Bản tin thời sự sáng 28/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quân đội có thể sản xuất 4.000 bình oxy mỗi ngày; Hội đồng Đạo đức thông qua kết quả thử nghiệm vaccine Nanocovax; 180 bác sĩ, nhân viên y tế miền Trung chi viện miền Nam; robot Vibot-2 hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM; chuyên viên Tổng cục Đường bộ bị điều tra nhận tiền để cấp hơn 1.700 thẻ “luồng xanh”…

Quân đội có thể sản xuất 4.000 bình oxy mỗi ngày

Sản lượng sản xuất oxy trong một ngày đêm tại Nhà máy A41 và trạm lưu động có thể lên tới 4.000 bình loại 40 lít, sẵn sàng cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) vận hành trạm sản xuất oxy lưu động

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) vận hành trạm sản xuất oxy lưu động

Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết, Quân chủng đã điều động 2 trạm sản xuất oxy lưu động từ Trung đoàn 937 (Sư đoàn 370) và Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) đến Bệnh viện 175, sẵn sàng cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Mỗi trạm có công suất 40 - 60 bình 40 lít mỗi ngày, có khả năng cơ động cao. Oxy được sản xuất theo công nghệ PSA, tạo ra sản phẩm oxy tinh khiết đạt tỷ lệ 99,5% theo thiết kế. Song song với vận hành trạm lưu động, Quân chủng vẫn sản xuất oxy tại Nhà máy A41. Bình thường những bình oxy này sẽ được dùng trên máy bay cho phi công và các trang thiết bị sử dụng oxy khác của Quân chủng.

Trước đó, Nhà máy A41 đã trao tặng 10.000 bình oxy cho các bệnh viện tuyến đầu làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM. Tuy nhiên, nhu cầu oxy phục vụ điều trị F0 lớn nên Quân chủng quyết định đưa trạm sản xuất lưu động đến gần các bệnh viện.

Trung tướng Vũ Văn Kha cho hay, ngoài sản xuất oxy, lực lượng hàng không vận tải quân sự vẫn đang vận chuyển người, phương tiện vào Nam. Hàng ngày, có 2 chuyến bay vào, 2 chuyến bay ra để bảo đảm nhiệm vụ.

Hội đồng Đạo đức thông qua kết quả thử nghiệm vaccine Nanocovax

GS.TS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen. Nanocovax là vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, hiện là ứng viên vaccine triển vọng nhất trong nước.

Nanocovax hiện là ứng viên vaccine triển vọng nhất trong nước

Nanocovax hiện là ứng viên vaccine triển vọng nhất trong nước

Theo quy trình, sau khi được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua, hồ sơ của vaccine Nanocovax được chuyển sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc Bộ Y tế để tiếp tục xem xét cấp phép khẩn cấp.

Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, vaccine có thể được cấp phép trong vòng 20 ngày kể từ khi đại diện Công ty nộp đủ hồ sơ đăng ký lưu hành cho Cục Quản lý dược. Hồ sơ cần có: Kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch; đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tư vấn cụ thể; đã tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vắc xin được cấp phép trong trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành.

180 bác sĩ, nhân viên y tế miền Trung chi viện miền Nam

Chuyến bay đưa 180 bác sĩ, nhân viên y tế từ Đà Nẵng vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, đã cất cánh trưa 27/8.

Đoàn y bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng trước giờ lên máy bay chi viện miền Nam

Đoàn y bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng trước giờ lên máy bay chi viện miền Nam

Các y, bác sĩ đợt này đến từ Bệnh viện C Đà Nẵng với 49 người; Bệnh viện 199 (Bộ Công an tại Đà Nẵng) 19 người; Bệnh viện Trung ương Huế 50 người; Đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Nam 29 người và Quảng Ngãi 33 người. Trước khi lên máy bay, các y bác sĩ đã xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, đây là các y, bác sĩ có chuyên môn giỏi, được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức, cấp cứu; được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người thở máy, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19...

Trước đó, ngày 12/8, Bệnh viện Trung ương Huế đã chi viện đợt một 92 bác sĩ; Bệnh viện C Đà Nẵng chi viện 49 người. Đầu tháng 7, Bệnh viện 199 cử 53 y, bác sĩ vào TP.HCM.

Lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, lần này các y, bác sĩ của đơn vị sẽ chi viện cho tỉnh Bình Dương; các đoàn còn lại do Bộ Y tế phân bổ.

Bệnh viện C có 712 nhân viên y tế, hiện 107 người đã đi chi viện (8 người cho Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng).

Chuyến bay chở 180 y, bác sĩ do Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng tổ chức miễn phí.

Robot Vibot-2 hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM

Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 được chuyển vào Bệnh viện Dã chiến số 7 (phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM), góp phần giảm tải công việc cho nhân viên y tế.

Vibot-2 phục vụ đơn cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 7, TP.HCM

Vibot-2 phục vụ đơn cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 7, TP.HCM

Vibot là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng, giao Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện từ tháng 4/2020. Đến nay, Vibot đã có 2 phiên bản hoàn thiện, với chức năng vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị Covid-19 và ngược lại.

Ở phiên bản 2, Vibot có khả năng tự xây dựng bản đồ, tự định vị và thiết lập lộ trình hoạt động, di chuyển an toàn trong khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Hiện hệ thống Vibot-2 vận hành tại Bệnh viện Dã chiến số 7 làm nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và chuyển đồ dùng của bệnh nhân ra bên ngoài.

Bác sĩ Trần Minh Tuấn từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, trước đây, khi chưa có robot hỗ trợ, hàng ngày, một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6 - 7 người sẽ mất gần 2 giờ để phát cơm cho khoảng 10 tầng của Bệnh viện. Hiện giờ, mỗi robot sẽ phụ trách 4 - 5 tầng, hoạt động liên tục trong khoảng một giờ có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh.

Đại tá, PGS.TS Tăng Quốc Nam, Chủ nhiệm Khoa Hàng không Vũ trụ thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong thời gian tới, Vibot-2 sẽ được trang bị thêm tính năng đo thân nhiệt, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2)...

Chuyên viên Tổng cục Đường bộ bị điều tra nhận tiền để cấp hơn 1.700 thẻluồng xanh”

Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên Vụ Vận tải thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị cáo buộc duyệt, cấp trái phép thẻ "luồng xanh" để thu tiền.

Hoàng Thị Thanh Nga tại cơ quan điều tra

Hoàng Thị Thanh Nga tại cơ quan điều tra

Ngày 27/8, Nga bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bà Nga được Tổng cục Đường bộ cử tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp thẻ "luồng xanh" (dành cho xe chở hàng hoá được di chuyển trong giãn cách xã hội) và được giao một tài khoản để sử dụng cấp thẻ.

Theo cáo buộc, khi thực hiện nhiệm vụ, bà Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối một số người để thu gom các trường hợp muốn cấp thẻ "luồng xanh". Nữ chuyên viên sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, bà Nga đã duyệt, cấp hơn 1.700 hồ sơ ô tô, nhận hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. Người môi giới nhận từ các chủ xe 800.000 - 1.000.000 đồng một xe.

Tổng cục Đường bộ nhận định, vi phạm của bị can Nga rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan. Đơn vị đang phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ sự việc.

Grab đề xuất dùng công nghệ hỗ trợ đi chợ hộ người dân ở vùng đỏ, cam

Grab đang xin cung cấp miễn phí ứng dụng để hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân ở vùng đỏ, cam.

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng,

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng,

Công ty TNHH Grab đã gửi đề xuất này đến UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, với mong muốn hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân tại vùng đỏ và vùng cam.

Theo phương án của doanh nghiệp, các bên sẽ thực hiện kết nối qua ứng dụng Grab. Người dân chỉ cần vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua. Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình. Sau đó, kiểm tra lại thông tin, lựa chọn phương thức thanh toán và nhấn nút đặt hàng. Tại bước này, người dùng được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý. Trong trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ hộ khi nhận hàng.

Đối với đơn vị cung ứng hàng hóa, cần tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng với trường hợp chưa đăng ký ứng dụng. Gian hàng này sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hoá cũng sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo.

Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản Người đi chợ thay, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, sau đó giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị trên ứng dụng. Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Phá đường dây khai thác hàng triệu tấn than lậu

Trong số 12 bị can thuộc đường dây khai thác hàng triệu tấn than lậu, có anh em sinh đôi từng nổi tiếng trên mạng với vụ giao dịch lan đột biến 250 tỷ đồng.

Một trong những bãi than lậu bị phát hiện

Một trong những bãi than lậu bị phát hiện

Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Cùng ngày, C03 khởi tố 12 bị can về cùng tội danh, trong đó có bà Châu Thị Mỹ Linh - Giám đốc Công ty CP Yên Phước; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương. Giang và Thanh ở thị xã Đông Triều, (Quảng Ninh) là hai anh em song sinh, nổi tiếng trên mạng xã hội với vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam các bị can trên.

Điều tra ban đầu xác định, bà Linh cùng anh em Giang, Thanh đã lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác than lậu. Nhóm này đã khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Từ ngày 19/8, 135 cán bộ thuộc lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, cơ động đã khám xét các cơ sở kinh doanh than lậu tại Thái Nguyên và Hải Dương. Phần lớn các bãi than có khối lượng chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng. Có bãi than lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn.

Đề xuất Thủ tướng có cơ chế riêng nhập xe cứu thương cũ để chống dịch

Do xe cứu thương cũ thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng có cơ chế riêng để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM nhận 10 xe cứu thương đặc chủng để chống dịch Covid-19

Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM nhận 10 xe cứu thương đặc chủng để chống dịch Covid-19

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp vừa ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng về việc nhập khẩu xe cứu thương đã qua sử dụng nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết, căn cứ Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì xe cứu thương đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Đối chiếu quy định trên, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, việc tiếp nhận hàng hoá viện trợ nhập khẩu là xe cứu thương đã qua sử dụng không thể thực hiện được.

Do đó, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn báo cáo UBND TP.HCM về xây dựng dự thảo công văn kiến nghị Thủ tướng cơ chế thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất cho nhập khẩu xe cứu thương đã qua sử dụng.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trước đó, đơn vị này đã nhận được công văn của UBND TP.HCM về việc nhập xe cứu thương đã qua sử dụng từ Hàn Quốc để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, số lượng khoảng 20 - 30 chiếc.

Số xe này do Hiệp hội Giao lưu an toàn phòng cháy quốc tế (IFSA) đề xuất hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, để sử dụng được lô xe này, chi phí vận chuyển về Việt Nam và sửa chữa có thể lên đến 6.000 USD/chiếc (tương đương khoảng 140 triệu đồng/chiếc).

Hơn 10.000 quân tăng viện trong đợt siết chặt giãn cách tại TP.HCM

TP.HCM sẽ nhận thêm hơn 1.500 quân nhân từ Trường Sĩ quan Lục quân 2 và một số trường quân sự khác, nâng tổng số quân tăng viện lên hơn 10.000 người.

Các quân nhân tăng cường được chia ra thực hiện 3 nhiệm vụ: Thăm khám cho người dân, kiểm soát việc đi lại và tiếp tế nhu yếu phẩm

Các quân nhân tăng cường được chia ra thực hiện 3 nhiệm vụ: Thăm khám cho người dân, kiểm soát việc đi lại và tiếp tế nhu yếu phẩm

Đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, chiều 27/8, khoảng 1.000 quân nhân của Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) đã đến TP.HCM để tăng cường cho lực lượng chống dịch của Thành phố.

Ngày 28/8, TP.HCM đón thêm khoảng 500 quân nhân từ Trường Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp và Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Các quân nhân tăng cường đợt này chủ yếu tham gia cung cấp nhu yếu phẩm và kiểm soát việc giãn cách xã hội.

Theo đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM, sau khi nhận quân số từ 3 đơn vị này, lực lượng quân đội chi viện cho TP.HCM cơ bản có hơn 10.000 người, bao gồm cả lực lượng quân y. Số quân tăng viện có thể tiếp tục tăng thêm tùy vào nhu cầu của các địa phương.

Trải qua 5 ngày siết chặt giãn cách xã hội tại TP.HCM, nhiều đoàn công tác từ Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 đã hoàn tất việc hành quân đến Thành phố, ổn định nơi đóng quân và triển khai giúp các xã, phường chống dịch.

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết, các lực lượng tăng cường được chia ra thực hiện 3 nhiệm vụ: Thăm khám cho người dân, kiểm soát việc đi lại và tiếp tế nhu yếu phẩm.

Số quân nhân do Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 điều động sẽ được phân về các xã, phường để thành lập các tổ công tác. Họ hoạt động theo sự phân công của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chuyên đề