Bản tin thời sự sáng 28/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm; ba kịch bản đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới; Việt Nam đề nghị Trung Quốc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông…

Hà Nội đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm sẽ ảnh hưởng quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội và kinh tế - xã hội của Thành phố, theo UBND TP. Hà Nội.

Một góc quận Hoàn Kiếm

Một góc quận Hoàn Kiếm

TP. Hà Nội vừa hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, Thành phố có một đơn vị cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập do không đủ tiêu chí về diện tích, dân số.

Theo định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Hoàn Kiếm đủ tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ đạt 15% diện tích (5,35 km2). Dù vậy, Hà Nội cho rằng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì 8 lý do.

Cụ thể, đây là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP. Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ bao gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ, gắn với sự hình thành của khu 36 phố phường, có 5 cửa Ô từ đầu thế kỷ 20.

Hầu hết phường thuộc quận Hoàn Kiếm đều có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, tồn tại tên gọi từ hàng trăm năm trước đến nay. Khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia; có hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Bạch Mã và di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tên của quận gắn liền với truyền thuyết "trả gươm" sau chiến tranh giải phóng dân tộc của vua Lê Thái Tổ, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ; khu vực hồ Gươm và phụ cận; khu phố cũ, giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.

Ba kịch bản đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thống nhất phương án xây dựng theo kịch bản 3, đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao ở nước ngoài.

Đường sắt tốc độ cao ở nước ngoài.

Trong văn bản góp ý kiến về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án - đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3.

Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất xây mới đường sắt Bắc - Nam theo kịch bản đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Tổng vốn đầu tư dự án theo kịch bản 3 khoảng 68,98 tỷ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.

Ngoài kịch bản 3, hai kịch bản còn lại đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo đó, kịch bản 1 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục, khai thác riêng tàu khách. Đồng thời nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới

Cuối tháng 9, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới gần 6,45 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với hồi đầu năm.

Cuối tháng 9, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới gần 6,45 triệu tỷ đồng

Cuối tháng 9, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới gần 6,45 triệu tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9, người dân "gửi ròng" thêm vào hệ thống hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước, nhưng thấp hơn trước dịch Covid-19.

Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.

Tiền gửi của dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, sau cuộc đua nâng lãi suất lên cao của các nhà băng. Cuộc chạy đua giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích dần từng ngày, có thời điểm vượt 10% một năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao, thường có kỳ hạn một năm trở lên, theo đó sẽ dần đáo hạn từ tháng 10 năm nay đến đầu năm 2024.

Trong khi đó, lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện xuống thấp kỷ lục, về dưới 6% một năm. Tuy nhiên, dòng tiền của người dân theo đánh giá của các lãnh đạo nhà băng và chuyên gia, sẽ chưa dịch chuyển ồ ạt sang các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán... sau loạt biến động vừa qua.

Với khối tổ chức gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế..., nhóm này có 6,23 triệu tỷ đồng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 9, tăng 4,65% so với hồi đầu năm.

Tính chung, tiền gửi của dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm. Tổng phương tiện thanh toán (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) do các nhà băng nắm giữ đến hết tháng 9 đạt hơn 15 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,6% so với đầu năm.

Khánh Hòa phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền

UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin, trái phiếu sẽ được phát hành vào ngày 4/12 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Lãi được thanh toán hàng năm, gốc được hoàn trả một lần khi đáo hạn.

Dự án nâng cấp mở rộng, cải tạo tuyến Tỉnh lộ 1B sẽ sử dụng trái phiếu chính quyền địa phương

Dự án nâng cấp mở rộng, cải tạo tuyến Tỉnh lộ 1B sẽ sử dụng trái phiếu chính quyền địa phương

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công bố thông tin phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023.

Trong thông báo phát đi, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 4/12 sẽ phát hành trái phiếu với khối lượng tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm.

Mệnh giá trái phiếu sẽ là 100.000 đồng, lãi sẽ được thanh toán hàng năm, còn gốc được hoàn trả một lần khi đáo hạn. Nguồn hoàn trả trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách Tỉnh.

Trái phiếu chính quyền địa phương do tỉnh Khánh Hòa phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công đã được HĐND Tỉnh thông qua theo quy định.

Tháng 9 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa báo cáo Bộ Tài chính phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đợt 1, với khối lượng 500 tỷ đồng cho 3 dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Đó là Dự án đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án nâng cấp mở rộng, cải tạo tuyến Tỉnh lộ 1B.

Việc phát hành trái phiếu chính quyền trên đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua vào cuối năm 2022.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc xem xét, gỡ khó và dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông Việt Nam nhập vào nước này.

Tôm hùm bông tại cửa hàng hải sản ở TP.HCM

Tôm hùm bông tại cửa hàng hải sản ở TP.HCM

Đề nghị trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, ngày 27/11.

Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với hải quan nước này. Các cơ quan chủ quản hai nước cũng cần sớm kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng để xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc.

Tôm hùm bông - mặt hàng đứng đầu giá trị kinh tế trong nhóm thủy sản Việt Nam - bị dừng nhập khẩu vào Trung Quốc hơn hai tháng qua - khiến giá rớt mạnh, ảnh hưởng tới các hộ nuôi tôm tại Phú Yên.

Nguyên nhân do vướng quy định mới tại Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc. Theo đó, với tôm hùm bông nuôi, nước này yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

Nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) muốn nhập mặt hàng này vào Trung Quốc sẽ phải xin cấp phép về bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang nước này đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1 - 1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng. Mức này cũng thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Loạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu có lãi suất lên đến 14%/năm

Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa phát hành cho thấy, tính đến ngày 22/11/2023, tổng giá trị hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 233.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất lên đến 14%/năm.

Nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu lên đến 14%/năm.

Nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu lên đến 14%/năm.

Lãi suất TPDN bình quân trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt 8,5%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 109.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm.

Tuy nhiên, đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất lên đến 14%/năm.

Đơn cử, hồi tháng 4/2023, Công ty CP North Star Holdings đã huy động thành công lô trái phiếu NSTCH2324001, đáo hạn vào tháng 8/2024, tổng giá trị phát hành 671 tỷ đồng, lãi suất phát hành 14%/năm.

Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu Công ty đạt 47 tỷ đồng. Tổng tài sản Công ty hơn 700 tỷ đồng, nợ phải trả khoảng 667 tỷ đồng, cao gấp 14,2 lần vốn chủ, gần như nợ phải trả của North Star Holdings là dư nợ trái phiếu.

Tương tự, khoảng tháng 6/2023, Công ty CP Vinam Land phát hành thành công lô trái phiếu có mã VNLCH2329001, với tổng giá trị huy động 1.500 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu trên sẽ đáo hạn vào tháng 6/2029, lãi suất huy động 14%/năm.

Công ty CP Vinam Land tiền thân là Công ty CP Chuẩn bị làm nhà, thành lập vào tháng 5/2018 tại TP. Hà Nội.

Đến tháng 5/2023, trước thời điểm huy động trái phiếu 1 tháng, Công ty CP Chuẩn bị làm nhà mới đổi tên thành Công ty CP Vinam Land, đồng thời nâng vốn điều lệ từ 3,6 tỷ đồng lên 490 tỷ đồng, sau đó tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Đầu tháng 11/2023, Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân cũng đã phát hành 1.495 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn đến tháng 11/2028, lãi suất huy động 14%.

Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân được thành lập vào tháng 4/2021. Cập nhật tại thời điểm tháng 8/2023, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 335 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đông công nhân nhất Đồng Nai chi 650 tỷ đồng thưởng Tết

Đơn hàng trồi sụt, Công ty TNHH Changshin Việt Nam vẫn giữ thưởng Tết bằng năm ngoái sau 7 phiên thương lượng với công đoàn, số tiền chi khoảng 650 tỷ đồng.

Công nhân Changshin Việt Nam trong giờ sản xuất

Công nhân Changshin Việt Nam trong giờ sản xuất

Thông tin được ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin Việt Nam cho biết ngày 27/11. Thông tin thưởng Tết Nguyên đán 2024 vừa được doanh nghiệp công bố đến hơn 37.000 lao động. Đây là nhà máy đông công nhân nhất Đồng Nai, chuyên sản xuất giày.

Theo đó, tùy vào thời gian làm việc, người lao động sẽ có các mức thưởng khác nhau. Cụ thể, người có thời gian làm việc từ dưới 3 tháng đến dưới 20 năm được thưởng từ 0,25 - 1,95 tháng lương cơ bản. Mức thưởng dành cho người có thâm niên từ 20 năm là hai tháng lương.

Ngoài ra, tùy vị trí công việc, người lao động sẽ nhận thêm phụ cấp, mức này chiếm 5 - 8% lương cơ bản. Công ty cũng hỗ trợ 500.000 đồng cho những lao động mới vào Công ty từ 1/1/2024. Tiền thưởng được trả ngày 26/1/2024.

Tết năm ngoái, nhóm trực tiếp sản xuất, công nhân làm đủ một năm ở Changshin nhận hơn 5,2 triệu đồng và cao nhất trên 20 triệu đồng. Năm nay, do Công ty tăng lương cơ bản từ đầu năm và thưởng Tết dựa trên lương mới, số tiền công nhân nhận tăng 150.000 - 300.000 đồng, tùy thâm niên.

Ông Đặng Tuấn Tú cho biết, do ảnh hưởng chung, cả năm nay đơn hàng công ty trồi sụt. Tuy nhiên, Ban giám đốc cố gắng giữ lao động, sắp xếp duy trì công việc để công nhân đảm bảo thu nhập. Với thưởng Tết, công đoàn có 7 phiên thương lượng với Ban giám đốc để giữ được mức thưởng như năm ngoái. Đầu năm sau, doanh nghiệp tăng lương cơ bản cho lao động thêm 150.000 đồng mỗi tháng.

Ngành chức năng Đồng Nai cho biết, Changshin là một trong những doanh nghiệp công bố sớm mức thưởng Tết cho lao động. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, đóng ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, đã công bố mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là 150% mức lương cơ bản và các đãi ngộ kèm theo. Ngày 2/2, công nhân sẽ nhận mức thưởng bằng 100% lương cơ bản, ngày 10/4 sẽ nhận thêm 50%.

Bàn giao mặt bằng trên sông Cái để thi công cầu Thống Nhất

UBND thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vừa bàn giao mặt bằng trên sông Cái cho chủ đầu tư để thi công cầu Thống Nhất.

Cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái sẽ giúp kết nối nhiều phường ở thành phố Biên Hòa.

Cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái sẽ giúp kết nối nhiều phường ở thành phố Biên Hòa.

Ngày 27/11, UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Thống Nhất, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm Biên Hòa cho chủ đầu tư để triển khai dự án.

Cụ thể, Biên Hòa đã bàn giao mặt bằng trên sông Cái cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư Dự án).

Khu vực bàn giao mặt bằng có phạm vi 400 m tính từ tim cầu về mỗi bên 200 m để phục vụ thi công cầu Thống Nhất.

Để có mặt bằng thi công trên sông, thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã di dời các lồng bè nuôi cá của nhiều hộ dân rời khu vực thi công. Các bè cá này được di dời đến các khu vực neo đậu tạm (hai đầu cù lao Cỏ thuộc phường Thống Nhất).

Hiện có 16 hộ dân đã di dời và bàn giao mặt bằng. Trong 4 hộ còn lại, có 2 hộ ngưng nuôi nên tự dỡ lồng bè dời đi nơi khác, 2 hộ ít ảnh hưởng đến phạm vi chân cầu nên cũng xin tự tháo dỡ.

Dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 5,4 km được chia làm hai nhánh. Trong đó, đường trục trung tâm hạng mục cầu Thống Nhất và đường dẫn hai đầu cầu là hạng mục quan trọng nhất. Theo thiết kế, cầu Thống Nhất có quy mô từ 6 - 10 làn xe, bề rộng 45 - 95 m. Đây là cây cầu trực tiếp kết nối phường Thống Nhất với phường Hiệp Hòa của thành phố Biên Hoà.

Chuyên đề