Bản tin thời sự sáng 2/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mất chức vì chơi golf giữa dịch bệnh; TP. Thanh Hóa giãn cách xã hội từ ngày 2/9; thêm hơn 2 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam; Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9; đề xuất giao sân bay Cát Bi cho Hải Phòng quản lý; Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho thanh long, chuối qua cửa khẩu Lào Cai…

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mất chức vì chơi golf giữa dịch bệnh

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Nguyễn Văn Dũng mất chức vì chơi golf lúc giãn cách, được cấp dưới hợp thức bằng giấy mời khảo sát sân golf.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mất chức vì chơi golf giữa dịch

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mất chức vì chơi golf giữa dịch

Ngày 1/9, ông Dũng bị UBND Bình Định cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ do vi phạm quy định phòng chống Covid-19; vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt. Ông Dũng được điều động tới Sở Nội vụ chờ phân công công tác.

Trước đó, ông Dũng và ông Thành cùng hai doanh nhân chơi golf trong ngày 31/7 và 1/8, tiếp xúc với nữ nhân viên - người sau đó được xác định dương tính SARS-CoV-2. Sự việc các cán bộ đi chơi golf giữa lúc Tỉnh giãn cách xã hội được phát lộ khi ngành y tế triển khai truy vết. Sau đó, hai ông đã bị đình chỉ công tác.

Giải trình về lý do đi chơi golf, ông Thành cho biết đi theo giấy mời của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tỉnh, tham gia khảo sát thực địa tại hệ thống sân golf ở xã Nhơn Lý cùng Giám đốc Sở Du lịch. Cuộc khảo sát để xây dựng quy trình và tiêu chuẩn sử dụng dịch vụ tại sân golf nhằm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine trong điều kiện bình thường mới. Giấy mời do bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tỉnh ký và đóng dấu.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định, bà Bình đã trực tiếp soạn thảo, ký ban hành Giấy mời của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định để hợp thức hóa, nhằm giúp ông Nguyễn Văn Dũng và một số đảng viên khác báo cáo sai sự thật, che giấu khuyết điểm, vi phạm, đối phó với tổ chức đảng trong quá trình kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, bà Bình gây khó khăn, thiếu hợp tác với tổ kiểm tra.

Ngoài kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định đã đề nghị Ban cán sự đảng UBND Tỉnh chỉ đạo xử lý về mặt chính quyền ba cán bộ trên. Trong đó, bà Bình sẽ bị miễn nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định và được bố trí công tác ở vị trí khác.

Thành phố Thanh Hóa giãn cách xã hội từ ngày 2/9

Sau khi ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, TP. Thanh Hóa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 7 ngày, kể từ 0h ngày 2/9.

Thành phố Thanh Hóa giãn cách xã hội từ ngày 2/9

Thành phố Thanh Hóa giãn cách xã hội từ ngày 2/9

Quyết định giãn cách được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn ban hành chiều 1/9.

30 phường và 4 xã với hơn 614.00 dân của thành phố này sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; thôn, tổ dân phố cách ly với thôn, tổ dân phố; xã, phường cách ly với xã, phường;...

Chính quyền yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy.

Cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Trong thời gian này, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP. Thanh Hóa được yêu cầu phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và các điểm dịch khác.

Trước đó, TP. Thanh Hóa phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực sau khi ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 tại đây. Như vậy, thành phố này đã ghi nhận 9 ca mắc Covid-19 liên quan ổ dịch tại bệnh viện.

Sau 2 huyện Nga Sơn, Nông Cống, TP.Thanh Hóa là địa phương phải áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tại tỉnh Thanh Hóa.

Thêm hơn 2 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam

Đây là đợt giao vaccine có số lượng lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều giữa VNVC và AstraZeneca dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Hợp đồng đặt mua trước giữa VNVC và AstraZeneca mang về cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine

Hợp đồng đặt mua trước giữa VNVC và AstraZeneca mang về cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine

AstraZeneca vừa chuyển thêm 3 lô vaccine gồm 2.016.460 liều về Việt Nam ngày 1/9.

Đến nay, hợp đồng của Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC) mang về hơn 10,1 triệu liều AstraZeneca trong tổng số khoảng 19,1 triệu liều vaccine này tại Việt Nam. VNVC cho biết sẽ sớm chuyển giao phi lợi nhuận số vaccine này cho Bộ Y tế để kịp thời đưa về các địa phương tiêm phòng cho người dân.

Qua nhiều nguồn khác nhau, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 29 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau, gồm: hơn 19 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 5 triệu liều vaccine Moderna, khoảng 3 triệu liều vaccine Pfizer, 2,5 triệu liều vaccine Sinopharm và 12.000 liều vaccine Sputnik V. Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vaccine đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.

Đến sáng 1/9, cả nước đã tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có khoảng 2,7 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.

Kiên Giang áp dụng Chỉ thị 16 thêm 5 ngày

Sau một tháng rưỡi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục giãn cách xã hội lần thứ 5 để phòng, chống dịch Covid-19.

Kiên Giang áp dụng Chỉ thị 16 thêm 5 ngày

Kiên Giang áp dụng Chỉ thị 16 thêm 5 ngày

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký quyết định tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội toàn Tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, từ 0h ngày 2/9 đến hết 6/9. Đây là lần thứ 5 Kiên Giang giãn cách xã hội sau 45 ngày “ai ở đâu yên đó”.

Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cấp chính quyền có kế hoạch đảm bảo đầy đủ lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.

Các địa phương được cấp trên giao nhiệm vụ cùng ngành y tế tập trung mọi nguồn lực triển khai thần tốc việc lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để phát hiện sớm, đưa các ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19, Kiên Giang đang triển khai chiến dịch xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng cho 716.000 người bằng phương pháp RT-PCR.

Không chỉ Kiên Giang, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong đó, Bạc Liêu phong tỏa toàn TP. Bạc Liêu.

Đề xuất giao sân bay Cát Bi cho Hải Phòng quản lý

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất chuyển giao sân bay Cát Bi cho TP. Hải Phòng quản lý để phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Bộ GTVT đề xuất giao sân bay Cát Bi cho Hải Phòng quản lý

Bộ GTVT đề xuất giao sân bay Cát Bi cho Hải Phòng quản lý

Đề xuất trên nằm trong Đề án "Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không", được Bộ GTVT xin ý kiến bộ ngành. Hiện nay, nhà ga và các công trình phụ trợ sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý; khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn do Bộ GTVT sở hữu, ACV quản lý, khai thác.

Theo Bộ GTVT, sân bay Cát Bi hiện chưa có lãi, song có tiềm năng phát triển tốt, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng. Với tiềm năng kinh tế hiện có, Hải Phòng có khả năng thu hút vốn đầu tư cải tạo và đã có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay.

Việc chuyển giao dự kiến theo hai bước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV thành lập công ty con quản lý Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và hạch toán độc lập.

Sau đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV chuyển đại diện chủ sở hữu sân bay, Bộ GTVT sẽ chuyển giao tài sản khu bay cho TP. Hải Phòng. Bộ Quốc phòng chuyển giao đất được quy hoạch cho hàng không dân dụng và đất dùng chung cho TP. Hải Phòng.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi hiện có công suất khai thác 4 - 5 triệu hành khách mỗi năm, có khả năng đón 2.000 khách giờ cao điểm. Cảng đang được mở rộng sân đỗ giai đoạn 1, nâng số vị trí đỗ lên 17, dự kiến hoàn thành cuối 2021; chuẩn bị đầu tư nhà ga hành khách T2 với công suất 5 triệu khách mỗi năm; xây dựng nhà ga hàng hóa, mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 2.

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9

UBND tỉnh Đồng Nai quyết định tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/9, hạn chế lưu thông trong khung thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau.

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội đến 15/9

Trước diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định tiếp tục giãn cách xã hội bắt đầu từ 0h ngày 1/9 đến ngày 15/9, hạn chế lưu thông trong khung thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau.

Tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo một trong ba phương án “3 tại chỗ”; “một cung đường, hai địa điểm” hoặc linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.

Đồng Nai yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí người làm việc tại trụ sở không vượt quá 1/4 tổng số nhân sự; số còn lại làm việc trực tuyến tại nhà.

Lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper) chỉ được hoạt động trong phạm vi 1 huyện, thành phố trong Tỉnh. UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện cấp giấy đi chợ cho các hộ gia đình trên địa bàn quản lý đảm bảo chặt chẽ, khoa học, chia khung giờ, tránh tập trung đông người; mỗi hộ gia đình chỉ được cấp 1 phiếu đi chợ/1 tuần.

Hiện, Đồng Nai là địa phương đứng thứ ba cả nước về số ca mắc Covid-19, chỉ sau Bình Dương và TP.HCM.

Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho thanh long, chuối qua cửa khẩu Lào Cai

Sau khoảng 1 tháng tạm dừng nhập khẩu chuối và thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại, song số lượng vẫn còn nhỏ giọt. Các nông sản phải chở bằng xe nhỏ chứ không được chở bằng xe đông lạnh.

Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho thanh long, chuối qua cửa khẩu Lào Cai

Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho thanh long, chuối qua cửa khẩu Lào Cai

Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai Hà Đức Thuận cho biết, sau khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu chuối và thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu, lượng chuối trên địa bàn Tỉnh bí đầu ra, xảy ra tình trạng ùn ứ. Còn thanh long từ các tỉnh phía Nam chở lên, hàng loạt xe đều phải quay đầu, chuyển sang các cửa khẩu khác.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai liên tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc mở lại cửa khẩu, đến nay phía Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chuối và thanh long trở lại tại Hà Khẩu.

Trong 3 ngày (từ 29 - 31/8), đã có 12 xe tải vận chuyển hơn 300 tấn chuối quả xuất qua biên giới, chủ yếu là sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, các nông sản phải chở bằng xe nhỏ (xe nóng) chứ không phải xe đông lạnh.

Được biết, tại Lào Cai, chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9 - 11.

Hiện, còn một tỉnh có lượng chuối tồn đọng lớn nữa là Lai Châu. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu cho biết, hiện nay sản lượng chuối đến kỳ thu hoạch tồn đọng, chưa tiêu thụ khoảng 3.000 tấn. Ước tính hết năm 2021, tổng sản lượng chuối của tỉnh này đạt 45.000 tấn.

Theo ông Châu, thị trường nhập khẩu chuối của Lai Châu chủ yếu là Trung Quốc. Lượng chuối của Tỉnh xuất khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) khoảng 17.973 tấn, xuất khẩu qua thương nhân và cửa khẩu của tỉnh khác (Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn) và tiêu thụ trong nước là 9.027 tấn.

Phát hiện tàu chở 1.300 tấn than không có hoá đơn chứng từ trên sông Lô

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện tàu chở 1.300 tấn than không rõ nguồn gốc được một số đối tượng thu gom để bán kiếm lời.

Số lượng lớn than không rõ nguồn gốc bị phát hiện.

Số lượng lớn than không rõ nguồn gốc bị phát hiện.

Lãnh đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện nhóm đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển than không rõ nguồn gốc từ Quảng Ninh đi các tỉnh thành tiêu thụ.

Trước đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện tàu thuỷ biển số VP - 2189 đang vận chuyển khoảng 1.300 tấn than trên sông Lô, đoạn giáp danh giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Thuyền trưởng Lê Quốc Việt (trú tại Lập Thạnh, Vĩnh Phúc) cho biết, nhận chở thuê số than này từ Uông Bí, Quảng Ninh về bến Trung Kiên (xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Việc thuê khoán chỉ toàn bằng “hợp đồng miệng” không có bất kỳ giấy tờ gì.

Quá trình xác minh, lực lượng chức năng làm rõ chủ của số than không nguồn gốc trên là Nguyễn Văn Quảng (trú tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Quảng thường thu gom than không nguồn gốc tại các bến gần khu vực Hang Son (Uông Bí, Quảng Ninh) để đưa đi các tỉnh tiêu thụ bằng đường thủy ăn chênh lệch.

Quảng cũng không trực tiếp đứng ra thuê tàu vận chuyển than mà điều Trần Danh Long (trú tại Kinh Môn, Hải Dương) thuê Lê Quốc Việt chở về Vĩnh Phúc.

Khởi tố người tự xưng “Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19” gây rối tại siêu thị

Hồ Hữu Nhân, bị khởi tố vì giả mạo người thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quận 7, khi gây gổ với bảo vệ Siêu thị Aeon Citimart, đòi vào mua hàng.

Bị can Hồ Hữu Nhân tại cơ quan công an

Bị can Hồ Hữu Nhân tại cơ quan công an

Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h ngày 29/8, ông Nhân lái ô tô chở vợ đến Siêu thị Aeon Citimart trên địa bàn phường Tân Phong, Quận 7.

Khi gần đến siêu thị, ông Nhân dừng xe đưa thẻ công vụ “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quận 7” cho vợ ông vào siêu thị.

Nhân viên và quản lý siêu thị hướng dẫn vợ ông Nhân đăng ký đặt hàng online vì dịch bệnh. Sau đó, ông Nhân đến trước cửa siêu thị thì cán bộ kiểm soát nội bộ siêu thị trình bày phải đảm bảo an toàn chống dịch. Ông Nhân rút thẻ tự xưng là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận và đe dọa gọi công an xuống xử lý đối với siêu thị...

Toàn bộ sự việc được bảo vệ siêu thị ghi hình. Video sau đó được phát tán lên mạng.

Theo Công an Quận 7, qua điều tra ban đầu, tại cơ quan công an, ông Nhân khai do đặt hàng online nhưng tới 3 ngày mà chưa nhận được hàng nên gia đình ông đã hết thức ăn, vì thế ông chở vợ ra siêu thị gần nhà. Nhưng do siêu thị chỉ bán online, không bán trực tiếp cho người tieu dùng nên ông đã lớn tiếng la lối, cự cãi với nhân viên siêu thị. Ông Nhân đã thừa nhận hành vi của mình tại siêu thị là sai, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch của Thành phố.

Cơ quan điều tra xác định Nhân không phải thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quận 7 và cũng không phải thành viên Ban chỉ đạo của bất kỳ tổ chức nào. Chiếc thẻ ông này đưa ra thời điểm đó "được người bạn cho".

Chuyên đề