Bản tin thời sự sáng 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kỷ luật nhiều đảng viên; bắt buộc xe du lịch theo tuyến phải có phù hiệu từ 1/9; Chính phủ Pháp tài trợ gần 900 triệu đồng tu bổ cung An Định; TP.HCM muốn làm phố đi bộ trên đường Lê Lợi…

TP.HCM kỷ luật nhiều đảng viên

15 đảng viên tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước.

TP.HCM vừa kỷ luật 15 đảng viên tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

TP.HCM vừa kỷ luật 15 đảng viên tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Chiều 26/8, Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM cho biết, những đảng viên bị kỷ luật do buông lỏng quản lý dẫn đến một số cá nhân sai phạm trong hợp tác, đầu tư góp vốn, thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần; sử dụng không đúng quỹ khen thưởng cho người lao động...

7 đảng viên bị cảnh cáo, gồm: Nguyễn Hoành Hoa, nguyên Chủ tịch HĐTV; Nguyễn Ngọc Chính, nguyên thành viên không chuyên trách HĐTV; Vũ Đức Dũng, Đặng Ngọc Hùng và Vũ Lê Tùng, đều là nguyên Phó Tổng giám đốc; Trương Đức Mai, nguyên Trưởng Ban Hệ thống và Tái cơ cấu Tổng công ty, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Tổng công ty; Nguyễn Văn Quế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy.

Ngoài ra, ông Đào Công Năm, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Đảng bộ, Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ, bị khiển trách; ông Lê Viết Ba, nguyên Phó phòng Tài chính - Kế toán Tổng công ty bị khai trừ khỏi Đảng.

Ba đảng viên bị phê bình là Phan Văn Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Văn Mới, nguyên ủy viên HĐQT; Đỗ Thị Việt Nga, nguyên thành viên HĐTV.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (nhiệm kỳ 2015 - 2020), khai trừ Đảng ba người, gồm: Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025; Chu Tiến Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc; Đỗ Văn Ngà, nguyên Kế toán trưởng.

Các sai phạm ở Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn xảy ra từ năm 2017, liên quan thoái vốn, chuyển nhượng đất trái pháp luật... bị cho gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Nhiều lãnh đạo Tổng công ty sau đó đã bị khởi tố.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết, đã kỷ luật 2 tổ chức đảng và 5 đảng viên tại Bệnh viện TP. Thủ Đức và Bệnh viện quận Bình Tân do vi phạm trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Bắt buộc xe du lịch theo tuyến phải có phù hiệu từ 1/9

Từ 1/9, các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải có phù hiệu "xe tuyến cố định" được dán cố định ở kính trước của xe.

Các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải có phù hiệu "xe tuyến cố định"

Các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải có phù hiệu "xe tuyến cố định"

Theo Nghị định số 47 do Bộ Giao thông vận tải ban hành, các xe ô tô trung chuyển hành khách chạy theo tuyến phải được dán nhãn phù hợp với chức năng của từng xe.

Điều đó đồng nghĩa với việc các xe du lịch trực thuộc các công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách cần bổ sung nhãn dán "xe tuyến cố định" hoặc "xe trung chuyển" tùy thuộc từng loại dịch vụ mà phía nhà xe cung cấp.

Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu cần bổ sung phù hiệu "xe tuyến cố định" dán ở phía bên phải bên trong kính trước của xe.

Ngoài ra, đối với các xe được dùng để tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách trong thời gian cao điểm lễ, Tết, phía đơn vị khai thác cần sử dụng những xe đã có phù hiệu "xe tuyến cố định", "xe ô tô vận tải khách du lịch" hay "xe hợp đồng" còn giá trị sử dụng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng yêu cầu các xe vận tải hành khách theo hợp đồng cần trang bị đủ các phù hiệu "xe hợp đồng" trên xe… Các xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch cần có biển hiệu "xe ô tô vận tải khách du lịch"…

Chính phủ Pháp tài trợ gần 900 triệu đồng tu bổ cung An Định

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 843 triệu đồng từ Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp, trong Dự án tu bổ phần mái Khải Tường lâu thuộc cung An Định ở cố đô Huế.

Cung An Định

Cung An Định

Dự án sẽ xử lý triệt để thấm dột mái xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác nhằm nâng cao diện mạo khang trang, sạch đẹp của công trình, trả lại vẻ đẹp vốn có của cung, góp phần phát huy giá trị tổng thể di tích cung An Định.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp nhận khoản tài trợ và tổ chức triển khai thực hiện.

Cung An Định được xây dựng năm 1917, tọa lạc ngay bên bờ sông An Cựu, hiện nay là địa chỉ 179B Phan Đình Phùng (TP. Huế). Di tích này là công trình độc đáo gắn bó với nhiều vị vua cuối triều Nguyễn như vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long.

TP.HCM muốn làm phố đi bộ trên đường Lê Lợi

Sau khi mặt bằng thi công ga ngầm metro trên tuyến đường Lê Lợi được tái lập và hoàn trả, TP.HCM xem xét nghiên cứu phương án tổ chức phố đi bộ tại khu vực này.

Mặt bằng trên đường Lê Lợi (Quận 1) dự kiến được tái lập và hoàn trả trước ngày 2/9

Mặt bằng trên đường Lê Lợi (Quận 1) dự kiến được tái lập và hoàn trả trước ngày 2/9

Đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên đường Lê Lợi vừa được chính quyền Quận 1 báo cáo UBND TP.HCM, sau khi làm việc với nhà đầu tư và các sở, ngành liên quan về phương án này. Ý tưởng mở phố đi bộ trên đường Lê Lợi nhằm thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm tại địa bàn.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì xem xét thiết kế tổng quan tuyến Lê Lợi và khu vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Sau khi ga ngầm metro số 1 hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, đơn vị này góp ý có thể tổ chức giao thông tương tự phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay, các phương tiện lưu thông 2 bên đường, khu vực tim đường chỉ phục vụ người đi bộ.

Sở Giao thông vận tải đề xuất cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ qua phố đi bộ vào cuối tuần, đường Lê Lợi có thể đóng lại để tổ chức phố đi bộ toàn phần.

Thống nhất phương án đầu tư phố đi bộ Lê Lợi, Sở Du lịch đánh giá, tuyến phố sẽ tạo sức hút du lịch, kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành. Sở Du lịch lưu ý nghiên cứu thiết kế và tổ chức không gian hấp dẫn để nơi đây trở thành điểm đến dành cho du khách.

Đề xuất đầu tư đường 22.600 tỷ đồng kết nối các tỉnh miền Tây

Đường hành lang dài hơn 80 km, vượt sông Tiền, sông Hậu, kết nối các quốc lộ, cao tốc trục ngang đi qua Đồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang được đề xuất đầu tư xây dựng.

Các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ thống nhất phương án đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối miền Tây. Ảnh minh họa

Các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ thống nhất phương án đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối miền Tây. Ảnh minh họa

Ngày 26/8, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ cùng hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang họp, thống nhất phương án đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc xây dựng tuyến đường kết nối miền Tây. Công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn đối ứng Việt Nam.

Dự án dài hơn 80 km, điểm đầu giao với cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, vượt sông Tiền đến TP. Sa Đéc, giao Quốc lộ 80, đi về huyện Lai Vung, giao Quốc lộ 54 rồi vượt sông Hậu qua quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, lần lượt giao Quốc lộ 91 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chạy qua huyện Thới Lai để đến điểm cuối tại nút giao với cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).

Giai đoạn 1 của công trình dài 62 km, từ điểm giao với Quốc lộ 80 tại TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) đến vị trí giáp với Tỉnh lộ 963 ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), vốn đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng; dự kiến xây dựng từ năm 2024 - 2028, sau đó tiếp tục giai đoạn hoàn thiện.

Đề xuất làm bãi xe buýt 1.500 m2 gần sân bay Tân Sơn Nhất

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất làm bãi xe buýt 1.500 m2 trong Công viên Gia Định để đón trả khách, giúp giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Xe số 152 đón khách trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

Xe số 152 đón khách trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

Vị trí khu đất nằm giáp đường Hồng Hà, ở cửa ngõ sân bay đang được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) quản lý. Nơi này hiện mặt bằng còn trống, nền bê tông xi măng, đã được quy hoạch làm bãi đậu xe.

Theo đơn vị đề xuất, hiện taxi và ô tô công nghệ không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách nên bên trong sân bay Tân Sơn Nhất thường quá tải. Việc bổ sung các tuyến buýt vào sân bay là rất cần thiết để giảm tải. Tuy nhiên, để làm việc này cần có quỹ đất cho xe buýt đậu chờ xuất bến. Phía sân bay cũng có thể phối hợp với Trung tâm làm thủ tục check in, giảm ùn ứ trong các nhà ga.

Cách khu trung tâm khoảng 8 km, sân bay Tân Sơn Nhất rộng 1.500 ha là đầu mối giao thông quan trọng của TP.HCM. Mỗi ngày có khoảng 120.000 lượt hành khách đến sân bay nên lượng xe đưa, đón ra vào rất cao. Tình trạng ùn ứ, lộn xộn thường xảy ra ở khu vực đón trả khách trước ga quốc nội.

Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam và Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất xây thêm bãi đậu xe rộng 3.500 m2, nằm tiếp giáp đường vào ga quốc tế và góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) cho taxi truyền thống và ô tô công nghệ để giải quyết ùn tắc trong sân bay.

Chuyên đề