Bản tin thời sự sáng 26/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công an phê duyệt hơn 17 triệu tài khoản định danh điện tử; Bình Thuận gia hạn lần cuối với 43 dự án vi phạm; hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông bị xử lý trong năm 2022; thưởng Tết Quý Mão 2023 ở Thừa Thiên Huế cao nhất 180 triệu đồng…

Bộ Công an phê duyệt hơn 17 triệu tài khoản định danh điện tử

Tính đến ngày 22/12, hệ thống định danh và xác thực điện tử thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký. Qua đó, Bộ Công an phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử.

Ứng dụng VNeiD tích hợp thẻ BHYT dùng để khám chữa bệnh.

Ứng dụng VNeiD tích hợp thẻ BHYT dùng để khám chữa bệnh.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, sau một năm thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, hoàn thành 8/28 dịch vụ công.

Nhiều dịch vụ có tỷ lệ người tham gia cao, như xác nhận chứng minh nhân dân (tỷ lệ 100%), thông báo lưu trú (hơn 98%), đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến (trên 93%), cấp hộ chiếu (62%)... Riêng ngành công an cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công an đánh giá về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chip, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh các nền tảng này đã cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo.

Đối với ứng dụng căn cước gắn chip điện tử tích hợp bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở trên toàn quốc, giúp tiết kiệm tiền in thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 24,7 tỷ đồng so với năm 2021.

Ngày 18/7, Bộ Công an công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử chính thức hoạt động. Đến ngày 22/12, hệ thống này đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký. Qua đó, Bộ Công an phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Trong công tác cấp căn cước công dân gắn chip, hiện cơ quan chức năng đã cấp trên 76,5 triệu thẻ. Cùng với tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước mang đến hàng loạt tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ hành chính.

Bình Thuận gia hạn lần cuối với 43 dự án vi phạm

UBND tỉnh Bình Thuận xem xét gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Dự án Khu liên hợp hồ điều hoà, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long - Phan Thiết bị thu hồi do chậm triển khai.

Dự án Khu liên hợp hồ điều hoà, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long - Phan Thiết bị thu hồi do chậm triển khai.

Liên quan 43 dự án vi phạm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Thuận đã có công văn báo cáo UBND tỉnh này xem xét, cho chủ trương gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đây là lần gia hạn cuối cùng, sau khi hết thời gian gia hạn nếu các dự án vẫn không đưa đất vào sử dụng, Sở TN&MT tổng hợp tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định.

Sở TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai đưa dự án vào hoạt động; tham mưu cho UBND Tỉnh xử lý việc điều chỉnh, chấm dứt dự án đầu tư, gia hạn sử dụng đất, thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có kết luận kiểm tra về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo kết luận, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Bình Thuận còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Qua kiểm tra, 43 dự án trên đều nằm trên địa bàn ven biển của TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và 3 huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong. Bên cạnh việc chậm triển khai, các dự án này còn có nhiều sai phạm như: chuyển mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định; xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất… Tổng diện tích đất của 43 dự án trên là gần 645 ha.

Hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông bị xử lý trong năm 2022

Tổng số tiền phạt xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông (ATGT) trong năm 2022 là hơn 4.124 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021).

Lực lượng CSGT trên khắp cả nước xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT trong năm 2022.

Lực lượng CSGT trên khắp cả nước xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT trong năm 2022.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an cho biết, trong năm 2022, lực lượng CSGT trên cả nước đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền lên đến hơn 4.124 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm 2022, Cục CSGT đã triển khai đồng bộ việc xử lý vi phạm giao thông, đối với lĩnh vực đường bộ là tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, xử lý chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn...

Đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, lực lượng CSGT tăng cường xử lý phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí không dừng và dừng, đỗ không đúng quy định, các phương tiện vi phạm liên quan đến biển số, không lắp đặt camera giám sát hành trình…

Số liệu từ Cục CSGT cho thấy, trong tổng số 2.865.684 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, vi phạm lĩnh vực đường bộ chiếm 2.802.454 trường hợp, phạt tiền 4.033 tỷ đồng đồng.

Trong đó, có 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.818 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; 62.643 trường hợp chở hàng quá tải, 7.989 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện, 69.410 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường, 359.473 trường hợp chạy quá tốc độ quy định...

Thưởng Tết Quý Mão 2023 ở Thừa Thiên Huế cao nhất 180 triệu đồng

Mức thưởng Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên - Huế cao nhất là 180 triệu đồng/người, thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Mức thưởng Tết cao nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 180 triệu đồng

Mức thưởng Tết cao nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 180 triệu đồng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận được 111 báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Qua báo cáo, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch năm 2023 tại Thừa Thiên - Huế bình quân là 930.000 đồng. Riêng mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 6,56 triệu đồng.

Dự kiến thưởng Tết Dương lịch, mức thưởng cao nhất thuộc về nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với 60 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người thuộc nhóm doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão cao nhất và thấp nhất đều thuộc về nhóm doanh nghiệp dân doanh. Theo đó, mức thưởng cao nhất 180 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Khánh Hòa xây dựng đề án để đạt tiêu chí Đô thị loại 1 vào năm 2028

Trước mắt Khánh Hòa sẽ ưu tiên phát triển đô thị tại các huyện có điều kiện thuận lợi là cơ sở để đến năm 2028 đạt tiêu chí Đô thị loại 1.

Huyện Vạn Ninh được hướng đến xây dựng trở thành thị xã.

Huyện Vạn Ninh được hướng đến xây dựng trở thành thị xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Đề án xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại 1.

Theo đó, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành Đề án, tham mưu UBND Tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng, Tỉnh ủy xem xét trong quý I/2023.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đồng ý với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND Tỉnh, về việc thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án trên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 9 huyện, thị xã, thành phố. Thành phố Nha Trang là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Theo nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. UBND Tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai chương trình hành động này.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước mắt Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển đô thị tại các huyện có điều kiện thuận lợi như Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh là cơ sở để đến năm 2028, Tỉnh đạt tiêu chí Đô thị loại 1.

Để trở thành đô thị loại 1 - thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa phải có thêm 2 thị xã, 1 quận, các tiêu chí khác đã đảm bảo. Tỉnh ủy thống nhất cho phép thuê tư vấn tính toán xem đô thị Cam Lâm trở thành quận hay thành phố. Diên Khánh và Vạn Ninh phải trở thành thị xã, như vậy đến năm 2028 mới đáp ứng được tiêu chí.

Mở tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến Cảng Chân Mây

Sáng 25/12, Công ty CP Cảng Chân Mây phối hợp Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tổ chức khai trương tuyến container tại Cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chuyến tàu container Hải An View, là chuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến Cảng Chân Mây

Chuyến tàu container Hải An View, là chuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến Cảng Chân Mây

Qua đó, đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến cảng. Dịp này, Cảng Chân Mây đón chuyến tàu container đầu tiên Hải An View với sức chứa 1.577 TEU, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container Hải Phòng - Chân Mây - Hồ Chí Minh, định tuyến 2 chuyến/tuần của hãng tàu Hải An.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Chân Mây Dương Bá Hoà cho biết, Cảng Chân Mây đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.

Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong những cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

Các ngành nghề kinh doanh được khai thác chủ yếu ở đây bao gồm dịch vụ cầu bến; khai thác, xếp dỡ hàng tổng hợp, khai thác hàng container; tàu khách du lịch; dịch vụ kho bãi; vận tải thuỷ bộ; đại lý hàng hải; dịch vụ logistics… Mục tiêu phát triển thời gian tới là đón tàu container, tàu hàng có trọng tải đến 70.000DWT; đồng thời xây dựng khu chuyển tải 200.000DWT, du DEPOT, kho ngoại quan, kho chuyên sử dụng cho việc nhập hàng lẻ xuất nhập khẩu (CFS).

Chứng khoán APEC bị xử phạt vì ‘mua chui’ cổ phiếu API

Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã APS) bị xử phạt hành chính 250 triệu đồng và bị buộc phải bán ra số cổ phiếu đã mua.

Chứng khoán APEC bị xử phạt hành chính 250 triệu đồng

Chứng khoán APEC bị xử phạt hành chính 250 triệu đồng

Theo quyết định mới công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), APS bị phạt tiền 250 triệu đồng và các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, từ ngày 22/9/2021 đến ngày 15/10/2021, Chứng khoán APEC đã thực hiện giao dịch mua 4,5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan (ông Nguyễn Đỗ Lăng, Ủy viên HĐQT API, đồng thời là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của APS) tăng từ 7,9 triệu cổ phiếu API lên gần 12,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 22,59% lên 35,31% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Với giao dịch trên, Công ty không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.

Chứng khoán APEC và Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương đều thuộc hệ sinh thái “họ APEC”, cùng với Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Asanzo bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế

Do nợ hơn 47 tỷ đồng tiền thuế, Công ty CP Tập đoàn Asanzo vừa bị cơ quan hải quan cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.

Asanzo là thương hiệu Việt Nam cung cấp các mặt hàng điện tử, điện lạnh,...

Asanzo là thương hiệu Việt Nam cung cấp các mặt hàng điện tử, điện lạnh,...

Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM vừa ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Quận 11, TP.HCM).

Do Asanzo có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền bị cưỡng chế trên 47 tỷ đồng. Quyết định trên có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 19/12. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Cùng thời điểm, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cũng ban hành nhiều quyết định cưỡng chế đối với loạt doanh nghiệp nợ tiền thuế.

Chuyên đề