Bản tin thời sự sáng 27/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương ủng hộ giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước; khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Vũng Tàu; bảng giá đất mới theo thị trường dự kiến áp dụng từ năm 2026; xin lùi thời gian hoàn thành thu hồi đất sân bay Long Thành; đình chỉ hoạt động 40 trung tâm Apax Leaders…

Bộ Công Thương ủng hộ giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước

Theo Bộ Công Thương, cần giảm phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Đề xuất ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước

Đề xuất ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước

Góp ý này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nêu trong văn bản gửi Bộ Tài chính, liên quan việc giảm 50% phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương nhận định, nguy cơ suy giảm kinh tế ngày càng hiện hữu gây ra nhiều tác động đến các doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cùng đó, sức ép tỷ giá, lạm phát, lãi suất tăng cũng ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ thắt chặt chi tiêu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường ba tháng đầu năm giảm đáng kể.

Các chương trình khuyến mãi từ các hãng liên tục đưa ra để kích cầu mua sắm ôtô nhưng hiệu quả đem lại không như mong muốn. Vì thế, để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì thu ngân sách, Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023 là cần thiết.

Trước đó, các hiệp hội, địa phương đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe trong nước để kích cầu. Hai chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II.

Về gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước, Bộ Tài chính dự kiến gia hạn nộp thuế này. Bộ Công Thương đồng tình, song đề nghị bổ sung thêm phương án gia hạn thuế phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2023 chậm nhất là 20/12/2023 để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Tài chính dự tính gia hạn thuế này cho kỳ tính thuế phát sinh tháng 6 - 9/2023.

Khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Vũng Tàu

Ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Vũng Tàu.

Bệnh viện Vũng Tàu

Bệnh viện Vũng Tàu

Từ kết quả giải quyết tố giác tội phạm của công dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định có dấu hiệu tội phạm “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Gói thầu số 25: "Thiết bị cho phòng mổ Hybrid chấn thương chỉnh hình" thuộc Dự án Trang thiết bị y tế Bệnh viện Vũng Tàu.

Theo Quyết định 1165 ngày 11/5/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 16 gói thầu (từ Gói số 10 đến Gói số 25) là mua sắm thiết bị y tế để trang bị cho Bệnh viện Vũng Tàu với tổng kinh phí mua sắm gần 464 tỷ đồng.

Trong đó, Gói thầu số 25 do Công ty CP Dược phẩm VIMEDIMEX trúng thầu với giá gần 38 tỷ đồng. Được biết, Dự án Bệnh viện Vũng Tàu được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư xây mới tại Phường 11, TP. Vũng Tàu với quy mô 350 giường bệnh để thay thế cho Bệnh viện Lê Lợi (cũ).

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Trang thiết bị y tế. Ban Quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao là chủ đầu tư phần xây dựng và khởi công vào tháng 8/2017.

Đến tháng 6/2021, Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng và được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bảng giá đất mới theo thị trường dự kiến áp dụng từ năm 2026

Bảng giá đất ban hành mỗi năm một lần để sát thị trường hơn thay vì 5 năm như hiện tại dự kiến được áp dụng từ năm 2026 nhằm đảm bảo tính khả thi.

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Nội dung này được nêu tại Tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi Quốc hội. Dự thảo mới gồm 16 Chương, giảm 13 Điều so với bản thảo đưa ra lấy ý kiến.

Điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, thay vì 5 năm như hiện hành, để đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Lý do chốt lựa chọn này, Chính phủ phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết 18, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.

Việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo sẽ theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới cập nhật giá để phù hợp với thị trường, theo tờ trình Chính phủ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội cho ý kiến lần hai tại kỳ họp trong tháng 5.

Xin lùi thời gian hoàn thành thu hồi đất sân bay Long Thành

Chính quyền Đồng Nai đề xuất gia hạn hoàn thành Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành thêm 3 năm thay vì 2021 như kế hoạch.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án sân bay Long Thành

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án sân bay Long Thành

Thông tin được nêu trong báo cáo Hội đồng Thẩm định nhà nước vừa gửi Thủ tướng về thẩm định điều chỉnh Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Dự án được Chính phủ duyệt năm 2018 với tổng vốn hơn 22.800 tỷ đồng với các hạng mục gồm: bồi thường hỗ trợ tái định cư, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, đào tạo nghề giải quyết việc làm, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới sân bay Long Thành...

Theo đó, Đồng Nai kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xuống còn hơn 19.200 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ đồng do kinh phí bồi thường và xây khu tái định cư giảm so với dự toán ban đầu.

Đồng thời, địa phương cũng xin gia hạn hoàn thành Dự án đến năm 2024, thay vì 2021 như kế hoạch. Trong đó, khâu bồi thường giải phòng mặt bằng 5.000 ha sẽ xong trong tháng 6 tới. Nguyên nhân là các địa phương phải giãn cách xã hội trong thời gian dài do Covid-19; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị đình trệ.

Hội đồng Thẩm định nhà nước kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Trong đó, tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm với đề xuất điều chỉnh, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, thực hiện các dự án thành phần.

Đình chỉ hoạt động 40 trung tâm Apax Leaders

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đình chỉ hoạt động 40 trong tổng số 41 trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, 1 trung tâm còn lại sẽ bị phạt.

Trung tâm Apax Leaders tại Him Lam, Quận 6, một trong 40 trung tâm bị đình chỉ hoạt động

Trung tâm Apax Leaders tại Him Lam, Quận 6, một trong 40 trung tâm bị đình chỉ hoạt động

Sáng 26/4, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, đây là các trung tâm đã bị thu hồi mặt bằng, hoặc thiếu giám đốc, giáo viên nên không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định.

Thực tế, 40 trung tâm này đã đóng cửa từ trước, nhưng theo ông Minh, Sở vẫn phải đình chỉ để tránh trường hợp Apax Leaders tự ý mở cửa trở lại mà không báo cáo, không đảm bảo chất lượng.

Ông Minh cho biết thêm, nếu muốn mở trở lại, Apax Leaders phải báo cáo. Sở sẽ kiểm tra điều kiện của từng trung tâm, nếu đảm bảo sẽ cho phép hoạt động. Sở sẽ cập nhật danh sách những trung tâm bị đình chỉ trên website để phụ huynh biết.

Trung tâm duy nhất của Apax Leaders còn hoạt động hiện nay ở TP.HCM, nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, trung tâm này sẽ bị Sở xử phạt hành chính vì không cung cấp được thông tin giáo viên, học viên, đồng thời phải hoàn thiện những nội dung này.

Apax Leaders là chuỗi trung tâm Anh ngữ cho trẻ em, được cấp phép từ 2016. Trên trang web, chuỗi cho biết có 120 trung tâm trên cả nước, với khoảng 120.000 học viên. Tại TP.HCM, đơn vị này cho biết có hơn 15.000 học viên.

Từ tháng 9/2022, Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP.HCM, Đắk Lắk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí.

Ba tỉnh miền Tây huy động thêm 8 phà lớn phục vụ dịp lễ 30/4 - 1/5

Các bến phà Rạch Miễu (Bến Tre), Đình Khao (Vĩnh Long) và Đại Ngãi (Sóc Trăng) sẽ tăng cường thêm 8 phà để phục vụ người dân đi lại dịp lễ kéo dài 5 ngày.

Bến phà tạm Rạch Miễu

Bến phà tạm Rạch Miễu

Ngày 26/4, ông Lê Hoàng Thông - Bến trưởng phà Đình Khao (nối Bến Tre - Vĩnh Long) cho biết, lượng khách qua phà trong những ngày lễ dự kiến sẽ tăng khoảng 30%, khoảng 7.000 xe máy cùng 2.000 ô tô mỗi ngày.

Do lượng phương tiện lớn, đơn vị sẽ tăng từ 2 lên 4 phà, gồm 3 phà 100 tấn, 1 phà 200 tấn sẽ hoạt động xuyên suốt nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Dự án xây cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên, cách bến phà 6,6 km, tổng vốn hơn 3.200 tỷ đồng đang được trình Trung ương phê duyệt, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Bến phà tạm Rạch Miễu, nối Tiền Giang - Bến Tre dự kiến cũng bổ sung từ 2 lên 4 phà loại 100 tấn, hoạt động hết công suất. Các phà sẽ chạy từ 4h sáng, để hạn chế ùn ứ. Bến phà tạm nằm cách cầu Rạch Miễu khoảng 10 km về thượng nguồn sông Tiền hoạt động 2 năm nay nhằm "chia lửa" cho cầu Rạch Miễu hiện hữu những ngày cao điểm lễ, tết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thái, đại diện đơn vị quản lý bến phà Đại Ngãi, nối Trà Vinh - Sóc Trăng cũng cho biết, phà chủ yếu phục vụ người dân địa phương mỗi ngày khoảng 4.000 lượt và chỉ tăng nhẹ dịp lễ tết. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ huy động hết 10 phà loại 100 tấn thay vì 6 phương tiện như ngày thường. Dự án cầu Đại Ngãi, tổng kinh phí 8.000 tỷ đồng dự kiến khởi công trong năm nay, hoàn thành sau 4 năm.

TP.HCM mở thêm tuyến buýt kết nối bến xe Miền Đông mới

Tuyến buýt số hiệu 67, kết nối hai bến xe Miền Đông cũ và mới, chạy từ ngày 28/4, giúp hành khách có thêm lựa chọn đi lại.

Khu vực đậu xe khách và buýt ở bến xe Miền Đông mới

Khu vực đậu xe khách và buýt ở bến xe Miền Đông mới

Cự ly tuyến 19 km, điểm đầu tại bến Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, điểm cuối ở bến Miền Đông mới, TP. Thủ Đức. Thời gian hoàn thành mỗi chuyến khoảng 50 phút. Ô tô dùng trên tuyến là loại 55 chỗ (đứng, ngồi), chạy từ 4h20 đến 21h30, với 114 chuyến mỗi ngày. Đây là tuyến buýt không trợ giá do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang khai thác.

Với tuyến buýt 67, hiện bến xe Miền Đông mới có tổng cộng 10 tuyến kết nối. Trước đó, thành phố đã mở 4 tuyến kết nối trực tiếp (55, 56, 76, 93) và 5 tuyến đi qua (150, 60-1, 60-2, 60-3 và 60-4). Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm buýt điện kết nối giúp bến khai thác hiệu quả hơn.

Là bến xe lớn nhất nước (tổng vốn 4.000 tỷ đồng, giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng), song từ khi đưa khai thác tháng 10/2020, bến Miền Đông mới luôn vắng khách. Nguyên nhân do bến mới xa trung tâm, khách chưa quen đi lại trong khi hạ tầng và phương tiện kết nối hạn chế. Bên cạnh đó, "xe dù, bến cóc" ở nội đô phức tạp cũng là lý do khiến công suất bến chưa như kỳ vọng.

Chuyên đề