Bản tin thời sự sáng 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình với ông Trần Hồng Quảng; cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP.HCM có “hàng loạt vi phạm”; dừng đầu tư hai dự án điện mặt trời hơn 1.900 tỷ ở Quảng Ngãi; kiến nghị dùng ETC thu phí dừng đỗ xe ở trung tâm TP.HCM; đề xuất xây cầu Sa Đéc hơn 8.000 tỷ đồng qua sông Tiền…

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình với ông Trần Hồng Quảng

Ông Trần Hồng Quảng, nguyên phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình, đã được HĐND tỉnh này miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Trần Hồng Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình

Ông Trần Hồng Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình

Chiều 27/10, HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức Kỳ họp thứ 9, Khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, để quyết nghị, thông qua 21 dự thảo Nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài việc biểu quyết thông qua các Nghị quyết, HĐND tỉnh Ninh Bình cũng đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Quảng do nghỉ hưu trước tuổi.

Nghị quyết về việc xác nhận kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được HĐND Tỉnh thông qua ngay sau đó.

Trước đó, ngày 27/9/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quyết định về việc nghỉ hưu trước tuổi đối với ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình kể từ ngày 1/10/2022.

Tại Kỳ họp thứ 13 diễn ra vào tháng 3/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Trần Hồng Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Hồng Quảng.

Cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự TP.HCM có “hàng loạt vi phạm”

Đại tá Nguyễn Đăng Nam, cựu Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, do có hàng loạt vi phạm.

Ông Nguyễn Đăng Nam khi còn là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự.

Ông Nguyễn Đăng Nam khi còn là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự.

Quyết định kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, đối với ông Nam, 45 tuổi, được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM công bố chiều 27/10.

Cựu Trưởng phòng PC02 bị xác định vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm thẩm quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của ngành công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật.

Liên quan đến các sai phạm này, hồi đầu năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Công an đã điều động Đại tá Nguyễn Đăng Nam về làm Trưởng Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc Công an TP.HCM.

Dừng đầu tư hai dự án điện mặt trời hơn 1.900 tỷ ở Quảng Ngãi

Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu dừng đầu tư hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê có vốn hơn 1.900 tỷ đồng, nơi đang xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt về Văn hóa Sa Huỳnh.

Đầm An Khê bên bờ biển Sa Huỳnh, khu vực giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Đầm An Khê bên bờ biển Sa Huỳnh, khu vực giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Ngày 27/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không tiếp tục đề xuất dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng xem xét, phê duyệt, trước tháng 12/2022.

Ông Minh giao Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương về việc dừng đề xuất hai dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Đầm có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, nơi rộng nhất khoảng 1 km. Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành Văn hóa Sa Huỳnh.

Năm 1997, quần thể di tích Sa Huỳnh (trong đó có đầm An Khê) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Kiến nghị dùng ETC thu phí dừng đỗ xe ở trung tâm TP.HCM

Đơn vị quản lý, vận hành thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường ở TP.HCM kiến nghị dùng ETC thay cho ứng dụng MyParking.

Một điểm đỗ xe có thu phí trên đường tại TP.HCM

Một điểm đỗ xe có thu phí trên đường tại TP.HCM

Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (Công ty DVCI TNXP) vừa kiến nghị UBND TP.HCM cho thu phí đỗ ô tô bằng tài khoản ETC.

Theo Công ty DVCI TNXP, hiện nay đơn vị này được UBND TP.HCM giao thu phí trên 20 tuyến đường ở khu vực trung tâm Thành phố, thông qua phần mềm Myparking.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, phần mềm hay bị lỗi định vị không tìm thấy bãi đỗ, đăng ký tài khoản mới không nhận được mã OTP. Việc cài đặt qua app đã xảy ra nhiều lỗi, thao tác mất nhiều thời gian; thanh toán phí có khi mất 20 phút đến 30 phút vẫn chưa được… gây phiền hà cho người sử dụng.

Chính vì vậy, Công ty DVCI TNXP kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thay đổi hệ thống thu phí từ ứng dụng Myparking sang hình thức thu phí bằng tài khoản ETC kể từ đầu tháng 12 sắp tới.

Theo đó, quy trình thu phí bằng hình thức ETC, nhân viên sử dụng thiết bị cầm tay để quét thẻ các xe đã đậu vào ô thu phí, hệ thống sẽ khấu trừ tiền trong tài khoản chủ xe. Với ô tô chưa có tài khoản nhưng muốn đỗ xe, nhân viên sẽ thông báo đơn vị thu phí đến dán thẻ hoặc hướng dẫn đến địa điểm mở tài khoản.

Cũng theo Công ty DVCI TNXP, nếu chuyển đổi sang hình thức thu phí ETC, doanh thu sẽ tăng từ 30 - 50% so với trước.

Trước đề xuất này, mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành nhanh chóng xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty DVCI TNXP trước ngày 15/11. Nếu vượt thẩm quyền của các sở thì tham mưu, đề xuất trình UBND TP.HCM giải quyết.

Đề xuất xây cầu Sa Đéc hơn 8.000 tỷ đồng qua sông Tiền

Cầu Sa Đéc dài 2,5 km, 4 làn xe, tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng được tỉnh Đồng Tháp kiến nghị xây dựng nhằm hoàn thiện hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vị trí đề xuất xây cầu Sa Đéc qua sông Tiền

Vị trí đề xuất xây cầu Sa Đéc qua sông Tiền

Đề xuất được UBND tỉnh Đồng Tháp đưa ra tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và UBND TP. Cần Thơ.

Theo đó, cầu có thiết kế dây văng, bắc qua sông Tiền nối TP. Sa Đéc và huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); phần cầu chính 2,5 km và 11 km đường dẫn; vận tốc thiết kế 80 km/h, thực hiện giai đoạn 2026 - 2031.

Tỉnh Đồng Tháp đánh giá việc đầu tư cầu Sa Đéc, cùng cầu Ô Môn (đang đề xuất đầu tư) qua sông Hậu, có thể nâng toàn tuyến thành cao tốc trong tương lai, tăng kết nối giao thông liên vùng, giúp hoàn thiện hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài cầu Sa Đéc, địa phương này cũng kiến nghị đầu tư đường bộ khu vực Nam sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa Đồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang. Công trình có tổng mức đầu tư gần 4.600 tỷ đồng, dài hơn 45 km, qua TP. Sa Đéc, huyện Lai Vung, Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thời gian thực hiện 2024 - 2029, tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo trục kết nối từ cầu Sa Đéc qua cầu Ô Môn.

Khu công nghiệp TP.HCM sẽ hút vốn gấp 2,4 lần vào 2025

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đặt mục tiêu năm 2025 sẽ tăng thu hút vốn bình quân trên mỗi ha đất từ 6,32 triệu USD lên 15 triệu USD.

Khu công nghiệp TP.HCM sẽ hút vốn gấp 2,4 lần vào 2025

Khu công nghiệp TP.HCM sẽ hút vốn gấp 2,4 lần vào 2025

Định hướng trên được Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng đặt ra tại Hội nghị Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (1992 - 2022).

Theo ông Hưng, hiện mỗi ha đất công nghiệp tại TP.HCM thu hút 6,32 triệu USD vốn đầu tư, tạo ra 46,71 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 144 lao động. Ông Hưng đánh giá tỷ suất thu hút đầu tư trung bình này là thấp so với tiềm năng của Thành phố, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Do đó, HEPZA đặt mục tiêu tăng thu hút đầu tư bình quân trên mỗi ha đất lên 15 triệu USD vào năm 2025.

Đến 2030, HEPZA định hướng chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện môi trường. Ông Hưng cho biết, Ban sẽ thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái; triển khai thêm một khu công nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận là mô hình khu chế xuất đầu tiên trên cả nước. Sau 30 năm, TP.HCM có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.800 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy là 77%.

Đến tháng 9, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút 1.674 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45%. Bình quân hàng năm thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM. Trung bình hàng năm nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô).

Cần Thơ đầu tư trên 272 tỷ đồng xây kè chống sạt lở

UBND TP. Cần Thơ vừa có quyết định giao số vốn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương cho Chi cục Thủy lợi Thành phố để đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở trên sông Trà Nóc, thuộc quận Bình Thủy. Tuyến kè có chiều dài 2 km, quy mô kè kiên cố bêtông cốt thép, mái kè được thảm đá gia cố với tổng vốn đầu tư trên 272 tỷ đồng.

Sạt lở trên sông Trà Nóc, đoạn thuộc phường Trà An.

Sạt lở trên sông Trà Nóc, đoạn thuộc phường Trà An.

Theo đó, UBND TP. Cần Thơ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn 100 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp trên sông Trà Nóc, phường Trà An, quận Bình Thủy (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa) do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư.

Đây là dự án nhóm B, đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 với tổng vốn đầu tư gần 272,5 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng kè 170 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 56 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 7,6 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng...

Công trình có chiều dài 2 km, quy mô kè kiên cố bêtông cốt thép, mái kè được thảm đá gia cố. Thời gian dự kiến khởi công vào tháng 5/2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tháng 6/2025. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 100 tỷ đồng, còn lại vốn từ ngân sách địa phương.

Sông Trà Nóc là một trong hai con sông lớn ở quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ), có điểm đầu tiếp giáp với sông Hậu. Con sông này đang đối mặt với tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hàng chục căn nhà.

Hải Phòng xem xét giảm 50% phí hạ tầng cảng biển

HĐND TP. Hải Phòng sẽ xem xét sửa đổi nghị quyết về giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ ngày 1/1/2023.

Hải Phòng xem xét giảm 50% phí hạ tầng cảng biển

Hải Phòng xem xét giảm 50% phí hạ tầng cảng biển

Theo nội dung Dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND TP. Hải Phòng về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển), mức phí đối với hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu khi vào cảng và rời cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thuỷ nội địa trên các tuyến đường thuỷ trên địa bàn Thành phố giảm 50% so với mức hiện nay sẽ được HĐND xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 khóa XVI sắp tới, với hiệu lực thi hành từ 1/1/2023.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện toàn quốc có 2 địa phương thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và quá cảnh qua cảng biển; trong đó, Hải Phòng áp dụng từ năm 2017, TP.HCM áp dụng từ 1/4/2022.

Các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan nhiều lần kiến nghị, cho rằng việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa là chưa hợp lý, chưa đúng đối tượng; đồng thời làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng "phí chồng phí", giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị HĐND và UBND TP. Hải Phòng, TP.HCM xem xét kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp về việc miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Hơn 170.000 lít dầu lậu bị phát hiện trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt hai tàu cá chở lậu 67.000 lít dầu DO trên vùng biển Tây Nam; khoảng 110.000 lít dầu lậu khác bị Bộ đội biên phòng phát hiện ở Vũng Tàu.

Lực lượng tuần tra Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tàu tàu buôn lậu dầu

Lực lượng tuần tra Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tàu tàu buôn lậu dầu

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, trên vùng biển Tây Nam, thuộc quần đảo Thổ Chu, cách TP. Phú Quốc 13 hải lý, lực lượng tuần tra phát hiện tàu cá do ông Huỳnh Chí Thành làm thuyền trưởng, có dấu hiệu khả nghi. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tàu chở 45.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Trước đó, cũng trên vùng biển này, lực lượng tuần tra tạm giữ tàu cá của Huỳnh Văn Vũ đang vận chuyển khoảng 22.000 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp.

Thống kê từ đầu năm đến nay, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 bắt giữ hơn 1,8 triệu lít dầu DO, bán nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ đồng; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ đội biên phòng vừa phát hiện tàu cá số hiệu tỉnh Tiền Giang chở khoảng 110.000 lít dầu DO khi đi qua vùng biển cách mũi Vũng Tàu 82 hải lý về hướng Đông Nam. Thuyền trưởng Trần Văn Pho không xuất trình được giấy tờ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư