Bản tin thời sự sáng 25/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị thông quan nhanh nhất 31 triệu liều vắc xin Pfizer sắp về Việt Nam; khởi tố 2 Phó giám đốc sở, 1 Cục phó Cục Thuế Phú Yên sai phạm khi bán đấu giá 262 lô đất; đề xuất tăng 11% lương hưu, trợ cấp từ 2022; truy tố lần 3 nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình; TP.HCM thay đổi mẫu giấy đi đường từ 0h ngày 25/8; doanh nghiệp hàng không suy kiệt nghiêm trọng, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp…

Đề nghị thông quan nhanh nhất 31 triệu liều vắc xin Pfizer sắp về Việt Nam

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn khẩn gửi các cơ quan liên quan, đề nghị hỗ trợ quá trình nhập hơn 31 triệu liều vắc xin Pfizer trong năm 2021 nhanh chóng, đảm bảo chất lượng vắc xin.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn khẩn đề nghị thông quan nhanh nhất 31 triệu liều vắc xin Pfizer sắp về Việt Nam

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn khẩn đề nghị thông quan nhanh nhất 31 triệu liều vắc xin Pfizer sắp về Việt Nam

Trong công văn khẩn gửi các cơ quan liên quan về việc hỗ trợ thông quan vắc xin phòng Covid-19 do Pfizer sản xuất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong năm 2021, cơ quan này sẽ tiếp nhận hơn 31 triệu liều vắc xin Pfizer BNT162b2 ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech mà Việt Nam đặt mua trước đó.

Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cam kết thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy định về xin giấy phép nhập khẩu, cũng như các yêu cầu khác của Bộ Y tế khi nhập khẩu vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, việc bảo quản vắc xin trong quá trình vận chuyển cũng như thực hiện các thủ tục hải quan cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

Theo đó, vắc xin cần đảm bảo duy trì nhiệt độ âm sâu theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển; đảm bảo quá trình thông quan nhanh nhất để không ảnh hưởng đến thời gian lưu trữ trong kho lâu, ảnh hưởng đến nhiệt độ bảo quản; đảm bảo phải được bổ sung đá khô lạnh bảo quản vắc xin trường hợp khẩn bị hao đá; khuyến cáo không mở kiểm thực tế hàng hóa trừ trường hợp có yêu cầu khẩn đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp bắt buộc phải mở kiểm, cần phải đảm bảo thời gian mở kiểm không quá 3 phút.

Theo Bộ Y tế, trong tháng 8, tháng 9, mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam.

Khởi tố 2 Phó giám đốc sở, 1 Cục phó Cục Thuế Phú Yên sai phạm khi bán đấu giá 262 lô đất

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Ngô Quang Phú cùng lãnh đạo Sở Tư pháp và Cục phó Cục Thuế bị cáo buộc sai phạm khi tỉnh Phú Yên bán đấu giá 262 lô đất.

Ông Ngô Quang Phú tại cơ quan điều tra

Ông Ngô Quang Phú tại cơ quan điều tra

Ngày 24/8, ông Ngô Quang Phú, Mai Hắc Lợi (Phó giám đốc Sở Tư pháp) và Nguyễn Ngọc Duy (Cục phó Cục Thuế) bị Công an Phú Yên khởi tố, cho tại ngoại, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS.

Động thái này được đưa ra sau hơn 3 tháng Công an Phú Yên khởi tố vụ án, điều tra sai phạm trong việc tỉnh đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị ở TP. Tuy Hòa. Các bị can là người đại diện cơ quan tham mưu cho UBND Tỉnh, xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách 8 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Phú là thành viên Hội đồng đấu giá đặc biệt, đã trực tiếp tham mưu soạn thảo, trình lãnh đạo UBND Tỉnh phê duyệt ban hành nhiều quyết định trái quy định liên quan tới việc đấu giá...

Ông Mai Hắc Lợi với vai trò Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đấu giá đã không tham mưu đúng quy định, để Tỉnh phê duyệt các phương án và ra quyết định công nhận kết quả đấu giá giảm 8 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Duy, cơ quan điều tra cho rằng, với vai trò thành viên Hội đồng đấu giá nhưng bị can đã thống nhất giảm tiền sử dụng đất trái quy định.

Tháng 4/2017, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Phú Yên thông báo đấu giá 4 phân khu của khô đô thị này, theo hình thức bán sỉ từng khu; hỗ trợ người trúng đấu giá được giảm 5% tổng giá trị mỗi khu.

Giá khởi điểm cho 262 lô đất nhà liền kề được ban tổ chức đưa ra là 160 tỷ đồng. Kết quả, bà Ngô Thị Điều trúng đấu giá với giá hơn 162 tỷ đồng - khoảng 4,6 triệu đồng/m2, được giảm 5% nên chỉ đóng hơn 154 tỷ. Sau khi có quyền sử dụng đất, bà này đã bán lại 251 lô đất với giá 7- 10 triệu đồng/m2 và một lô khác 19 triệu đồng/m2.

Đề xuất tăng 11% lương hưu, trợ cấp từ 2022

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức tăng lương hưu, trợ cấp là 11% thay vì 15% như tháng 7, thực hiện từ 1/1/2022.

Chi trả lương hưu trực tiếp tại nhà cho người nghỉ hưu tại Hà Nội

Chi trả lương hưu trực tiếp tại nhà cho người nghỉ hưu tại Hà Nội

Cơ quan này vừa có tờ trình Chính phủ về Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng. Lý giải mức đề xuất giảm 4% so với hồi tháng 7, Bộ cho biết lần gần nhất Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp là 1/7/2019 và chưa thực hiện thêm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Giai đoạn 2019 - 2021, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 10,35%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,5% Theo đó, tỷ lệ điều chỉnh khoảng 15% mới hợp lý. Song Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực tài chính chống dịch, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng 11%.

Nếu phương án được chấp thuận, khoảng 868.000 người thụ hưởng, kinh phí nhà nước chi trả 4.625 tỷ đồng; nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả cho khoảng 2,13 triệu người với kinh phí 14.700 tỷ đồng trong năm 2022.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 có mức thấp cũng sẽ được điều chỉnh bù thêm để đạt 2,5 triệu đồng một tháng.

Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; nếu mức hưởng dao động từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng thì điều chỉnh sao cho đủ 2,5 triệu đồng. Dự kiến khoảng 318.000 người thuộc 8 nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp với kinh phí điều chỉnh khoảng 573 tỷ đồng.

Truy tố lần 3 nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình

Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) Trần Phương Bình tiếp tục bị truy tố trong vụ án gây thất thoát ở chi nhánh Hà Nội, sau hai lần nhận án chung thân tại toà án TP.HCM.

Ông Trần Phương Bình tại phiên toà ở TP.HCM

Ông Trần Phương Bình tại phiên toà ở TP.HCM

Trong cáo trạng mới ban hành, VKSND Hà Nội truy tố ông Trần Phương Bình về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng theo Khoản 4, Điều 206 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm.

Liên quan vụ án, 9 bị can khác cùng bị truy tố về tội danh gồm: Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu Phó Tổng giám đốc DAB; Trần Đạo Vũ, cựu Phó Tổng giám đốc DAB kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nội; Lương Ngọc Quý, cựu Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Đường, cựu Phó giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội; Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương đều là nhân viên DAB chi nhánh Hà Nội; Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc Công ty Đầu tư và du lịch An Phát.

Theo cáo trạng, từ năm 2007 - 2014, do có quan hệ thân thiết, ông Trần Phương Bình giúp Mai nhiều lần vay tiền tại Ngân hàng Đông Á. Ông Bình cùng cấp phó Xuyến còn chỉ đạo chi nhánh DAB Hà Nội giải ngân nhanh cho Mai, làm hồ sơ gấp, bỏ qua các quy trình thẩm định.

Vay 184 tỷ đồng, bà Mai chi 108 tỷ đồng để đầu tư dự án bất động sản tại ngoại thành Hà Nội, còn lại trả nợ ngân hàng khác hoặc vay DAB khoản mới để trả nợ cũ tại chính DAB. Hiện, bà Mai và Công ty An Phát không thể trả nợ nên VKS cho rằng hành vi của ông Bình cùng đồng phạm khiến Ngân hàng Đông Á thiệt hại 184 tỷ đồng.

Trong số này, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc phê duyệt tổng gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát và phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sai phạm trong 4 hợp đồng cho vay hơn 178 tỷ đồng.

Đây là vụ án thứ 3 ông Bình bị xử lý về sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.

TP.HCM thay đổi mẫu giấy đi đường từ 0h ngày 25/8

Kể từ 0h ngày 25/8, người dân muốn ra đường phải có giấy đi đường do Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM và Trưởng công an cấp quận, huyện, TP. Thủ Đức cấp.

Người dân xuất trình giấy đi đường khi lưu thông qua chốt kiểm soát dịch.

Người dân xuất trình giấy đi đường khi lưu thông qua chốt kiểm soát dịch.

Công an TP.HCM đã có thông báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát người được phép lưu thông trên đường theo các Công văn 2796, 2800 và 2850 của UBND TP.HCM.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ in, ký cấp giấy đi đường mẫu mới cho các đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể... theo quy định tại Công văn 2800, để cấp đến cán bộ, công nhân viên và các đơn vị thuộc diện quản lý cấp giấy.

Theo Trung tá Bình, các sở, ngành căn cứ vào các nhóm được di chuyển tại Công văn 2800, 2796, 2850 tổng hợp số lượng, gửi danh sách theo cơ chế 10% để Phòng PC08 in giấy đi đường mẫu mới, thời hạn nộp danh sách là trước 13h ngày 24/8.

Các đối tượng thuộc Mục 1A (UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức; phường, xã, thị trấn) và các đối tượng thuộc Mục 12, 13, 14B sẽ do Trưởng công an quận, huyện, TP. Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Trung tá Bình cho biết, PC08 có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường mẫu mới kèm theo chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành. Các trường hợp chưa được cấp giấy đi đường mới thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại Công văn 2800 cho đến hết 0h ngày 25/8.

Doanh nghiệp hàng không suy kiệt nghiêm trọng, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề nghị được khoanh nợ và kéo dài thời gian trả nợ từ 3 - 6 tháng kể từ khi hết dịch.

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề xuất kéo dài thời gian trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ; miễn, giảm lãi, phí đến sau 3-6 tháng

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề xuất kéo dài thời gian trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ; miễn, giảm lãi, phí đến sau 3-6 tháng

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA) kiến nghị điều chỉnh Thông tư 03/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo đó, hiệp hội này đề nghị mở rộng các khoản nợ được cơ cấu lại cho cả các khoản vay sau ngày 10/6/2020, thay vì chỉ áp dụng với các khoản trước thời điểm này.

Hiệp hội cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp là thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả hoạt động sản xuất. Việc ngân hàng chỉ cho phép tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10/6/2020 khiến các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu, gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn.

Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề xuất kéo dài thời gian trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ; miễn, giảm lãi, phí đến sau 3 - 6 tháng từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, thay vì giới hạn trả nợ là đến 31/12/2021.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch VABA, sau khi hết dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn cần từ 3 - 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi Covid-19 đã ảnh hưởng suốt năm 2020 và dự kiến còn kéo dài ít nhất là hết năm nay.

Để giảm áp lực về nguồn vốn, Hiệp hội đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Baemin tạm dừng hoạt động tại TP.HCM, các ứng dụng khác cầm chừng

Baemin cho biết sẽ tạm dừng hoạt động tại TP.HCM để bảo đảm an toàn cho shipper và người dùng, trong khi các ứng dụng khác chỉ nhận đơn trong các quận được phép.

Baemin thông báo tạm dừng hoạt động tại TP.HCM

Baemin thông báo tạm dừng hoạt động tại TP.HCM

Baemin tạm dừng hoạt động tại TP.HCM dù UBND Thành phố chỉ yêu cầu shipper ngừng hoạt động tại 8 địa bàn bao gồm TP. Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và chỉ được hoạt động trong quận.

Trong khi đó, Gojek cho biết, theo sau một số quy định cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, hãng tạm ngưng cung cấp các dịch vụ đặt thực phẩm GoFood và giao hàng GoSend tại các khu vực UBND Thành phố yêu cầu shipper ngừng hoạt động.

Hãng này cũng cho biết, đối với các khu vực khác, dịch vụ đặt thực phẩm GoFood và giao hàng hoá thiết yếu GoSend được giới hạn hoạt động theo phạm vi trong quận trong khung giờ 6 - 17h hàng ngày.

Cũng theo Gojek, doanh nghiệp đang làm việc chặt chẽ với các sở ban ngành liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện để các đối tác tài xế có thể lưu thông trên đường, duy trì hoạt động hiệu quả, đồng thời tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của các cơ quan chức năng.

Ứng dụng Be cũng cho biết sẽ tiếp tục hoạt động và tuân thủ các quy định của UBND TP.HCM. Theo đó, Be sẽ duy trì cung cấp dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ các mặt hàng thiết yếu cho người dân ở những khu vực được cho phép với thời gian nhận đơn hàng 6 - 17h để tài xế kịp quay về nhà trước 18h theo đúng quy định.

Be khẳng định sẽ chỉ giao những mặt hàng thiết yếu. Trường hợp khách hàng đặt dịch vụ giao hàng/đi chợ hộ nhưng không phải mặt hàng thiết yếu, tài xế sẽ chủ động từ chối và hủy đơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trên địa bàn TP.HCM, hiện cũng còn Grab, ShopeeFood, Loship còn hoạt động, với 2 dịch vụ chính là giao hàng thiết yếu, đi chợ hộ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư