Bản tin thời sự sáng 25/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi; Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%; công bố chỉ giới đường đỏ nút giao Vành đai 4 - đại lộ Thăng Long; phê duyệt 2 dự án điện gió, tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng…

Chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát số trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine Covid khi đủ điều kiện, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi

Chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi

Bộ Y tế yêu cầu, các địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho nhóm tuổi này, gửi các viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur trước ngày 30/9. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 10/10 để tổng hợp. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổng hợp số liệu gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước ngày 15/10.

Động thái này được đưa ra sau khi Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 năm 2023 và tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm hơn 259 triệu liều vaccine Covid cho người từ 5 tuổi trở lên. Trong đó tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 75% và nhóm cần tiêm mũi 4 đạt 77%. Ngoài ra, 88% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 và 60% tiêm mũi 2.

Trên thế giới, Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Hai loại vaccine được phép sử dụng cho độ tuổi này là Moderna và Pfizer. Trong đó, vaccine Moderna tiêm cho trẻ em theo liệu trình hai liều, mỗi liều 25 microgam, bằng một phần tư so với liều lượng sử dụng cho người lớn; hai mũi cách nhau bốn tuần. Trẻ tiêm vaccine Pfizer liệu trình ba liều, trong đó hai liều đầu tiên cách nhau ba tuần, liều thứ ba tiêm sau đó ít nhất hai tháng; mỗi liều 3 microgam vaccine, bằng một phần 10 so với liều dành cho người lớn.

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%

Bộ Công Thương đề xuất EVN được điều chỉnh tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% so với hiện hành.

Bộ Công Thương đề xuất EVN được điều chỉnh tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%

Bộ Công Thương đề xuất EVN được điều chỉnh tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1%

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo được xây dựng nhằm thay thế Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, Bộ này đề xuất khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ 1/10 của năm đó.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá...

Hồi tháng 6, EVN tính toán giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.864,44 đồng/kWh.

Công bố chỉ giới đường đỏ nút giao vành đai 4 - đại lộ Thăng Long

Nút giao Vành đai 4 - đại lộ Thăng Long có dạng hoa thị, là một trong bốn đoạn được lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ của tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Nút giao Vành đai 4 với đại lộ Thăng Long là nút giao liên thông khác mức

Nút giao Vành đai 4 với đại lộ Thăng Long là nút giao liên thông khác mức

Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức vừa tổ chức công bố chỉ giới đường đỏ nút giao giữa Vành đai 4 với đại lộ Thăng Long, tỷ lệ 1/500. Đây là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định giữa phần đất người dân được xây dựng công trình và phần đất dành cho giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, việc công bố chỉ giới đường đỏ là tiền đề để Huyện tiếp tục nhận bàn giao mốc giới, giải phóng mặt bằng. Huyện sẽ cắm mốc giới nút giao đồng thời với việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của Thành phố. Thời hạn là đến tháng 6/2023 đạt 70% và chậm nhất đến ngày 31/12/2023 đạt 100%, bàn giao cho chủ đầu tư.

TP. Hà Nội lập chỉ giới đường đỏ 4 đoạn của Dự án Vành đai 4. Ngoài đoạn trên, ba đoạn còn lại là từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 18 (11 km); đoạn hai từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 32 (9,6 km) và đoạn từ Quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở (19,5 km).

Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 hơn 14.500 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Chính phủ yêu cầu ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Khởi động đường Vành đai 3 TP.HCM

8,7 km thuộc Vành đai 3 TP.HCM với hạng mục quan trọng nhất là cầu Nhơn Trạch khởi công sáng 24/9, tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng, hoàn thành sau 3 năm.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch, hạng mục quan trọng của Dự án 1A

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch, hạng mục quan trọng của Dự án 1A

Dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 8,7 km có hai hạng mục chính gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m, kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng và đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km.

Đoạn đường được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước. Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20 - 26 m cho 4 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi vận chuyển hàng hoá, hành khách...

Ngoài dự án 1A đầu tư bằng vốn ODA, phần còn lại của Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được đầu tư giai đoạn một dài hơn 76 km với tổng kinh phí 75.300 tỷ đồng. Tuyến đường dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau ba năm.

Bình Dương đã giải ngân hơn 86% tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động

Tính đến ngày 24/9, Bình Dương đã giải ngân hơn 86% tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 24/9, Bình Dương đã giải ngân hơn 86% tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động

Đến ngày 24/9, Bình Dương đã giải ngân hơn 86% tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, UBND cấp huyện đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08 của hơn 1,5 triệu lượt lao động với số tiền tương ứng 1.019 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đã phê duyệt cho hơn 1,4 triệu lao động và giải ngân hơn 827 tỷ đồng (đạt hơn 86% so với số hồ sơ đã phê duyệt).

Hiện nay, 7/9 địa phương đã hoàn thành việc chi hỗ trợ, còn lại thành phố Thuận An và Dĩ An đang thực hiện việc rà soát, phê duyệt hồ sơ của người lao động để giải ngân. Trong đó, thành phố Dĩ An mới giải ngân được 68% và thành phố Thuận An giải ngân được 46% so với số hồ sơ người lao động đề nghị.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An tập trung huy động nguồn lực, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành việc giải ngân các hồ sơ đã phê duyệt còn tồn. Thời gian hoàn thành phải trước ngày 30/9/2022.

Đầu tư 500 tỷ đồng làm đường nối An Giang và Đồng Tháp

Tuyến đường 27 km từ thị trấn Chợ Mới (tỉnh An Giang) đến huyện Lấp Vò, (tỉnh Đồng Tháp), tổng vốn 500 tỷ đồng được khởi công ngày 24/9.

Sơ đồ tuyến đường nối cầu Vàm Cống và Chợ Mới khởi công sáng 24/9

Sơ đồ tuyến đường nối cầu Vàm Cống và Chợ Mới khởi công sáng 24/9

Điểm đầu dự án giáp đường tỉnh 946 tại vị trí đường dẫn cầu Vàm Cống - Hòa An, điểm cuối giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, thị trấn Chợ Mới. Mặt đường rộng 7 m, riêng đoạn qua thị trấn Chợ Mới rộng 16 m. Công trình thi công trong 24 tháng, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian từ trung tâm hành chính huyện đến cầu Vàm Cống và TP. Long Xuyên - trung tâm hành chính tỉnh An Giang; đồng thời cũng giúp tăng kết nối An Giang với tỉnh Đồng Tháp.

Chợ Mới là huyện cù lao khá đặc trưng ở miền Tây, được hình thành từ cù lao Ông Chưởng và cù lao Giêng gồm 18 xã, thị trấn. Nơi đây được bao bọc bởi các con sông Tiền, Hậu, Vàm Nao và rạch Cái Tàu Thượng với diện tích 355 km2.

Phê duyệt 2 dự án điện gió, tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành đầy đủ thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục khác có liên quan theo đúng quy định hiện hành trước khi triển khai thực hiện 2 dự án điện gió.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư hai dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư hai dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2. Ảnh minh họa

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư hai dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2 tại TP. Đà Lạt với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng.

Cả hai dự án điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2 đều có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư; thời gian thực hiện hiệu chỉnh tua-bin, thử nghiệm, nghiệm thu và vận hành của dự án bắt đầu từ quý I và quý II/2025.

Cụ thể, Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Xuân Trường (trụ sở tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng diện đất sử dụng 32,5 ha; trong đó, diện tích đất tạm thời là 15 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.212 tỉ đồng với công suất 50 MW; quy mô xây dựng 12 tua-bin gió, điện lượng bình quân 180 GWh/năm.

Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 2 do Công ty CP Năng lượng gió Cao Nguyên (trụ sở tại xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là 31,2 ha; trong đó, diện tích đất tạm thời là 14,4 ha; Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.186 tỉ đồng, có công suất 48 MW với quy mô 12 tua-bin gió công suất 4 MW; điện lượng bình quân 170 GWh/năm.

Xả nước thải trái phép, chủ đầu tư Xuân Mai Tower bị phạt 324 triệu đồng

Trong quá trình vận hành hệ thống chung cư Xuân Mai Tower, Công ty CP Xuân Mai Thanh Hóa đã xả nước thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, bị cơ quan chức năng phạt hành chính 324 triệu đồng.

Khu chung cư Xuân Mai Tower tại TP.Thanh Hóa

Khu chung cư Xuân Mai Tower tại TP.Thanh Hóa

Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND Tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xuân Mai Thanh Hóa (địa chỉ chung cư Xuân Mai Tower, phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa) vì đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được phản ánh và tiến hành kiểm tra nước thải xả từ hệ thống chung cư Xuân Mai Tower. Qua đó phát hiện chủ đầu tư đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày đến dưới 400 m3/ngày.

Căn cứ theo quy định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phạt hành chính Công ty CP Xuân Mai Thanh Hóa tổng số tiền 324 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, UBND Tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Xuân Mai Thanh Hóa phải có biện pháp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải; rà soát bảo trì, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định của đơn vị thi công.

TP. HCM dời 79 tuyến xe khách liên tỉnh về bến xe Miền Đông mới

Từ ngày 1/10, TP.HCM sẽ dời 79 tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) về bến xe mới ở TP. Thủ Đức.

TP.HCM sẽ dời 79 tuyến xe khách về bến xe miền Đông mới từ ngày 1/10

TP.HCM sẽ dời 79 tuyến xe khách về bến xe miền Đông mới từ ngày 1/10

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT 15 tỉnh, thành đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.

Cụ thể, 79 tuyến xe khách được dời đi là những tuyến đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ đi 15 tỉnh, thành, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 10/2020. Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại với diện tích 16 ha, nằm trên địa phận thuộc TP. Thủ Đức và một phần TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Trước đó, ở giai đoạn 1 từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới tiếp nhận từ bến xe cũ và khai thác 24 tuyến chạy từ Quảng Trị ra Bắc (hơn 1.100 km trở lên).

Theo Sở GTVT TP.HCM, sau giai đoạn 2, khi tình hình ở bến xe mới ổn định, giao thông kết nối được đảm bảo, chủ đầu tư sẽ triển khai tiếp giai đoạn 3 (dời toàn bộ 63 tuyến còn lại ở bến cũ sang bến xe Miền Đông mới).

Chuyên đề