Pacific Airlines đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam vụ 44 khách từ chối bay
Liên quan việc 44 hành khách trên chuyến bay của hãng Pacific Airlines từ chối bay, ngày 1/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, hãng hàng không Pacific Airlines đã có báo cáo gửi Cảng vụ Hàng không miền Nam (Cục Hàng không Việt Nam) về vụ việc trên.
Máy bay của hãng Pacific Airlines. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của hãng Pacific Airlines, tối 29/6 vừa qua, Trực ban trưởng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã nhận thông tin từ an ninh sân đậu sự việc máy bay A320-VNA565 chuyến bay BL6068 đường bay SGNDAD (Sài Gòn - Đà Nẵng) đã sắp xếp xong khách vị trí đỗ số 94, do thiếu xe thổi khí lạnh cho máy bay nên khoảng 40 hành khách đã đi xuống sân đỗ.
Ngay khi nhận được tin báo, Trực ban trưởng triển khai đến các đơn vị liên quan, đồng thời cùng các đơn vị xuống hiện trường kiểm tra. Chuyến bay BL6068 đường bay SGN/DAD giờ kế hoạch bay là 18h20, số khách là 185 khách. Do phát sinh hỏng APU (hệ thống nguồn phụ để cung cấp điện cho điều hòa không khí trên máy bay khi đang đỗ) nên máy bay được kéo từ vị trí đỗ 44 ra vị trí đỗ 94.
Sau khi đón xong 185 hành khách, do thiếu xe thổi khí lạnh nên trên máy bay quá nóng, một số hành khách không chịu nổi đã đi xuống sân đỗ (khoảng 40 khách). Do có xe Cobus (xe buýt cỡ lớn) sẵn nên nhân viên an ninh sân đỗ đã phối hợp hãng hàng không cho số hành khách trên lên xe đảm bảo trật tự.
Có 44 hành khách từ chối không tiếp tục chuyến bay trên và vào nhà ga, hãng hàng không Pacific Airlines bố trí 38 khách sang chuyến bay kế tiếp BL6070 SGN/DAD, còn 6 khách chuyển sang chuyến bay của Vietnam Airlines sáng 30/6/2023. Số khách còn lại đồng ý tiếp tục hành trình, chuyến bay cất cánh lúc 23h cùng ngày (chậm 4 giờ 30 phút so với kế hoạch bay ban đầu).
Lâm Đồng chủ động đánh sập bờ taluy khu vực sạt lở ở Đà Lạt để giảm thiểu nguy hiểm
Vào khoảng 17 giờ ngày 1/7, bờ taluy bằng bê tông tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã được lực lượng chức năng chủ động đẩy sập đổ xuống phía dưới. Đây là khu vực đã xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng làm 2 người tử vong, 5 người bị thương ngày 29/6 vừa qua.
Bờ kè bê tông được đẩy sập đổ xuống theo phương án chủ động của chính quyền địa phương |
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, đây là phương án xử lý được UBND tỉnh chỉ đạo để giảm nguy cơ tiếp tục sạt lở, bởi taluy này đã xuất hiện rất nhiều vết rạn nứt, không đảm bảo an toàn. Trong ngày 1/7, lực lượng chức năng đã đào múc bớt lượng đất bên trong, đến cuối ngày thì chủ động đẩy sập bờ taluy trên.
Bờ taluy cách mặt đường phía dưới khoảng 30 m, với độ dốc gần như thẳng đứng. Lượng đất đá được chủ động đẩy sập xuống đã phá hủy 1 ngôi nhà kiên cố, trước đó đã bị vùi lấp phần tầng 1 trong vụ sạt lở ngày 29/6.
Trước khi chủ động cho sập bờ bê tông này, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ người dân và tài sản của các gia đình nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Hiện vẫn còn bờ taluy bê tông nối tiếp với đoạn vừa cho sập đổ dài khoảng 15 m. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý để đảm bảo an toàn.
Kiến nghị bổ sung hơn 113 tỷ đồng xây dựng đường gom cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn xã An Khánh và An Phú Thuận, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, vì thiếu hệ thống đường gom dọc cao tốc nên việc lưu thông và sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân gặp khó khăn.
Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chia cắt đất của người dân thành 2 thửa nhưng không có đường dân sinh đi vào đồng ruộng để sản xuất |
Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bổ sung hơn 113 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường gom (đường dân sinh).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom hai bên dọc tuyến cao tốc. Xét tiến độ Dự án và nguồn vốn đầu tư tại thời điểm đó, Dự án chỉ xem xét đầu tư hệ thống đường gom một bên và xen kẽ để tạo điều kiện đi lại cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công Dự án đã phát sinh các vấn đề khó khăn. Đa số các thửa đất mà đường cao tốc đi qua bị cắt chia thành hai thửa đất theo tuyến rất dài, nhưng lại không có đường dân sinh. Khi đường cao tốc hoàn thành, người dân không có lối đi vào đồng ruộng để sản xuất, đồng thời không có cầu đi qua các kênh, rạch...
UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quan tâm, hỗ trợ để đầu tư xây dựng hệ thống đường gom thuộc Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đoạn qua huyện Châu Thành. UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất xây dựng bổ sung 5 đoạn đường dân sinh (xã An Khánh 2 đoạn và xã An Phú Thuận 3 đoạn), tổng chiều dài trên 7 km, với quy mô đường giao thông nông thôn nền rộng 5 m, mặt đường rộng 3,5 m.
Cùng với đó, xây dựng 12 cống trên tuyến đường gom tương ứng với các vị trí, quy mô và loại cống đã đầu tư trên tuyến chính của Dự án; xây dựng mới cầu Xẻo Lò trên đường gom... Tổng kinh phí xây dựng hệ thống đường gom bổ sung (đường, cầu, cống và bồi thường, giải phóng mặt bằng) là hơn 113 tỷ đồng.
Hà Tĩnh: Bắt tạm giam nguyên Giám đốc tài chính Công ty Vạn Xuân do vi phạm quy định đấu thầu
Chiều 1/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trần Thị Châu Giang, Nguyễn Thanh Tùng về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Nguyễn Thị Bích Ngọc tại cơ quan điều tra |
Quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), là kế toán trưởng, nguyên Giám đốc tài chính Công ty CP Vạn Xuân (thành phố Hà Tĩnh).
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Thị Châu Giang (trú quận Long Biên, Hà Nội), là Tổng giám đốc, thẩm định viên về giá và Nguyễn Thanh Tùng (trú phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), là thẩm định viên về giá thuộc Công ty CP Đầu tư và Định giá An Dương về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hơn 100 tài xế nghỉ việc vì chậm trả lương, xe buýt Đà Nẵng ngưng hoạt động
Tài xế đồng loạt nghỉ việc vì Công ty CP Quảng An 1 chậm trả lương, khiến hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngưng hoạt động.
Dãy xe buýt nằm dài trong Trạm xe buýt Xuân Diệu vì tài xế đình công vào ngày 1/7 |
Ngày 1/7, hơn 100 tài xế xe buýt của Công ty CP Quảng An 1 - Chi nhánh Đà Nẵng (đơn vị được giao khai thác, vận hành các tuyến xe buýt ở Đà Nẵng) đồng loạt nghỉ việc vì Công ty chậm chi trả lương.
Sự việc dẫn đến hệ thống xe buýt của TP. Đà Nẵng ngưng hoạt động. Nhiều người dân đi xe buýt đứng chờ ở trạm nhưng không thấy xe tới đón.
Theo đại diện tổ tài xế của Công ty CP Quảng An 1, vào tháng trước, khi người lao động lãn công, Công ty đã trả lương tháng 2 và hứa sẽ chi trả lương tháng 3 vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, đến hẹn Công ty vẫn chưa chi trả lương tháng 3 nên người lao động quyết định nghỉ ở nhà.
Mới đây, vào ngày 8/6, các tài xế, phụ xe cũng đình công vì Công ty nợ lương kéo dài.
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng, Công ty Quảng An 1 thường xuyên có tên trong danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài trên địa bàn. Tính đến ngày 30/4, doanh nghiệp này nợ gần 8,3 tỷ đồng tiền chậm đóng, không bao gồm lãi.
Hệ thống buýt trợ giá của Đà Nẵng được đưa vào khai thác từ năm 2016. Toàn thành phố có 11 tuyến buýt thuộc hệ thống mạng lưới xe buýt B40 hoạt động theo hình thức đấu thầu có trợ giá, do Công ty CP Quảng An 1 trúng thầu vận hành.
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Philippines
5 tháng đầu năm, Philippines nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm gần 90% lượng gạo tại quốc gia này.
Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines trong 5 tháng đầu năm nay |
Đây là số liệu vừa được Cục Thống kê Philippines công bố. Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn nhất của nước này trong 5 tháng đầu năm nay.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, 5 tháng, Việt Nam xuất ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó 1,5 triệu tấn sang Philippines, đạt 772,4 triệu USD chiếm 42,3% thị phần. Lượng xuất khẩu này tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức xuất khẩu gạo kỷ lục của Việt Nam sang Philippines từ trước tới nay.
Theo Cục Thống kê Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines tăng cả về lượng và kim ngạch. Bên cạnh nhu cầu tăng, hiện tượng El Nino đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực.
Dự báo 6 tháng cuối năm, xuất khẩu gạo sang quốc gia này tiếp tục tăng cao khi biến đổi khí hậu có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa của Philippines.
Ngoài Philippines, Indonesia và nhiều quốc gia ở châu Á cũng tăng mua gạo Việt do nguồn cung sụt giảm.
Tháo dỡ, di dời du thuyền cuối cùng ra khỏi hồ Tây
Doanh nghiệp đã tự nguyện tháo dỡ, di chuyển tàu Potomac - du thuyền cuối cùng ra khỏi hồ Tây. Theo kế hoạch, quá trình di chuyển dự kiến diễn ra trong khoảng 2 tuần.
Du thuyền Potomac đang được tháo dỡ, di dời ra khỏi hồ Tây |
Ngày 1/7, các lực lượng chức năng quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) đã phối hợp với Công ty CP Sông Potomac tổ chức tháo dỡ, di chuyển tàu Potomac ra khỏi hồ Tây.
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây.
Sau một thời gian kiên trì vận động, đến nay, doanh nghiệp đã tự nguyện tháo dỡ, di chuyển tàu Potomac ra khỏi hồ Tây. Đối với bến du thuyền (sàn bị chìm một phần) của Công ty CP Sông Potomac, ngày 2/5, Quận đã hoàn thành trục vớt, tháo dỡ, di dời sàn bị chìm về điểm tập kết tại khu vực cuối ngõ 464 Âu Cơ.
Đối với tàu Nàng tiên cá 2 của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, đến ngày 13/5, sau 6 ngày thực hiện công tác tháo dỡ, việc di dời tàu ra khỏi hồ Tây đã hoàn thành.
Đối với tàu Nàng tiên cá Taboo của Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, trong ngày 17/5, đơn vị đã hoàn thành công tác tháo dỡ, di dời con tàu này ra khỏi hồ Tây.
Riêng tàu Potomac là tài sản đang thi hành án. Thời gian qua, các lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi hành án, Công ty CP Sông Potomac trong việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp di chuyển tàu Potomac ra khỏi hồ Tây.
TP. Thái Nguyên bồi thường giải phóng mặt bằng gần 296 tỷ đồng cho 36 dự án
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của TP. Thái Nguyên đã thực hiện thống kê, kiểm đếm tài sản, hoa màu, vật kiến trúc, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất thu hồi trên 16,3 ha để triển khai các dự án.
Thái Nguyên thu hồi đất để triển khai 36 dự án |
Theo đó, TP. Thái Nguyên đã thực hiện chi trả gần 296 tỷ đồng cho 284 hộ, cá nhân nằm trong vùng ảnh hưởng của 36 dự án trên địa bàn, với tổng diện tích đất thu hồi trên 16,3 ha.
Các dự án thực hiện thu hồi đất gồm: Khu đô thị mới số 2 Thịnh Đán - Quyết Thắng; khu dân cư Quyết Thắng - Phúc Xuân; đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1; khu dân cư tổ 14 phường Túc Duyên; xây dựng đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng; khu tái định cư số 4, 5 phường Tân Lập; khu tái định cư xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thanh niên xung phong và xây dựng hạ tầng khu dân cư hai bên đường…
Trong thời gian tới, TP. Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án: Xây dựng sân vận động Tỉnh; trụ sở làm việc khối các cơ quan Tỉnh; khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm; khu dân cư số 1, 2 đường Việt Bắc; khu dân cư số 11A, 11B phường Tân Lập; khu dân cư đường Bắc Sơn kéo dài…
Khánh thành cầu đi bộ qua đường biển ở Đà Nẵng
Cầu đi bộ qua đường Nguyễn Tất Thành có chiều cao gần 13 m, dài hơn 140 m, với số vốn đầu tư 42 tỷ đồng vừa được khánh thành vào chiều ngày 1/7.
Cầu đi bộ bắc qua đường Nguyễn Tất Thành |
Cây cầu cao gần 13 m, dài hơn 140 m với diện tích sàn khoảng 655 m2. Phần lối dẫn lên cầu hai bên đài vọng cảnh tái hiện hình tượng nút thắt trong nghệ thuật đan dây của người Nhật, thể hiện sự bền chặt trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Hình dáng công trình được lấy cảm hứng từ những con sóng biển, tạo nên sự nhẹ nhàng và thư thái, đồng thời gắn kết với cảnh quan khu vực.
Bên ngoài hai đài vọng cảnh cũng bố trí cầu thang xoắn bằng thép với thang máy được lắp đặt để người khuyết tật có thể lên cầu một cách dễ dàng.
Cây cầu này do Tập đoàn Mikazuki - doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, đây là cây cầu đi bộ duy nhất bắc qua đường biển Nguyễn Tất Thành.
Xuất khẩu rau quả chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD năm 2023
Với đà tăng trưởng tích cực, xuất khẩu rau quả chế biến được dự báo đạt 1,2 tỷ USD năm nay, tăng 10 - 15% so với năm ngoái.
Nhà máy chế biến trái cây đóng hộp ở Cần Thơ |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gần 6 tháng qua, xuất khẩu rau quả đạt 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cả năm ngoái. Ngoài sự đóng góp lớn từ trái cây tươi, rau quả chế biến cũng góp 30% trong giá trị xuất khẩu của ngành hàng này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến đạt hơn 356 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 và 6 chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh so với quý I. Với đà tăng trưởng tốt như hiện nay, xuất khẩu rau quả chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD năm 2023, tăng 10 - 15% so với năm ngoái.
Nhiều năm qua, rau quả tươi Việt Nam phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 60% thị phần. Trong khi đó, nhóm rau quả chế biến lại tăng trưởng nhanh ở các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.