Bản tin thời sự sáng 26/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn trả mặt bằng cho Công viên 23 Tháng 9; cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long bị phạt 15 năm tù; xử phạt 12 chủ đầu tư hơn 13 tỷ đồng do vi phạm phí bảo trì chung cư; TP.HCM cấp hơn 110.000 sổ hồng nhà ở thương mại…

Metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn trả mặt bằng cho Công viên 23 Tháng 9

8.000 m2 mặt bằng Công viên 23 Tháng 9, Quận 1 (TP.HCM), được chủ đầu tư Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả sau 7 năm rào chắn thi công nhà ga ngầm, sáng 25/4.

Diện mạo Công viên 23 Tháng 9 sau khi công trường Metro số 1 hoàn trả một phần diện tích

Diện mạo Công viên 23 Tháng 9 sau khi công trường Metro số 1 hoàn trả một phần diện tích

Đây là 50% trong tổng diện tích công trường chiếm dụng ở Công viên 23 Tháng 9, vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cùng nhà thầu tái lập và hoàn trả. Phần mặt bằng này được giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) để tái lập cảnh quan.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 thuộc MAUR cho biết, theo hợp đồng, toàn bộ mặt bằng sẽ được hoàn trả sau khi nhà ga Bến Thành hoàn thành. Tuy nhiên, các đơn vị tập trung tái lập và giao trước 50% diện tích, giúp trung tâm thành phố thông thoáng hơn.

Phần còn lại sẽ được tháo dỡ rào chắn và hoàn trả không gian sau khi ga Bến Thành thi công hoàn thành, dự kiến vào tháng 10 năm nay. Chủ đầu tư cũng yêu cầu nhà thầu mở một lối đi băng ngang công trình hiện hữu từ 6 - 18h, để thuận lợi cho người dân ra vào công viên, khôi phục các hoạt động vui chơi, đi bộ...

Ga Bến Thành dài 236 m, rộng 60 m, sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng ngầm. Đây là ga trung tâm của tuyến Metro Số 1, tương lai kết nối các tuyến Metro số 2, 4, 3a. Hiện, nhà ga này đã hoàn thành hơn 99%, nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục cuối về kiến trúc, cơ điện. Trong đó, giếng trời lấy sáng (toplight), thiết kế hình hoa sen cách điệu, chức năng cung cấp ánh sáng, thông gió cho khu vực phía dưới là hạng mục nổi bật nhất.

Cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long bị phạt 15 năm tù

Ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), bị phạt 15 năm tù do nhận hối lộ và tham ô tài sản trong thời gian làm Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Ông Phạm Hồng Hà tại phiên tòa ngày 25/4

Ông Phạm Hồng Hà tại phiên tòa ngày 25/4

Bản án công bố ngày 25/4 sau 5 ngày xét xử. Liên quan vụ án, 27 bị cáo thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy khu vực I, Công ty CP Quản lý đường sông số 3, Công ty CP Đường thủy Quảng Ninh... bị phạt từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 30 năm tù.

Theo cáo trạng, năm 2016, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh bàn giao một số tuyến đường thủy nội địa trên vịnh Hạ Long cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý. Từ đây, Ban Quản lý làm chủ đầu tư, tổ chức các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, đầu tư, xây lắp, cung cấp, vận chuyển nước sạch tuyến đường thủy nội địa trên vịnh.

Nắm thông tin này, Phạm Văn Phả (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3) gặp Bùi Sĩ Giáp (Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan của Ban Quản lý vịnh Hạ Long) nhờ giới thiệu gặp ông Hà.

Ông Hà và Phả thống nhất, với các gói thầu quản lý bảo trì bớt xén được khối lượng công việc, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 trích lại 5% giá trị hợp đồng cho Hà, 3 - 5% giá trị hợp đồng cho Giáp. Các gói thầu không bớt xén được khối lượng, Hà được trích lại 3%, Giáp được trích 2% giá trị.

Thỏa thuận xong, ông Hà chỉ đạo Giáp làm đầu mối phối hợp với Công ty CP Quản lý đường sông số 3 hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp này trúng thầu. Các bị cáo sử dụng các công ty quen biết làm "quân xanh" nộp hồ sơ dự thầu để cho Công ty CP Quản lý đường sông số 3 chắc chắn trúng thầu.

Năm 2017 - 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã ký 18 hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tổng giá trị hợp đồng hơn 69,6 tỷ đồng, trong đó có 6 hợp đồng về công tác quản lý bảo trì, 8 hợp đồng đầu tư xây lắp, 4 hợp đồng về cung cấp vận chuyển nước.

Xử phạt 12 chủ đầu tư hơn 13 tỷ đồng do vi phạm phí bảo trì chung cư

Thanh tra Bộ Xây dựng đã xử phạt 13,3 tỷ đồng với 12 trong số 19 chủ đầu tư trong danh sách thanh tra do có vi phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Nhiều chủ đầu tư bị xử phạt do có vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư. Ảnh minh họa

Nhiều chủ đầu tư bị xử phạt do có vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư. Ảnh minh họa

Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, đến thời điểm này, Thanh tra Bộ đã hoàn thành và ban hành kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).

Căn cứ của kết luận trên là quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt. Nội dung thanh tra là việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập nhiều biên bản xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Qua thanh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và ban quản trị nhà chung cư, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng/chủ đầu tư.

Thanh tra Bộ cũng buộc 10 trong số 12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư).

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể, 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.

Hà Nội cưỡng chế, phá dỡ vi phạm đất đai tại khu vực hồ Đầm Trị

Nguồn gốc đất khu vực bị cưỡng chế, phá dỡ, giải tỏa tại khu vực hồ Đầm Trị là đất công, trước đây được UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, cho thuê thầu, thu hoa lợi.

Công trình vi phạm bị tháo dỡ.

Công trình vi phạm bị tháo dỡ.

Hồ Đầm Trị là một hồ nhỏ có diện tích khoảng 6,7 ha nằm trong quần thể hồ Tây. Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Tây Hồ về việc chỉnh trang, cải tạo khu vực hồ Đầm Trị, góp phần làm cho khu vực hồ sạch đẹp, phong quang, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ngày 25/4, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) quyết định thực hiện cưỡng chế giải tỏa trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực hồ Đầm Trị thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Theo quyết định cưỡng chế, thực hiện các biện pháp buộc khắc phục hậu quả, trường hợp bị cưỡng chế, có địa chỉ tại số 28, ngõ 12, tổ 5, phường Quảng An.

Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là phá dỡ các khu nhà gạch có diện tích 1.278m2, khung nhôm, vách kính, mái lợp tôn; khu nhà khung sắt, mái lợp tôn, vách quây bằng tre diện tích hơn 182m2; khu nhà lợp tôn diện tích hơn 15m2.

Đồng thời, UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu trường hợp vi phạm phải trả lại hơn 1.718 m2 đất đã chiếm, giao cho UBND phường Quảng An quản lý.

Quá trình cưỡng chế, giải tỏa được cơ quan chức năng của địa phương thực hiện, triển khai theo đúng trình tự của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Danh Thụ, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, nguồn gốc đất khu vực bị cưỡng chế, phá dỡ, giải tỏa là đất công, trước đây được UBND Phường cho thuê thầu, thu hoa lợi.

Năm 2017, UBND phường Quảng An đã chấm dứt hợp đồng thuê thầu, yêu cầu bàn giao khu đất cho địa phương quản lý.

TP.HCM cấp hơn 110.000 sổ hồng nhà ở thương mại

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa công khai các danh sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.

Hơn 81.000 căn nhà tại 33 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM đã đủ điều kiện cấp sổ hồng

Hơn 81.000 căn nhà tại 33 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM đã đủ điều kiện cấp sổ hồng

Trong tổng số 191.101 căn nhà thuộc 335 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng của 115.866 căn.

Đến nay, Sở TN&MT đã cấp sổ hồng cho 110.016 căn nhà, đạt tỷ lệ 57%. 81.085 căn nhà còn lại chưa được cấp sổ hồng nhưng đã được thẩm định đủ điều kiện cấp sổ cho người mua nhà.

Về các dự án đang chờ người mua nhà bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, thống kê của Sở TN&MT hiện có 49 dự án với tổng số 8.372 hồ sơ. Trong đó, có 7.574 hồ sơ của 27 dự án đang chờ Chi cục Thuế TP.Thủ Đức xác định nghĩa vụ thuế.

Theo Sở TN&MT, trên địa bàn TP.HCM hiện có 39 dự án nhà ở thương mại có vướng mắc trong công tác cấp sổ hồng, gồm: 14 dự án đã được cấp sổ hồng một phần và 25 dự án chưa được cấp bất kỳ sổ hồng nào.

Đối với dự án có loại hình văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), hiện TP.HCM có 29 dự án với tổng số 8.918 căn.

Ngoài ra, trong quá trình cấp sổ hồng cho 3.481 căn nhà tại 5 dự án nhà ở thương mại, Sở TN&MT phát hiện có những vướng mắc khác như: xác định lại diện tích đất sử dụng chung của chung cư; chờ ý kiến của UBND TP.HCM về nghĩa vụ tài chính dự án và cam kết hỗ trợ kinh phí; dự án mới được nghiệm thu từ tầng 3 đến tầng 17…

Phát hiện tàu chở 2 nghìn tấn than bùn nhiệt thấp trái phép

Thủy đoàn I, Cục CSGT đã phát hiện tàu chở 2.000 tấn than bùn nhiệt thấp tại khu vực cửa sông Chanh (Quảng Ninh).

Số hàng hóa trên tàu được xác định là than bùn nhiệt thấp

Số hàng hóa trên tàu được xác định là than bùn nhiệt thấp

Chiều 25/4, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, qua hoạt động tuần tra kiểm soát, Thủy đoàn I đã phát hiện tàu HD-46XX chở 2.000 tấn than bùn nhiệt thấp trái quy định.

Cụ thể, khi tuần tra tại khu vực cửa sông Chanh (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), Tổ công tác của Thủy đoàn I phát hiện tàu HD-46XX do ông P.V.C. làm thuyền trưởng đang chở 2.000 tấn bùn thải là sản phẩm nạo vét của Công ty TNHH Một thành viên P.Đ.

Thời điểm kiểm tra, ông C. và các thuyền viên không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và phương tiện cũng không lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét theo quy định.

Với số hàng hóa trên tàu, ông C. không xuất trình được chứng thư giám định chứng minh số hàng là bùn thải.

Lực lượng chức năng đã tiến hành giám định 2.000 tấn bùn thải trên tàu HD-46XX, kết quả cho thấy đây là sản phẩm ngoài than (than bùn nhiệt thấp).

Đại diện Cục CSGT cho biết, trước đó, qua công tác nắm tình hình, Thủy đoàn I đã phát hiện tại khu vực ven biển giáp ranh giữa phường Cẩm Sơn và Cẩm Phú (TP. Cẩm Phả) có nhóm đối tượng lợi dụng việc được cấp phép dự án nạo vét bùn, rác thải để tận thu sản phẩm than bùn nhiệt thấp bán ra ngoài trái với quy định.

Tiến hành xác minh, cảnh sát xác định đó là Công ty TNHH Một thành viên P. Đ. có trụ sở tại TP. Cẩm Phả. Công ty này được UBND TP. Cẩm Phả chấp thuận phương án nạo vét bùn, rác thải tuyến mương thoát nước cầu B5-12 giáp ranh phường Cẩm Phú, Cẩm Sơn. Trong đó, có quy định rõ trường hợp xuất hiện than trôi lẫn bùn đất, rác thải yêu cầu dừng ngay việc nạo vét và báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh để quyết định việc khai thác hoặc không khai thác.

Hiện Thủy đoàn I, Cục CSGT đang phối hợp với Công an thị xã Quảng Yên tạm giữ phương tiện và điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Hàng nhập lậu, giả ở TP.HCM tăng mạnh

Số vụ vi phạm liên quan hàng nhập lậu, giả ở TP.HCM 4 tháng đầu năm 2023 tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2022, trong đó hàng bị thu giữ trị giá trên trăm tỷ đồng.

Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng Trang Nemo

Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng Trang Nemo

Báo cáo của quản lý thị trường TP.HCM cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, Thành phố kiểm tra chuyên ngành và liên ngành hơn 12.000 vụ, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vụ vi phạm tăng gần gấp đôi.

Theo đó, nhà chức trách đã phạt hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 23 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ 2022. Quản lý thị trường cũng đã tiêu hủy số hàng gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 102 tỷ đồng hàng hóa đang chờ bán và gần 19 tỷ đồng sản phẩm chờ tiêu hủy khác.

Với hàng hóa nhập lậu và không rõ xuất xứ, nhà chức trách đã tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm là đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chức năng, mũ bảo hiểm, thực phẩm...

Ngoài ra, đội quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra và phát hiện tạm giữ 12.321 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động giả nhãn hiệu Rolex, Hublot, Hermes, Burberry, Dior, Apple,...

Quản lý thị trường TP.HCM đánh giá, hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không có dấu hiệu giảm. Các cơ sở kinh doanh ngày càng có những chiêu trò tinh vi khiến nhà chức trách gặp khó trong các khâu xử lý vi phạm.

Chuyên đề