Bản tin thời sự sáng 28/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là học sinh lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã tại Hà Nội chuyển sang học trực tuyến từ 28/2; đề nghị tạm dừng ngay rút tiền, chuyển tiền đối với tài khoản của Giám đốc CDC Đắk Lắk; gần 5 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam 2 tháng đầu năm; truy tố 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa do Vi phạm các quy định về quản lý đất đai…

Học sinh lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã tại Hà Nội chuyển sang học trực tuyến từ 28/2

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định chuyển hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã trên địa bàn Thủ đô để phòng dịch Covid-19.

Học sinh tiểu học của Hà Nội chuyển sang học trực tuyến từ 28/2

Học sinh tiểu học của Hà Nội chuyển sang học trực tuyến từ 28/2

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã của Hà Nội sẽ chuyển sang học trực tuyến từ ngày 28/2 để phòng chống dịch Covid-19. Đây là nội dung văn bản vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất với nội dung tờ trình ngày 27/2 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc chuyển hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện và thị xã.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn Thủ đô, số ca nhiễm không ngừng tăng lên. Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 chiếm gần 10% tổng số ca nhiễm của Thành phố, trong khi đó học sinh từ 5 đến 11 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine. Điều này khiến cha mẹ học sinh băn khoăn, lo lắng khi cho con đến trường.

Qua khảo sát cho thấy tính đến ngày 25/2, ở 18 huyện và thị xã, số học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 phải chuyển sang học trực tuyến là 5.199 lớp trên tổng số 11.501 lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhận được văn bản của 15/18 huyện, thị xã về việc đề nghị Sở tham mưu UBND Thành phố chuyển trạng thái dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch bệnh.

Như vậy, Hà Nội hiện chỉ có học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp. Học sinh bậc mầm non tạm nghỉ học.

Đề nghị tạm dừng ngay rút tiền, chuyển tiền đối với tài khoản của Giám đốc CDC Đắk Lắk

Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị các tổ chức tín dụng tạm dừng ngay các giao dịch rút tiền, chuyển tiền đối với tài khoản của Giám đốc CDC Đắk Lắk Trịnh Quang Trí và thực hiện việc sao kê các giao dịch của ông Trí phát sinh từ ngày 1/1/2020 đến nay.

Trụ sở CDC Đắk Lắk

Trụ sở CDC Đắk Lắk

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh này yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra năm 2021 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Đắk Lắk.

Cụ thể, cơ quan điều tra đề nghị các tổ chức tín dụng tại Đắk Lắk cung cấp hồ sơ đăng ký mở tài khoản của ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC Đắk Lắk. Đề nghị các tổ chức tín dụng tạm dừng ngay các giao dịch rút tiền, chuyển tiền (giao dịch phát sinh nợ) đối với tài khoản của ông Trịnh Quang Trí; thực hiện việc sao kê các giao dịch của ông Trí phát sinh từ ngày 1/12020 đến nay, để cơ quan điều tra có căn cứ ra lệnh phong tỏa tài khoản.

Trong tháng 1, Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với ông Trịnh Quang Trí và một số cán bộ tại CDC Đắk Lắk liên quan việc mua kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Trước đó, CDC Đắk Lắk đã mua gần 20.000 kit test và thanh toán khoảng 6 tỷ đồng cho Công ty Việt Á. Ngoài ra, CDC Đắk Lắk còn tạm ứng của Công ty Việt Á một số kit test nhưng chưa rõ số lượng, cũng chưa thanh toán tiền.

Gần 5 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam 2 tháng đầu năm

Số liệu cho thấy giá trị vốn đăng ký mới suy giảm mạnh nhưng các dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần lại tăng mạnh so với cùng kỳ.

Các dự án FDI điều chỉnh vốn tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Các dự án FDI điều chỉnh vốn tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, vẫn tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Hai tháng qua có 183 dự án đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số lượng nhưng giảm 80,9% về giá trị.

Việc vốn đăng ký mới suy giảm so với cùng kỳ là do thiếu vắng những dự án quy mô lớn trên 100 triệu USD. Các tháng đầu năm 2022 chỉ ghi nhận một dự án có vốn đầu tư lớn với số vốn đạt 136,4 triệu USD.

Các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn, đáng kể như dự án đầu tư VSIP Bắc Ninh (của Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (của Hàn Quốc) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.

Từ đầu năm đến nay có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ.

Về góp vốn mua cổ phần, số liệu cho thấy có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% về số lượng nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Về đối tác đầu tư, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư và giảm 12% so với cùng kỳ…

Truy tố 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa do vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Hai cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và 4 lãnh đạo cấp sở bị truy tố với khung hình phạt tối đa 12 năm tù.

Hai cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị truy tố do Vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Hai cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị truy tố do Vi phạm các quy định về quản lý đất đai

VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc.

Cáo buộc đối với ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh được nêu trong cáo trạng VKSND Khánh Hòa vừa hoàn tất, truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 5 - 12 năm tù.

Hai cựu lãnh đạo Tỉnh bị cho là đã ký nhiều văn bản, từ năm 2012 đến 2015, chỉ đạo các sở, ngành giao, chuyển mục đích sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho doanh nghiệp thực hiện Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, sinh thái tâm linh Cửu long Sơn Tự, phá vỡ quy hoạch khu vực núi Chín Khúc.

Liên quan đến vụ án, ông Đào Công Thiên, nguyên phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa; Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, cùng là cựu Gám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, và Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai cũng bị truy tố về cùng tội danh.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2012 - 2015, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép làm chủ đầu tư thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung.

VKSND cáo buộc trong quá trình cho phép triển khai thực hiện 2 dự án trên, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ và Trần Văn Hùng đã có nhiều sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Investco Green Garden bị phạt 350 triệu đồng vì chưa đăng ký chứng khoán

Investco bị xử phạt tổng cộng 450 triệu đồng do chưa đăng ký chứng khoán và chưa công bố thông tin các báo cáo theo quy định.

Investco bị xử phạt tổng cộng 450 triệu đồng do chưa đăng ký chứng khoán

Investco bị xử phạt tổng cộng 450 triệu đồng do chưa đăng ký chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Investco). Nguyên nhân là Công ty không đăng ký giao dịch chứng khoán nên bị xử phạt số tiền 350 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với hành vi trên.

Ngoài ra, Investco còn không báo cáo các tài liệu như Báo cáo tài chính đã kiểm toán giai đoạn 2017 - 2020, Báo cáo thường niên từ năm 2017 - 2020 và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên từ năm 2017 - 2021.

Theo đó, Công ty bị xử phạt thêm 100 triệu đồng do không báo cáo đối với thông tin theo quy định pháp luật. Tổng số tiền bị phạt với lên đến 450 triệu đồng.

Investco chính thức được thành lập năm 1996. Hoạt động chính trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản và tư vấn thiết kế xây dựng, nhất là đầu tư tài chính.

Doanh nghiệp này từng có quy mô doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng nhưng theo thời gian đang bị suy giảm, thậm chí không phát sinh doanh thu trong năm 2018 - 2019.

Theo báo cáo mới nhất, Công ty chỉ ghi nhận hơn 17,5 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2020 nhưng đạt mức lãi lên đến 217,8 tỷ đồng.

Kế hoạch cho năm 2021 khá bất ngờ khi chỉ tiêu doanh thu là 0 đồng và có lãi gần 20 tỷ đồng. Công ty đang định hướng chiến lược vào làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Investco Green Garden quy mô gần 126.000 m2.

Vốn điều lệ đến nay 208 tỷ đồng nhưng do lỗ lũy kế lớn nên Công ty bị âm vốn chủ sở hữu gần 6 tỷ đồng tại cuối năm 2020.

Đề xuất bỏ các quy định cũ về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

VAMI cho rằng, các văn bản xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô đang gây chồng chéo và không phù hợp, đề nghị bãi bỏ để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

VAMI đề xuất bỏ các quy định cũ về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

VAMI đề xuất bỏ các quy định cũ về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc văn bản quy phạm pháp luật gây chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh ô tô.

Cụ thể, VAMI nhận thấy phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô theo một số văn vản quy phạm pháp luật của Bộ Khoa học và Công nghệ gây chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn kinh doanh.

Hiện phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đang được quy định tại Quyết định số 28/2004, Quyết định số 05/2005 và Thông tư 05/2012 đều của bộ này ban hành.

Thứ nhất, VAMI cho biết các văn nêu trên đều được căn cứ trên Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 1/3/2002 nhưng quyết định này đã được thay thế bởi Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Như vậy văn bản quy phạm hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

Tuy nhiên đến nay, sau hơn 7 năm có Quyết định 1168 thì Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành văn bản bãi bỏ và công bố công khai trên thông tin đại chúng.

Thứ hai, tính tỷ lệ nội địa hóa cũng không theo thông lệ quốc tế. Phương pháp tính hiện tại vẫn tính theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Mỗi cụm linh kiện/phụ tùng chính được áp một điểm số và quy ra tỷ lệ % nội địa nhất định mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện/phụ tùng đó.

Còn theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên…

Thứ ba, VAMI nhấn mạnh các quy định hiện tại cũng không phù hợp thực tiễn công nghệ sản suất ôtô. Các linh kiện và tính năng ngày càng hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn, nhất là dòng xe cao cấp và xe điện.

Chuyên đề