Bản tin thời sự sáng 28/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 11.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán phiên đầu năm; Việt Nam chi gần 9 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu năm 2022; Sân bay Điện Biên chuẩn bị đóng cửa 6 tháng; doanh nghiệp trả 5 biệt thự di tích lầu Bảo Đại cho Khánh Hoà; 95% lao động TP.HCM quay lại làm việc sau nghỉ Tết…

Hơn 11.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán phiên đầu năm

VN-Index diễn biến suôn sẻ trong phiên giao dịch đầu năm Quý Mão khi tăng 9 điểm nhờ dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép.

Phiên đầu năm 2022, thanh khoản thị trường đạt hơn 11.100 tỷ đồng

Phiên đầu năm 2022, thanh khoản thị trường đạt hơn 11.100 tỷ đồng

Lực mua mạnh ngay sau giờ mở cửa giúp thị trường chứng khoán có khởi đầu hưng phấn đúng như dự đoán của nhiều nhóm phân tích. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM có lúc tăng gần 13 điểm để vượt ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Nhờ số lượng cổ phiếu giao dịch trên tham chiếu luôn gấp đôi mã giảm nên sắc xanh được duy trì suốt phiên và đóng cửa tại 1.117 điểm.

Đây là lần thứ ba liên tiếp thị trường chứng khoán tăng trong phiên giao dịch đầu năm âm lịch. Tuy nhiên, biên độ so với hai lần trước đã thu hẹp đáng kể từ 3,66% (năm 2021) và 1,26% (năm 2022) xuống còn 0,81%.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 11.100 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 500 tỷ đồng so với phiên cuối năm ngoái. Giá trị khớp lệnh chiếm tỷ lệ áp đảo với gần 94%, còn lại là giao dịch thỏa thuận.

Nhà đầu tư giải ngân mạnh vào cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và nguyên vật liệu (thép, than). Điểm chung của những nhóm này là có kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối năm 2022 hoặc có triển vọng tăng trưởng dài hạn khi thị giá đã chiết khấu mạnh.

Việt Nam chi gần 9 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu năm 2022

Lượng xăng dầu nhập khẩu năm ngoái đạt gần 8,9 triệu tấn, tương ứng 9 tỷ USD, tăng gần 4,9 tỷ USD so với năm trước đó.

Năm 2022, cả nước nhập khẩu 8,87 triệu tấn xăng dầu
Năm 2022, cả nước nhập khẩu 8,87 triệu tấn xăng dầu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 12/2022 là hơn 944.000 tấn, tương ứng 823 triệu USD. Mức này tăng trên 22% về lượng và gần 11% về trị giá so với tháng 11.

Lũy kế năm 2022, Việt Nam đã chi gần 9 tỷ USD để nhập xấp xỉ 8,9 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng gần 28% về lượng và 118,5% về trị giá (tương ứng gần 4,9 tỷ USD) so với năm 2021.

Dầu diesel là nhiên liệu có sản lượng nhập về nhiều nhất, khoảng 4,74 triệu tấn, chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước. Xăng được các doanh nghiệp nhập khoảng 1,7 triệu tấn trong năm ngoái, tăng 2,3 lần so với năm 2021. Còn nhiên liệu bay nhập khẩu 1,46 triệu tấn, tăng 2,2 lần và chiếm 16% lượng xăng dầu nhập khẩu.

Hàn Quốc vẫn là quốc gia cung ứng xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam với 3,22 triệu tấn, tăng hơn 96%. Tiếp theo là Singapore, Malaysia với sản lượng lần lượt gần 1,5 triệu tấn và 1,42 triệu tấn.

Đà tăng nhập khẩu xăng dầu vẫn tiếp tục trong nửa đầu tháng 1 năm nay, với 0,54 tỷ USD chi cho nhập các loại nhiên liệu. Mức này tăng 223 triệu USD, tương ứng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Sân bay Điện Biên chuẩn bị đóng cửa 6 tháng

Cuối tháng 3, Sân bay Điện Biên sẽ đóng cửa, kéo dài 6 - 7 tháng để phục vụ xây dựng mở rộng đường băng, nhà ga hành khách.

Phối cảnh Sân bay Điện Biên mở rộng

Phối cảnh Sân bay Điện Biên mở rộng

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - Chủ đầu tư) cho biết, sẽ thi công hàng rào an ninh đến tháng 6, xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay đến tháng 12. Với nhà ga hành khách và công trình phụ trợ, ACV sẽ lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng các gói thầu thi công vào tháng 4, hoàn thành tháng 12/2023.

Hiện một số vị trí chưa thi công được do ảnh hưởng đến đường dân sinh và kênh tưới tiêu của người dân. Nguồn vật liệu không đủ, thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu mới cần có thời gian. ACV đã kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện giải phóng mặt bằng, hoàn thành công trình phụ trợ phục vụ dân sinh; bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo cho Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên triển khai đúng tiến độ.

Tháng 1/2022, ACV đã khởi công Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Dự án gồm mở rộng đường băng 35 - 17 kích thước 2.400x45 m trên nền đường băng hiện tại, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.

Nhà ga hành khách được thiết kế hai tầng, tầng 1 là khu vực hành khách đi và đến; tầng 2 là phòng chờ, phòng khách thương gia, dịch vụ thương mại và phụ trợ. Nhà ga được nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 khách mỗi năm.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.

Doanh nghiệp trả 5 biệt thự di tích lầu Bảo Đại cho Khánh Hoà

Chủ đầu tư một dự án resort sẽ trả lại 5 biệt thự tại khu di tích lầu Bảo Đại xây dựng cách đây 100 năm để tỉnh Khánh Hoà tôn tạo, bảo tồn.

Một căn biệt thự được chủ đầu tư sử dụng làm văn phòng hoạt động

Một căn biệt thự được chủ đầu tư sử dụng làm văn phòng hoạt động

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân vừa cho biết thông tin trên. Sau Tết Nguyên đán, Tỉnh sẽ tiếp nhận công trình, giao Sở Văn hoá và Thể thao lập dự án tôn tạo.

Khu biệt thự lầu Bảo Đại gồm 5 căn nhà cổ tên là Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, nằm trên núi Cảnh Long, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, do người Pháp xây năm 1923, làm nơi ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại thường tới đây nghỉ dưỡng nên khu biệt thự mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Tháng 10/1995, các toà nhà này được công nhận "Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".

Tháng 8/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất khu di tích lầu Bảo Đại. Chính quyền giao 13,6 ha đất (gồm 8,9 ha đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long; còn lại là diện tích mặt biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang) cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (thuộc Tập đoàn Hà Đô) thực hiện Dự án kinh doanh Bảo Đại Resort Nha Trang.

Doanh nghiệp cải tạo 5 căn nhà cổ để cho thuê, phục vụ kinh doanh du lịch. Các khu vực còn lại thuộc Dự án được xây thêm nhà hàng, trung tâm hội nghị, bến du thuyền, khách sạn cho thuê, 36 biệt thự để bán. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án xảy ra nhiều vi phạm, bị thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hành chính, đình chỉ thi công từ năm 2017 cho đến nay.

Thanh Hóa khởi công tuyến đường hơn 1.400 tỷ đồng nối hai quốc lộ

Tuyến đường dài 14,6 km, tổng đầu tư 1.400 tỷ đồng, sẽ nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 45, tạo tiền đề hình thành khu công nghiệp, kết nối các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.

Công trình sẽ xây cây cầu bắc qua sông Mã

Công trình sẽ xây cây cầu bắc qua sông Mã

Ngày 27/1, UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công Dự án Xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 45, đoạn từ xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa đi xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp 3, vận tốc tối đa 80 km/h, chiều rộng 12 m, gồm hai làn xe cơ giới và hai làn dành cho phương tiện thô sơ.

Toàn tuyến được chia thành ba dự án thành phần, gồm cầu vượt sông Mã do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đường hai phía đầu cầu do huyện Hoằng Hóa và huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư. Dự kiến Dự án được đưa vào sử dụng tháng 12/2024.

Mục tiêu của Dự án là kết nối giao thông giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 45 với cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông, tạo tiền đề hình thành các khu công nghiệp hiện đại trong khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của Tỉnh.

Nguy cơ tràn 8.000 lít dầu ra biển ở Quảng Ngãi

Tàu Hoàng Gia 46 chở hàng nghìn tấn gạo va vào đá ngầm ở khu vực biển thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) và bị thủng giữa thân tàu, có nguy cơ tràn 8.000 lít dầu ra biển.

Tàu Hoàng Gia 46 va vào đá ngầm ở khu vực biển thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi và bị thủng giữa thân tàu

Tàu Hoàng Gia 46 va vào đá ngầm ở khu vực biển thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi và bị thủng giữa thân tàu

Trưa 27/1 (mùng 6 Tết), Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu Tỉnh và các đơn vị liên quan về việc tàu Hoàng Gia 46 va vào đá ngầm và thủng giữa thân tàu, có nguy cơ tràn dầu, cần có phương án ứng phó nếu sự cố xảy ra.

Ông Hiển cho hay, cơ quan chức năng xác định trên tàu có 8.000 lít dầu, nguy cơ tràn dầu rất cao bởi vị trí thủng ở giữa thân tàu.

Trong sáng 27/1, lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu đã có mặt tại khu vực tàu bị đắm. Vị trí đắm cách bờ khoảng 70m, sóng rất lớn và nằm ở khu vực nước nông nên phương án đưa tàu ra thả phao chủ động hút dầu không thể thực hiện được.

Ngoài tính phương án ứng phó nếu sự cố tràn dầu xảy ra, UBND thị xã Đức Phổ chỉ đạo Công an, Quân sự phối hợp với Đồn biên phòng Sa Huỳnh tuần tra, canh gác nhằm bảo vệ tài sản, hàng hóa của tàu Hoàng Gia 46 không để kẻ gian lợi dụng trộm cắp, phá hoại. Đồng thời, cử lực lượng thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thuyền viên bị nạn.

Tàu Hoàng Gia 46 thuộc Công ty TNHH Vận tải biển Hoàng Gia (địa chỉ An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng) chở hơn 2.700 tấn gạo từ cảng Mỹ Thới (An Giang) ra cảng Hải Phòng. Khoảng 10h sáng mùng 5 Tết, tàu đi ngang qua vùng biển Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) thì gặp sóng lớn đánh, va vào đá ngầm, tàu thủng đáy, nước tràn vào tàu…

95% lao động TP.HCM quay lại làm việc sau nghỉ Tết

Vào ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão, mùng 6 Tết, tỷ lệ lao động quay lại doanh nghiệp tại TP.HCM đạt 95%.

Nhà máy Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh) hoạt động từ mùng 6 Tết

Nhà máy Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh) hoạt động từ mùng 6 Tết

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết chiều 27/1. Qua khảo sát nhanh tại 1.361 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, trên 42% nhà máy sắp xếp cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 18, 19/1 (tức 27, 28 tháng Chạp) và hoạt động trở lại vào ngày 27/1, số còn lại sẽ hoạt động trở lại vào ngày 30/1 (mùng 9 Tết). Trong số các doanh nghiệp hoạt động vào mùng 6 Tết, 95% lao động đã quay lại nhà máy.

Theo ông Lâm, cuối năm ngoái, tình hình sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ thay đổi so với các năm trước. Tình trạng đổi việc, nhảy việc sau Tết không còn là xu hướng, công nhân mong muốn có việc làm ổn định.

Ngoài ra, nhiều lao động ở lại Thành phố dịp Tết, doanh nghiệp có được đơn hàng ngay trước Tết nên tình hình tích cực hơn. Các nhà máy khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp đã khiến người lao động gắn bó hơn.

Dự báo, với những công ty hoạt động vào ngày 30/1 hoặc muộn hơn, tình hình lao động cũng ổn định, tỷ lệ quay lại làm việc đạt mức cao. Một số nhà máy đông công nhân ở TP.HCM sẽ hoạt động trở lại thời điểm này như Freetrend Industrial (hơn 20.000 lao động), Pou Yuen Việt Nam (trên 52.000 lao động), có khoảng 70% lao động đi làm, số còn lại bắt đầu công việc từ đầu tháng 2.

Sập cổng chào đường dọc biển Nha Trang

Cổng chào cao 5 m, rộng khoảng 15 m trên đường Trần Phú chạy dọc biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bất ngờ đổ sập tối mùng 6 Tết khiến nhiều người hoảng loạn.

Hiện trường cổng chào trên đường Trần Phú bị sập

Hiện trường cổng chào trên đường Trần Phú bị sập

Khoảng 19h30, trong cơn giông lốc lớn, cổng chào bằng thép, trang trí họa tiết nhựa và đèn led, nằm gần cầu Trần Phú, phường Xương Huân, bất ngờ gãy đổ chắn ngang đường. Một chân trụ cổng chào bị bật lên khỏi mặt đường, nhiều mảnh vỡ văng tung toé. Phần sập rơi vào khúc giữa dải phân cách, không gây thương vong, song làm tuyến đường ùn tắc kéo dài.

Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang đã cắt điện ở cổng chào, huy động ba xe cẩu cùng nhiều công nhân đến xử lý sự cố. Cảnh sát giao thông có mặt điều tiết giao thông tại khu vực.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, cổng chào bị sập thuộc hạng mục trang trí chúc mừng năm mới ở thành phố biển, được lắp trước Tết Dương lịch, do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý. Sau khi xảy ra sự cố, UBND TP. Nha Trang rà soát toàn bộ công trình chào mừng năm mới do Thành phố quản lý để đảm bảo an toàn.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất Tỉnh lắp hệ thống trang trí ánh sáng nghệ thuật đường Trần Phú. Ngoài cổng chào nói trên, suốt tuyến đường dọc biển còn có 4 cổng chào ở ngã ba giao đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vòng xoay giao đường Lê Thánh Tôn, trước Khách sạn Novotel và Khách sạn StarCity; 54 cột đèn ánh sáng nghệ thuật. Chi phí lắp đặt được vận động từ nguồn xã hội hóa.

Chuyên đề