Bản tin thời sự sáng 26/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD tự do lên sát 25.400 đồng; miền Trung có thể được chia thành hai tiểu vùng; mở bán hơn 176.000 vé tàu Tết; Hà Nội sẽ cắm xong mốc giới đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 15/11; sẽ thu hồi 240.000 m3 cát, sỏi khi nạo vét xóa sổ cồn nổi ở sông Tiền…

Giá USD tự do lên sát 25.400 đồng

Giá USD tự do chiều ngày 25/10 tăng thêm 100 đồng, lên 25.370 đồng, các ngân hàng cũng ngày thứ hai liên tiếp yết tỷ giá ở mức trần 24.888 đồng.

Giá USD tự do chiều ngày 25/10 tăng thêm 100 đồng, lên 25.370 đồng

Giá USD tự do chiều ngày 25/10 tăng thêm 100 đồng, lên 25.370 đồng

Ngày 25/10, các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội yết giá mua bán USD ở mức 25.170 - 25.370 đồng, tăng hơn 100 đồng so với ngày 24/10. Còn tại TP.HCM, sau văn bản yêu cầu tăng cường quản lý của Ngân hàng Nhà nước, các điểm thu đổi ngoại tệ đã từ chối báo giá qua điện thoại hoặc cho biết "tỷ giá yết theo ngân hàng".

Ngân hàng Nhà nước ngày 25/10 công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.703 đồng, tăng nhẹ 3 đồng so với ngày 24/10. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với mức sàn gần 22.718 đồng và giá trần hơn 24.888 đồng.

Các ngân hàng thương mại ngày thứ hai liên tiếp yết giá USD ở mức trần 24.888 đồng. Cụ thể, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng nhẹ 3 đồng lên 24.578 - 24.888 đồng. BIDV cũng tăng 3 đồng cả hai chiều lên 24.608 - 24.888 đồng. Giá USD tại Eximbank đi ngang ở mức 24.670 - 24.888 đồng.

Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 20% từ quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp, đồng thời hai lần tăng lãi suất điều hành chỉ trong vòng một tháng, đưa trần lãi suất huy động dưới 6 tháng quay về mức trước dịch, thậm chí tương đương với thời điểm 2014.

Miền Trung có thể được chia thành hai tiểu vùng

Chính phủ đề xuất giữ nguyên không gian phát triển đất nước theo 6 vùng kinh tế - xã hội, chia Trung du miền núi phía Bắc và miền Trung thành hai tiểu vùng.

Cao tốc đầu tiên ở miền Trung, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Cao tốc đầu tiên ở miền Trung, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ngày 25/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét.

Sáu vùng kinh tế - xã hội Chính phủ đề xuất giữ nguyên gồm: Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành).

Trung du và miền núi phía Bắc dự kiến chia thành hai tiểu vùng là Đông Bắc và Tây Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chia thành Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.

Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án phân cả nước thành 6 vùng được kế thừa qua nhiều giai đoạn, là cơ sở cho việc xây dựng chính sách phát triển, quy hoạch vùng 20 năm qua. Các địa phương trong mỗi vùng cơ bản có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư; có mối liên hệ khá chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, việc phân vùng như hiện nay còn có mặt chưa phù hợp, như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung quá dài. Phương án chia thành hai tiểu vùng nhằm khắc phục vấn đề trên.

Mở bán hơn 176.000 vé tàu Tết

Giá vé tàu tăng nhưng nhiều chuyến dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023 kín người đặt trong ngày đầu đường sắt mở bán.

Nhân viên bán vé tàu Tết cho khách tại ga Sài Gòn

Nhân viên bán vé tàu Tết cho khách tại ga Sài Gòn

8h ngày 25/10, ga Sài Gòn bắt đầu mở bán vé tàu Tết, song nhiều khách đã có mặt từ sớm. Tầng hai nhà ga được bố trí 9 quầy vé bán cho khách theo số thứ tự và thanh toán trực tiếp, trong khi các quầy ở tầng trệt chỉ bán cho khách đi trong ngày. Phần lớn khách mua vé trực tiếp không quen giao dịch online, muốn sớm chủ động có vé.

Trước khu vực bán vé Tết, bảng thông tin các đoàn tàu, thời gian đi, giá vé... được nhà ga chuẩn bị sẵn để khách dễ tìm kiếm. Nhân viên đường sắt túc trực hướng dẫn khách lấy số thứ tự, điền các thông tin liên quan, nên việc mua vé tàu của người dân diễn ra thuận lợi, dù một số người phải chờ lâu.

Thống kê của ngành đường sắt đến 10h cùng ngày, sau hai tiếng mở bán, tổng số chỗ trên các đoàn tàu này được khách đặt thành công hơn 31.500 chỗ, cho cả thời gian trước và sau Tết. Trong đó, hơn 10.200 vé đã thanh toán, chủ yếu chiều đi trước Tết. Mức này tăng hơn 10 lần năm ngoái, nhưng so với các năm trước dịch chỉ bằng khoảng 60 - 70%.

Đến trưa ngày 25/10, đường sắt đang ưu tiên bán cho các chặng dài ra Bắc. Các ngày cao điểm 24 - 28/12 âm lịch (15 - 19/1/2023), hầu hết chỗ mở bán về một số tỉnh thành miền Trung như Quảng Ngãi, Đà Nẵng... đã có người đặt.

Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tổng vé Tết năm nay hơn 176.000 vé, tương đương 356 chuyến tàu. So với Tết năm ngoái, số chỗ bán ra tăng khoảng 67.000 chỗ, nhưng giảm 118.000 vé so với Tết 2019.

Hà Nội sẽ cắm xong mốc giới đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 15/11

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự kiến trước ngày 15/11/2022, việc cắm mốc chỉ giới đỏ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành.

Hà Nội sẽ cắm xong mốc giới đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 15/11

Hà Nội sẽ cắm xong mốc giới đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 15/11

Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cắm được khoảng 2.000/3.000 mốc giới, bàn giao cho các địa phương (đạt khoảng 60%).

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ bàn giao mặt bằng tối thiểu 70% trong tháng 6/2023 và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023, khởi công dự án trong tháng 6/2023.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng. Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

Trong số đó, đoạn đi qua Thủ đô dài 58,2 km; đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km; đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Mặt cắt ngang tuyến đường rộng 90 - 135 m; trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90 m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120 m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135 m.

Sẽ thu hồi 240.000 m3 cát, sỏi khi nạo vét xóa sổ cồn nổi ở sông Tiền

Khoảng 240.000 m3 cát, sỏi thu được khi nạo vét xóa sổ cồn nổi ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, giúp bù chi phí thi công, lòng sông Tiền thông thoáng.

Khu vực cồn nổi sẽ được nạo vét tận thu

Khu vực cồn nổi sẽ được nạo vét tận thu

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, UBND Tỉnh vừa công bố danh mục nạo vét thông luồng kết hợp thu hồi cát, sỏi tại khu vực cồn nổi bị sạt lở trên nhánh cù lao Tân Phong.

Khu vực nạo vét nói trên dài 1.000 m, rộng 100 m và sâu hơn 5 m, ước tính trữ lượng cát, sỏi sẽ thu hồi khoảng trên 241.000 m3. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm sau. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục nạo vét tận thu theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản.

Tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu, nhà đầu tư khi thực hiện dự án sẽ thu hồi sản phẩm bù chi phí nạo vét.

Theo Nghị định 159, nạo vét thu hồi sản phẩm dự án cho phép phía trúng thầu tận dụng một phần hoặc toàn bộ chất nạo vét sử dụng cho mục đích khác. Đến nay, phương án đầu thầu nạo vét chưa được tỉnh Tiền Giang công bố.

Cồn nổi cù lao Tân Phong cách bờ sông Tiền 50 m, trước đây rộng khoảng một ha được người dân xây dựng cơ sở kinh doanh. Sau nhiều năm bị sạt lở, hiện cồn chỉ dài 30 m, rộng 9 m, rộng 270 m2.

Đầu tư 3.700 tỷ đồng xây khu công nghiệp thông minh ở Cần Thơ

Giai đoạn 1 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có diện tích hơn 293 ha, vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng, tập trung phát triển theo hướng thông minh, xanh và bền vững.

Phối cảnh khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1)

Phối cảnh khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1)

Chứng nhận đầu tư Dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh được UBND TP. Cần Thơ trao cho đại diện các nhà đầu tư ngày 25/10. Khu công nghiệp quy mô 900 ha, thuận lợi giao thông, liên kết tốt các tỉnh miền Tây nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực.

Dự án nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP.HCM và dọc theo vị trí quy hoạch Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Riêng cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (đưa vào khai thác từ đầu năm 2021) là trục đi qua Dự án.

Giai đoạn 1 Dự án quy mô hơn 293 ha, được thiết kế để tích hợp công nghệ tiên tiến trong các hoạt động, dự kiến khởi công năm 2023, khi hoàn thành có khả năng tạo việc làm cho 15.000 - 20.000 lao động.

TP. Cần Thơ hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.300 ha, thu hút 256 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,65 tỷ USD, thuê gần 400 ha đất.

Quý 1/2023 sẽ khởi công xây cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương miền Tây Nam Bộ.

Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được khởi công gói thầu đầu tiên trong quý I/2023.

Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg năm 2019, với vốn đầu tư bằng nguồn ODA của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó Dự án được điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 là đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.014 tỷ đồng.

Toàn bộ Dự án có 5 nút giao, các cầu trên tuyến gồm 5 cầu kết cấu nhịp đơn giản và 2 cầu lớn vượt sông Hậu gồm Đại Ngãi 1 (cầu dây văng) - luồng Định An, Đại Ngãi 2 (cầu đúc hẫng cân bằng) - luồng Trần Đề.

Khi hoàn thành, Dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80 km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM, giảm thời gian di chuyển khoảng 1,5 - 2 giờ chờ và di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.

Bình Thuận công khai 43 dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất

43 dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất được công khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích hơn 644,8 ha…

Khu vực TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Khu vực TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận vừa phát công văn về việc công bố công khai danh sách các dự án có vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, thực hiện thông báo kết luận kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai, về việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với Danh sách công khai 43 dự án vi phạm.

Trong đó, TP. Phan Thiết có 13 dự án (144,4 ha); thị xã Lagi có 8 dự án (221,2 ha); huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án (112 ha); huyện Bắc Bình có 8 dự án (128,8 ha); huyện Tuy Phong có 5 dự án (38,4 ha).

Chuyên đề