Bản tin thời sự sáng 27/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ninh hỗ trợ trục vớt tàu chìm do bão Yagi; Bình Dương trao quyết định đầu tư cho 8 dự án với 1,8 tỷ USD; Lào Cai tiếp tục sạt lở, 60.000 m3 đất chia cắt tỉnh lộ nối 2 huyện; Bến Tre sẽ lấn biển 50.000 ha phát triển kinh tế…

Quảng Ninh hỗ trợ trục vớt tàu chìm do bão Yagi

Tàu thuyền đánh cá đăng ký ở Quảng Ninh, bị bão Yagi đánh chìm thì chủ nhân sẽ được hỗ trợ từ 15 - 50 triệu đồng để trục vớt.

Tàu ở TP. Hạ Long bị bão Yagi đánh chìm

Tàu ở TP. Hạ Long bị bão Yagi đánh chìm

HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi trên địa bàn. Theo đó, tàu thuyền từ 12 m trở lên bị bão đánh chìm thì chủ nhân được hỗ trợ 50 triệu đồng; thuyền từ 6 - 12 m được nhận 15 triệu đồng để trục vớt.

Nghị quyết chưa đề cập chính sách hỗ trợ cho các tàu du lịch và tàu vận tải. Các tàu đã mua bảo hiểm thân vỏ, không chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống bão, hoặc không neo đậu đúng nơi quy định sẽ không được hỗ trợ. Việc chi trả sẽ hoàn thành trong tháng 11/2024.

Ngoài trục vớt tàu thuyền, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình bị sập nhà và 50 triệu đồng cho các hộ có nhà hư hỏng nặng do bão Yagi.

Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh trưa 7/9 với sức gió cấp 12 - 14 đã làm 269 phương tiện, trong đó có 27 tàu du lịch, 116 tàu đánh cá, 126 tàu chở hàng, chở người các loại ở Quảng Ninh bị chìm. Toàn Tỉnh có 102.800 nhà bị tốc mái, 254 nhà đổ sập, gần 5.000 nhà ngập, sạt lở.

Bình Dương trao quyết định đầu tư cho 8 dự án với 1,8 tỷ USD

Sáng 26/9, UBND tỉnh Bình Dương trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các doanh nghiệp được trao quyết định đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các doanh nghiệp được trao quyết định đầu tư

8 dự án vừa được Bình Dương trao quyết định đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, logistic.

4 dự án trong số này được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: dự án của Công ty TNHH Công nghệ chính xác D.mag Việt Nam (sản xuất nhôm, sắt thép và kim loại), vốn đầu tư 120 triệu USD; dự án nhà máy 2 của Công ty TNHH Paihong Việt Nam (sản xuất vải) vốn đầu tư sau khi đăng ký bổ sung là 400 triệu USD; Dự án Dịch vụ hạ tầng Sembcorp Bình Dương (cho thuê kho bãi, nhà xưởng) vốn đầu tư 51,5 triệu USD; dự án của Công ty Tektro Technology Việt Nam (sản xuất phụ kiện xe đạp), tổng vốn đầu tư 38 triệu USD.

Số còn lại được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Khu đô thị Bắc An Tây do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long làm chủ đầu tư với hơn 451 triệu USD; Dự án Khu đô thị Đông An Tây với 550 triệu USD do Liên danh Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long làm chủ đầu tư; Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ ven sông Sài Gòn do Công ty CP Phú Cường Bình Dương làm chủ đầu tư với số vốn hơn 141 triệu USD; Cảng cạn ICD Rạch Bắp do Công ty CP Vận tải và thương mại quốc tế làm chủ đầu tư, vốn hơn 57 triệu USD.

Bình Dương là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Lũy kế đến cuối tháng 8, Tỉnh có hơn 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 (sau TP.HCM và Hà Nội). Riêng 9 tháng, Tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Sau gần 30 năm tái lập tỉnh (từ 1/1/1997), từ một tỉnh nghèo, quy mô GRDP tăng từ 3.900 tỷ đồng lên hơn 487.000 tỷ đồng năm 2023 (gấp gần 125 lần). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực (tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 90% năm 2023).

Lào Cai tiếp tục sạt lở, 60.000m3 đất chia cắt tỉnh lộ nối 2 huyện

Khối lượng lớn đất đá sạt xuống tỉnh lộ 162 thuộc địa bàn bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, khiến giao thông tại đây bị tê liệt.

Khoảng 60.000m3 đất đá tràn xuống tỉnh lộ 162

Khoảng 60.000m3 đất đá tràn xuống tỉnh lộ 162

Theo thông tin từ UBND huyện Văn Bàn, khoảng 5h sáng 26/9, khối lượng lớn đất đá sạt lở xuống Tỉnh lộ 162. Đây là tuyến giao thông quan trọng từ huyện Bảo Thắng đi huyện Văn Bàn.

Cụ thể, vị trí sạt lở tại km4+970 của Tỉnh lộ 162, khoảng 60.000 m3 đất đá vùi lấp toàn bộ mặt đường.

Đại diện UBND huyện Văn Bàn cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở trên, lực lượng chức năng của huyện đã tổ chức phân luồng giao thông, huy động nhân lực và phương tiện đến vị trí sạt lở để khắc phục, sớm thông đường trở lại.

Để lưu thông từ huyện Bảo Thắng đi huyện Văn Bàn, các phương tiện sẽ di chuyển theo hướng: Bảo Thắng - thị trấn Tằng Loỏng - Tỉnh lộ 151 (Phú Nhuận) - Võ Lao - Sơn Thủy - Quốc lộ 279 - Văn Bàn.

Trong 3 tuần qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề cả về người, tài sản và cơ sở hạ tầng giao thông. Mưa lũ gây sạt lở, hư hỏng mặt đường, chia cắt nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ với tổng số gần 2.000 vị trí sạt taluy dương, hơn 200 vị trí sạt taluy âm. Tổng chiều dài các vị trí hư hỏng, sạt lở khoảng 10 km.

Bến Tre sẽ lấn biển 50.000 ha phát triển kinh tế

Ba huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú cùng vùng biển dài 65 km được quy hoạch là khu lấn biển rộng 50.000 ha, giúp tỉnh Bến Tre phát triển kinh tế.

Phối cảnh cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường qua khu lấn biển 50.000 ha

Phối cảnh cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường qua khu lấn biển 50.000 ha

Thông tin được ông Dương Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cho biết tại buổi họp báo thông tin hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tỉnh, sáng 26/9. Dự án lấn biển nằm trong Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm ngoái.

Theo quy hoạch, Bến Tre có 3 vùng kinh tế gồm ven biển phía Đông (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre với chiều dài 65 km), vùng Bắc sông Hàm Luông (TP. Bến Tre, Châu Thành và Giồng Trôm) và Nam sông Hàm Luông (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách).

Trong đó, khu lấn biển vùng phía đông được xác định là vùng động lực phát triển gồm huyện Bình Đại rộng 21.000 ha, huyện Thạnh Phú 15.000 ha và huyện Ba Tri 14.000 ha. Khu lấn biển sẽ được đầu tư một cảng biển để đón tàu công suất lớn.

Để tạo tiền đề cho khu kinh tế lấn biển, Tỉnh hiện tập trung triển khai dự án đường ven biển dài 53 km, tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, đến cuối năm sau hoàn thành. Cầu Ba Lai 8 - một trong công trình quan trọng của đường ven biển, tổng đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng - sẽ khởi công đầu tháng 10.

Bến Tre nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, rộng 2.380 km2, dân số hơn 1,3 triệu (năm 2022), xếp thứ 28 cả nước. Những năm qua, Tỉnh tăng trưởng kinh tế khá, bình quân 6 - 7% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 53 triệu đồng mỗi người, tăng 8,13% so năm trước.

8 tháng năm 2024, Hải Dương thu hút FDI gần bằng cả năm 2023

Từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, tỉnh Hải Dương đã cấp mới cho 46 dự án đầu tư vào địa bàn. Tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh này trong 8 tháng đạt gần 320 triệu USD, bằng 93% so với cả năm 2023.

Tỉnh Hải Dương thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư FDI. Ảnh minh họa

Tỉnh Hải Dương thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư FDI. Ảnh minh họa

Tỉnh Hải Dương cũng đặt mức phấn đấu năm 2024 thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn thực hiện 850 triệu USD. Ở thời điểm tháng 1/2024, tỉnh Hải Dương đã đứng thứ 11 trong 63 tỉnh thành về thu hút FDI.

Ngoài 46 dự án cấp mới, Hải Dương đã điều chỉnh tăng vốn cho 23 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 108.700 USD; hoàn thành thủ tục cho 21 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính lũy kế đến hết tháng 8/2024, Hải Dương có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mới đây, Hải Dương đã thu hút được một số dự án công nghệ cao, có vốn đầu tư lớn như: dự án của Biel Crystal Private Limited, với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD thực hiện tại Khu công nghiệp An Phát; dự án của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET, với tổng vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Cộng Hòa.

Đặc biệt, Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli chuẩn bị khởi công xây dựng ngày 28/9 tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng, với tổng vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD. Đây là nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm văn phòng phẩm và nội thất văn phòng lớn nhất Trung Quốc và châu Á, được đánh giá là thương hiệu tỷ đô, chiếm 30 - 40% tại 2 thị trường này.

Đề xuất giảm khoảng 4.000 tỷ đồng tiền thuê đất

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất năm nay, trong đó mức tối đa là 30%, tương ứng với 4.000 tỷ đồng.

Đề xuất giảm khoảng 4.000 tỷ đồng tiền thuê đất

Đề xuất giảm khoảng 4.000 tỷ đồng tiền thuê đất

Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2024 đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án, gồm giảm 15% hoặc 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024, không gồm nợ của các năm trước và tiền chậm nộp.

Đối tượng áp dụng chính sách này là tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm. Người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất cũng thuộc đối tượng ưu đãi.

Để được giảm, người thuê đất sẽ làm đề nghị theo mẫu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin, đảm bảo đúng đối tượng.

Bộ Tài chính tính toán, nếu chính sách được thông qua, số tiền thuê đất thu về ngân sách có thể giảm khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng. Tương ứng, với mức giảm dự kiến là 15% hoặc 30%.

Nhưng Bộ Tài chính cho rằng, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế đất sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Từ đó, họ có thể phục hồi, phát triển, ngân sách cũng có thêm khoản thu từ thuế, bù đắp cho số giảm từ tiền thuê đất.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cùng đó, bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc vừa qua gây tổn thất lớn cho địa phương lên tới hơn 60.000 tỷ đồng, khiến GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó.

Trước đó, chính sách giảm tiền thuê đất cũng áp dụng các năm từ 2020 - 2023. Tính trung bình mỗi năm, số tiền thuê, thuê mặt nước được giảm khoảng 2.890 tỷ đồng.

Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa báo cáo vụ lấp tạm hồ Hoàng Cầu

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải vừa giao quận Đống Đa làm rõ thông tin việc lấp tạm hồ Hoàng Cầu để làm nơi tập kết vật liệu, máy móc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo hồ.

Hồ Hoàng Cầu đang bị lấp một phần mặt nước làm bãi tập kết vật liệu xây dựng phục vụ dự án cải tạo hồ

Hồ Hoàng Cầu đang bị lấp một phần mặt nước làm bãi tập kết vật liệu xây dựng phục vụ dự án cải tạo hồ

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi UBND quận Đống Đa yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin dư luận phản ánh về việc lấp tạm hồ Hoàng Cầu và đề nghị thu hồi bán đảo đang cho tư nhân thuê để làm quảng trường.

Trong những ngày gần đây, dư luận phản ánh thông tin do thiếu mặt bằng, nhà thầu đã lấp tạm một phần mặt nước hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) để làm nơi tập kết vật liệu, máy móc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo hồ.

Theo thiết kế, hồ Hoàng Cầu sẽ được bổ sung sân khấu và khán đài ngoài trời đua ra phía hồ bằng phương án sử dụng hệ dầm sàn bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép dự ứng lực, không làm thay đổi diện tích và dung tích mặt hồ.

Việc lấp tạm hồ Hoàng Cầu khiến dư luận lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái trong hồ. Ngoài ra, cũng có ý kiến đặt vấn đề, Hà Nội nên thu hồi bán đảo ở hồ Hoàng Cầu đang được tư nhân quản lý, làm nhà hàng, quán ăn; bán đảo này nên được chuyển thành quảng trường và khu vui chơi phục vụ cộng đồng.

Trước thông tin trên, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ và xử lý thông tin phản ánh mà báo nêu; báo cáo UBND TP. Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 30/9.

Hồ Hoàng Cầu rộng 12,5 ha, chiều dài kè hồ 1.900 m. Phía Đông và Đông Nam là tuyến phố Hoàng Cầu nối từ đường Láng đến Đê La Thành, chạy vòng quanh hồ là tuyến phố Đặng Tiến Đông - Mai Anh Tuấn.

Tháng 7/2024, quận Đống Đa khởi công cải tạo hồ với các hạng mục chính gồm cải tạo toàn bộ vỉa hè xung quanh hồ bằng đá tự nhiên nhám bề mặt; nâng cấp đường dạo; thay thế lan can quanh hồ; trồng mới, thay thế một số cây xanh bóng mát; thay hệ thống chiếu sáng.

Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát chặt giá vé máy bay

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay.

Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát chặt giá vé máy bay

Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát chặt giá vé máy bay

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm soát chặt giá vé máy bay, rà soát cơ cấu giá thành vé máy bay của các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng và các hãng hàng không. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giá.

Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo các cơ quan, đơn vị và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 21/10 để báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành công văn yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.

Các hãng hàng không thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn. Chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm tàu bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị về du lịch và địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chương trình, điểm đến và sản phẩm du lịch... nhằm thúc đẩy du lịch, giảm giá vé.

Chuyên đề