Tây Ninh đề xuất xây sân bay
Sân bay Tây Ninh được đề xuất xây tại huyện Dương Minh Châu với diện tích quy hoạch 420 ha, trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.
Sân bay Tây Ninh được đề xuất xây tại huyện Dương Minh Châu với diện tích quy hoạch 420 ha |
Nội dung trên nằm trong đề án của UBND tỉnh Tây Ninh vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về nghiên cứu hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đơn vị tư vấn lập đề án, sân bay dự kiến xây ở xã Phước Ninh có địa hình đồng bằng, bằng phẳng, không tập trung đông dân cư... Vị trí này cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74 km, cách sân bay Long Thành khoảng 106 km, cách biên giới Campuchia 44 km và TP. Tây Ninh khoảng 24 km.
Sân bay được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất khai thác một triệu hành khách mỗi năm; công suất giờ cao điểm 400 khách mỗi giờ. Đường băng dài 3.200 m, rộng 45 m và 6 vị trí đỗ máy bay, khai thác các loại máy bay code E (Boeing 777-300ER, Airbus A350-900 hoặc tương đương) và code C (Airbus A320, A321 hoặc tương đương).
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 4.738 tỷ đồng. Dự kiến, vốn ngân sách chiếm 15%, còn lại là nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thời gian hoàn vốn dự kiến 42 năm.
Để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, cho ý kiến thẩm định để tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng quyết định bổ sung sân bay vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá, vị trí dự kiến xây dựng sân bay Tây Ninh là địa điểm phù hợp để bố trí cảng hàng không vệ tinh cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm giải tỏa áp lực quá tải hành khách lẫn sự cố kỹ thuật khi cần thiết. Sân bay khi hoạt động là sân bay dân dụng và quân sự, phục vụ bay nội địa và quốc tế.
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, rộng hơn 4.000 km2, gần 1,4 triệu người. Địa phương được xem là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan. Trung tâm hành chính của tỉnh là TP. Tây Ninh cách TP.HCM gần 100 km, kết nối qua Quốc lộ 22. Hiện, địa phương có hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát đang chờ xây dựng.
Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong năm 2025
Thường vụ Quốc hội đã đồng ý việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu 2025 |
Chiều 24/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025. Cụ thể: xăng, trừ ethanol 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít. Thời hạn áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể: xăng, trừ ethanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá thế giới nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân và kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận, năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường, chú ý các giải pháp, có lộ trình để đảm bảo nguồn lực và tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường, phát triển bền vững và các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế tại COP 26.
Bình Dương điều chỉnh bảng giá đất, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2
Bảng giá đất điều chỉnh của Bình Dương có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, mức cao nhất là hơn 52 triệu đồng/m2, tại một số địa điểm ở TP. Thủ Dầu Một .
Từ đầu năm 2025, giá đất đường loại I ở vị trí 1 trên Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) sẽ được điều chỉnh tăng 38% lên hơn 52 triệu đồng/m2 |
HĐND tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/1 - 31/12/2025.
Nghị quyết này bổ sung các tuyến đường mới được Nhà nước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đặt tên mới. Đồng thời, áp dụng mức giá khu vực đô thị cho các tuyến đường thuộc các xã đã được nâng cấp lên phường, thị trấn.
Cụ thể, đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của TP. Thủ Dầu Một như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13), Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 52,1 triệu đồng/m2. Mức giá mới này tăng gần 38% so với bảng giá đất cũ.
Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của TP. Thủ Dầu Một cũng tăng đáng kể, với giá đất mới dao động 20,9 - 40,7 triệu đồng/m2.
Tại TP. Thuận An, một số đoạn thuộc các tuyến đường loại I ở vị trí 1 như Cách Mạng Tháng Tám (ĐT.745 cũ), Đỗ Hữu Vị, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Thủ Khoa Huân, Trưng Nữ Vương có giá 28,7 triệu đồng/m2, tăng 49% so với bảng giá đất cũ.
Tại TP. Dĩ An, một số đoạn thuộc các tuyến đường loại I ở vị trí 1 như Cô Bắc, Cô Giang, Đường GS 01 khu dân cư Quảng Trường Xanh Areco, đường số 9 khu TTHC thành phố Dĩ An, Nguyễn Thái Học, đường số 5 (Cô Giang - Trần Hưng Đạo), đường số 6 (Cô Giang - Trần Hưng Đạo), Trần Hưng Đạo có giá 35,3 triệu đồng/m2, tăng gần 84% so với bảng giá đất cũ.
Tại TP. Bến Cát, giá cao nhất thuộc các tuyến đường loại I tại vị trí 1 như Bến xe vào chợ Bến Cát, Lô A, Lô C với mức 22,7 triệu đồng/m2, tăng 72% so với bảng giá đất cũ.
Tương tự, giá đất ở nông thôn cũng được điều chỉnh tăng. Trong đó, mức giá cao nhất thuộc TP. Bến Cát (khu vực 1) với 13,6 triệu đồng/m2, chủ yếu tại các tuyến đường nội bộ khu tái định cư xã Phú An. Tiếp theo là TP. Tân Uyên (khu vực 1) với 9 triệu đồng/m2 (đường nội bộ khu TĐC trên địa bàn xã Bạch Đằng và Thạnh Hội)...
Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng
Xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3,1 tỷ USD (77.500 tỷ đồng), chiếm gần một nửa kim ngạch xuất rau quả năm nay, theo cơ quan hải quan.
Sầu riêng tại nhà vườn ở Cần Thơ |
Theo số liệu báo cáo nhanh của hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Mức này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Riêng trái sầu riêng Việt xuất sang Campuchia tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Tính chung 11 tháng, Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu trái sầu riêng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng và ngành rau quả nói chung. Theo tính toán của hiệp hội này, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sầu riêng chiếm gần một nửa số thu từ xuất khẩu rau quả.
Năm 2025, xuất khẩu sầu riêng dự kiến tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng. Các sản phẩm này sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi, giúp bà con tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, nhất là với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã. Cả nước hiện có khoảng 154.000 ha trồng sầu riêng, với sản lượng mỗi năm gần 1,2 triệu tấn, tăng trung bình 15%.
Ngoài sầu riêng, xuất khẩu các loại trái cây khác như chuối, mít, xoài và dừa cũng ghi nhận mức tăng 20 - 400%. Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa cho dừa tươi Việt Nam hay chanh leo được xuất sang Mỹ tạo đà cho xuất khẩu rau quả Việt lập đỉnh mới.
Từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội phải xác thực sinh trắc học
Từ ngày 25/12, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
Từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội phải xác thực sinh trắc học |
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP). Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Tại điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 và trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Như vậy, những tài khoản chưa xác thực sau ngày 25/3/2025 sẽ không được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Do đó, người dùng cần sớm chủ động thực hiện xác thực tài khoản theo hướng dẫn của các nền tảng mạng xã hội.
Hàng loạt vi phạm xây dựng trong cụm công nghiệp 64ha ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)
Thanh tra TP. Hà Nội chỉ rõ hàng loạt vi phạm trật tự xây dựng trong Cụm công nghiệp Từ Liêm (tổng diện tích 64,07 ha), điển hình trong đó là khối nhà 5 tầng, cao khoảng 18 m của Công ty TNHH Hoàng Vũ 'không đúng bản vẽ tổng mặt bằng được duyệt'.
Khối nhà 5 tầng, cao khoảng 18m của Công ty TNHH Hoàng Vũ không đúng bản vẽ tổng mặt bằng được duyệt |
Thanh tra TP. Hà Nội đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường tại Cụm công nghiệp Từ Liêm. Thanh tra Thành phố xác định có hàng loạt sai phạm tại khu công nghiệp này.
Cụm công nghiệp Từ Liêm có tổng diện tích 64,07 ha, thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm và phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.
Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Thanh tra TP. Hà Nội cho biết, trong Cụm công nghiệp Từ Liêm còn một số tồn tại như xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt, xây dựng không phép. Một số công trình xây dựng tăng tầng, tăng mật độ, xây dựng trên sân vườn, đường nội bộ.
Cụ thể, trên diện tích đất cụm công nghiệp thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm có hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng của Công ty TNHH Hoàng Vũ (hành vi xây dựng sai quy hoạch, thời điểm năm 2022). UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành quyết định cưỡng chế và giao các đơn vị lập phương án phá dỡ công trình vi phạm.
Kết luận thanh tra nêu rõ, Công ty TNHH Hoàng Vũ, theo bản vẽ tổng mặt bằng 1/500 được Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chấp thuận năm 2002, trong đó có 1 khối nhà khung thép 3 tầng trên diện tích khoảng 240m2 (bản vẽ tổng mặt bằng không có mặt cắt thể hiện chiều cao của khối nhà trên).
"Năm 2023, công ty này tự xây dựng thành nhà 5 tầng chiều cao đến đỉnh mái khoảng 18m không đúng với bản vẽ tổng mặt bằng được duyệt", Thanh tra TP. Hà Nội nêu rõ.
Thanh tra TP Hà Nội cũng xác định, để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng tại Cụm công nghiệp Từ Liêm nêu trên, trách nhiệm thuộc Giám đốc Ban Quản lý dự án cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm).
Theo kết luận thanh tra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm đã không kịp thời phát hiện, báo cáo các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trong Cụm công nghiệp với UBND Quận để chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp xử lý…
Đề nghị khai trừ Đảng đối với cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công
Tại Kỳ họp thứ 33, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên xem xét một số nội dung, trong đó có đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đào Duy Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công.
Ông Đào Duy Anh |
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Thái Nguyên xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Đào Duy Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công vì đã ký quyết định giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đường Thắng Lợi kéo dài giai đoạn 2 và Khu dân cư đường Thắng lợi không đúng quy định.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố bị can đối với ông Đào Duy Anh về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Xét nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân vi phạm, UBKT Tỉnh ủy Thái Nguyên đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý kỷ luật đối với ông Đào Duy Anh bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Cũng tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét kết quả giám sát chuyên đề đối với Ban Thường vụ Thành ủy Phổ Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025 và một số đảng viên có liên quan.
UBKT Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận thấy, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, Ban Thường vụ Thành ủy Phổ Yên, các đảng viên được giám sát có một số hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…
UBKT Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên được giám sát tiếp tục phát huy ưu điểm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về UBKT Tỉnh ủy.