Bản tin thời sự sáng 25/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chiều 24/10, tàu điện Nhổn - Cầu Giấy (Hà Nội) tê liệt gần 1 giờ; cao tốc Bến Lức - Long Thành nhánh phía Đông sẽ đưa vào khai thác tháng 11 tới; Everland 'trượt' suất đầu tư dự án hơn 2.400 tỷ đồng ở Đông Anh; người Việt chi một tỷ USD mua hàng online mỗi tháng…

Chiều 24/10, tàu điện Nhổn - Cầu Giấy (Hà Nội) tê liệt gần 1 giờ

Một sự cố kỹ thuật đã khiến tàu điện dừng gần 1 giờ tại ga Cầu Giấy. Nhiều hành khách sốt ruột đã chuyển sang đi xe buýt.

Hành khách nán lại trên tàu để chờ khắc phục sự cố

Hành khách nán lại trên tàu để chờ khắc phục sự cố

Lúc 17h25 ngày 24/10, tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy ghi nhận sự cố về điện trên đoạn từ ga Lê Đức Thọ đến ga Cầu Giấy. Vụ việc khiến cả tuyến tàu phải tạm dừng phục vụ.

Đến gần 18h, hành khách bắt đầu rời khỏi nhà ga, chuyển sang chờ xe buýt ở bên dưới. Lượng khách công sở và sinh viên Đại học Giao thông vận tải tan học ùn đến khiến xe buýt cũng quá tải.

Tại nhà ga, ngoài phát loa thông báo, nhân viên metro cũng giải quyết hoàn vé cho những hành khách vừa mua vé nhưng chưa sử dụng.

Theo thông tin cập nhật, đoàn tàu đã hoạt động trở lại lúc 18h22. Đây là lần đầu tiên tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy ghi nhận sự cố từ khi mở cửa khai thác thương mại.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành nhánh phía Đông sẽ đưa vào khai thác tháng 11 tới

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn phía Đông qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đang được chủ đầu tư và các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục, gói thầu để dự kiến đưa vào khai thác tạm vào cuối tháng 11/2024, nhằm giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành nhánh phía Đông

Cao tốc Bến Lức - Long Thành nhánh phía Đông

Tại buổi làm việc mới đây của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn với UBND các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM về một số dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, trong đó có Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo về việc khai thác tạm đoạn phía Đông của tuyến cao tốc này.

Cụ thể, ngày 10/10/2024, VEC đã có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, một số đoạn tuyến trong đó Phước An - Quốc lộ 51 sẽ khai thác tạm từ tháng 11/2024.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được khởi công vào tháng 7/2014, do VEC làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài Dự án là 57,8 km, đi qua các địa phương Long An, TP.HCM và Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư 29.586 tỷ đồng.

Everland 'trượt' suất đầu tư dự án hơn 2.400 tỷ đồng ở Đông Anh

Everland "trượt" suất tham gia dự án khu đô thị tại Đông Anh do không đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Doanh nghiệp còn lại đủ điều kiện.

Đông Anh liên tục thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án bất động sản mới

Đông Anh liên tục thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án bất động sản mới

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của 2 nhà đầu tư đăng ký làm Dự án xây dựng Khu đô thị mới G19 (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) là Công ty CP Tập đoàn Everland và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trung Yên.

Theo đó, Công ty Trung Yên đạt yêu cầu. Còn Tập đoàn Everland bị đánh giá không đạt do không đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Everland hiện là chủ đầu tư một số dự án chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng như: Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh); Heritage Lý Sơn (Quảng Ngãi); Marina Phú Yên; Tổ hợp thương mại, dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (Phú Yên); Everland Park; Tổ hợp đô thị - du lịch Flower World Sa Đéc...

Theo báo cáo tài chính quý II, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Everland đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 630 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty ghi nhận 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Còn Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trung Yên được thành lập năm 2010, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Công ty là chủ đầu tư một số dự án bất động sản như Chung cư Trung Yên Smile Building, Khu phố An Sinh 106 Hoàng Quốc Việt.

Liên quan đến Dự án Khu đô thị mới G19, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án có tổng diện tích hơn 26 ha, quy mô dân số khoảng 4.440 người. Dự án này dự kiến cung cấp 174 căn liền kề, 56 căn biệt thự, 3 tòa nhà ở xã hội 10 - 30 tầng. Một số hạng mục khác gồm: trung tâm thương mại 5 tầng, trường mầm non, nhà văn hóa, cây xanh vườn hoa.

Tổng vốn đầu tư Dự án gần 2.200 tỷ đồng, chưa gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 244 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm với tiến độ thực hiện đến 2029. Trước đó, Tập đoàn Everland và Công ty Trung Yên là 2 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư Dự án.

Người Việt chi một tỷ USD mua hàng online mỗi tháng

Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) mỗi tháng, với livestream và hàng giá rẻ được ưa chuộng.

Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) mỗi tháng

Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) mỗi tháng

Thông tin mới được công bố trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric. Theo đó, tổng doanh số giao dịch (GMV) của 9 tháng đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng quý III đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý liền trước, khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử, theo Metric. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho mùa cao điểm khuyến mại ngày đôi và các lễ hội kích cầu mua sắm nửa cuối năm.

Thống kê của Metric bao phủ 5 sàn lớn nhất hiện tại là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, đã lọc bỏ đơn ảo và sản phẩm quà tặng. Tuy nhiên, chỉ Tiktok Shop và Shopee ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý II lẫn cùng kỳ 2023. Sau thời gian tăng trưởng âm, Tiki là điểm sáng bất ngờ với GMV quý III phục hồi mạnh mẽ, tăng 38,1% so với quý II, được cho là bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa.

Thị trường thương mại điện tử chứng kiến livestream và hàng giá rẻ lên ngôi. Theo Metric, TikTok Shop tăng trưởng GMV cao nhờ hiệu quả của kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí. Các mùa khuyến mãi lớn ngày đôi, nền tảng này thu hút được nhiều thương hiệu tham gia livestream tần suất cao.

Song song đó, hàng giá rẻ đang trở thành "cơn sốt". Theo Metric, thị trường quý III chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với năm ngoái.

Riêng phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tăng thêm 4%. "Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động", báo cáo nhận định.

Dự báo cuối năm, Metric cho rằng tổng doanh số trên 5 sàn lớn nhất sẽ khoảng 80.600 tỷ đồng, 870 triệu sản phẩm được tiêu thụ trong quý IV. Tết 2025 diễn ra sớm nên nhu cầu tập trung cao nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12. Nhóm mặt hàng tiềm năng tăng mạnh gồm làm đẹp, thời trang, nhà cửa đời sống.

Vi phạm quy định về xả thải, Tổng công ty Giấy Việt Nam bị phạt 1,89 tỷ đồng

Tổng công ty Giấy Việt Nam, cơ sở tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, bị xử phạt tổng số tiền 1,89 tỷ đồng do đã thực hiện 3 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Tổng công ty Giấy Việt Nam - Công ty TNHH bị UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt

Tổng công ty Giấy Việt Nam - Công ty TNHH bị UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt

Ngày 24/10, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam, cơ sở tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Theo quyết định, Tổng công ty Giấy Việt Nam bị xử phạt do đã thực hiện 3 hành vi vi phạm hành chính. Hành vi thứ nhất là xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên.

Với hành vi này, Tổng công ty Giấy Việt Nam bị xử phạt 1,35 tỷ đồng, phạt tăng thêm 20% đối với thông số BOD5 vượt quy chuẩn kỹ thuật 2,15 lần là 270 triệu đồng.

Hành vi thứ hai là xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày (24 giờ) với số tiền phạt 270 triệu đồng.

Hành vi thứ ba là thải khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10% - phạt cảnh cáo. Tổng số tiền phạt là 1,89 tỷ đồng.

UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam chấm dứt ngay hành vi vi phạm trên, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định và phân tích mẫu môi trường theo quy định hiện hành.

Thanh tra tỉnh Gia Lai đề nghị thu hồi hơn 3,48 tỷ do huyện nghèo chi sai

Quá trình kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện Kông Chro chi sai hơn 3,48 tỷ đồng.

Nhiều phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện Kông Chro chi sai hơn 3,48 tỷ đồng

Nhiều phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện Kông Chro chi sai hơn 3,48 tỷ đồng

Ngày 24/10, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho hay, đơn vị vừa công bố kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Kông Chro, giai đoạn 2021 - 2023.

Quá trình kiểm tra, Thanh tra Tỉnh phát hiện trong quá trình thực hiện việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng cơ bản có 49/56 đơn vị để xảy ra sai phạm với tổng số tiền hơn 3,48 tỷ đồng.

Cụ thể, qua kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ năm 2021 - 2023, trên địa bàn huyện Kông Chro có 35 đơn vị đã thanh toán tiền chỉnh lý tài liệu, tiền dạy tăng giờ, một số chế độ, phụ cấp và các khoản chi khác không đúng quy định với số tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình đã để xảy ra sai phạm trong việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, thanh quyết toán công trình tại 14 đơn vị với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 1 công trình do UBND xã Đăk Tơ Pang làm chủ đầu tư thi công thiếu khối lượng hạ lưu chân khay, hiện đã bị xói lở, hư hỏng, vừa ảnh hưởng hiệu quả đầu tư vừa không đảm bảo an toàn.

Từ kết quả thanh tra và kết luận nêu trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai đề nghị Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Kông Chro kiểm điểm, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và thực hiện công tác đầu tư xây dựng tại địa phương.

Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với trưởng các phòng, ban, chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan đến sai phạm. Chỉ đạo trưởng các phòng, ban, chủ tịch UBND các xã, thị trấn, lãnh đạo các đơn vị có sai phạm liên quan chịu trách nhiệm thu hồi số tiền hơn 3,48 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước…

Bắt 4 nhân viên ngân hàng trong đường dây làm giấy tờ giả ở TP.HCM

Các đối tượng là nhân viên ngân hàng đã làm giả, mua bán các giấy tờ quan trọng để hoàn thiện hồ sơ cho khách hàng vay vốn nhằm thu lời bất chính.

Duy (bìa trái) cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả

Duy (bìa trái) cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả

Ngày 24/10, Công an huyện Bình Chánh cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Mạnh Duy cùng 6 người khác về tội danh "Sử dụng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo cảnh sát, qua kiểm tra hành chính căn hộ Sài Gòn Mia, xã Bình Hưng, lực lượng chức năng phát hiện Trương Thị Yến Nhi, Trần Tuyết Hảo và Trần Tuyết Ngân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú có dấu hiệu làm giả.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Bình Chánh xác định nguồn gốc số giấy tờ giả trên do Trần Văn Diệp, nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng ở khu Trung Sơn, cung cấp. Ngoài việc sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú giả, Diệp còn đặt mua giấy chứng nhận kinh doanh giả cùng các chứng từ giả khác.

Công an xác định, đây là đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức do Phan Mạnh Duy cầm đầu.

Ngoài Duy, cảnh sát triệu tập Trần Thị Phương Thảo (vợ của Duy), Võ Thị Thủy Tiên, Nguyễn Hoàng Huyền Trang (nhân viên ngân hàng), Bùi Nguyễn Minh Lâm, Trần Nguyễn Thanh Huy (nhân viên ngân hàng), Trần Văn Diệp (nhân viên ngân hàng).

Tại cơ quan điều tra, Duy khai nhận từ năm 2020, anh ta bắt đầu làm giả các con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức như: Đơn xác nhận kinh doanh, giấy xác nhận cư trú, sao kê tài khoản ngân hàng, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sao y bản chính các giấy tờ, giấy tất toán tài khoản ngân hàng để bán cho người có nhu cầu.

Duy thuê Võ Thị Thủy Tiên và trả công 8 - 10 triệu đồng/tháng để phụ giúp anh ta. Từ tháng 5/2023, Trần Thị Phương Thảo cũng tham gia giúp sức cho chồng.

Các bị can là nhân viên ngân hàng khai do thấy nhiều khách hàng vay vốn, nhưng không có giấy đăng ký tạm trú cũng như các giấy tờ khác nên họ đã mua giấy tờ giả của Duy nhằm bổ túc hồ sơ vay vốn cho khách hàng hoặc bán lại cho người khác nhằm hưởng lợi bất chính.

Khám xét nơi ở của Duy, nhà chức trách thu giữ máy móc, thiết bị sử dụng để làm giấy tờ giả cùng hơn 1.700 con dấu tròn giả các cơ quan, tổ chức. Qua trích xuất dữ liệu máy tính của bị can, cảnh sát thu được hơn 12.000 tài liệu có liên quan, trong đó có khoảng 2.000 tài liệu giả đã được các đối tượng sản xuất và bán ra ngoài.

Vi phạm thị trường chứng khoán, 3 công ty bị phạt 315 triệu đồng

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán KAFI; Công ty CP ABG Hà Nội và Công ty CP Lisemco bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 315 triệu đồng.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, 3 công ty bị UBCKNN xử phạt 315 triệu đồng

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, 3 công ty bị UBCKNN xử phạt 315 triệu đồng

Theo Quyết định số 1160/QĐ-XPHC, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Chứng khoán KAFI (địa chỉ phòng 1403, Lầu 14, tòa nhà Sailing Tower, 111A Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) số tiền 137,5 triệu đồng theo quy định.

UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 431/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP ABG Hà Nội (địa chỉ trụ sở chính tại số 6 ngõ 250/39/45 Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) số tiền 92,5 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Trước đó, UBCKNN ban hành Quyết định số 430/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Lisemco (địa chỉ tại Km 6, Quốc lộ 5, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) số tiền 85 triệu đồng theo quy định do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Chuyên đề