Quận trung tâm TP.HCM mở rộng cho thuê vỉa hè 52 tuyến đường
Quận 1 (TP.HCM) mở rộng thí điểm cho thuê vỉa hè trên 52 tuyến đường, sử dụng công nghệ quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Đường Hải Triều (Quận 1, TP.HCM) - một trong những tuyến cho sử dụng vỉa hè có thu phí |
Sáng 25/10, UBND Quận 1 tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm và triển khai mở rộng cho thuê vỉa hè để kinh doanh dịch vụ tại 52 tuyến đường đủ điều kiện trên địa bàn Quận.
Tháng 5/2024, Quận 1 đã triển khai thí điểm việc cho thuê vỉa hè tại 11 tuyến đường: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (các phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh) và Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Các tuyến đường này đều đã được đánh giá đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và không ảnh hưởng đến giao thông.
Qua hơn 5 tháng thí điểm, Quận 1 đã ghi nhận 374 trường hợp đăng ký sử dụng vỉa hè để kinh doanh, trong đó phường Bến Thành có số lượng đăng ký cao nhất với 179 trường hợp. Tổng số phí thu được từ việc sử dụng tạm thời vỉa hè đạt hơn 810 triệu đồng.
UBND Quận 1 đánh giá, việc thí điểm thu phí vỉa hè đã góp phần cải thiện trật tự đô thị, tạo cảnh quan gọn gàng hơn và đảm bảo lối đi an toàn, thông thoáng cho người đi bộ mà không ảnh hưởng đến giao thông chung.
Tiếp nối thành công từ đợt thí điểm, UBND Quận 1 sẽ mở rộng thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh trên 52 tuyến đường trong thời gian tới. Phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố Quận 1” đã được nâng cấp và bổ sung thêm 4 nút chức năng để người dân dễ dàng sử dụng như: nút gia hạn đăng ký sử dụng hè phố, nút đánh giá sự hài lòng, nút dành cho cán bộ quản lý,...
Ngoài Quận 1, các Quận 3, 10, 12 và Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã triển khai thu phí sử dụng vỉa hè cho nhiều mục đích khác nhau.
Đã có 14,6 triệu công dân tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, 100% cơ sở y tế và 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử; sau năm 2025, mỗi người dân đều sở hữu Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Người dân đăng ký sử dụng ứng dụng VNeID |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.
Theo thông báo kết luận, 32,1 triệu Sổ sức khỏe cho người dân đã được tạo lập, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID.
Trong hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, đã tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương.
Bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao; ứng dụng VNeID có lúc vận hành chưa ổn định; các hệ thống vận hành chưa được thông suốt, còn nhiều bất cập giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, ứng dụng VNeID và các phần mềm nghiệp vụ; việc phát triển các tiện ích trên nền tảng VNeID còn chậm; việc phổ cập vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là là vùng sâu, vùng xa...
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 100% cơ sở y tế và 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám chữa bệnh có bệnh án điện tử.
Hơn 4.400 căn hộ của Vinhomes ở Đông Anh (Hà Nội) đủ điều kiện mở bán
Sở Xây dựng Hà Nội vừa phê duyệt 12.600 căn hộ đủ điện kiện mở bán, tăng 6,8% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, Dự án Vinhomes ở Đông Anh chiếm khoảng 35% với trên 4.400 căn.
Phối cảnh Dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh, Hà Nội |
Sở Xây dựng Hà Nội mới cập nhật danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn tính đến cuối tháng 10. Theo đó, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô sắp có thêm hơn 12.611 căn hộ tại 14 dự án. Trong số này có hơn 7.620 căn chung cư, 4.950 nhà thấp tầng và 35 căn thương mại dịch vụ.
Dự án có nhiều nhà nhất được phép mở bán đợt này là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh (tên thương mại Vinhomes Global Gate), với hơn 4.400 căn thấp tầng. Dự án do Công ty CP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF) - công ty con của Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Vinhomes Global Gate có quy mô hơn 261 ha, tổng vốn đầu tư gần 34.880 tỷ đồng.
Tiếp đó là 4 dự án chung cư đều thuộc đại đô thị Vinhomes Smart City, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm với hơn 6.450 căn. Các dự án này do các doanh nghiệp gồm Công ty Ánh Sao, Bất động sản TCO và Đầu tư xây dựng Thái Sơn làm chủ đầu tư. Đây là những tòa chung cư cuối cùng được xây dựng tại đại dự án ở phía Tây Hà Nội này.
Trong đợt này, Hà Nội cũng phê duyệt một dự án nhà ở xã hội được mở bán với 214 căn hộ, thuộc tòa CT-05, CT-06 (Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh).
Nguồn cung nhà ở trên thị trường bất động sản Hà Nội 2 năm trước sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng nhà ở mới tại Thủ đô đang tăng trở lại trong năm nay. Với chung cư, chỉ sau 9 tháng, Hà Nội có khoảng 19.000 căn hộ mới, vượt nguồn cung 2 năm liền kề.
Dự kiến đến năm 2026, Thành phố sẽ có thêm hơn 45.000 căn hộ. Tuy nhiên, nguồn cung nhà giá rẻ có thể vẫn thiếu hụt khi các chủ đầu tư chủ yếu đưa ra thị trường sản phẩm hạng sang, cao cấp.
Sẽ thu hồi, chấm dứt Dự án Đà Lạt Plaza có vốn đầu tư 267 tỷ đồng
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chủ đầu tư Dự án Đà Lạt Plaza 2 lần được gia hạn tiến độ nhưng đến nay vẫn chậm đưa đất vào sử dụng.
Một góc khu đất thuộc Dự án Đà Lạt Plaza |
Ngày 25/10, UBND tỉnh Lâm Đồng ra thông báo về việc thu hồi 3.377 m2 đất mà tỉnh này đã giao cho Công ty CP Du lịch Delta (Công ty Delta) thực hiện Dự án Khu liên hợp Khách sạn và Trung tâm thương mại Đà Lạt Plaza.
Khu đất này nằm trên đường Phan Như Thạch, Phường 1, TP. Đà Lạt. UBND tỉnh Lâm Đồng xác định Công ty Delta đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất vào năm 2019, 2021 nhưng đến nay vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận thông báo, Công ty Delta có trách nhiệm tổ chức xử lý tài sản trên đất. Hết thời hạn, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định.
Công ty Delta được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất vào năm 2007 để đầu tư xây dựng Dự án Đà Lạt Plaza. Các hạng mục công trình của Dự án bao gồm: hệ thống đường giao thông nội bộ; bãi xe; hệ thống cấp, thoát nước; khối nhà dịch vụ có kiến trúc lên đến 14 tầng. Tổng vốn đầu tư Dự án Đà Lạt Plaza khoảng 267 tỷ đồng.
Với lý do chậm đưa đất vào sử dụng, ngày 3/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có tờ trình gửi UBND tỉnh này đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao cho Công ty Delta thực hiện Dự án Đà Lạt Plaza.
Ngày 17/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan liên quan tạm dừng xem xét thu hồi đất, chấm dứt hoạt động Dự án Đà Lạt Plaza.
SCB cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Dự án Đà Lạt Plaza mà UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho Công ty Delta vào năm 2007 đang là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty CP Đầu tư Oak Hill tại SCB. Nợ gốc của khoản vay này tính đến ngày 30/4/2024 là 734 tỷ đồng.
Do vậy, việc UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi đất, chấm dứt Dự án Đà Lạt Plaza khiến khoản vay với dư nợ nêu trên không còn tài sản đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của SCB.
Lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Luân II
Ngày 25/10, lô hàng 23,5 tấn quả dừa tươi của một doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu cầu Bắc Luân 2, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Lô hàng 23,5 tấn quả dừa tươi của một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 |
Lô hàng khoảng 22.000 quả dừa tươi (tổng trọng lượng 23,5 tấn) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hải Ninh (Móng Cái, Quảng Ninh) nhận ủy thác xuất khẩu cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mêkông (Bến Tre).
Dừa tươi là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và sản phẩm này cũng đang được phía Trung Quốc quan tâm. Sau lô hàng xuất khẩu đầu tiên, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc qua cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 với số lượng dự kiến trong thời gian tới lên đến hơn 10 container/ngày.
Từ đầu năm đến ngày 20/10, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 12% so cùng kỳ năm 2023.
Khung giá quản lý chung cư TP.HCM cao nhất 7.000 đồng một m2
Khung giá thu phí dịch vụ quản lý chung cư TP.HCM tối thiểu là 600 đồng một m2, tối đa 7.000 đồng, tăng 10 - 15% so với mức phí cũ.
Khu Đông TP.HCM có nhiều dự án chung cư |
Khung giá này vừa được UBND TP.HCM ban hành, áp dụng cho nhà chung cư thuộc tài sản công trên địa bàn Thành phố (theo quy định tại Điều 151 Luật Nhà ở năm 2023).
Ngoài ra, khung giá dịch vụ này sẽ làm cơ sở để các chung cư thương mại tham khảo khi đưa ra bảng giá dịch vụ quản lý, cũng như giải quyết các tranh chấp liên quan đến mức thu phí dịch vụ chung cư giữa ban quản lý và người mua.
Khung giá này không áp dụng với các trường hợp nhà chung cư cũ chưa được cải tạo, xây dựng lại; nhà tập thể hay các chung cư đã có thỏa thuận về giá quản lý trong hợp đồng mua bán, thuê.
Theo đó, khung giá dịch vụ quản lý chung cư vẫn được chia làm 2 loại có thang máy và không có thang máy.
Với chung cư không có thang máy, mức thu phí dịch vụ tối thiểu cho một tháng thuê là 600 đồng mỗi m2, tối đa 3.500 đồng, tính theo diện tích sử dụng. Với chung cư có thang máy, mức thu tối thiểu là 1.800 đồng, tối đa là 7.000 đồng mỗi m2. Mức giá trong khung quy định của Thành phố chưa có các dịch vụ gia tăng (tắm hơi, bể bơi, Internet, sân tennis, truyền hình cáp hoặc các dịch vụ gia tăng khác), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các phí dịch vụ riêng của người sử dụng nhà.
Trước khi áp dụng khung giá mới, TP.HCM quy định mức phí quản lý nhà chung cư theo Quyết định số 11/2018. Theo đó, phí dịch vụ với nhà không có thang máy tối thiểu 500 đồng và mức trần là 3.000 đồng mỗi m2 một tháng. Với chung cư có thang máy, mức giá quản lý căn hộ tối thiểu 1.500 đồng và tối đa 6.000 đồng mỗi m2 một tháng.
Như vậy, khung giá mới này tăng khoảng 10 - 15% so với quy định cũ.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Việt Cường bị bắt
Ông Phạm Việt Cường, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng, bị bắt với cáo buộc "Nhận hối lộ".
Ông Phạm Việt Cường khi nhận nhiệm vụ vào tháng 4/2023 |
Quyết định khởi tố, tạm giam về tội Nhận hối lộ với ông Cường, 50 tuổi, được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực thi 5 ngày trước.
Việc bắt ông Cường được tiến hành khi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mở rộng điều tra vụ án Môi giới hối lộ xảy ra tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng. Hai người đầu tiên bị khởi tố vào tháng 8 là Trưởng và Phó phòng Giám đốc kiểm tra về dân sự, lao động - kinh doanh thương mại.
Ông Cường là thẩm phán cao cấp, làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng vào tháng 4/2023, sau khi rời vị trí Chánh tòa Tòa Hình sự.
Tạm giữ hình sự nguyên Tổng giám đốc Công ty Bách Đạt An
Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ hình sự bà Hoàng Thị Kim Châu, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Bách Đạt An để làm rõ nội dung liên quan việc sử dụng trái phép số tiền công ty này huy động của người dân.
Một trong 3 dự án do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư |
Chiều 25/10, Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ hình sự đối với bà Hoàng Thị Kim Châu, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Bách Đạt An.
Theo đó, bà Châu bị tạm giữ hình sự trong trường hợp khẩn cấp để làm rõ nội dung liên quan đến việc sử dụng trái phép số tiền Công ty CP Bách Đạt An huy động của người dân. Qua thống kê ban đầu, số tiền bà Châu huy động khoảng 5 tỷ đồng.
Hiện tại, bà Châu đã rút vốn ra khỏi Công ty CP Bách Đạt An. Vụ việc đang được Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm rõ.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã có quyết định cấm xuất cảnh đối với bà Châu để phục vụ công tác điều tra.
Bà Châu là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).
Tháng 5/2017, bà Châu thành lập Công ty CP Bách Đạt An (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do bà Châu làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Tháng 7/2017, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho phép chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư của 14 dự án từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt sang Công ty CP Bách Đạt An.
Tại thời điểm chuyển giao, 3 dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa bảo đảm điều kiện chuyển nhượng dự án theo quy định.
Sóng đánh tàu hàng gần 4.600 tấn dạt vào bãi đá
Trong lúc neo đậu tại cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), tàu hàng Tuấn Minh 26 bị sóng lớn do bão Trami đánh, trôi dạt hơn 1 km, mắc vào bãi đá.
Tàu Tuấn Minh bị nghiêng sau tai nạn |
Tàu Tuấn Minh 26 đang đậu tại khu vực cảng ở huyện Bình Sơn để bốc dỡ đá vôi thì bị sóng lớn đánh đứt neo, hư máy chính, trôi dạt vào bãi đá gần Nhà máy Đóng tàu Dung Quất.
Sau khi sự cố xảy ra, thuyền trưởng Trần Văn Tuân báo tình hình và cùng với cơ quan chức năng lên phương án khắc phục. Hiện tàu chờ nước lên để được các tàu lai dắt khỏi khu vực mắc cạn. Lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai các phương tiện ứng cứu, đảm bảo an toàn cho 9 thuyền viên.
Tàu gặp sự cố thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vận tải Tuấn Minh, đi từ Thanh Hóa đến Dung Quất vào ngày 16/10 để bốc dỡ hàng đá vôi.