểm định lần tới sẽ gây khó khăn cho lái xe và lực lượng kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố phương tiện, nếu không có văn bản xác nhận thời hạn kiểm định lần tới sẽ không xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Xe không kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ là nhóm phương tiện sở hữu cá nhân, không sử dụng nhiều và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tỷ lệ xe này đạt kiểm định lần thứ nhất khoảng 95%. Điều đó cho thấy không cần thiết kiểm định lại xe trước khi giãn chu kỳ mà vẫn đảm bảo yêu cầu an toàn.

TP.HCM chi 8.800 tỷ đồng bồi thường Vành đai 3 trong hai tháng tới

TP.HCM sẽ chi khoảng 8.800 tỷ đồng bồi thường giai đoạn một cho dự án Vành đai 3 đoạn qua địa bàn, để có ít nhất 70% mặt bằng khởi công đường trước 30/6.

Công nhân cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Thủ Đức

Công nhân cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Thủ Đức

Thông tin được Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực đưa ra tại hội nghị liên quan giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án Vành đai 3, ngày 28/4. Số tiền nói trên chiếm 46% tổng chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư của dự án ở thành phố (khoảng18.900 tỷ đồng).

Ông Trực cho biết đoạn Vành đai 3 ở thành phố có hơn 90% diện tích đất nông nghiệp. Nếu theo cách làm cũ là triển khai bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sẽ chậm. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xin ý kiến bộ ngành liên quan thực hiện thu hồi đất nông nghiệp trước, đồng thời vận động người dân có đất ở chấp thuận thu hồi, nhận tiền bồi thường cùng nền tái định cư, mà không cần chờ hết hạn 180 ngày như quy định.

Theo cách làm trên, giải phóng mặt bằng ở dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu áp dụng thu hồi đối với trường hợp đồng thuận, thời gian tiếp theo áp dụng cho những người chưa đồng thuận. Thành phố phấn đấu chi trả tiền bồi thường cho người dân trong tháng 8 và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước 15/11.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi thành phố ra quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư dự án Vành đai 3, các địa phương trên địa bàn đã ban hành quyết định thu hồi đất đạt tỷ lệ hơn 72%. Tuy nhiên, việc giải ngân 8.800 tỷ đồng rất lớn nên các đơn vị liên quan đẩy nhanh để đảm bảo kế hoạch.

Chuyên đề