Bản tin thời sự sáng 28/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hoàn thành tiêm mũi ba vaccine Covid-19 vào quý I/2022; gần hai triệu tài khoản dự án tiền số Việt bị lộ thông tin; đề xuất chở hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt; bỏ quy định xét nghiệm với hành khách từ TP.HCM, Cần Thơ; Bình Định ban bố khẩn cấp về sự cố sạt lở núi Cấm…

Hoàn thành tiêm mũi ba vaccine Covid-19 vào quý I/2022

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố hoàn tất tiêm mũi ba vaccine Covid-19 cho nhóm người trên 18 tuổi vào quý I/2022.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại Quận 1, TP.HCM

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại Quận 1, TP.HCM

Thông tin về tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12/2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi một cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi hai (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi.

Đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi hai cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi hai cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng I/2022, mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.

Gần hai triệu tài khoản dự án tiền số Việt bị lộ thông tin

Dự án Onus (VNDC) thừa nhận bị tấn công dẫn đến rò rỉ dữ liệu người dùng, trong khi hacker khẳng định nắm trong tay gần hai triệu tài khoản.

Dữ liệu xác minh danh tính của người dùng Onus bị hacker rao bán trên mạng.

Dữ liệu xác minh danh tính của người dùng Onus bị hacker rao bán trên mạng.

Các thông tin của người dùng Onus bị tài khoản vndcio đăng trên một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu. Dữ liệu gồm họ tên, email, số điện thoại, tên đăng nhập và thông tin eKYC dùng để xác minh danh tính. Theo bài rao, hacker đang giữ thông tin của toàn bộ người dùng nền tảng Onus với hơn 1,92 triệu tài khoản, trong đó 90% là người Việt.

Hacker cho biết đã xâm nhập vào máy chủ của Onus (trước đây là VNDC) và thực hiện việc kết xuất dữ liệu.

Để chứng minh, người này đăng ảnh chụp màn hình một số thông tin về dữ liệu, trong đó có tài khoản mới tạo ngày 14/12, đồng thời đưa "ngẫu nhiên" thông tin hộ chiếu, căn cước công dân, video quay các góc mặt của 10 người dùng. Đây vốn là dữ liệu được Onus yêu cầu để xác minh danh tính người dùng.

Hacker nói trên không nêu mức giá mong muốn, nhưng đề nghị người mua liên hệ qua một dịch vụ email vẫn được giới tin tặc sử dụng để che giấu danh tính. Đến ngày 26/12, một tài khoản khác là blackblock1234 cũng rao bán lượng dữ liệu tương tự, có dung lượng 9 TB.

Đến trưa 27/12, Onus xác nhận việc bị tấn công, dẫn đến nguy cơ có thể rò rỉ thông tin cá nhân của một lượng lớn người dùng. Tuy nhiên, nhóm này không công bố cụ thể số người bị ảnh hưởng là bao nhiêu.

Trong thông báo trên website, Onus cho biết kẻ tấn công lợi dụng một lỗ hổng trong một bộ thư viện trên hệ thống để xâm nhập vào máy chủ sandbox, vốn chỉ dành cho việc lập trình. Do vấn đề về mặt cấu hình, máy chủ này chứa thông tin cho phép kẻ xấu có quyền truy cập hệ thống và đánh cắp một số dữ liệu quan trọng, như tên, email, số điện thoại, địa chỉ, thông tin KYC, mật khẩu mã hóa, lịch sử giao dịch....

Đề xuất chở hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt

Với tốc độ thông quan hiện tại, hải quan Lạng Sơn dự báo đến Tết vẫn ùn tắc container nên gợi ý xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt.

Hải quan Lạng Sơn cũng đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu để chuyển phương thức giao nhận sang bằng đường sắt.

Hải quan Lạng Sơn cũng đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu để chuyển phương thức giao nhận sang bằng đường sắt.

Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng vừa kiến nghị để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn.

Hiện tại, ở Lạng Sơn vẫn còn khoảng hơn 2.100 xe chở hàng. Ông Vượng nhận định, từ nay đến Tết Âm lịch có thể không giải phóng được hết lượng hàng hóa này, nếu năng lực thông quan vẫn như hiện nay - khoảng 78 đến 90 xe một ngày.

Theo tính toán của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ nay đến Tết chỉ giải phóng được trên 1.000 xe. Thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc dự kiến tiếp tục siết chặt quản lý người và hàng hóa qua biên giới đến 15/3/2022.

Trước tình trạng thông quan tiếp tục khó khăn, ông Vượng cho biết, cơ quan hải quan đã khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp có biện pháp điều tiết hàng hóa ngay từ đầu nguồn, giảm bớt hàng hóa đưa lên cửa khẩu.

Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cũng đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu để chuyển phương thức giao nhận sang bằng đường sắt. Đường sắt rất thuận lợi trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện Zero Covid hiện nay vì không liên quan đến người. Cả đoàn tàu chỉ có tổ vận hành.

Ngoài ra, ông Vượng cũng kiến nghị Chính phủ tổ chức hội đàm cấp cao với Trung Quốc để tạo điều kiện thông quan hàng hóa, bởi các hội đàm cấp thấp đã diễn ra nhưng chưa hiệu quả.

Về phía Lạng Sơn, cơ quan hải quan đã đề xuất với UBND Tỉnh chấp nhận phương án giao hàng tại cửa khẩu biên giới. Theo ông Vượng, ngoài phương án này, hiện nay, Trung Quốc cũng đề nghị giao container tại cửa khẩu (lái xe không phải xuống, sau đó lái đầu kéo về phía Việt Nam).

Bỏ quy định xét nghiệm với hành khách từ TP.HCM, Cần Thơ

Bộ Giao thông vận tải ra quy định hành khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ không cần có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Hành khách đến Nội Bài từ TP.HCM

Hành khách đến Nội Bài từ TP.HCM

Theo quyết định ban hành chiều 27/12, hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4, hoặc vùng phong tỏa phải có kết quả xét nghiệm âm tính phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ, khai báo y tế theo quy định; sử dụng ứng dụng PC-Covid.

Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác.

Trước đó, theo quy định cũ, hành khách ở vùng dịch cấp 4, vùng cách ly y tế (phong tỏa), hoặc hành khách bay từ Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.

Như vậy, quy định mới cho phép hành khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ không cần xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi đi máy bay. Với hành khách từ các sân bay khác, nhà chức trách vẫn áp dụng quy định khi đi máy bay cần tiêm vaccine hoặc có giấy xét nghiệm

Hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư làm đường ba tỉnh miền núi Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi có tổng đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng, xây dựng hai tuyến đường dài 200 km trên ba tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Sơ đồ hai tuyến đường (màu đỏ).

Sơ đồ hai tuyến đường (màu đỏ).

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vừa được khởi công vào ngày 27/12. Gói thầu xây lắp 18 km ở tỉnh Lai Châu được thực hiện đầu tiên, mặt đường rộng 8 m, kết cấu bê tông nhựa với giá trị 285 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư bằng vốn vay ODA do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư, thực hiện trong 3 năm.

Dự án gồm hai tuyến đường thành phần: Tuyến một kết nối tỉnh Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm đầu tại nút giao IC16 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại ngã ba bệnh viện, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Tuyến đường này dài 147 km, quy mô đường cấp 3 miền núi, có 9 cầu được xây mới.

Tuyến một được mở rộng, nâng cấp trên tuyến cũ qua Tỉnh lộ 136, Quốc lộ 32, Quốc lộ 279, vốn là đường cấp 5 miền núi đã xuống cấp...

Tuyến thứ hai nối Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm đầu tại nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối dự án giao với Quốc lộ 32 thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tuyến đường dài 53 km, kết cấu cấp 4 miền núi, có 3 cầu được xây mới, mở rộng trên nền Tỉnh lộ 175 đã xuống cấp…

Bình Định ban bố khẩn cấp về sự cố sạt lở núi Cấm

Trước tình trạng sạt lở núi Cấm nghiêm trọng, Bình Định ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sự cố và dự kiến sơ tán hàng trăm người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Vệt sạt lở kéo dài trên núi Cấm uy hiếp tính mạng, tài sản người dân thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định).

Vệt sạt lở kéo dài trên núi Cấm uy hiếp tính mạng, tài sản người dân thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát (Bình Định).

Ngày 27/12, UBND tỉnh Bình Định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sự cố sạt lở tại núi Cấm (thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát).

Theo đó, địa phương này tập trung khắc phục hậu quả thiên tai sạt lở tại núi Cấm và xây khu tái định cư, sơ tán khẩn cấp 117 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tỉnh Bình Định mời chuyên gia nghiên cứu các giải pháp hạn chế sạt lở; chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, từng bước khôi phục hiện trạng rừng tự nhiên ở khu vực núi Cấm.

Huyện Phù Cát có trách nhiệm thông báo, cảnh báo cho người dân biết vị trí trên đường giao thông dưới chân núi Cấm bị ảnh hưởng do sạt lở; tạm dừng các hoạt động khai thác gỗ keo và các loại cây phía trên núi.

Tháng trước, mưa lớn kéo dài khiến núi Cấm liên tục sạt lở kéo theo hơn 35.000 m3 đất, đá chảy tràn xuống vùi lấp khu dân cư, hệ thống giao thông, thủy lợi dưới chân núi uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân nơi đây.

Chuyên đề