Bản tin thời sự sáng 28/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xe chở hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn tăng đột biến; giá thép giảm lần thứ 7 liên tiếp; Bình Định muốn xây cảng chuyên dụng cho nhà máy thép 53.500 tỷ đồng; chi 85 tỷ đồng lắp đèn trên Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi; sắp khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương…

Xe chở hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn tăng đột biến

Gần 1 tuần qua, lượng xe hàng lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn tăng đột biến dẫn đến một số thời điểm ùn ứ cục bộ tại Quốc lộ 1A. Hiện tỉnh Lạng Sơn đang khẩn trương áp dụng các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực thông quan; điều tiết, phân luồng phương tiện chở hàng xuất khẩu.

Phương tiện chở hàng xuất khẩu lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến, chủ yếu là mặt hàng sầu riêng
Phương tiện chở hàng xuất khẩu lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến, chủ yếu là mặt hàng sầu riêng

Theo thông tin nhanh từ tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 23/5 đến nay, phương tiện chở hàng xuất khẩu từ các địa phương lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến, chủ yếu là mặt hàng sầu riêng xuất khẩu. Tuy phương tiện thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn đang duy trì ổn định khoảng 250 xe/ngày nhưng việc nhiều phương tiện xếp hàng kéo dài tại khu vực Quốc lộ 1A hướng lên cửa khẩu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trong khu vực cửa khẩu, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường điều tiết, phân luồng phương tiện trong và ngoài khu vực cửa khẩu; đồng thời gửi thư công tác tới thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; đề nghị phía Bạn phối hợp cùng thực hiện điều tiết mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải cho cặp cửa khẩu quốc tế của hai bên.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, Ban thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc để đề nghị phía bạn tăng thời gian làm việc, tối ưu hóa quy trình thông quan. Phía nước bạn cũng đồng ý kéo dài thời gian thông quan đến 20h hằng ngày (thêm 2 tiếng), kết quả ngày 26/5 đã xuất được 344 xe hàng, tăng rất nhiều so với trước.

Giá thép giảm lần thứ 7 liên tiếp

Giá thép xây dựng trong nước được điều chỉnh giảm lần thứ 7 liên tiếp, về mức 14 - 15 triệu đồng/tấn.

Giá thép đang dao động quanh mốc 14 - 15 triệu đồng/tấn

Giá thép đang dao động quanh mốc 14 - 15 triệu đồng/tấn

Một số doanh nghiệp thép vừa thông báo giảm giá đối với sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, với mức giảm từ 200.000 - 510.000 đồng/tấn.

Cụ thể, theo số liệu của Steel Online, so với lần điều chỉnh giảm vào ngày 19/5, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc lần này được giảm thêm 200.000 đồng/tấn, xuống còn 14,7 triệu đồng/tấn. Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức giá 15,09 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, Thép Hòa Phát giảm 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 về mức giá 14,39 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 được giữ ở mức giá 14,95 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Thép Hòa Phát giảm 200.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá lần lượt là 14,92 triệu đồng/tấn và 15,05 triệu đồng/tấn.

Tương tự, Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 200.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 14,42 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về 14,44 triệu đồng/tấn; giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn ở mức 15 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Nhật cũng hạ 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về mức giá 14,62 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 được giữ ở mức giá 14,97 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, Thép Việt Sing tại miền Bắc điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống 14,62 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 vẫn ở mức giá 14,97 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Tung Ho tại miền Nam cũng tiến hành giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, giá bán còn 14,62 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 vẫn ở mức giá 14,97 triệu đồng/tấn.

Thép Pomina tại miền Trung và miền Nam cùng điều chỉnh hạ 310.000 đồng/tấn đối với thép CB240, xuống mức 14,99 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 được giữ nguyên ở mức 15,5 triệu đồng/tấn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận 7 lần giảm liên tiếp. Hiện giá thép dao động quanh mốc 14 - 15 triệu đồng/tấn.

Bình Định muốn xây cảng chuyên dụng cho nhà máy thép 53.500 tỷ đồng

Ngày 27/5, UBND tỉnh Bình đã gửi ý kiến đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1. Mục đích để phục vụ cho nhà máy thép 53.500 tỷ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Thôn Lộ Diêu, nơi dự kiến đặt cảng và nhà máy thép

Thôn Lộ Diêu, nơi dự kiến đặt cảng và nhà máy thép

Theo hồ sơ Dự án, cảng chuyên dụng cho nhà máy thép dự kiến có tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tín dụng. Cảng có quy mô 10 cầu cảng, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT, khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm; diện tích dự kiến 500 ha, trong đó có 474 ha mặt nước; phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Khu liên hợp gang thép Long Sơn đúng tiến độ.

Theo UBND tỉnh Bình Định, để đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thép thì không thể thiếu cảng biển. Cảng này cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam; không chồng lấn với các khu chức năng dân dụng đô thị, công trình theo quy hoạch.

Khi cảng và nhà máy thép đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, tạo động lực thúc đẩy ngành hàng hải quốc tế phát triển kết hợp với ngành công nghiệp gang thép xuất khẩu, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương…

Dự án cũng sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người, trong đó 3.000 người ở giai đoạn một. Ước tính nộp ngân sách nhà nước tại giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ Dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng hơn 20.500 tỷ đồng.

Chi 85 tỷ đồng lắp đèn trên Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi

Quảng Ngãi dự định đầu tư 85 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách để lắp đèn LED chiếu sáng gần 36 km Quốc lộ 1 qua địa bàn để bảo đảm an toàn giao thông.

Đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Đức Phổ không có đèn chiếu sáng

Đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Đức Phổ không có đèn chiếu sáng

Chủ trương đầu tư Dự án Điện chiếu sáng trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua ngày 27/5. Dự án sẽ được thực hiện trong năm nay.

60 km Quốc lộ 1 đi qua huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ gồm tuyến chính và tuyến tránh được đầu tư, mở rộng gần 10 năm qua nhưng chưa có đèn đường. Do Quốc lộ giao với nhiều đường dân sinh cũng như qua các khu dân cư, đô thị, việc thiếu sáng gây nguy cơ tai nạn cao. Chỉ trong 3 tháng đầu năm đã xảy ra 30 vụ tai nạn vào ban đêm, chiếm 2/3 tổng số vụ.

Do chưa đủ ngân sách, UBND Tỉnh chỉ trình HĐND thông qua dự án đầu tư gần 36 km, dự kiến từ phía Nam cầu sông Vệ (huyện Mộ Đức) đến thị xã Đức Phổ. Đoạn 24 km còn lại sẽ đầu tư sau.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi được giao phối hợp với các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Dự án.

Sắp khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng loạt cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa 2 tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Hai tuyến cao tốc hoàn thành sẽ kết nối cao tốc Liên Khương - Prenn dẫn vào TP. Đà Lạt

Hai tuyến cao tốc hoàn thành sẽ kết nối cao tốc Liên Khương - Prenn dẫn vào TP. Đà Lạt

Ngày 27/5, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án giao thông Tỉnh phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai đồng loạt việc cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa (cắm mốc tạm) theo phương án thiết kế bàn giao cho địa phương làm cơ sở lập hồ sơ, thủ tục thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Tỉnh yêu cầu việc cắm mốc phải hoàn thành trước ngày 30/6 nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công Dự án vào tháng 9/2023.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn phân kỳ bố trí chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe ô tô. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô mặt cắt bề rộng nền đường 22 m (4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục).

Trong khi đó, Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,4 km. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75 m; phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/giờ, khoảng 4 - 5 km bố trí vị trí dừng khẩn cấp trên cùng chiều xe chạy. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.521 tỷ đồng.

TP.HCM đối thoại với 30 chủ đầu tư về cấp sổ hồng

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đã cùng các phòng ban chuyên môn của Sở làm việc trực tiếp với 30 chủ đầu tư dự án nhà ở, với hơn 25.000 căn hộ để tháo gỡ vướng mắc về việc cấp sổ hồng cho khách hàng.

Một dự án chưa được cấp sổ hồng tại TP.HCM

Một dự án chưa được cấp sổ hồng tại TP.HCM

Theo thống kê, 30 dự án nói trên có tổng số 68.187 căn hộ/nhà phố/biệt thự nhưng mới chỉ cấp sổ hồng cho 42.868 căn, còn lại 25.319 căn chưa được cấp.

Trong đó, Dự án Khu dân cư và công viên Phước Thiện (TP. Thủ Đức) do Công ty CP Kinh doanh bất động sản MV Việt Nam đầu tư có 10.946 căn hộ, nhưng chủ đầu tư mới nộp hồ sơ cấp sổ hồng cho 2.110 căn. Chung cư Song Ngọc (Quận 8) do Công ty TNHH May Song Ngọc đầu tư có 898 căn hộ, nhưng chỉ có 26 hồ sơ được nộp. Dự án Nhà ở xã hội HQ Plaza (huyện Bình Chánh) do Công ty CP Bất động sản Hoàng Quân làm chủ đầu tư có 1.735 căn, nhưng chỉ có 1.180 hồ sơ được nộp…

Theo Sở TN&MT, đây là những dự án đã hoàn thiện, được chủ đầu tư bàn giao cho người mua nhà, được Sở TN&MT thẩm định đủ điều kiện cấp sổ hồng, nhưng chỉ có một số căn hộ/nhà phố/biệt thự được chủ đầu tư nộp hồ sơ để cấp sổ hồng.

Các chủ đầu tư lý giải nguyên nhân chưa làm thủ tục cấp sổ hồng bởi một số khách hàng mua đầu tư, chờ có người mua lại để sang hợp đồng. Nếu làm sổ phải thanh toán toàn bộ giá trị căn nhà. Các loại phí, thuế khi chuyển nhượng nhà có sổ cũng nhiều hơn.

Đồng thời, một số khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính nên xin giãn tiến độ thanh toán khi làm sổ hồng.

Một nguyên nhân nữa khiến việc cấp sổ hồng bị chậm do dự án cần phải xác định lại nghĩa vụ tài chính bổ sung, tài chính phần nhà ở xã hội của dự án, xác định lại ranh giới thực địa, duyệt giá thuê căn hộ hỗn hợp ở và thương mại dịch vụ…

Xử phạt một doanh nghiệp xuất khẩu lao động hơn 132 triệu đồng

Do vi phạm các quy định trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Công ty CP Đầu tư du học và Hợp tác quốc tế VTC1 đã bị xử phạt 132,5 triệu đồng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa xử phạt một doanh nghiệp xuất khẩu lao động do vi phạm các quy định. Ảnh minh họa

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa xử phạt một doanh nghiệp xuất khẩu lao động do vi phạm các quy định. Ảnh minh họa

Ngày 27/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, vừa có quyết định xử phạt hành chính 132,5 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư du học và hợp tác quốc tế VTC1 (gọi tắt là Công ty VTC1).

Lý do, công ty này đã vi phạm các quy định như: ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 3 lao động; thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty VTC1 thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với 2 người lao động quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng; không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đối với 3 lao động theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối năm 2022, đơn vị này cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO), Công ty CP Vạn Xuân VIVANXAN, Công ty CP Công nghệ Phúc Thái, Công ty TNHH MTV Hợp tác quốc tế xây lắp 3 - INCOOP3.

Các công ty này bị xử phạt 50 - 60 triệu đồng do chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo visa E7 ngành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kèm theo quyết định xử phạt hành chính, các công ty này còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động 12 - 18 tháng.

Chuyên đề