Bản tin thời sự sáng 27/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trang đấu giá biển xe gặp lỗi do lượng đăng ký lớn, dự kiến đấu giá từ 22/8; 3 công ty chứng khoán bị phạt gần 1 tỷ đồng; Quảng Bình bàn giao hơn 84% mặt bằng sạch cho các dự án cao tốc Bắc - Nam; kiểm tra việc thu hồi gần 777 tỷ đồng ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình; cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra hầu tòa liên quan vụ án Việt Á…

Trang đấu giá biển xe gặp lỗi do lượng đăng ký lớn, dự kiến đấu giá từ 22/8

Phía Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, do lượng đăng ký tại trang đấu giá trực tuyến biển số xe ôtô khá lớn, đã dẫn tới hệ thống gặp gián đoạn.

Hơn 150.000 biển số xe ôtô sẽ được đem ra đấu giá trong phiên đầu tiên

Hơn 150.000 biển số xe ôtô sẽ được đem ra đấu giá trong phiên đầu tiên

Những ngày gần đây, nhiều người dân phản ánh gặp khó khăn trong việc đăng ký tài khoản tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (theo đường dẫn: http://dgbs.vpa.com.vn). Đây là trang web tới đây sẽ diễn ra buổi đấu giá trực tuyến biển số xe ôtô đầu tiên.

Cụ thể, phản ánh của người dân cho thấy, khi tiến hành đăng ký tài khoản, nhập thông tin cá nhân, mã OTP nhưng rất lâu mới có thể tiến hành vào bước tiếp theo; có trường hợp đã đăng tải Căn cước công dân lên nhưng lại nhận được thông báo "Căn cước công dân chỉ được đăng ký 1 lần", hay có người mất cả tiếng đồng hồ mới nhận được mã OTP...

Chiều ngày 26/7, phía Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết: "Hiện nay, do lượng truy cập hồ sơ, đăng ký hồ sơ khá lớn nên hệ thống sẽ hơi gián đoạn một chút ở phần đăng ký. Người dân có thể tạm dừng thao tác và thử lại khoảng một vài ngày tới".

Đại diện phía đơn vị này cũng cho biết, lịch dự kiến của phiên đấu giá đầu tiên biển số xe ôtô sẽ là từ ngày 22/8 đến hết tháng 9/2023.

Trước đó, theo Bộ Công an, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (địa chỉ tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) được lựa chọn do có tổng điểm 93.

Hiện hơn 150.000 biển xe ôtô đã được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông và trang thông tin đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam để người dân lựa chọn sẽ tham gia đấu giá.

3 công ty chứng khoán bị phạt gần 1 tỷ đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt hành chính với 3 công ty chứng khoán do vi phạm giao dịch chứng khoán với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Nhiều vi phạm đã bị UBCKNN phạt tiền

Nhiều vi phạm đã bị UBCKNN phạt tiền

Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị phạt tổng cộng 162,5 triệu đồng vì vi phạm: không công bố thông tin phải công bố định kỳ theo quy định của pháp luật về các báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020; báo cáo tài chính năm 2020; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020 và 6 tháng năm 2021, năm 2022… Với lỗi này, Công ty bị phạt 85 triệu đồng. Đồng thời, Công ty bị phạt thêm 77,5 triệu đồng do thực hiện phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật (đối với mã chứng khoán AASH2124001).

Còn Công ty CP Chứng khoán Phố Wall (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị phạt với tổng mức lên đến 702,5 triệu đồng.

Cụ thể, công ty này đã không thực hiện quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán, bị phạt tiền 187,5 triệu đồng.

Công ty đã thực hiện dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản, bị phạt tiền 275 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty còn bị phạt thêm 65 triệu đồng vì hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Còn với lỗi báo cáo có nội dung sai lệch, báo cáo không chính xác về tỷ lệ an toàn tài chính tại các thời điểm lập báo cáo từ 31/1/2021 đến 30/4/2023, Công ty bị phạt 175 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc báo cáo thông tin chính xác theo quy định.

Trước đó, UBCKNN cũng đã xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội) vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Lý do phạt do Công ty không lưu giữ thông tin công bố theo quy định pháp luật; công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về việc đã vay vốn có giá trị trên 10% tổng tài sản…

Quảng Bình bàn giao hơn 84% mặt bằng sạch cho các dự án cao tốc Bắc - Nam

Tỉnh Quảng Bình đã bàn giao mặt bằng sạch với chiều dài 106,66/126,43 km cho các dự án cao tốc đường bộ đi qua Tỉnh, đạt tỷ lệ 84,36% chiều dài toàn tuyến của 3 dự án.

Thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình

Thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình

Ngày 26/7, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Bình đã có báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, có tổng chiều dài 126,43 km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95 km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93 km; đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55 km. Tổng diện tích chiếm dụng đất các dự án khoảng 1.143,38 ha.

Theo Sở GTVT Quảng Bình, để triển các dự án, có khoảng 3.227 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 580 hộ thuộc diện tái định cư.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,43 km (đạt 100%). Hội đồng GPMB cấp huyện đã thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 125,62/126,43 km (đạt 99,36%); hiện còn vướng mắc 800 m tại xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ liên quan đến việc thống nhất loại đất.

Cùng với đó, UBND cấp huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền với giá trị 800,638 tỷ đồng, diện tích 951,54/1.155,7 ha (đạt 82,33%) trên chiều dài 106,78/126,43 km (đạt 84,46%). Đã chi trả 715,918 tỷ đồng trên chiều dài 105,71/126,43 km (đạt 83,61%).

Tính chung, chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng sạch cho các ban quản lý dự án là 106,66/126,43 km (đạt 84,36%).

Về tiến độ giải ngân, theo Sở GTVT Quảng Bình, trong năm 2022, các địa phương đã hoàn thành công tác giải ngân 571,75 tỷ đồng (đạt 100%).

Trong năm 2023, giá trị giải ngân đến ngày 24/7 là 1.111,71/2.693,73 tỷ đồng (đạt 42,11%), trong đó TP. Đồng Hới là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 60,1/61,73 tỷ đồng (đạt 97,35%) và huyện Lệ Thủy là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất 219,22/729 tỷ đồng (đạt 30,07%).

Kiểm tra việc thu hồi gần 777 tỷ đồng ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình

Trong 10 ngày, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, làm rõ việc thực hiện kết luận thanh tra về Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, trong đó có việc xử lý tổng số tiền vi phạm gần 777 tỷ đồng.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình

Ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Tổ kiểm tra sẽ làm việc với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… trong 10 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ).

Giữa năm 2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu xử lý tổng số tiền vi phạm gần 777 tỷ đồng.

Cụ thể là giảm trừ quyết toán và thu hồi trên 3,8 tỷ đồng từ các đơn vị thi công 3 dự án để hoàn trả ngân sách nhà nước (Cải tạo nhà bảo tàng Olympic thành nhà làm việc mới; Cải tạo nền sân điền kinh sân vận động trung tâm; Cải tạo mặt sân cỏ sân tập số 2); nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trên 13,4 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 46 tỷ đồng của 5 địa điểm thực hiện dự án liên doanh, liên kết.

Diện tích đất 865 m2 sử dụng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Tân An Bình xây dựng trạm phân phối gas với số tiền trên 1,9 tỷ đồng; các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án sử dụng cho thuê mặt bằng với số tiền trên 658 tỷ đồng…

Đến giữa tháng 6/2022, cơ quan thuế của Hà Nội đã thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình để thi hành khoản tiền thuế nợ và tiền chậm nộp gần 849 tỷ đồng.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ra hầu tòa liên quan vụ án Việt Á

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cùng 4 bị cáo khác ra hầu tòa về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ án mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Kit test của Công ty Việt Á
Kit test của Công ty Việt Á

Ngày 26/7, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Thành - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cựu Bí thư Thị ủy, Chủ UBND thị xã Đông Triều nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng 4 bị cáo gồm: Nguyễn Thị Thanh Hảo, cựu Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Đông Triều; Nguyễn Xuân Tiến, cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều; Nguyễn Thành Định, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều và Nguyễn Văn Bình, cựu Phó trưởng Ban Dân vận Thị ủy Đông Triều, cựu Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong hai ngày 26 và 27/7.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, khoảng cuối tháng 1/2021, tại thị xã Đông Triều, do đại dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, địa phương cần tìm nguồn vật tư sinh phẩm xét nghiệm để phân luồng dập dịch. Bị can Phạm Văn Thành đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), đại diện là Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc, về việc mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của doanh nghiệp này.

Từ tháng 1/2021 - 3/2021, Công ty Việt Á đã cung cấp ống môi trường, que tăm bông cho Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều để tổ chức lấy mẫu, còn kit xét nghiệm và kit tách chiết chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển để thực hiện xét nghiệm theo quy định phân luồng của tỉnh Quảng Ninh.

Các bị can đã ký các tài liệu, thủ tục và hoàn tất việc thanh toán cho Công ty Việt Á tăng vượt 16.539 kit xét nghiệm và 16.548 kit tách chiết, gây thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Trong vụ án này, bị can Phạm Văn Thành khi đó là Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã thiếu kiểm tra, giám sát, tin tưởng những thông tin và số liệu do Công ty Việt Á đưa ra, không chỉ đạo cấp dưới thu thập, đối chiếu với đơn vị có liên quan được giao xét nghiệm và đã làm thủ tục thanh toán vượt số lượng sinh phẩm xét nghiệm.

TP.HCM đề nghị khởi tố hình sự các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội

TP.HCM đề ra 6 giải pháp để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong đó, ngành công an được chỉ đạo khởi tố hình sự một vài đơn vị làm thí điểm.

Tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn TP.HCM. Ảnh minh họa

Tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn TP.HCM. Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của BHXH Thành phố, tính đến ngày 30/6, tổng số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT là hơn 82.000 đơn vị với số tiền chậm đóng là hơn 6.222 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong số 82.000 đơn vị chậm đóng thì tỷ lệ những đơn vị "chây ì", chậm đóng kéo dài rất lớn.

Cụ thể, số đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên là gần 29.500 đơn vị với số tiền chậm đóng gần 3.393 tỷ đồng, chiếm gần 55% tổng số tiền chậm đóng. Trong đó có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng từ 24 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 2.874 tỷ đồng.

Số lượng đơn vị chậm đóng với số tiền lớn cũng rất cao. Hiện trên địa bàn Thành phố có 582 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng từ 1 tỷ đồng trở lên, tổng số tiền chậm đóng là gần 2.169 tỷ đồng.

Trước tình hình phức tạp trên, UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức phải tham gia giải quyết để chính sách BHXH, BHTN, BHYT phát huy hiệu quả với vai trò trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động…

UBND TP.HCM yêu cầu Công an Thành phố phối hợp với BHXH Thành phố thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT theo tiến độ. Đặc biệt, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo công an thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Bắt đường dây vận chuyển 19kg kim loại nghi là vàng từ Campuchia về Việt Nam

Chiều 26/7, thông tin từ Công an tỉnh An Giang cho biết, các lực lượng chức năng thuộc Công an Tỉnh đã đấu tranh, triệt xóa đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Khoảng 19kg kim loại (nghi vàng) vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.

Khoảng 19kg kim loại (nghi vàng) vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam.

Cụ thể, vào khoảng 19 giờ ngày 25/7, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ một chiếc xuồng vận chuyển khoảng 19 kg kim loại (nghi là vàng) được vận chuyển trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua vực khóm Long Bình, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Đồng thời, phía công an Tỉnh cũng đã thông báo cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Long Bình, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình và Công an huyện An Phú đến phối hợp xử lý vụ việc.

Sau đó, các đối tượng H.V.S và N.H.T, cùng ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã ra đầu thú và khai báo đã cùng một số đối tượng khác tham gia vận chuyển trái phép số kim loại trên từ Campuchia về Việt Nam (qua các tiệm vàng ở thành phố Châu Đốc để tiêu thụ).

Lực lượng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã tiến hành khám xét nhiều địa điểm tại thành phố Châu Đốc và huyện An Phú, thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ việc. Hiện, vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Chuyên đề