Bản tin thời sự sáng 28/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thúc tiến độ thi công đường dây 500 kV hơn 22.000 tỷ đồng; hơn 1.000 điện thoại iPhone, Samsung đấu giá chỉ 20.000 đồng/chiếc; TP.HCM đề xuất đầu tư 12.300 tỷ đồng xây dựng loạt đường kết nối vành đai, cao tốc; HAGL chốt danh sách nhà đầu tư mua 130 triệu cổ phiếu…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thúc tiến độ thi công đường dây 500 kV hơn 22.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu địa phương có đường dây 500 kV mạch 3 đi qua phải bàn giao toàn bộ hành lang tuyến trong tháng 3 để thi công, kịp đóng điện vào tháng 6.

Lao động trên công trường thi công đường dây 500 kV mạch 3 tại Hưng Yên

Lao động trên công trường thi công đường dây 500 kV mạch 3 tại Hưng Yên

Dự phát động thi đua trên công trường xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hưng Yên ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Dự án rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Dự án gồm 4 dự án thành phần là các đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, Nam Định I - Phố Nối. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 515 km, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), đi qua 9 tỉnh với tổng kinh phí hơn 22.300 tỷ đồng.

Công trình khi hoàn thành sẽ nâng năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc - Nam, bù đắp thiếu hụt điện năng cục bộ, bảo đảm cấp điện và an ninh năng lượng cho miền Bắc trong những năm tới.

Tuy nhiên, để đưa 4 dự án thành phần vào vận hành đúng hạn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và 9 tỉnh thành phố hỗ trợ giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Các dự án xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024, dự kiến hoàn thành và đóng điện vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Hiện các địa phương đã bàn giao 97% tổng thể mặt bằng vị trí móng cột nhưng khoảng néo hành lang tuyến mới đạt 46%. Toàn tuyến còn 34 vị trí chưa bàn giao mặt bằng, trong đó đường dây Quảng Trạch - Quỳnh Lưu còn 19 vị trí và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa còn 15. Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao vị trí móng cột cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, Dự án gặp vướng về thủ tục chuyển đổi đất rừng và đường thi công tạm, dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ.

Hơn 1.000 điện thoại iPhone, Samsung đấu giá chỉ 20.000 đồng/chiếc

Hơn 1.000 chiếc điện thoại di động các loại như Samsung, iPhone, Nokia, Oppo... đang được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm 20.000 đồng/chiếc.

Tất cả điện thoại đều là hàng đã qua sử dụng

Tất cả điện thoại đều là hàng đã qua sử dụng

Sở Tài chính Hà Nội đang có nhu cầu bán đấu giá 1.198 tài sản, hàng hóa cũ các loại. Đây là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do cơ quan thi hành án chuyển giao sang Sở Tài chính tiếp nhận, xử lý.

Giá khởi điểm của lô tài sản này là hơn 1,5 tỷ đồng, khách tham gia đấu giá cần đặt trước 150 triệu đồng. Cụ thể, tài sản bao gồm 2 chiếc ôtô nhãn hiệu Lexus và BMW 750i màu đen sản xuất năm 2007 có giá bán khởi điểm lần lượt là 720 triệu đồng và 580 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tài sản đấu giá còn bao gồm 29 xe máy các loại như Honda, Yamaha với giá khởi điểm dao động 3 - 6 triệu đồng/chiếc. Đặc biệt, có 2 xe Honda SH được rao bán với giá 25 - 38 triệu đồng/chiếc.

Ngoài ra có 3 chiếc xe máy, môtô Honda CB400 bán đấu giá theo hình thức thu hồi phế liệu, không tiếp tục lưu hành với giá 500.000 đồng đến 4,5 triệu đồng mỗi chiếc.

Đáng chú ý, trong lô hàng đấu giá lần này có khoảng hơn 1.000 chiếc điện thoại di động các loại như Samsung, iPhone, Nokia, Oppo... với mức giá khởi điểm 20.000 đồng/chiếc. Một số mẫu iPhone, Samsung đời cao có giá 50.000 đồng/chiếc, hay nhiều laptop cũng đồng giá từ 200.000 đồng/chiếc. Đặc biệt có 2 chiếc điện thoại Vertu được bán với giá khởi điểm 3 triệu đồng/chiếc.

Số tài sản này đang được lưu giữ tại kho hàng Thượng Thanh (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Thời gian đấu giá dự kiến vào sáng 14/3 theo hình thức trực tuyến trên website của Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam.

TP.HCM đề xuất đầu tư 12.300 tỷ đồng xây dựng loạt đường kết nối vành đai, cao tốc

Ngành giao thông TP.HCM đề xuất đầu tư 12.300 tỷ đồng mở nhiều đường, nút giao kết nối 6 cao tốc và Vành đai 3, 4 khơi thông các cửa ngõ, tăng hiệu quả đầu tư.

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, một trong vị trí được đề xuất xây hoàn chỉnh để tạo kết nối

Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, một trong vị trí được đề xuất xây hoàn chỉnh để tạo kết nối

Nội dung nêu trong công văn vừa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi UBND TP.HCM sau khi rà soát hiện trạng, nhu cầu kết nối giao thông với các tuyến cao tốc, vành đai trên địa bàn.

Quy hoạch vùng TP.HCM gồm 6 cao tốc cùng hai đường vành đai 3, 4, tổng chiều dài khoảng 628 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Trong đó, hai tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương. Các tuyến Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3 đang xây dựng. Những công trình còn lại chưa được đầu tư.

Trong định hướng mở thêm kết nối với các tuyến đường trên, Sở GTVT đánh giá cần sớm triển khai 8 dự án với nhu cầu vốn 12.300 tỷ đồng. Trong đó, ở hướng về miền Tây, hai nhánh Tân Tạo - Chợ Đệm, Bình Thuận - Chợ Đệm kết nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở lên 8 làn xe và làm các nút giao để khai thác đồng bộ.

Theo hướng về miền Đông, ngành giao thông thành phố cũng kiến nghị bổ sung lối ra vào, kết nối đường Long Phước, TP Thủ Đức qua tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, song song với kế hoạch mở rộng cao tốc này.

Đối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Sở GTVT cũng kiến nghị sớm đầu tư hoàn chỉnh nút giao với các tuyến đường trên địa bàn, như Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo, Rừng Sác, để đồng bộ kết nối giao thông, hiệu quả đầu tư cao tốc. Riêng tuyến Vành đai 3, nút giao kết nối đường Phước Thiện, Gò Công, tuyến liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, đường mở mới Tây Bắc, nối dài tuyến Võ Văn Kiệt... cũng được đề xuất triển khai.

Ngoài những công trình trên, Sở GTVT đề xuất nhiều dự án kết nối qua các tuyến Vành đai 4 cùng cao tốc sắp đầu tư như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành...

HAGL chốt danh sách nhà đầu tư mua 130 triệu cổ phiếu

Nhóm nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ huy động 1.300 tỷ đồng của HAGL gồm 2 tổ chức là Công ty CP Chứng khoán LPBank, Tập đoàn Thaigroup và một cá nhân Lê Minh Tâm.

HAGL chốt danh sách nhà đầu tư chiến lược cho đợt phát hành 1.300 tỷ đồng. Ảnh minh họa

HAGL chốt danh sách nhà đầu tư chiến lược cho đợt phát hành 1.300 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HoSE: HAG) vừa thông báo đã nhận được giấy đăng ký mua cổ phiếu riêng lẻ chính thức của các nhà đầu tư cho đợt chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, Công ty CP Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, đưa sở hữu từ 0% lên 4,73% vốn điều lệ. Công ty CP Tập đoàn Thaigroup dự kiến mua 52 triệu cổ phiếu, qua đó sở hữu từ 0% lên 4,92% vốn điều lệ.

28 triệu cổ phiếu còn lại được nhà đầu tư Lê Minh Tâm đăng ký mua, dự kiến bắt đầu sở hữu 2,65% vốn điều lệ. Ông Tâm là người thay thế cho ông Nguyễn Đức Quân Tùng từng đăng ký mua 28 triệu cổ phiếu nhưng sau đó huỷ, không tham gia.

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán LPBank mới được bổ nhiệm từ tháng 12/2023 vừa qua cũng có tên Lê Minh Tâm.

Có thể thấy, cả 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của HAGL đều liên quan đến Thaiholdings. Nếu hoàn tất thương vụ, nhóm này sẽ sở hữu tổng cộng khoảng 12,3% vốn tại Hoàng Anh Gia Lai.

Với số tiền huy động 1.300 tỷ đồng từ đợt chào bán trên, HAGL dự kiến dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do HAGL phát hành (hơn 330 tỷ đồng), cơ cấu lại các khoản nợ vay tại TPBank cho công ty con là Công ty CP Gia súc Lơ Pang (gần 270 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (khoảng 700 tỷ đồng).

Đấu giá 224 tấn vé xổ số Sóc Trăng

Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng chuẩn bị đưa ra bán đấu giá 224 tấn vé xổ số được chặt góc, cùi vé xổ số với giá khởi điểm 3.000 đồng/kg.

Đấu giá 224 tấn vé xổ số được chặt góc, cùi vé xổ số Sóc Trăng

Đấu giá 224 tấn vé xổ số được chặt góc, cùi vé xổ số Sóc Trăng

Hội đồng Tiêu huỷ cùi vé và vé sổ xố không tiêu thụ hết, hết thời gian lưu trữ thuộc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng đã có Thông báo số 09/TB-XSKT, về việc lựa chọn tổ chức thực hiện thanh lý giấy vụn năm 2024.

Theo đó, tên tài sản bán đấu giá gồm: Vé xổ số được chặt góc, giấy couché bóng định lượng 130gms; mặt trước in hình ảnh, trang PE cục bội mặt lưng in 1 màu (chữ và số) và cùi vé là giấy couché định lượng 130gms, in một màu.

Tổng số lượng vé và cùi vé có trọng lượng khoảng 224 tấn. Số giấy vụn sẽ được xuất thành nhiều đợt và khối lượng thực sẽ được xác định qua các đợt.

Theo Hội đồng Tiêu hủy cùi vé và vé xổ số không tiêu thụ hết, hết thời gian lưu trữ, giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 3.000 đồng/kg, đã bao gồm thuế VAT; tổng tài sản đấu giá là 672 triệu đồng.

Hồ điều hòa Bàu Sen ở trung tâm TP Vũng Tàu nổi váng, bốc mùi thối

Nhiều ngày qua, mặt nước lòng hồ Bàu Sen ở trung tâm TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nổi váng, bốc mùi hôi ảnh hưởng nhiều người dân.

Công nhân chèo xuồng vớt tảo chết dạt vào góc hồ ở đường Hoàng Hoa Thám

Công nhân chèo xuồng vớt tảo chết dạt vào góc hồ ở đường Hoàng Hoa Thám

Sáng 27/2, mặt nước hồ Bàu Sen chuyển sang màu xanh rêu, váng nổi thành lớp theo gió từ biển thổi dạt vào góc hồ phía đường Hoàng Hoa Thám. Hàng chục hộ dân sống ven hồ tỏ ra khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên từ những vùng nước ô nhiễm.

Hồ Bàu Sen rộng hơn 18 ha, nằm trên địa bàn phường Thắng Tam, bốn phía giáp những tuyến đường chính ở trung tâm TP. Vũng Tàu. Hồ có chức năng điều hòa, tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Ông Lê Huy Hữu Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (đơn vị quản lý), cho biết hồ Bàu Sen nổi váng, có mùi hôi là do tảo chết. Đây là năm đầu tiên xuất hiện tình trạng này.

Theo ông Hiệp, lớp bùn, chất thải ở đáy nhiều năm không được nạo vét đã tích tụ nên khi mực nước thấp, tảo chết gây ra mùi thối. Công ty huy động công nhân dùng vợt vớt tảo, rác đưa đi xử lý.

Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết năm 2020, Thành phố có chủ trương đầu tư Dự án nạo vét, cải tạo hồ Bàu Sen với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dự án phải tạm dừng do chưa xác định được bãi tập kết phơi khô bùn lỏng khi nạo vét.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, Thành phố sẽ thực hiện việc nạo vét song song với dự án làm công viên tại đây. Hai dự án này sẽ thực hiện sau khi quy hoạch Nam Vũng Tàu được UBND Tỉnh phê duyệt.

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I không thấp hơn 12%

Theo kế hoạch, năm 2024, vốn đầu tư công được giao cho UBND TP.HCM là 79.263 tỷ đồng. TP.HCM đặt mục tiêu trong quý đầu năm giải ngân không thấp hơn 12%.

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I không thấp hơn 12%. Ảnh minh họa

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I không thấp hơn 12%. Ảnh minh họa

Nhằm tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cũng như đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, lãnh đạo UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giải ngân của từng dự án theo từng tuần, từng tháng; nêu rõ từng nhiệm vụ công việc cụ thể trong từng tuần, từng tháng và cam kết thực hiện giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2024.

Trong số đó, hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thi công và giải ngân vốn theo tiến độ cụ thể gồm dự án nhóm C trước ngày 31/3/2024; các dự án nhóm A, B trước ngày 31/6/2024; bảo đảm tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 đạt từ 95% trở lên, trong đó đặt mục tiêu trong quý I/2024 giải ngân không thấp hơn 12%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% theo như cam kết và kế hoạch đã đề ra. Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện, hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm khởi công dự án trong quý I/2024.

Theo kế hoạch, năm 2024, vốn đầu tư công được giao cho UBND TP.HCM là 79.263 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương 3.686 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn ngân sách trung ương được bố trí cho các dự án như: xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ đồng; dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường Vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45,89 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên 1.500 tỷ đồng…

Không có đơn hàng, doanh nghiệp dệt may TP.HCM phải bán gần 8 ha đất

Garmex Sài Gòn dự kiến bán 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 7,6 ha tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam để khắc phục khó khăn do thiếu đơn hàng.

Hiện Garmex Sài Gòn chỉ còn vỏn vẹn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với đầu năm 2023

Hiện Garmex Sài Gòn chỉ còn vỏn vẹn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với đầu năm 2023

Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) vừa công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan đến kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 25/3 - 15/4. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 15/3.

Động thái này của doanh nghiệp xuất phát trong bối cảnh doanh nghiệp đã phải tạm ngưng sản xuất, cắt giảm gần hết lao động do tình hình kinh doanh, không có đơn hàng.

Theo đó, Công ty đang có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5 ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty. Bên cạnh đó, Garmex Sài Gòn cũng muốn chuyển nhượng thửa đất 2,6 ha tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Hà Nam thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam - thành viên của Garmex Sài Gòn.

Trong năm 2023, doanh thu của Garmex chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng, giảm 35 lần so với năm 2022. Công ty lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng, thu hẹp so với khoản lỗ hơn 84 tỷ đồng của năm 2022.

Đến hết năm 2023, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 410 tỷ đồng, giảm gần 22% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 95 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt của Garmex chỉ còn vỏn vẹn 29 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn hơn 26 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức gần 27 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu duy trì sản xuất tại các nhà máy may thì Công ty sẽ lỗ rất nhiều. Do đó, Công ty đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiếng tại TP.HCM, thành lập vào năm 1976. Công ty này có 5 nhà máy gồm: An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Chuyên đề