Bản tin thời sự sáng 29/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dự kiến xây dựng nhà hát rộng 13.000 m2 sát Hồ Tây; nhiều chuyến bay dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã kín chỗ; TP.HCM thiếu 250.000 phôi bằng lái xe; Hà Nội cấp phép dự án nhà ở giá rẻ gồm 600 căn hộ ở Long Biên…

Hà Nội dự kiến xây dựng nhà hát rộng 13.000 m2 sát Hồ Tây

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An với điểm nhấn là nhà hát nằm sát Hồ Tây.

Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An

Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An

Theo quyết định phê duyệt đồ án, tổng diện tích khu đất lập quy hoạch hơn 44 ha, tại hai phường Quảng An và Tứ Liên, quận Tây Hồ. Phía Đông Bắc khu đất giáp đường Âu Cơ và đường Xuân Diệu; phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Chức năng chính của khu đất được quy hoạch là công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, nhà hát thành phố, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn, thương mại.

Đồ án chi tiết đã thiết lập trục không gian kết nối từ khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - sông Hồng cho tới thành Cổ Loa. Các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị, di tích đình, đền, chùa hiện có sẽ được bảo tồn, khai thác.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Điểm nhấn của đồ án là công trình nhà hát được xây dựng sát Hồ Tây. Theo phương án đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước đó, nhà hát có diện tích khoảng 13.000 m2, thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Nhà hát do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế. Renzo Piano là tác giả của các công trình biểu tượng như trung tâm Georges Pompidou ở Paris (Pháp) hay The Shard ở London (Anh).

Nhiều chuyến bay dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã kín chỗ

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận nhiều chuyến bay từ TP.HCM đến Huế, Pleiku, Tuy Hòa trong ngày 25/1/2025 (26 tháng chạp) đã gần hết chỗ.

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hai tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, số chỗ được đặt trên các chuyến bay nội địa tăng mạnh chiều từ miền Nam ra miền Bắc, miền Trung. Tính chất di chuyển "lệch đầu" vào dịp cao điểm Tết đã hình thành rõ nét.

Cụ thể, vào ngày nghỉ đầu tiên (25/1/2025, tức 26 tháng chạp), tỷ lệ đặt chỗ trên các chuyến bay từ TP.HCM đến các địa phương đạt trung bình trên 50%. Trong đó một số chuyến bay có tỷ lệ cao như TP.HCM đến Huế, Chu Lai đạt 99%, TP.HCM đến Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình đạt 100%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại tỷ lệ đặt chỗ còn thấp. Cụ thể Huế đến TP.HCM đạt 12%, Pleiku - TP.HCM đạt 2,8%, Tuy Hòa - TP.HCM 7,7%...

Các ngày 24/1/2025 (25 tháng chạp) và 26/1/2025 (27 tháng chạp) - một ngày trước và sau ngày nghỉ đầu tiên, tỷ lệ đặt chỗ đạt 93 - 100% trên các đường bay từ TP.HCM đi miền Trung và Tây nguyên. Chiều ngược lại có tỷ lệ dưới 20%.

Ngày 28/1/2024 (29 tháng chạp), nhiều chuyến bay từ TP.HCM đi các địa phương còn chỗ trống, tỷ lệ đặt chỗ 10 - 30%.

Các đường bay trục như TP.HCM đi Đà Nẵng, Hà Nội, tỷ lệ đặt chỗ 15 - 20% trong các ngày từ 25/1 - 2/2/2025 (tức 26 tháng chạp tới mùng 5 tháng giêng âm lịch).

Vào cuối kỳ nghỉ (ngày 2/2/2025), tỷ lệ đặt chỗ từ các địa phương đến TP.HCM đã đạt khoảng 75%. Trong đó, một số đường bay kín chỗ như Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới đến TP.HCM. Ngược lại, các chuyến bay từ TP.HCM đi các tỉnh mới bán khoảng 10% số chỗ.

TP.HCM thiếu 250.000 phôi bằng lái xe

Thành phố thiếu khoảng 250.000 phôi bằng lái xe do nhu cầu của người dân tăng đột biến, theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT).

Học viên tập lái xe ở trung tâm sát hạch Củ Chi, TP.HCM

Học viên tập lái xe ở trung tâm sát hạch Củ Chi, TP.HCM

Nội dung được ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nêu tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội Thành phố chiều 28/11, khi đề cập thiếu hụt nguồn phôi giấy phép lái xe.

Theo ông An, vừa qua một số tỉnh, thành và TP.HCM đã phải tạm dừng cấp, đổi giấy phép lái xe, thậm chí dừng thi lấy giấy phép lái xe do thiếu phôi. Cục Đường bộ đã tổng hợp nhu cầu của các tỉnh, thành để tiếp tục đấu thầu thời gian tới. Riêng về 250.000 phôi bằng lái đang thiếu tính từ tháng 10 đến nay, ngành giao thông Thành phố sẽ giải quyết trong tháng 12 này.

Lý giải nhu cầu cấp, đổi mới bằng lái của người dân tăng cao so với trước, lãnh đạo Sở GTVT Thành phố cho rằng nguyên nhân như ngoài nhu cầu của địa phương, TP.HCM còn chịu áp lực lớn từ lượng người dân các tỉnh lân cận đổ về để cấp, đổi giấy phép lái xe.

Ngoài ra, một số người hiểu nhầm quy định pháp luật, lo ngại giấy phép lái xe cũ sẽ không còn hiệu lực khi Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ hiệu lực vào đầu năm sau nên đã đi đổi.

Theo ông An, tất cả giấy phép lái xe còn thời hạn, kể cả được cấp từ trước năm 1995, vẫn có giá trị sử dụng sau ngày 1/1/2025 cho đến khi hết hạn. Người dân không nên vội vàng đổi bằng lái.

Thời gian qua, nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng thiếu phôi khi cấp bằng lái xe cho người dân. Tại một số tỉnh miền Tây, việc cấp bằng bị gián đoạn do thiếu nguồn vật tư in giấy phép khiến hàng chục nghìn tài xế đến hạn, đỗ sát hạch không được cấp bằng lái, ảnh hưởng công việc. Việc thiếu vật tư này được các địa phương lý giải là vướng quy định đấu thầu theo luật mới.

Ngoài ra, theo thống kê của Cục Đường bộ, nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe tại các địa phương tăng hơn 50% so với năm trước khiến một số nơi sắp hoặc hết phôi in giấy phép. Số giấy phép lái xe cấp đổi tăng mạnh do nhiều người muốn đổi bằng lái môtô (A1) loại giấy bìa sang thẻ nhựa PET để tích hợp định danh điện tử VNeID. Nhiều người khác đổi giấy phép lái xe đã đến hạn sử dụng 10 năm hoặc lo ngại một số bằng lái có thể không được sử dụng theo luật mới.

Hà Nội cấp phép dự án nhà ở giá rẻ gồm 600 căn hộ ở Long Biên

Sở Xây dựng Hà Nội vừa cấp giấy phép xây dựng chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên.

Một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội

Một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội

Giấy phép xây dựng được cấp cho cho Liên danh Công ty CP Himlam Thủ Đô và Công ty CP BIC Việt Nam.

Theo đó, Dự án nằm trên ô đất ký hiệu CT1, tổng diện tích hơn 5.100 m2, diện tích xây dựng khoảng 3.300 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi gần 63.500 m2.

Giấy phép xây dựng có hiệu lực khởi công trong 12 tháng. Nếu công trình chưa được khởi công trong thời gian này, chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng.

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chung cư CT1 sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ, quy mô dân số gần 1.700 người, gồm 22 tầng nổi, 1 tum và 3 tầng hầm. Mật độ xây dựng khoảng 64%, hệ số sử dụng đất 12,4 lần.

Trước đó, Hà Nội cũng giao gần 5,4ha đất (đợt 1) tại phường Thượng Thanh cho Công ty Himlam Thủ Đô để thực hiện Dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh.

Chung cư CT1 thuộc khu nhà xã hội Thượng Thanh là một trong số ít dự án nhà ở xã hội triển khai xây dựng tại Hà Nội trong năm nay.

Cuối năm ngoái, dự án nhà xã hội CT-05 và CT-06 tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh cũng được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) khởi công xây dựng.

Là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, theo Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Nhưng 4 năm qua, Hà Nội mới hoàn thành 5 dự án với 5.200 căn hộ, đạt gần 28% chỉ tiêu được giao.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố hiện có 69 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Trong đó, từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành khoảng 0,64 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, với hơn 10.270 căn hộ tại 8 dự án hoàn thành toàn bộ và 3 dự án hoàn thành một phần.

Vận hành hồ trữ nước ngọt rộng 50 ha tại huyện Vị Thuỷ (Hậu Giang)

Hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thuỷ (Hậu Giang) xây dựng trên diện tích 50 ha, trữ khoảng một triệu m3 nước ngọt phụ vụ sinh hoạt, sản xuất của 260.000 người dân.

Hồ chứa nước ngọt quy mô 50 ha tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Hồ chứa nước ngọt quy mô 50 ha tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Công trình có tổng mức đầu tư 183 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, nằm tại xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy đã hoàn thành sau 4 năm xây dựng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư), công trình gồm các hạng mục: đường dẫn, kè bảo vệ, hệ thống cống, hệ thống bơm nước, nhà điều hành - quản lý. Trong đó, diện tích mặt hồ 21 ha, sâu 5 m; chiều cao đập hồ là 7,5 m, tổng chiều dài đập hồ gần 2 km, tổng dung tích chứa nước gần 1 triệu m3.

Hồ trữ nguồn nước ngọt tự nhiên thông qua hệ thống cống, điều tiết lấy nước vào mùa mưa hoặc tháo nước ra trong mùa khô; cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước sạch phục vụ nhu cầu 260.000 dân ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A và TP. Vị Thanh (hơn 30% dân số của Tỉnh). Đồng thời, hồ được trang bị 2 máy bơm, với công suất 5.000 m3 mỗi giờ để cung cấp nước sản xuất cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp. Hiện hồ bắt đầu trữ nước.

UBND tỉnh Hậu Giang đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp xây dựng phương án quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng sau đầu tư để công trình đưa vào hoạt động trong năm 2025.

Tỉnh Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người (khoảng 200.000 hộ), xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ, có diện tích đất nông nghiệp trên 133.000 ha, là một trong những địa phương bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nặng ở miền Tây.

Nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai dự án thứ 3 sản xuất thiết bị y tế tại KCN cao Đà Nẵng

Chiều 28/11, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III, chuyên sản xuất thiết bị y tế của Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III do Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 177 triệu USD, tương đương 4.458,6 tỷ đồng Việt Nam, nâng tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng lên 875,20 triệu USD với 13 dự án.

Đây là một trong những dự án trọng điểm thu hút trong giai đoạn 2020 - 2025 theo Đề án “Tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030” của UBND thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là dự án thứ 3 của Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư cả 3 dự án lên 257 triệu USD.

Trước đó, Dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20 triệu USD được cấp phép đầu tư năm 2018; Dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA II với tổng vốn đăng ký đầu tư là 60 triệu USD được cấp phép đầu tư năm 2020. Ông Hwang Sung I, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) cam kết khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy theo đúng kế hoạch đề ra.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp mới cho 4 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1 và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là khoảng 178,5 triệu USD, 2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 810 tỷ đồng.

Đến nay đã có 521 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung - giai đoạn 1 và các khu công nghiệp, bao gồm 396 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 33.876,19 tỷ đồng và 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2.222,75 triệu USD.

Thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của Trung Linh Phát

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát từ ngày 26/11.

Công ty TNHH Trung Linh Phát do ông Trần Văn Dân làm Chủ tịch HĐQT
Công ty TNHH Trung Linh Phát do ông Trần Văn Dân làm Chủ tịch HĐQT

Giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Trung Linh Phát được cấp ngày 8/1/2021. Sau khi bị rút giấy phép, doanh nghiệp này phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trước ngày 7/12.

Họ cũng phải chuyển nộp toàn bộ số dư và nợ tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn tại doanh nghiệp này là gần 27 tỷ đồng, tính tới cuối quý II.

Công ty Trung Linh Phát là thương nhân đầu mối xăng dầu, có trụ sở tại Ninh Bình. Doanh nghiệp này từng bị xử phạt do không chuyển số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Đầu năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu công ty này nộp lại số tiền hơn 26 tỷ đồng nợ quỹ bình ổn, sau nhiều lần nhắc nhở.

Gần nhất, Trung Linh Phát bị phạt hành chính 245 triệu đồng do gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối, không duy trì mức dự trữ xăng dầu tối thiểu. Hồi giữa tháng 6, công ty này cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng.

Sau khi Trung Linh Phát bị rút giấy phép, thị trường còn 30 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Hà Nội sắp có thêm bến xe rộng gấp 3 lần bến Nước Ngầm

Bến xe khách Đông Anh (Hà Nội) sắp được xây dựng có diện tích gần 55.000 m2, rộng gấp 3 lần bến xe Nước Ngầm.

Bến xe khách Đông Anh sẽ được xây dựng trên địa bàn xã Uy Nỗ

Bến xe khách Đông Anh sẽ được xây dựng trên địa bàn xã Uy Nỗ

UBND TP. Hà Nội mới đây đã giao 67.983,5 m2 đất tại xã Uy Nỗ cho Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thuận HOLDINGS sử dụng để thực hiện Dự án xây dựng bến xe khách Đông Anh.

Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thực hiện Dự án được xác định tại Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất QH 04A do Công ty CP Tư vấn Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam lập năm 2020.

Trong tổng số 67.983,5 m2 đất, có 54.129 m2 đất xây dựng bến xe khách Đông Anh (rộng gấp 3 lần bến xe Nước Ngầm). Hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.

13.854,5 m2 đất còn lại là đất đường giao thông phía Đông và Nam theo quy hoạch và đất khu cây xanh cách ly đường Vành đai 3. Nhà nước giao đất và không thu tiền sử dụng đất.

Theo quy hoạch, bến xe khách Đông Anh sẽ có nhà điều hành cao 3 tầng ở khu vực trung tâm bến xe, được thiết kế hiện đại, mang đặc trưng của một bến xe liên tỉnh; nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng; điểm đầu cuối xe buýt.

Bãi đỗ xe có bố trí mái che tại khu vực đón trả khách, đan xen các tuyến cây xanh trong từng khu vực của bãi đỗ. Ngoài ra, còn có công trình dịch vụ thương mại cao 9 - 12 tầng, bố trí thấp dần về phía khu dân cư xã Uy Nỗ để hài hòa với cảnh quan hiện trạng.

Bến xe khách Đông Anh bố trí 148 chỗ đỗ xe, có vai trò vận tải hành khách từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn vào trung tâm Hà Nội và điều tiết, hỗ trợ đảm nhận một phần lưu lượng vận tải từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu.

Chuyên đề