Bản tin thời sự sáng 25/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM khởi công cải tạo rạch Xuyên Tâm vào tháng 8/2024; Singapore sẽ nhập 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam; từ ngày 3/12, người dân có thể xuất trình CCCD khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; HoSE yêu cầu VNE giải trình việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp…

Khởi công cải tạo rạch Xuyên Tâm vào tháng 8/2024

Rạch Xuyên Tâm chảy qua nội đô thành phố sẽ được cải tạo từ tháng 8/2024, hoàn thành sau 4 năm nhằm giảm ô nhiễm, tạo diện mạo mới cho khu vực.

Phối cảnh rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành cải tạo

Phối cảnh rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành cải tạo

Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết sáng 24/10.

Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP.HCM. Sau hơn 20 năm ấp ủ kế hoạch triển khai, công trình nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch hiện được thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách, thực hiện trong giai đoạn 2023-2028.

Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20-30 m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6 m, vỉa hè 3-4 m, cùng công viên, mảng xanh; hệ thống chiếu sáng...

Theo ông Dũng, trong hai địa phương tuyến rạch đi qua, phần qua quận Gò Vấp dự kiến khởi công trước vào tháng 8/2024, bởi khối lượng công việc ít hơn so với đoạn qua Bình Thạnh.

Tại Gò Vấp, tổng diện tích đất thu hồi làm dự án hơn 19.500 m2 với khoảng 84 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng. Địa phương đã chuẩn bị căn hộ tái định cư cho những trường hợp bị giải tỏa trắng tại chung cư Khang Gia, phường 14. Việc thi công đoạn rạch qua quận này dự kiến hoàn thành tháng 5/2025.

Việc giải phóng mặt bằng ở phía Bình Thạnh được đánh giá sẽ gặp khó khăn bởi có tới gần 1.800 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 1.107 trường hợp bị giải tỏa trắng, song địa phương mới dự kiến bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Dũng cho biết thành phố sẽ xây khu tái định cư tại khu đất số 4 Phan Chu Trinh (phường 12), diện tích hơn 12 ha, quy mô 850 căn. Dự kiến, dự án sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 11 tới.

Singapore sẽ nhập 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam

Singapore vừa cấp phép nhập khẩu 1,2 GW điện carbon thấp, chủ yếu là điện gió, từ Việt Nam.

Singapore sẽ nhập 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Singapore sẽ nhập 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại Tuần lễ năng lượng quốc tế Singapore ngày 24/10, Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng cho biết, Cơ quan thị trường năng lượng (EMA) đã cấp phép có điều kiện để Sembcorp Utilities nhập khẩu điện từ Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

Lượng điện nhập khẩu từ Việt Nam, được truyền tải qua tuyến cáp ngầm mới chiều dài 1.000 km, có thể đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Singapore. Trước đó, đảo quốc này đã có các thỏa thuận tương tự để nhập khẩu điện sạch từ Indonesia (2GW) và Campuchia (1GW).

Như vậy, điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng của Singapore vào 2035. Điều này nhằm góp phần giúp nước này đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ.

Sembcorp cho biết việc mua điện có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2033, tùy vào sự chấp thuận của chính quyền.

Sembcorp và PTSC sẽ bắt tay vào phát triển đề xuất dự án và nỗ lực đạt được giấy phép có điều kiện và giấy phép nhập khẩu từ EMA, cũng như giấy phép xuất khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 10/2, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PTSC và Sembcorp đã ký và trao Thỏa thuận phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi Việt Nam. Cả hai sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án sản xuất khoảng 2,3 GW điện và xuất khẩu qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, đáp ứng nhu cầu điện sạch từ năm 2030 của Singapore.

Lâm Đồng còn 103 doanh nghiệp nợ thuế

Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, trong số 103 người nợ tiền thuế và các khoản thu khác trên hầu hết là các công ty sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thủy điện, vận tải ô tô...

Toàn tỉnh Lâm Đồng còn 103 người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác với số tiền 159,013 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Lâm Đồng còn 103 người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác với số tiền 159,013 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng vừa có Thông báo số 5447/TB-CTLĐO gửi các cơ quan báo chí, truyền thông về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Theo thông báo này, toàn tỉnh Lâm Đồng còn 103 người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác với số tiền 159,013 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, trong số 103 người nợ tiền thuế và các khoản thu khác trên hầu hết là các công ty sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thủy điện, vận tải ô tô, sản xuất- tiêu thụ nông sản, xây dựng dân dụng, xây dựng cầu đường, xuất nhập khẩu… có văn phòng tại tỉnh Lâm Đồng.

Trong số các doanh nghiệp nợ thuế, nhiều nhất là Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh với số nợ lên tới 38,033 tỷ đồng; Công ty TNHH Bảo Nghi ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà với số nợ 16,085 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Lâm Đồng ở phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc với số nợ 13,736 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện ở xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc với số nợ 8,856 tỷ đồng; Công ty TNHH Lâm Phần có địa chỉ tại phường 3, thành phố Đà Lạt với số nợ 7,679 tỷ đồng; Chi nhánh Sông Đà 6.05- Công ty cổ phần Sông Đà 6 ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm với số nợ 7,357 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển kinh tế Tây Nguyên ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng với số nợ 6,951 tỷ đồng…

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, lũy kế 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 997 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 7.418 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng có tới 554 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 174 doanh nghiệp giải thể và 248 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Hơn 3.700 sổ đỏ ở Khánh Hòa chưa có người nhận

Qua rà soát, đơn vị chuyên môn ở Khánh Hòa phát hiện hơn 3.700 sổ đỏ được cấp nhiều năm nhưng vẫn chưa trao đến tay người dân.

Người dân chờ làm thủ tục tại bộ phận một cửa ở Khánh Hòa

Người dân chờ làm thủ tục tại bộ phận một cửa ở Khánh Hòa

Ngày 24/10, ông Hoàng Lê Lin, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất (VPĐKĐĐ) tỉnh Khánh Hòa) cho biết, đã công khai danh sách hơn 3.700 trường hợp ở TP Nha Trang và huyện Khánh Vĩnh được cấp sổ đỏ nhiều năm, nhưng vẫn chưa có người nhận.

Trong số đó, tại TP Nha Trang còn đọng 1.894 sổ đỏ, huyện Khánh Vĩnh là 1.877 sổ đỏ.

VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa sau khi rà soát những sổ đỏ còn đọng này yêu cầu các chi nhánh trực thuộc tại các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách trao cho người dân.

Cùng với đó, VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa cũng công khai danh sách này ở từng xã, phường có sổ đỏ đã được cấp, đang tồn đọng và đề nghị dân đến chi nhánh VPĐKĐĐ Nha Trang và Khánh Vĩnh để nhận sổ đỏ.

Ông Lin cho hay, những sổ đỏ trên còn tồn lại đã nhiều năm khi người dân làm thủ tục đăng ký đất đai trong quá trình thực hiện dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (dự án VLAP) và dự án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt tại tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đã được cơ quan chuyên môn mời lên nhận sổ đỏ, song họ không tới nhận. Một số trường hợp khác chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoặc do giấy tờ đất đai cũ đang thế chấp tại ngân hàng, không nộp lại để nhận sổ đỏ mới.

Trước đó, hồi tháng 7, VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sổ đỏ đã cấp nhưng chưa giao để giải quyết cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ ngày 3/12, người dân có thể xuất trình CCCD khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Từ ngày 3/12, người dân có thể xuất trình căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Từ ngày 3/12, người dân có thể xuất trình căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 liên quan đến thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân (CCCD). Trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP cũng bổ sung nhóm đối tượng ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng...Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12.

PNJ đạt lợi nhuận 1.340 tỷ đồng sau 9 tháng

PNJ công bố doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm lần lượt đạt 23.377 tỷ đồng và 1.340 tỷ đồng.

Kết thúc quý 3, lợi nhuận PNJ đạt 1.340 tỷ đồng

Kết thúc quý 3, lợi nhuận PNJ đạt 1.340 tỷ đồng

Ngày 24/10, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Riêng quý III, đơn vị ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.918 tỷ đồng (giảm nhẹ 6,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng (tăng 0,4% so với 2022).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 23.377 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế duy trì mức tương đương nền cao kỷ lục của năm ngoái - 1.340 tỷ đồng.

Theo đại diện PNJ, doanh thu trang sức bán lẻ 9 tháng đầu năm giảm 10,5%. Doanh thu trang sức bán sỉ 9 tháng năm đầu năm giảm 32,1% so với 2022; vàng 24K tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp trung bình 9 tháng qua đạt 18,4% (cao hơn mức 17,4% cùng kỳ), nằm trong mức kỳ vọng của công ty. Tổng chi phí hoạt động giảm 2,5% so với 2022, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng nhẹ - từ 59,3% (2022) lên 59,9%, do sự thu hẹp doanh thu. Doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động đầu tư cho kế hoạch phát triển dài hạn.

HoSE yêu cầu VNE giải trình việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có công văn yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (mã chứng khoán VNE) về việc cổ phiếu VNE đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 17-23/10.

Nhà đầu tư theo dõi biến động cổ phiếu trên bảng giao dịch điện tử.

Nhà đầu tư theo dõi biến động cổ phiếu trên bảng giao dịch điện tử.

Theo HoSE, căn cứ quy định tại Khoản 14 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “ Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Trường hợp công ty nhận biết được sự kiện, thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty, công ty phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó”.

Căn cứ công văn số 2828/UBCK-VP ngày 16/5/2022 của Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước về việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM yêu cầu tổ chức niêm yết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giả cổ phiếu.

Vì vậy HoSE đề nghị Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam thực hiện công bố thông tin theo quy định nêu trên.

Trước đó, ngày 17/10, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam Trần Quang Cần báo cáo bị công ty chứng khoán bán giải chấp 391.500 cổ phiếu VNE nắm giữ. Sau giao dịch, số cổ phiếu ông Cần nắm giữ hơn 6,7 triệu cổ phiếu VNE, tương đương tỷ lệ 8,19%.

Từ ngày 19/9-13/10, ông Trần Văn Huy - Phó Tổng Giám đốc VNE đã bán 100.000 cổ phiếu VNE, giảm sở hữu xuống 4.500 cổ phiếu VNE, tương đương 0,0055%.

Còn CTCP Malblue, cổ đông lớn đồng thời là công ty có liên quan đến Chủ tịch HĐQT VNE Nguyễn Minh Tuấn đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu từ ngày 12/10-9/11 để có thể rút khỏi ghế cổ đông lớn khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,2% xuống còn 3,2% (tương đương hơn 2,9 triệu cổ phiếu). Trước khi đăng ký giao dịch trên, Malblue đã bán tổng cộng 4,6 triệu cổ phiếu VNE từ ngày 13/9-3/10.

Cảnh sát biển phát hiện tàu chở 80.000 lít dầu không rõ nguồn gốc

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng thì tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO nhưng ông Bường không xuất trình được chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Lực lượng Cảnh sát biển dẫn giải tàu TG 90297 TS về cảng của Hải đội 301 ở thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý.

Lực lượng Cảnh sát biển dẫn giải tàu TG 90297 TS về cảng của Hải đội 301 ở thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý.

Sáng 24/10, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu TG 90297 TS của tỉnh Tiền Giang chở khoảng 80.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa cùng 4 thuyền viên của tàu về đến cảng Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào khoảng 5 giờ ngày 23/10, trên khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 120 hải lý về phía Đông, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu TG 90297 TS có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Bường (quê ở xã Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang).

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng thì tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, ông Bường không xuất trình được chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đối với số dầu nói trên.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chấm dứt cho thuê 2 khu đất Thành Bưởi lập bãi xe trái phép

Ngày 24/10, UBND phường An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng với Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi) tại khu đất 97 đường Mai Chí Thọ và trên đường trục chính khu phố 3.

Bãi xe nhà xe Thành Bưởi trên trục đường trục chính khu phố 3, phường An Phú

Bãi xe nhà xe Thành Bưởi trên trục đường trục chính khu phố 3, phường An Phú

Đại diện UBND phường An Phú (TP Thủ Đức) cho biết, chủ đất của hai khu đất trên sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng với nhà xe Thành Bưởi.

Bãi xe trên đường trục chính thuộc một phần thửa đất số 23, tờ bản đồ số 26, mục đích sử dụng là đất nông nghiệp và bãi xe ở số 97 Mai Chí Thọ thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 34 (cùng thuộc khu phố 3, P.An Phú), mục đích sử dụng là một phần đất ở, đất vườn, trồng cây lâu năm.

Việc nhà xe Thành Bưởi thuê 2 khu đất rồi lập bãi xe nhưng thiếu quy hoạch bến bãi và xây dựng một số công trình như khung sắt, mái bạc, container làm nhà vệ sinh... là sai mục đích sử dụng đất.

Do đó, UBND phường An Phú đã làm việc với phía chủ đất về việc cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê 2 mặt bằng nói trên. Chủ đất đã lập biên bản cam kết, thống nhất sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng với nhà xe Thành Bưởi.

Đồng thời, phía chủ đất đề nghị nhà xe Thành Bưởi phải tháo dỡ các khung sắt, mái bạt, thùng container làm nhà vệ sinh, trả lại hiện trạng khu đất trên đường trục chính trước ngày 31/10.

Đại diện UBND P. An Phú cũng thông tin, sau ngày 31/10, các đơn vị có liên quan không chấp hành việc di dời, tháo dỡ ở hai khu đất nêu trên thì phường sẽ thực hiện cưỡng chế, xử phạt theo quy định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư