Bản tin thời sự sáng 27/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sẽ công nhận “hộ chiếu vaccine” với các nước; TP.HCM giữ lại 3 bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 có ICU; Khánh Hoà đề xuất đón khách quốc tế từ tháng 11; Bà Rịa - Vũng Tàu xin thực hiện đầu tư Dự án đường Vành đai 4 hơn 6.625 tỷ đồng; đường sắt dự kiến chạy lại nhiều đôi tàu khách từ 1/10…

Việt Nam sẽ công nhận “hộ chiếu vaccine” với các nước

Việt Nam sẽ xem xét công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine với các nước khu vực ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo nội dung trên. Theo đó, việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước có vai trò rất quan trọng, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng các nước để công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

Ngày 4/9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đón chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chính sách hộ chiếu vaccine, chở 297 người Việt Nam từ Nhật Bản. Đến ngày 12/9, sân bay Vân Đồn tiếp tục đón hai chuyến bay VN5413 và VN5415 xuất phát từ Mỹ, chở 345 người Việt. Chuyến bay thứ tư vào ngày 23/9, cũng là chuyến cuối trong chương trình thí điểm này.

Hành khách nhập cảnh đều được tiêm đủ liều vaccine Covid-19; sức khỏe tốt; kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72h; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Hành khách có "hộ chiếu vaccine" sau khi nhập cảnh được vẫn phải cách ly y tế tập trung 7 ngày.

TP.HCM giữ lại 3 bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 có ICU

TP.HCM giữ lại các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức cấp cứu (ICU), thu hẹp chuyển đổi công năng dần các bệnh viện dã chiến khác, từ nay đến hết tháng 12.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2

Bác sĩ điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thông tin trên. Theo đó, Thành phố có kế hoạch thu hẹp các bệnh viện dã chiến để trả công năng ban đầu là khám chữa bệnh không Covid, nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo kế hoạch, các bệnh viện dã chiến thu dung sẽ thu hẹp khi đã hoàn thành sứ mệnh, không còn bệnh nhân Covid-19. Lộ trình là đến hết tháng 12, các bệnh viện dã chiến từng được tận dụng từ các cơ sở giáo dục như trường học, ký túc xá... sẽ trả lại công năng cho nhà trường.

Bà Mai cho biết thêm, ngành y tế sẽ sắp xếp, cơ cấu lại những cơ sở dã chiến thu dung có gắn kết với trung tâm hồi sức thành bệnh viện Covid-19 ba tầng. Trong đó, 3 bệnh viện được giữ lại là dã chiến số 13, 14, 16.

Trước đó, bà Mai cũng cho biết, Thành phố đang xây dựng lộ trình chuyển đổi công năng của 80 bệnh viện tầng một và hai về chức năng ban đầu, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe các mặt bệnh khác Covid-19 cho người dân. Riêng 10 bệnh viện ở tầng ba (điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch) được giữ nguyên vì các ca Covid-19 nặng cần điều trị kéo dài.

Chia sẻ thêm về số giường hồi sức tích cực ICU đang có, bà Mai cho biết, hiện Thành phố có 3.286 giường ICU, đảm bảo phục vụ tốt trong tình huống cấp cứu ở cấp độ cao nhất.

Khánh Hoà đề xuất đón khách quốc tế từ tháng 11

Đánh giá cơ bản kiểm soát Covid-19, tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch xin thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine vào tháng 11 năm nay.

Khu du lịch, nghĩ dưỡng Vinpearl Land nằm trên đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang

Khu du lịch, nghĩ dưỡng Vinpearl Land nằm trên đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang

Phó giám Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết nội dung trên trong phương án thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" đề xuất với UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngoài "hộ chiếu vaccine" (mũi 2 đã qua 14 ngày), người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, người dưới 18 tuổi có chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi xuất cảnh, cũng được du lịch Khánh Hoà đề xuất đón.

Phương án đón khách nước ngoài chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu vào tháng 11, khách tới địa phương bằng các chuyến bay thuê bao, ăn nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài, nơi có khách sạn, cụm du lịch nằm xa khu dân cư, đảm bảo an toàn.

Giai đoạn thứ hai từ đầu năm sau đến tháng 3/2022. Lúc này, địa điểm đón khách được mở rộng ra các khu du lịch trên các đảo của vịnh Nha Trang, khu nghỉ dưỡng có tính biệt lập...

Những địa điểm đón khách cũng phải tuân thủ điều kiện an toàn chống dịch, như có bộ phận y tế, khu vực cách ly các ca nghi nhiễm. Người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine, thời gian mũi cuối qua 13 ngày, hoặc có giấy chứng nhận khỏi Covid-19, xét nghiệm 3 ngày/lần.

Phó chủ tịch Thường trực UBND Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đồng ý đề xuất thí điểm đón khách quốc tế. Tuy nhiên, ông yêu cầu Sở Du lịch phối hợp các sở ngành sớm hoàn thiện phương án, trình để Tỉnh phê duyệt trước 30/9. Sau đó, Tỉnh sẽ xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng các bộ ngành liên quan, cuối cùng là trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận.

Khánh Hoà dừng đón khách quốc tế từ ngày 9/7, khi áp dụng Chỉ thị 16. Du lịch chuẩn bị đón khách nội tỉnh giữa tháng 10.

Bà Rịa - Vũng Tàu xin thực hiện đầu tư Dự án đường Vành đai 4 hơn 6.625 tỷ đồng

Thời gian thực hiện Dự án Đầu tư đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn một dự kiến kéo dài 5 năm từ 2022 - 2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng.

Đường Vành đai 4 nối 5 tỉnh thành.

Đường Vành đai 4 nối 5 tỉnh thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh đã ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giao cho Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án Đầu tư đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn Tỉnh.

Dự án này có điểm đầu tuyến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (cách ngã tư Châu Pha - Tóc Tiên khoảng 200m). Điểm cuối tuyến tiếp giáp với địa phận tỉnh Đồng Nai tại Kml8+300, khu vực hồ Bàu Cạn. Tổng chiều dài toàn tuyến qua địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức của Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 18,3 km.

Cấp hạng đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc bảo đảm vận tốc thiết kế từ 80 - 100 km/h. Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe rộng 27m, giải phóng mặt bằng toàn bộ rộng 67m. Trên tuyến có 2 nút giao, 2 cầu vượt...

Thời gian thực hiện Dự án giai đoạn một dự kiến kéo dài 5 năm từ 2022 - 2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án độc lập thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.596 tỷ đồng; chi phí đầu tư còn lại khoảng 5.029 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách theo hợp đồng BOT và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác xây lắp.

Đường sắt dự kiến chạy lại nhiều đôi tàu khách từ 1/10

Các doanh nghiệp đường sắt lên phương án chạy lại nhiều đôi tàu và áp dụng chính sách giảm giá vé để thu hút khách từ ngày 1/10.

Đường sắt dự kiến chạy lại nhiều đôi tàu khách từ 1/10

Đường sắt dự kiến chạy lại nhiều đôi tàu khách từ 1/10

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt từ 1/10 theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn một (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) sẽ khai thác các đôi tàu tối đa 50% công suất so với biểu đồ chạy tàu trước dịch và có giãn cách chỗ trên tàu (không áp dụng giãn cách đối với toa giường nằm).

Giai đoạn hai (10 ngày sau giai đoạn một) khai thác tối đa 70% công suất biểu đồ chạy tàu và có giãn cách. Giai đoạn ba (sau giai đoạn hai) khai thác tối đa 70% biểu đồ và không phải giãn cách. Giai đoạn bốn doanh nghiệp khai thác bình thường.

Ở phía Bắc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ tháng 10, đơn vị dự kiến chạy lại hàng ngày các đôi tàu khách LP5/LP6 trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, NA1/NA2 tuyến Hà Nội - Vinh, SE19/SE20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Riêng tuyến Hà Nội - Hải Phòng dự kiến chạy thêm tàu dịp cuối tuần.

Ở phía Nam, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến chạy lại đôi tàu khách Thống nhất SE8/SE7 giữa TP.HCM - Hà Nội.

Ngành đường sắt tiếp tục tổ chức chạy tàu chuyên biệt vận chuyển người dân từ các tỉnh phía Nam trở về khi địa phương có nhu cầu.

Hiện tàu khách vẫn dừng chạy trên tất cả tuyến đường để phòng dịch Covid-19, chỉ có tàu hàng hoạt động.

Trung Quốc dừng thông quan cửa khẩu Ái Điểm - Chi Ma 3 ngày

Chính quyền huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, (Trung Quốc) vừa có thông báo tạm dừng thông quan (điểm cặp chợ) cửa khẩu Ái Điểm (đối diện là cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn) 3 ngày.

Hải quan Chi Ma mua nhu yếu phẩm hỗ trợ lái xe trong khi chờ làm thủ tục thông quan hàng hóa

Hải quan Chi Ma mua nhu yếu phẩm hỗ trợ lái xe trong khi chờ làm thủ tục thông quan hàng hóa

Theo đó, huyện Ninh Minh (Trung Quốc) quyết định dừng thông quan từ 0h ngày 25/9 tới 24h ngày 27/9 (theo giờ Bắc Kinh) để rà soát tình hình dịch Covid-19 liên quan đến 2 người vượt biên nhập cảnh vào trấn Ái Điểm và bị lực lượng lượng bắt giữ ngày 23/9.

Phía huyện Ninh Minh khuyến cáo các doanh nghiệp và chủ hàng bố trí sắp xếp hàng hóa để hạn chế thiệt hại.

Đồng thời, phía huyện Ninh Minh cũng có thư thông báo cho phía cơ quan chức năng Việt Nam tại cửa khẩu Chi Ma về việc tạm dừng này.

Ngay sau khi có thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã thông báo cho các doanh nghiệp, người khai hải quan và các lái xe nắm được tình hình. Bên cạnh đó, yêu cầu các lái xe tuân thủ việc cách ly, đảm bảo công tác phòng chống dịch tại khu vực cửa khẩu.

Theo đó, hiện tại các lái xe đường dài chủ động cách ly tại khu vực riêng hoặc trong cabin xe.

Số liệu sơ bộ cho thấy, hiện tại ở khu vực cửa khẩu Chi Ma còn khoảng 380 xe hàng là tinh bột sắn đang chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Được biết từ đầu tháng 9, do cửa khẩu Cốc Nam dừng thông quan và các cửa khẩu khác trên địa bàn hạn chế hoạt động thông quan, nên các doanh nghiệp đã đưa các mặt hàng khô về cửa khẩu Chi Ma chờ làm thủ tục thông quan.

Trong khi đó, do điều kiện và tình hình dịch bệnh nên mỗi ngày tại cửa khẩu Chi Ma chỉ làm thủ tục thông quan cho khoảng 30 - 40 xe hàng...

Gần 700 nhà dân ở Nghệ An bị ngập do mưa lớn liên tục

Một người mất tích, gần 700 nhà dân ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bị ngập 0,4 - 1 m do mưa lớn liên tục.

Nước trên sông Hiếu đoạn qua thị xã Thái Hòa đang lên

Nước trên sông Hiếu đoạn qua thị xã Thái Hòa đang lên

Tại huyện Quỳnh Lưu, mưa lớn liên tục hai ngày khiến hơn 570 hộ dân ở xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ, thị trấn Cầu Giát, bị ngập sâu nhất gần 1 mét, một số xóm bị cô lập. Người dân đã sơ tán tới nhà người thân, nhà hàng xóm có công trình hai tầng trở lên, hoặc tập trung tại nhà cộng đồng. Công an, quân đội hỗ trợ bà con khiêng lương thực, dắt trâu bò ra khỏi khu vực ngập.

Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ cho biết, mưa lớn cả ngày khiến nước tiêu không kịp, nếu tiếp tục mưa tiếp diễn thì số nhà ngập còn tăng.

Tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, chính quyền đã hỗ trợ 30 hộ dân nằm ven sông Hoàng Mai đi khỏi nơi cư trú trước khi nước xả tràn từ hồ Vực Mấu tràn vào nhà.

Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai, đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, cho biết tới nay đã xả 3 cửa tràn với tổng lượng hơn 300 m3/s. Dự báo, hàng trăm hộ dân ven sông thuộc các phường xã của thị xã Hoàng Mai có nguy cơ bị nước tràn vào nhà do thủy triều dâng kết hợp với nước xả tràn.

Mưa to khiến nhiều điểm trên Quốc lộ 48 và 48 D; 48E qua huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa bị ngập 0,4 - 1 m trong nhiều giờ, phương tiện khó di chuyển. Hàng chục cầu tràn trên tỉnh lộ, liên xã bị chia cắt, nước chảy xiết. Hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại, hàng nghìn gia cầm bị cuốn trôi…

Bắc Giang tiếp tục đón hơn 900 người từ phía Nam về quê tránh dịch

919 người chủ yếu là lao động mất việc, trẻ nhỏ, thai phụ… tại các tỉnh thành có dịch được trở về quê nhà bằng máy bay, chiều 26/9.

Bắc Giang tiếp tục đón hơn 900 người từ phía Nam về quê tránh dịch

Bắc Giang tiếp tục đón hơn 900 người từ phía Nam về quê tránh dịch

Ba chuyến bay khởi hành từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ lần lượt hạ cánh xuống Nội Bài (Hà Nội). Trong 919 người trở về từ TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, có 45 trẻ em dưới 2 tuổi.

Xe của Bắc Giang đợi sẵn tại sân bay, đưa người huyện nào về huyện đó cách ly. Trong đó, Lục Nam đông nhất với 264 người, Yên Dũng 104 người, Lạng Giang 92 người... Những người này sẽ cách ly tập trung 14 ngày và thêm 7 ngày tại nhà.

Trước đó, tỉnh Bắc Giang giao cho các huyện, thành phố tự lên danh sách người dân đang ở phía Nam muốn về quê. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Giang sau đó làm việc với đơn vị đồng cấp tại 3 tỉnh phía Nam để đưa người về. Đợt này, tiền vé máy bay, phương tiện đưa đón, ăn ở, xét nghiệm trong thời gian cách ly tập trung do người dân tự chi trả.

Trong 20 ngày qua, đây là đợt thứ hai chính quyền Bắc Giang đón người dân từ phía Nam về nhà. Ngày 5/9, Tỉnh cũng đưa 616 người về bằng máy bay. Tổng cộng hơn 1.500 người từ phía Nam về quê trong 2 đợt, vẫn thấp hơn so với nhu cầu đăng ký, khoảng 2.000 người tính đến trước 5/9.

Chuyên đề