Bắt đầu khai thác mỏ cát phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ
Ngày 25/12, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Chi nhánh Đồng Tháp (Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn) cho biết, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp do Công ty trực tiếp khai thác, phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ bắt đầu được khai thác.
Mỏ cát phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ bắt đầu khai thác. |
Theo đó, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn thuộc thị trấn Thường Thới Tiền và xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.
Mỏ cát có diện tích 9,95 ha, tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ 626.850 m3 và tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 530.000 m3. Công suất khai thác tối đa 86.400 m3/tháng, tương đương hàng ngày khai thác tối đa 2.880 m3/ngày.
Thời gian công nhân bắt đầu khai thác trong ngày từ 7h đến 17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm.
Mức sâu khai thác thấp nhất đến mức âm 15 m, phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên với thời gian khai thác là 12,5 tháng. Trong đó, thời gian khai thác 6,5 tháng và thời gian cải tạo phục hôi môi trường để đóng cửa mỏ 6 tháng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ được thi công bởi liên danh các nhà thầu. Dự án khởi công ngày 10/4/2024 với tổng giá trị hợp đồng xây lắp 819,84 tỷ đông (bao gồm dự phòng).
Tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ có điểm đầu tại tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (khoảng Km 26+00 theo lý trình Quốc lộ N2B) và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ (khoảng Km 54+844 theo lý trình Quốc lộ N2B).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 28,8 km, với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng, được triển khai thi công từ cuối tháng 4/2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2025.
Tăng slot bay tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2025
Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ hạ cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nhiều đường bay dịp Tết đã đạt 100% trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ, nhưng giai đoạn sau vẫn còn nhiều chỗ. Ảnh minh hoạ |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ (từ 21/1 - 28/1/2025), tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh.
Trong đó, một số đường bay đã đạt đến 100% tỷ lệ đặt chỗ vào từ 23 tháng Chạp đến 27 tháng Chạp như: TP.HCM - Huế, TP.HCM - Pleiku, TP.HCM - Tuy Hòa, TP.HCM - Quy Nhơn, TP.HCM - Quảng Bình, TP.HCM - Thanh Hóa, TP.HCM - Vinh, TP.HCM - Chu Lai, TP.HCM - Quy Nhơn…
Các ngày gần kề và sau giai đoạn này còn nhiều chỗ. Ở chiều ngược lại, giai đoạn này, tỷ lệ đặt chỗ rất thấp, chỉ từ 5 - 30% tùy chặng, tùy ngày.
Các hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay rỗng để vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Cuối kỳ nghỉ lễ, sau Tết Nguyên đán (từ 30/1 - 7/2/2025), trên các đường bay từ địa phương về TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ tương tự như giai đoạn trước Tết. Một số ngày trên các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ đã đạt hoặc xấp xỉ 100% như: Pleiku - TP.HCM, Tuy Hòa -TP.HCM, Thanh Hóa - TP.HCM, Quy Nhơn - TP.HCM, Chu Lai - TP.HCM, Đồng Hới - TP.HCM, Ban Mê Thuột - TP.HCM, Vinh - TP.HCM…
Tương tự giai đoạn trước Tết, tỷ lệ đặt chỗ ở chiều ngược lại rất thấp và các hãng hàng không cũng phải khai thác nhiều chuyến bay rỗng trong giai đoạn này.
Với các đường bay trục TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy từ 25/1 - 2/2/2025 (tức 26 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng âm lịch) vẫn chưa cao, đạt trung bình 35 - 40%. Riêng ngày 25/1/2025, chặng TP.HCM - Hà Nội là có tỷ lệ cao trên 80%.
Các đường bay du lịch từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Bình Định… giai đoạn trước và sau Tết còn nhiều chỗ với tỷ lệ lấp đầy từ 20 - 50% tùy ngày, tùy chặng bay.
Trước nhu cầu đi lại tăng mạnh trên các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, trên cơ sở bám sát tình hình đặt chỗ, bán vé và khả năng đáp ứng của các hãng hàng không và các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ hạ cất cánh (slot) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, từ ngày 21/1 - 9/2/2025, số chuyến bay cất hạ cánh được nâng lên 48 chuyến/giờ vào ban ngày và 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm.
Các slot tăng thêm đã được xác nhận hết cho các hãng hàng không Việt Nam để bổ sung tải cung ứng trên các đường bay đã kín chỗ từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Huế, Chu Lai, Pleiku, Buôn Mê Thuột…
Thí điểm cho tàu cao tốc chạy đêm ra đảo Phú Quốc
Tàu cao tốc từ đất liền đi Phú Quốc và ngược lại sẽ hoạt động thêm từ 4h đến 6h và 18 đến 22h, thay vì chỉ chạy từ sau 6h và chuyến cuối lúc 14h như hiện nay.
Tàu cao tốc neo đậu tại bến Rạch Giá |
Chủ trương cho tàu cao tốc chạy thêm giờ vừa được UBND tỉnh Kiên Giang thông qua, nhằm đẩy mạnh du lịch, giúp người dân, chiến sĩ các huyện đảo di chuyển thuận lợi, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.
Việc mở rộng thời gian tàu chạy được kỳ vọng giúp du khách linh hoạt sắp xếp thời gian, đồng thời có thêm thời gian lưu trú trên đảo đến hết ngày.
Đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách TP. Hà Tiên 45 km về phía Tây. Hiện mỗi ngày có hơn 30 chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra Phú Quốc.
Ngoài Phú Quốc, việc thí điểm còn áp dụng đối với tuyến tàu cao tốc đi các đảo như: Hòn Sơn, Nam Du, Hòn Tre. Việc cấp phép tàu phải chấp hành các quy định, có phương án hoạt động bảo đảm an toàn, phòng chống giông bão, cháy nổ.
Thời hạn thí điểm tàu đêm đến hết năm 2025. Các sở ngành liên quan của tỉnh đang lập phương án và chốt thời gian bắt đầu thí điểm.
34/64 dự án bất động sản ở TP.HCM được gỡ vướng
Đến nay, TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho 34/64 dự án bất động sản. Tổ công tác Thành phố tiếp tục giao các sở, ngành và quận, huyện tiếp tục tham mưu xử lý 30 dự án còn lại.
TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho 34/64 dự án bất động sản |
Trong dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2025, UBND TP.HCM cho biết đến nay, Thành phố đã giải quyết được 34/64 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở, Thành phố đã xử lý vướng mắc cho 9/64 dự án. Các dự án không thuộc lĩnh vực bất động sản, bao gồm dự án thể thao, cầu đường, cảng trung chuyển và các lĩnh vực khác, đã được giải quyết 5/64 dự án.
Bên cạnh đó, trong số các dự án có nguồn gốc từ đất công đang cần rà soát pháp lý hoặc bị thanh tra, điều tra, kiểm tra, Thành phố đã tháo gỡ được 20/64 dự án.
Đối với 30 dự án còn lại, UBND Thành phố đã giao Tổ công tác 1435 phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện tiếp tục tham mưu xử lý. Trong số này, 14 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, và quận huyện, trong khi 16 dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP. Thủ Đức.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã báo cáo Tổ công tác 1435 của Chính phủ kết quả giải quyết 1 kiến nghị của công dân TP. Thủ Đức .
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản quý III, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, từ khi thành lập (tháng 5/2023) đến nay, Tổ công tác của TP.HCM đã triển khai 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc.
Trong đó, 8 dự án đã được giải quyết hoàn toàn, trong khi 22 dự án còn lại đang tiếp tục được các sở, ban, ngành và TP. Thủ Đức tham mưu xử lý theo quy định.
Cụ thể, 8 dự án được giải quyết pháp lý hoàn toàn gồm: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt (tên thương mại là The Metropole Thủ Thiêm) của Công ty CP Quốc Lộc Phát; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tân Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty CP Đầu tư Metro Star; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Công ty CP Gumaland...
Ba nhà máy khu đất vàng Nguyễn Trãi (Hà Nội) hoàn thành di dời
Bột giặt LIX, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long đã di dời nhà máy khỏi khu đất vàng ở Nguyễn Trãi, bàn giao mặt bằng cho dự án mới.
Nhà máy của Công ty Thuốc lá Thăng Long tại số 235 Nguyễn Trãi, Hà Nội |
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND Thành phố ký văn bản để báo cáo Thủ tướng với các nội dung vượt thẩm quyền của thành phố với dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B, 235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Yêu cầu trên để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hoá, chậm đưa đất vào sử dụng.
Theo dự thảo báo cáo, Dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi có diện tích khoảng 110.000 m2. Trước đây, khu đất này là trụ sở, kho, cơ sở sản xuất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty CP Xà phòng Hà Nội (Haso), Công ty CP Bột giặt LIX, Công ty Thuốc lá Thăng Long. Trong đó, khu đất 223 và 223B rộng hơn 44.727 m2, khu 235 Nguyễn Trãi rộng khoảng 65.300 m2.
Đến nay, với cơ sở số 223 Nguyễn Trãi, Bột giặt LIX đã thực hiện xong công tác di dời cơ sở sản xuất đến Khu công nghiệp Quế Võ II, tỉnh Bắc Ninh. Tương tự, Xà phòng Hà Nội cũng đã dời nhà máy trên khu đất 233B Nguyễn Trãi đến Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội.
Với khu đất của Thuốc lá Thăng Long, tháng 8 năm ngoái, Hà Nội cũng chốt thời hạn phải hoàn thành việc dời nhà máy trong vòng 5 năm. Hiện tại, công ty này cũng đã hoàn thành công tác chuyển sản xuất tới Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Như vậy, đến nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất đã được di dời khỏi khu đất vàng trên đường Nguyễn Trãi, bàn giao mặt bằng cho liên danh nhà đầu tư chuẩn bị thực hiện dự khu chức năng đô thị.
Khai trương depot tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Sáng 25/12, tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), Công ty CP Tân cảng Tây Ninh thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn vừa khai trương depot thuộc cảng cạn Tân cảng Mộc Bài.
Container hàng đầu tiên được thông qua depot Tân cảng Mộc Bài. |
Cảng cạn Tân cảng Mộc Bài nằm trong khu kinh tế cửa khẩu cảng Mộc Bài có tổng diện tích hơn 16 ha, do Công ty CP Tân cảng Tây Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 552 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư xây dựng gồm bãi container, kho CFS, kiểm soát, bãi đỗ và lưu xe,... với các trang thiết bị hiện đại gồm 3 cẩu RTG 6+1, 5 xe nâng hàng/rỗng, 50 xe đầu kéo, 50 rơ mooc…
Thời gian đầu, Tân cảng Tây Ninh sẽ có 2 ha được đưa vào khai thác thuộc depot Tân cảng Mộc Bài với các trang thiết bị được đầu tư mới, gồm: xe nâng rỗng thế hệ mới, hệ thống thông tin, liên lạc, mạng internet, wifi tốc độ cao phục vụ hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh tại ICD; hệ thống camera giám sát an ninh phục vụ hải quan và kiểm soát hàng hóa tại ICD.
Ngoài ra, Tân cảng Tây Ninh sử dụng phần mềm TTOTS của TCIS trong quản lý, điều hành với mục đích nâng cao hiệu quả, số hóa trong tiến trình phát triển kinh doanh các mảng dịch vụ khai thác cảng và logistics.
Hiện tại, hãng tàu SITC đã mở code cùng với một số line của SITC-TC, SNL, SJJ, NOS, ASL, TCL. Sau khi Depot vào hoạt động, Tân cảng Tây Ninh sẽ hợp tác với các hãng tàu để khai thác hiệu quả depot. Tân cảng Tây Ninh cũng sẽ nâng cấp, cải tạo đường kết nối dự án với zero point để phương tiện vận tải được lưu thông thuận lợi theo chiều từ Campuchia về Việt Nam.
Với vai trò là điểm thông quan tập trung, doanh nghiệp giờ đây có thể hoàn tất thủ tục hải quan tại Cảng cạn Tân cảng Mộc Bài, rút ngắn quy trình thông quan tại cửa khẩu và cảng biển, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia.
Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000 - 80.000 lao động trong năm 2025
Năm 2025, Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000 - 80.000 lao động, chủ yếu là các ngành sản xuất, kế toán, bảo trì, và vận hành máy móc.
Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000 - 80.000 lao động trong năm 2025 |
Ngày 25/12, tại Hội nghị giao ban báo chí về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến lao động và việc làm.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, vụ ngừng việc tập thể tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một) là một vấn đề gây bức xúc thời gian qua. Công ty này đã ngừng sản xuất từ tháng 10/2024 và nợ lương 858 người lao động với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng từ tháng 6 - 9/2024. Đồng thời, doanh nghiệp còn chậm đóng kinh phí công đoàn hơn 5,6 tỷ đồng từ năm 2018 và nợ bảo hiểm xã hội hơn 25 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2024.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 3 hành vi của Công ty Hoàng Sinh. Đó là trả lương không đúng hạn, chậm đóng kinh phí công đoàn và chậm đóng bảo hiểm xã hội. Tổng mức phạt hành chính lên đến 390 triệu đồng.
Năm 2025, Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000 - 80.000 lao động, chủ yếu là các ngành sản xuất, kế toán, bảo trì, và vận hành máy móc. Nhu cầu lao động sẽ tăng cao sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến quý II năm 2025, trong đó lao động phổ thông và có tay nghề chiếm 75%.
Năm 2024, Bình Dương ghi nhận hơn 83.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 78.470 người đã được giải quyết chế độ với tổng số tiền chi trả hơn 1.977 tỷ đồng. Số lao động được hỗ trợ học nghề tăng mạnh, đạt 5.285 người, tăng 55,95% so với năm 2023.
Năm 2024, thị trường lao động Bình Dương có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Các ngành như dệt may, gỗ, da giày, vốn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng trong năm trước, đã ký kết thêm nhiều hợp đồng mới, đẩy mạnh sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số doanh nghiệp tăng 151% so với năm 2023, với nhu cầu tuyển dụng gần 80.000 lao động, tăng 75%.
Đề xuất lập khu thương mại tự do Trần Đề (Sóc Trăng)
Đơn vị tư vấn đề xuất thành lập khu thương mại tự do để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào cảng biển Trần Đề.
Phối cảnh cảng biển Trần Đề trong tương lai |
Nội dung được đề cập tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Sóc Trăng và đơn vị tư vấn về dự thảo nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề, ngày 25/12. Khu này rộng khoảng 40.000 ha, có ranh giới địa lý xác định trong phạm vi khu kinh tế ven biển Trần Đề.
Đơn vị tư vấn cho biết, các trung tâm trung chuyển quốc tế lớn, tầm cỡ trên thế giới đều gắn liền với các khu thương mại tự do (FTZ). Những ngành hàng, doanh nghiệp có khối lượng xuất nhập khẩu thường xuyên và lớn, tốc độ luân chuyển nhanh là nhóm lợi lớn nhất từ FTZ.
Mô hình FTZ sẽ hỗ trợ tối đa cho phát triển dịch vụ cảng biển, giúp hình thành hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp khi tham gia mô hình này không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; tạo bàn đạp để tiếp cận thị trường và kết nối với các doanh nghiệp.
Khu FTZ dự kiến sẽ có các hạng mục chính như: khu vực cảng; logistics - hậu cần sau cảng; sản xuất chế tạo; công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính; dịch vụ lưu trú, thương mại, văn phòng;...
Theo quy hoạch, cảng Trần Đề sẽ thành một trong 6 cảng biển đặc biệt của Việt Nam, phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo.
Thời gian qua, Chính phủ và UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng cảng Trần Đề như: khởi công dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để kết nối với bến cảng, hội thảo về đầu tư bến cảng.
Quy hoạch cảng Trần Đề - Sóc Trăng được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021. Công trình quy mô khoảng 5.400 ha, tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành cảng là gần 154.000 tỷ đồng. Công trình khi hoàn thành có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn mỗi năm.