Bản tin thời sự sáng 29/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm 9 ca lây nhiễm cộng đồng; thông qua số lượng 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII; bán tháo trong hoảng loạn, chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới; tàu khách SE7 trật bánh tại Hà Nam…

Thêm 9 ca lây nhiễm cộng đồng

Bộ Y tế sáng 29/1 ghi nhận 9 ca dương tính nCoV, ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương và Hà Nội, đều liên quan hai bệnh nhân 1552 và 1553.

Công ty Poyun ở Hải Dương, nơi phát hiện các bệnh nhân Covid-19

Công ty Poyun ở Hải Dương, nơi phát hiện các bệnh nhân Covid-19

Cụ thể, thành phố Hải Phòng ghi nhận một ca là "bệnh nhân 1561" và tỉnh Bắc Ninh ghi nhận một ca là "bệnh nhân 1565", liên quan đến ổ dịch tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hai ca nhiễm này chiều tối ngày 28/1 đã được địa phương xác nhận nhiễm, nay Bộ Y tế ghi nhận mã số bệnh nhân.

Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 10 ca nhiễm ngày 28/1 (từ 1562 - 1564 và 1566 - 1572) và 2 ca nhiễm mới ngày 29/1 (1573, 1574), liên quan "bệnh nhân 1553".

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 72 trường hợp ngày 28/1 (1575 - 1580 và 1582 - 1651) và 6 ca mắc mới ngày 29/1 (1646 - 1651), trong đó 67 người địa chỉ tại Hải Dương và 9 người quê ở Quảng Ninh.

Thành phố Hà Nội ghi nhận một ca là "bệnh nhân 1581" ở quận Hai Bà Trưng, liên quan "bệnh nhân 1553". Đây là ca nhiễm mới tại Hà Nội. Ca nhiễm tại quận Cầu Giấy đêm ngày 28/1 giới chức y tế Hà Nội xác nhận chưa được Bộ Y tế định mã số bệnh nhân.

Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, phong tỏa 21 ngày kể từ 12h ngày 28/1; tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội, mức độ từng khu vực.

Thông qua số lượng 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII

Đại hội XIII bắt đầu làm việc về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII từ chiều 28/1.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (giữa) và các đại biểu đến dự phiên họp

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (giữa) và các đại biểu đến dự phiên họp

Đầu giờ chiều, các đại biểu nghe ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII là 200 người, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết; số lượng này tương đương với Ban chấp hành Trung ương khóa XII vào đầu nhiệm kỳ.

Cũng trong chiều ngày 28/1, các đại biểu về thảo luận tại Đoàn về công tác nhân sự. Tham dự Đại hội XIII có 1.587 đại biểu thuộc 67 đoàn, gồm các đoàn của 63 tỉnh, thành và 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương là Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Bán tháo trong hoảng loạn, chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới

Áp lực bán tháo diễn ra trên khắp thị trường, giá giao dịch của các nhóm ngành giảm mạnh, VN-Index trượt dốc 73,23 điểm và HNX-Index mất 17,74 điểm trong phiên giao dịch ngày 28/1.

VN-Index trượt dốc 73,23 điểm và HNX-Index mất 17,74 điểm trong phiên giao dịch ngày 28/1

VN-Index trượt dốc 73,23 điểm và HNX-Index mất 17,74 điểm trong phiên giao dịch ngày 28/1

Phiên giao dịch ngày 28/1, thị trường chứng khoán có một phiên giảm điểm kỷ lục trong lịch sử. Áp lực bán tháo diễn ra trên khắp thị trường, giá giao dịch của các cổ phiếu hầu hết giảm sàn với lượng dư bán lớn. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường (cả 3 sàn) đạt 21.177 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index chính thức mất 73,23 điểm (-6,67%), lùi về mốc 1.023,94 điểm với thanh khoản 15.746 tỷ đồng. Đây là phiên có tỷ lệ giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động trong 20 năm qua, giảm mạnh hơn cả lúc bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, VN-Index cũng xác lập tỷ lệ giảm mạnh nhất thế giới với 479 mã đỏ, trong đó 385 mã sàn, 12 mã đứng giá và 19 mã tăng điểm.

Ở phiên giao dịch ngày 28/1, có hơn 500 mã chứng khoán của các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều bị rớt xuống giá sàn. Có thời điểm tất cả thành viên rổ VN30, 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán đều giảm sàn, trắng bên mua.

HNX-Index kết phiên tại 203,05 điểm, giảm 17,74 điểm (-8,03%) với thanh khoản 1.632 tỷ đồng.

Tiền Giang: Lắp 8 đập thép qua sông ngăn mặn

Đập thép rộng 65m tại kênh Nguyễn Tấn Thành giáp sông Tiền cùng 7 đập nhỏ khác, tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng được lắp đặt để ngăn mặn, trữ ngọt.

Thi công đập thép tại ngã ba kênh Nguyễn Tấn Thành giáp sông Tiền

Thi công đập thép tại ngã ba kênh Nguyễn Tấn Thành giáp sông Tiền

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang), các đập được triển khai lắp ngày 28/1, đẩy nhanh thi công để hoàn thành trước Tết âm lịch.

8 đập nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, trong đó tỉnh Tiền Giang 800.000 dân. Ngoài ra, đập đảm bảo đủ nước ngọt cho 128.000 ha sản xuất nông nghiệp 2 tỉnh vượt qua mùa hạn mặn. Về lâu dài, Tiền Giang kiến nghị Trung ương đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành (dài 19 km) làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.

Hiện, độ mặn đo được tại TP. Mỹ Tho (cách đập Nguyễn Tấn Thành 7 km) khoảng 1,7 phần nghìn, tại vị trí đập tiếp giáp sông Tiền khoảng 0,6 phần nghìn. Dự báo, mùa hạn mặn năm nay khả năng cao hơn một chút so với năm 2016 và thấp hơn năm 2020.

Mùa hạn mặn năm ngoái kéo dài 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.

Tàu khách SE7 trật bánh tại Hà Nam

Tàu SE7 chở 38 khách từ Hà Nội đi TP HCM bị trật bánh tại tỉnh Hà Nam, 7h30 ngày 28/1.

Hiện trường tàu bị trật bánh

Hiện trường tàu bị trật bánh

Tàu khởi hành từ ga Hà Nội lúc 6h, đến Km 63 + 850 khu gian Phủ Lý - Bình Lục thì xảy ra sự cố. Một toa xe bị trật hai trục khỏi đường ray, không có thiệt hại về người, nhiều tà vẹt bị hư hỏng, theo Ban An toàn giao thông (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).

Lực lượng cứu hộ cứu nạn đường sắt đã xử lý sự cố, thông đường sắt qua Hà Nam lúc 10h30.

Ngành đường sắt đã chuyển toàn bộ hành khách đi tàu SE7 sang tàu SE5 tại ga Bình Lục (Hà Nam) để tiếp tục hành trình. Đoàn tàu bị trật bánh được đưa về ga Bình Lục để khám nghiệm, sửa chữa.

Chuyên đề