Bản tin thời sự sáng 25/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vietcombank bất ngờ giảm 1% lãi suất cho vay; Apax Holdings bị cưỡng chế thuế hơn 5,6 tỷ đồng; truy tố Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị can; đề xuất sân bay Buôn Ma Thuột là cảng quốc tế; thanh tra 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản ở Đồng Nai…

Vietcombank bất ngờ giảm 1% lãi suất cho vay

Trong lúc mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, Vietcombank tối 24/11 bất ngờ công bố giảm mạnh lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng hiện phổ biến ở mức 9-11%/năm

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng hiện phổ biến ở mức 9-11%/năm

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) phát đi thông báo giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai tính từ đầu tháng 11 đến hết ngày 31/12/2022.

Chính sách giảm lãi suất nói trên không được ngân hàng áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Theo Vietcombank, chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng này nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, các ngân hàng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đây là động thái giảm lãi suất cho vay của Vietcombank gây nhiều bất ngờ trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng trong thời gian qua với cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục tăng nóng tại nhiều ngân hàng. Theo đó không khó tìm ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm từ 9% đến trên 11%/năm.

Apax Holdings bị cưỡng chế thuế hơn 5,6 tỷ đồng

Tổng số tiền Apax Holdings bị Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế là hơn 5,6 tỷ đồng, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp thuế.

Tổng số tiền Apax Holdings bị Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế là hơn 5,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tổng số tiền Apax Holdings bị Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế là hơn 5,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Công ty CP Đầu tư Apax Holdings cho biết vừa nhận được quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản công ty của Cục Thuế TP. Hà Nội.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp này (địa chỉ tại số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với tổng số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.

Trong đó, thuế thu nhập cá nhân là hơn 1,6 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 3,3 tỷ đồng; tiền chậm nộp các loại thuế là hơn 558 triệu đồng. Nguyên nhân doanh nghiệp này bị cưỡng chế thuế do người nộp thuế có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Mới đây, Apax English - công ty con của Apax Holdings cũng vừa thông báo tái cấu trúc hệ thống kể từ ngày 25/11. Theo đó, các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành sẽ tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp, chuyển học viên sang học trực tiếp tại các trung tâm Apax lân cận hoặc chuyển sang học trực tuyến với giáo viên nước ngoài.

Trước đó, chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo như: trung tâm không đảm bảo về số lượng học sinh mỗi lớp, thay đổi buổi học do giáo viên nước ngoài chưa về kịp, thay đổi giáo viên giảng dạy là người Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Apax Holdings thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.

Truy tố Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị can

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mới ban hành cáo trạng truy tố 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ quốc tế và các đơn vị có liên quan.

Cảnh sát đọc lệnh khám xét trụ sở AIC, ngày 29/4
Cảnh sát đọc lệnh khám xét trụ sở AIC, ngày 29/4

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử đối với các bị can, gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC); Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trịnh Huy Cường (Trưởng phòng QLXD - Sở Xây dựng Đồng Nai; nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và TVXD Đồng Nai) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

29 bị can khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được UBND Tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bị can Nhàn chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu.

Kết quả, Công ty AIC trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp (2 gói thầu xây lắp và 14/17 gói thầu thiết bị) tại dự án với tổng số tiền hơn 665,7 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Cáo trạng xác định, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng.

Đề xuất sân bay Buôn Ma Thuột là cảng quốc tế

UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất quy hoạch Buôn Ma Thuột là cảng hàng không quốc tế và thu hút đầu tư mở rộng theo hình thức xã hội hóa.

Sân bay Buôn Ma Thuột

Sân bay Buôn Ma Thuột

Theo kiến nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây, Tỉnh đang đặt mục tiêu thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức sự kiện cấp vùng, quốc gia và quốc tế, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ liên quan đến cà phê, xây dựng hình ảnh "thành phố cà phê của thế giới".

Vì thế, Tỉnh đề xuất được đầu tư mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột thành cảng quốc tế để đón khách nước ngoài. Tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng đề án, gửi Bộ GTVT, trình Tổ công tác nghiên cứu xã hội hóa khai thác sân bay của Chính phủ xem xét, báo cáo Chính phủ quyết định.

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện là sân bay quốc nội, có một nhà ga hành khách công suất đón 2 triệu khách mỗi năm, đường băng đáp ứng các loại máy bay code C (A320, A321, B737 và tương đương). Năm 2019, sân bay đón hơn một triệu khách, dự kiến năm 2022 sẽ phục vụ khoảng 1,4 triệu khách.

Theo đề xuất của Bộ GTVT trong dự thảo Quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sân bay Buôn Ma Thuột sẽ mở rộng gần gấp đôi hiện nay với diện tích là 464 ha, công suất đón 5 triệu khách đến năm 2030 và năm 2050 là 7 triệu khách.

Thanh tra 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản ở Đồng Nai

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra đối với 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Dự án thuộc Công ty CP đầu tư LDG có tên trong danh sách thanh tra

Dự án thuộc Công ty CP đầu tư LDG có tên trong danh sách thanh tra

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Đồng Nai.

Theo kế hoạch, đoàn thanh tra làm việc 30 ngày việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND Tỉnh và 10 doanh nghiệp; thanh tra chấp hành pháp luật về đất đai đối với 3 địa phương cấp huyện (TP. Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch).

Cụ thể, có 4 dự án ở các huyện gồm: Công ty CP Long Thành Riverside có dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quang Vinh có dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Công ty CP Đầu tư LDG có dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An có dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành).

Các dự án còn lại nằm ở TP. Biên Hoà bị thanh tra gồm: Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái có dự án tại phường Tam Phước; Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát có dự án tại xã Long Hưng; Công ty CP Southern Golden Land có dự án tại xã Long Hưng; Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn có dự án tại phường Tam Phước; Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức có dự án tại phường Tam Phước và Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát có dự án tại phường Tam Phước.

Hủy bỏ 168 dự án, công trình tại Ninh Bình do không thu hồi được đất

UBND tỉnh Ninh Bình quyết định hủy bỏ 168 công trình, dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND tỉnh Ninh Bình quyết định hủy bỏ 168 công trình, dự án do không thu hồi được đất

UBND tỉnh Ninh Bình quyết định hủy bỏ 168 công trình, dự án do không thu hồi được đất

Tổng diện tích đất sử dụng cho 168 công trình, dự án trên là 528,53 ha; trong đó, đất trồng lúa là 193,09 ha và các loại đất khác là 335,44 ha.

Cụ thể, thành phố Ninh Bình có 7 công trình, dự án với tổng diện tích 14,76 ha; huyện Hoa Lư có 8 công trình, dự án với tổng diện tích 6,08 ha; huyện Gia Viễn có 8 công trình, dự án với tổng diện tích 8,78 ha; huyện Nho Quan có 6 công trình, dự án với tổng diện tích 44,55 ha; huyện Kim Sơn có 8 công trình, dự án với tổng diện tích 266,54 ha; huyện Yên Mô có 91 công trình, dự án với tổng diện tích 112,43 ha và huyện Yên Khánh có 40 công trình, dự án với tổng diện tích 75,39 ha.

UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện công bố, công khai việc hủy bỏ các công trình, dự án nêu trên đảm bảo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công bố, công khai hủy bỏ các công trình, dự án nêu trên.

Hỏng 3 máy phát điện khiến Côn Đảo thiếu điện

Ba trong 9 máy phát điện diesel bị hỏng khiến việc cấp điện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thiếu hụt.

Công nhân bảo trì máy phát điện diesel ở Côn Đảo

Công nhân bảo trì máy phát điện diesel ở Côn Đảo

Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cuối tháng 10, hai tổ máy phát điện với tổng công suất khoảng 3.000 kW trên đảo bị hỏng; đầu tháng 11, thêm một tổ máy công suất 800 kW không thể chạy. Ba tổ máy dừng hoạt động khiến nguồn phát điện ở đảo giảm 4MW, không cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh.

Trước tình thế này, Điện lực Côn Đảo đề nghị các khách sạn tiết giảm công suất, chạy máy phát điện trong thời gian chờ sửa. Hiện nguồn cấp điện chính cho đảo chủ yếu bằng máy phát diesel với tổng công suất 12,3 MW. Tuy nhiên, điện phát từ nguồn này chi phí rất cao, mỗi năm ngành điện phải bù lỗ 100 tỷ đồng.

Những năm gần đây, nhu cầu điện ở Côn Đảo tăng 20 - 30% mỗi năm, khiến các máy phát phải hoạt động 17 - 18h mỗi ngày.

Hồi tháng 5, Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương về dự án cấp điện lưới cho Côn Đảo. Tập đoàn điện lực Việt Nam đưa ra phương án xây tuyến đường dây 110 kV dài hơn 100 km. Trong đó, đường dây trên không dài hơn 23 km, cáp ngầm trên biển 73 km, cáp ngầm dưới đất 6,1 km xuất phát từ khu vực Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến Côn Đảo. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Huyện Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa biển, cách TP. Vũng Tàu 185 km. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 76 km2, khoảng 10.000 người.

4 trường hợp khai thác đất trái phép tại các lô đất giáp ranh cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Khánh Hòa

Ngày 24/11, Công an tỉnh Khánh Hòa có báo cáo gửi UBND Tỉnh về nội dung việc trục lợi từ việc vận chuyển đất ra khỏi Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm.

Hoạt động khai thác khoáng sản ở huyện Cam Lâm còn diễn biến phức tạp

Hoạt động khai thác khoáng sản ở huyện Cam Lâm còn diễn biến phức tạp

Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là một trong những dự án trọng điểm quốc gia; trong đó, đoạn qua địa bàn Tỉnh có 3 dự án thành phần là đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và đoạn Vân Phong - Nha Trang.

Từ năm 2020, khi các dự án thành phần chuẩn bị được triển khai thực hiện, Công an Tỉnh đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, trong đó giao các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương nắm tình hình toàn diện, kể cả tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường liên quan đến dự án.

Đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 4 trường hợp khai thác đất trái phép tại các lô đất giáp ranh đường cao tốc Bắc - Nam; một vụ việc liên quan đến việc vận chuyển đất tại Dự án cao tốc Bắc - Nam; tịch thu 4 xe máy đào và 0,7m đất, xử phạt hành chính 2 trường hợp.

Cơ quan công an hiện tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý 2 trường hợp và xác minh làm rõ 1 vụ việc liên quan đến việc vận chuyển đất tại Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Chuyên đề