Bản tin thời sự sáng 26/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh; sàn thương mại điện tử có thể xuất hoá đơn thay người bán; đề xuất TP.HCM đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà xã hội; Đồng Nai bàn giao 29,7 km xây hàng rào khép kín sân bay Long Thành…

Đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế.

Nhân viên chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội kiểm đếm ngân quỹ

Nhân viên chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội kiểm đếm ngân quỹ

Tại tờ trình Chính phủ liên quan việc xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.

Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Bộ Tài chính trong tờ trình lần này cũng kiến nghị nghiên cứu các khoản giảm trừ đặc thù khác. Đây là các khoản không tính thuế mà người nộp được hưởng khi đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Ví dụ, một số nước áp dụng cho chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế hoặc lãi tiền vay mua nhà trả góp.

Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả và mức sống dân cư. Song, mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập.

"Điều này vô hình chung sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại chính sách thuế với người có thu nhập cao như giai đoạn trước đây", Bộ Tài chính lưu ý.

Sàn thương mại điện tử có thể xuất hoá đơn thay người bán

Thủ tướng giao Bộ Tài chính sửa Nghị định để người bán có thể ủy nhiệm cho các sàn bán lẻ online lập hóa đơn điện tử giao tới người mua.

Một góc giao diện bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử

Một góc giao diện bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử

Tại công điện ngày 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng giới thiệu, giao sản phẩm đến người tiêu dùng. Song sự phát triển nhanh chóng của hoạt động này khiến cơ quan quản lý gặp thách thức trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thuế...

Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, Thủ tướng lưu ý quy định người bán có thể ủy nhiệm cho các sàn lập hóa đơn điện tử giao cho người mua. Cùng đó, các bộ, ngành có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp này.

Trước đó, đề xuất người bán uỷ quyền cho sàn thương mại điện tử xuất hoá đơn thay cũng từng được Tổng cục Thuế đưa ra trong dự thảo sửa Nghị định 123. Theo nhà chức trách, quy định này sẽ giúp tất cả giao dịch mua bán online dù lớn hay nhỏ đều sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ. Việc này cũng hỗ trợ quản lý thuế, doanh thu và tính hợp pháp của giao dịch, giúp người bán chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.

Theo quy định, người bán hàng sẽ phải xuất hoá đơn điện tử cho người mua. Nhưng thực tế hiện chỉ có một số gian hàng chính hãng của các thương hiệu trong và ngoài nước trên các sàn xuất hoá đơn cho khách. Còn lại những người bán nhỏ hầu như chưa thực hiện. Việc này tiềm ẩn nguy cơ thất thoát về thuế cho ngân sách nhà nước.

Yêu cầu ngành tài chính quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử từng được Thủ tướng đưa ra tại hội nghị đầu tháng 6. Thời điểm đó, Thủ tướng giao các địa phương phải bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử đến người tiêu dùng. Với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.

Hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong những năm qua. Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Đề xuất TP.HCM đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà xã hội

TP.HCM sẽ sử dụng ngân sách, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài cho các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, theo đề xuất từ Sở Xây dựng.

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân

Thông tin trên được nêu trong đề xuất của Sở Xây dựng vừa trình UBND TP.HCM, xin chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn.

Dự thảo cũng đề xuất miễn các loại phí, lệ phí liên quan như phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy phép xây dựng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng, Luật Nhà ở 2023 quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công sẽ được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.

Vì vậy, việc TP.HCM dùng vốn ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án nhà ở xã hội, đảm bảo sự kết nối đồng bộ với hạ tầng khu vực là phù hợp quy định Luật và nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội trên địa bàn. Đây cũng là giải pháp quan trọng trực tiếp giảm gánh nặng tài chính, đẩy nhanh tiến độ dự án, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển nhiều hơn loại hình này.

Dự kiến nội dung này sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề sau kỳ họp của HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

TP.HCM hiện là địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội cao của cả nước, với số lượng lớn lao động nhập cư và người thu nhập thấp. Báo cáo của Sở Xây dựng, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 26.200 căn, Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn với 37 dự án. Đến năm 2030 là đầu tư xây dựng 69.700 - 93.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Thành phố mới đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ.

Đồng Nai bàn giao 29,7 km xây hàng rào khép kín sân bay Long Thành

Đồng Nai đã bàn giao 29,7 km cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để xây dựng hệ thống hàng rào ranh giới khép kín sân bay Long Thành.

Hàng rào ranh giới sân bay Long Thành

Hàng rào ranh giới sân bay Long Thành

Ngày 25/11, theo thông tin từ UBND huyện Long Thành, đối với phần diện tích xây dựng hệ thống hàng rào ranh giới khép kín toàn bộ diện tích 5.000 ha của dự án sân bay Long Thành, đến nay địa phương đã bàn giao tạm cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) diện tích 194,9 ha - tương đương với chiều dài 29,7 km trên tổng chiều dài 29,8 km, đạt tỷ lệ 99,7%. Phần diện tích còn lại, huyện Long Thành tiếp tục rà soát bàn giao cho ACV khoảng 0,1 km.

ACV cũng cho biết đã tổ chức khởi công hạng mục tường rào sân bay Long Thành (Gói thầu 2.10) vào ngày 25/10/2024, thời gian thực hiện là 360 ngày để hoàn thành ngày 25/10/2025.

UBND tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị sớm hoàn thành việc xây dựng hàng rào bảo vệ cho toàn bộ diện tích 5.000 ha thuộc Dự án sân bay Long Thành nhằm ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm sau khi đã giải phóng mặt bằng đất sạch.

Dự án sân bay Long Thành có tổng diện tích thu hồi gần 5.000 ha. Trong đó, khoảng 2.910 ha là đất của 5.541 hộ gia đình, cá nhân (tương đương 7.211 trường hợp), đến nay UBND huyện Long Thành đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đạt 100%.

Về bàn giao mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã phối hợp bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho ACV Nam thực hiện Dự án được 2.532 ha đạt 100%.

Về Dự án 2 tuyến đường giao thông kết nối T1 và T2, đến nay cũng cơ bản bàn giao xong mặt bằng.

Đối với tuyến T1 quy mô 66,45 ha (chiều dài khoảng 3,86 km), trong đó có 60,56 ha/321 trường hợp đất hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 321 trường hợp đạt 100%, bàn giao mặt bằng cho ACV 66,45 ha đạt tỷ lệ 100%.

Đối với tuyến T2 quy mô 59,68 ha (với chiều dài khoảng 3,5 km), trong đó có 50,42 ha/451 trường hợp đất tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 451 trường hợp đạt 100%, bàn giao mặt bằng cho ACV 59,68 ha đạt 100%.

Cà Mau xây cầu bắc qua sông Gành Hào

Dự án cầu Nguyễn Đình Chiểu bắc qua sông Gành Hào tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng giúp người dân thuận lợi đi tới bệnh viện lớn nhất tỉnh Cà Mau.

Hướng tuyến của cầu mới bắc qua sông Gành Hào

Hướng tuyến của cầu mới bắc qua sông Gành Hào

Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Cà Mau trình HĐND Tỉnh, Dự án có điểm đầu là Quốc lộ 1 (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Cà Mau), điểm cuối là đường Cà Mau - Đầm Dơi (tuyến 3 Tháng 2 nối dài), tổng chiều dài gần 2,5 km.

Dự án bao gồm phần cầu rộng 18 m; phần đường gồm nâng cấp và xây mới tuyến Nguyễn Đình Chiểu, xây mới đoạn từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Cà Mau - Đầm Dơi... Công trình do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2024 - 2027.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự án cầu nhằm tăng cường kết nối giao thông từ trung tâm TP. Cà Mau với khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, giảm áp lực giao thông qua cầu Huỳnh Thúc Kháng và cầu Gành Hào.

Sông Gành Hào dài hơn 50 km, đi qua địa phận TP. Cà Mau. Khi chảy về hướng đông, sông là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoài 3 cầu nói trên, sông còn có dự án cầu hơn 655 tỷ đồng nối huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với huyện Đông Hải (Bạc Liêu).

Kỷ luật xóa tư cách nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Quyết định thi hành kỉ luật đối với ông Phan Đoàn Thái - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận - nơi ông Phan Đoàn Thái từng làm giám đốc và bị xử lý kỷ luật

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận - nơi ông Phan Đoàn Thái từng làm giám đốc và bị xử lý kỷ luật

UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đối với ông Phan Đoàn Thái, do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ khi Quyết định số 1504-QĐNS/TW ngày 27/8/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có hiệu lực.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Thuận có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định về đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với các gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC) trúng thầu trên địa bàn Tỉnh.

Đoàn thanh tra đã thanh tra đối với 11 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Tỉnh.

Đối với 3 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận (thực hiện trong năm 2016 và 2017): 3 gói thầu có giá thiết bị cung cấp cho các chủ đầu tư chênh lệch quá cao so với giá mua đầu vào của Công ty AIC.

Đồng thời, các thiết bị này đã được Công ty AIC mua trước khi trúng thầu và ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo. Công ty AIC cung cấp thiết bị không đúng theo hợp đồng về model, thông số kỹ thuật, xuất xứ nhưng Sở đã ký Biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Do đó, có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận họp xem xét, quyết định xử lý kỷ luật đối với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật ông Phan Đoàn Thái, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Truy tố Giám đốc công ty Thành An Hà Nội Nguyễn Đăng Thuyết và các đồng phạm

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố tổng cộng 38 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 743 tỷ đồng.

Nguyễn Đăng Thuyết cùng vợ là Nguyễn Nhật Linh

Nguyễn Đăng Thuyết cùng vợ là Nguyễn Nhật Linh

Ngày 25/11, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, đang bỏ trốn) và 37 bị can khác liên quan đến vụ mua bán hóa đơn, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan.

Theo đó, 6 người bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Đăng Thuyết, Nguyễn Thị Hòa (giám sát kế toán, đang bỏ trốn), Bùi Thị Mai Hương (kế toán trưởng Công ty Thiết bị y tế Danh), Nguyễn Nhật Linh (vợ bị can Thuyết)... 32 người còn lại bị truy tố về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Cáo trạng xác định, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh và Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi đã sử dụng 19.167 số hóa đơn khống để kê khai khấu trừ thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào dẫn đến làm giảm tiền thuế GTGT phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 62 tỷ đồng.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, cáo trạng xác định 3 doanh nghiệp nói trên dùng hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo), được mua từ các công ty và của các hộ kinh doanh để hạch toán kế toán khi làm báo cáo tài chính, hạch toán chi phí xác định số thuế phải nộp, gây thiệt hại hơn 680 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, tổng số tiền ngân sách nhà nước bị thiệt hại trong vụ án là 743 tỷ đồng (thuế GTGT là 62 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 680 tỷ đồng).

Giám đốc Thành An Hà Nội - Nguyễn Đăng Thuyết được xác định là chủ sở hữu và trực tiếp điều hành Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh và Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi. Bị can này đã trực tiếp chỉ đạo 3 công ty lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính theo dõi trên phần mềm FAST với mục đích trốn thuế.

Chuyên đề