Bản tin thời sự sáng 2/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất các nguồn tăng lương cơ sở năm 2023; Cao Bằng ra chỉ đạo nóng, làm rõ vụ sạt lở bờ kè làm 3 người tử vong; lãi suất vay mượn USD giữa các ngân hàng chạm mức 5,01%/năm; Habeco lần đầu lỗ sau 3 năm; du lịch TP.HCM thu hơn 3.000 tỷ đồng dịp lễ…

Đề xuất các nguồn tăng lương cơ sở năm 2023

Bộ Tài chính đề xuất ba nguồn để các bộ, cơ quan Trung ương tăng lương cơ sở năm 2023, trong đó có số tiền thu được để lại và tiết kiệm chi thường xuyên.

Bộ Tài chính đề xuất ba nguồn để các bộ, cơ quan Trung ương tăng lương cơ sở năm 2023

Bộ Tài chính đề xuất ba nguồn để các bộ, cơ quan Trung ương tăng lương cơ sở năm 2023

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2023 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến nhân dân.

Trong đó, Bộ đề xuất kinh phí tăng lương cơ sở năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương từ nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2023.

Hai là các đơn vị sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023; số thu từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của bệnh viện công lập thì sử dụng tối thiểu 35%.

Nguồn thứ ba là sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.

Bộ Tài chính đề xuất nguồn kinh phí để tăng lương cơ sở và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc của các tỉnh, thành từ nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.

Các địa phương có thể sử dụng nguồn 70% tăng thu ngân sách năm 2022 so với dự toán được Thủ tướng giao, không bao gồm tăng thu từ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã.

Các nguồn khác có thể sử dụng là kinh phí cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang nếu có; hoặc sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại năm 2023 (số thu từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của bệnh viện công lập sử dụng tối thiểu 35%).

Tháng 11/2022, Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng (tăng 20,8%) từ 1/7/2023.

Cao Bằng ra chỉ đạo nóng, làm rõ vụ sạt lở bờ kè làm 3 người tử vong

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã có những chỉ đạo liên quan đến vụ sạt lở bờ kè làm 3 người tử vong.

Hiện trường vụ sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở

Theo đó, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố Cao Bằng.

Trong công văn, Chủ tịch UBND Tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng Cao Bằng chủ trì, phối hợp, giám định nguyên nhân sự cố và báo cáo đến Chủ tịch Tỉnh trước ngày 15/5. Sở Xây dựng cần yêu cầu chủ đầu tư bờ kè là ông Lê Đức Thuần lập hồ sơ sự cố bờ kè.

Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh cũng yêu cầu UBND thành phố Cao Bằng làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, báo cáo Chủ tịch Tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, vào khoảng 2h20 sáng 30/4 tại khu vực Km5, đường Đông Khê đã xảy ra vụ sạt lở làm 3 mẹ con tử vong, 2 người khác trong gia đình (bà Trương Thị Hoa - chủ hộ) bị thương.

Liên quan đến vụ việc sập bờ kè gây hậu quả thương tâm, thông tin từ người nhà và hàng xóm của gia đình bà Hoa cho hay, trước đó, gia đình đã 2 lần gửi đơn kiến nghị lên UBND phường Duyệt Trung về nội dung chủ đầu tư đã xây dựng bờ kè tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Nguyễn Thế Hoàn - Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng, ngay sau khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chức năng của Thành phố đã vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ, động viên, thăm hỏi gia đình người bị nạn. Các lực lượng cũng nhanh chóng phong tỏa hiện trường và phối hợp điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

Theo báo cáo của nhanh UBND tỉnh Cao Bằng, bờ kè đá sạt lở tại tổ 4, phường Duyệt Trung được thi công theo 3 giấy phép xây dựng số 217, 218 và 219 cấp ngày 1/6/2021. Chiều dài tuyến kè hơn 27 m, độ cao tuyến kè khoảng 4,5 m so với cốt nền đất tự nhiên.

Lãi suất vay mượn USD giữa các ngân hàng chạm mức 5,01%/năm

Lãi suất giao dịch USD giữa các ngân hàng tiếp tục có xu hướng đi lên trong tuần qua, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên mức 5,01%.

Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng chạm mức 5,01%/năm

Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng chạm mức 5,01%/năm

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần thứ 3 của tháng 4/2023, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.181.496 tỷ đồng, bình quân 236.299 tỷ đồng/ngày, tăng 4.294 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.

Trong khi đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 297.820 tỷ đồng, bình quân 59.564 tỷ đồng/ngày, giảm 779 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (89% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (5% tổng doanh số giao dịch VND).

Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 79% và 13%.

Với doanh số giao dịch tăng lên, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần bằng VND giảm tại các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng và tăng tại hầu hết các kỳ hạn còn lại.

Cụ thể, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm lần lượt 0,94%/năm và 0,81%/năm xuống mức 4,41%/năm và 4,59%/năm; trong khi đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng 0,12%/năm lên mức 5,78%/năm.

Đáng chú ý đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng tăng nhẹ so với mức lãi suất của tuần trước. Cụ thể, lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giữ ở mức 4,62%/năm, 4,65%/năm và 5,01%/năm.

Habeco lần đầu lỗ sau 3 năm

Quý I/2023, Habeco lỗ hợp nhất 3,7 tỷ đồng do ảnh hưởng kép việc kiểm soát chặt chẽ vi phạm nồng cồn và chi phí đầu vào tăng mạnh.

Quý I/2023, Habeco lỗ hợp nhất 3,7 tỷ đồng

Quý I/2023, Habeco lỗ hợp nhất 3,7 tỷ đồng

3 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.172 tỷ đồng. Đây cũng là mức thấp nhất của chủ hãng bia Hà Nội kể từ quý I/2020.

Thời điểm đó, doanh thu Habeco chạm đáy với chỉ hơn 770 tỷ đồng do tác động kép của Covid-19 và Nghị định 100 tăng mức phạt với hành vi lái xe sau khi uống rượu bia vừa có hiệu lực. Việc này đã khiến lợi nhuận Habeco âm gần 100 tỷ và cũng lần đầu ông lớn ngành bia ở miền Bắc báo lỗ sau cả chục năm.

Tình trạng này lặp lại vào quý I/2023 khi Habeco lỗ hợp nhất hơn 3,7 tỷ đồng. Theo lý giải của Công ty, lợi nhuận giảm do doanh thu đi xuống bởi việc kiểm soát chặt chẽ về vi phạm nồng độ, cũng như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Đồng thời, các chi phí đầu vào của nhà sản xuất này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với malt - nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành sản xuất bia, Habeco cho biết tăng khoảng 50% so với mức giá bình quân mua vào năm 2022.

Du lịch TP.HCM thu hơn 3.000 tỷ đồng dịp lễ

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, chỉ tính riêng trong 3 ngày nghỉ lễ (29/4 - 1/5), khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí trong Thành phố ước đạt khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ.

Du khách tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình trong kỳ nghỉ

Du khách tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình trong kỳ nghỉ

Trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 320.000 lượt, tăng 71,1% so với cùng kỳ. Khách quốc tế khoảng 48.000 lượt, tăng 263,6%.

Các cơ sở lưu trú cũng đón khoảng 180.000 lượt khách, tăng 89,5% so với cùng kỳ. Công suất phòng ước đạt xấp xỉ 70 - 75%, tăng 7,1%.

Lượng khách tăng đã kéo theo doanh thu ước đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 94,4% so với năm 2022.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp lễ năm nay, hoạt động tham quan trụ sở hơn 110 tuổi của HĐND và UBND TP.HCM là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức. Sau 2 ngày, Ban tổ chức đã đón tiếp hơn 1.500 lượt khách gồm người dân Thành phố, du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang... cũng như khách quốc tế.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, du lịch TP.HCM đã thu hút 1,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1.106,7% so với cùng kỳ năm trước và 10,5 triệu khách du lịch nội địa, tăng 54,7%. Với kết quả này, ngành du lịch ghi nhận tổng doanh thu 51.147 tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bình Định chi hơn 4,5 tỷ đồng để sửa chữa cảng cá Đề Gi

Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cảng cá Đề Gi, UBND tỉnh Bình Định quyết chi hơn 4,5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa cảng cá.

Cảng cá Đề Gi - xã Cát Khánh, huyện Phù Cát

Cảng cá Đề Gi - xã Cát Khánh, huyện Phù Cát

Ngày 1/5, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, sửa chữa cảng cá Đề Gi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã bố trí hơn 4,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Tỉnh năm 2023 để khắc phục hệ thống khung kèo thép, mái tole, hệ thống điện, nền cảng cá bị hư hỏng. Thời gian thực hiện trong năm 2023.

Ông Trần Văn Phúc - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang triển khai đủ các thủ tục theo quy định và cố gắng hoàn thiện để cảng cá đi hoạt động bình thường, để người dân an tâm sản xuất. Đối với sửa chữa hư hỏng cảng cá Đề Gi, hiện nay đang tập trung sửa chữa hệ thống mái che của cảng cá và cầu cảng.

Trước đó, sau hơn 11 năm sử dụng từ khi UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, đến nay, cảng cá này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với ngư dân và thương lái nơi đây.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình cải tạo, sửa chữa cảng cá Đề Gi như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian hoàn thành phải trong năm 2023.

Thiếu đất đắp, nhiều công trình trọng điểm ở Đắk Nông dừng thi công

Nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang phải tạm dừng thi công vì sử dụng đất san lấp mặt bằng sai quy định. Sự việc này đang khiến cho nhiều dự án không chỉ đứng trước nguy cơ chậm tiến độ mà việc giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt thấp.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm ở Đắk Nông đã phải dừng thi công gần 2 tháng nay vì thiếu nguồn đất đắp

Nhiều công trình, dự án trọng điểm ở Đắk Nông đã phải dừng thi công gần 2 tháng nay vì thiếu nguồn đất đắp

Hiện nay, các dự án như: Tỉnh lộ 5; Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2); Nâng cấp Tỉnh lộ 2; Tỉnh lộ 3 và Đường giao thông từ thôn 1 vào vùng đồng bào dân tộc Mông thôn 5 tầng đang phải dừng thi công. Nguyên nhân được xác định là các dự án này đang thiếu nguồn đất đắp.

Đơn cử như Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 5 đã dừng thi công việc đào đắp nền đường gần 1 tháng nay. Các hạng mục liên quan như: cống thoát nước, móng cấp phối đá dăm, mặt đường… cũng phải dừng theo.

Dự án này được triển khai từ tháng 9/2022, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Ngoài 5 dự án giao thông nêu trên, Dự án Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa hiện cũng đang tạm dừng công tác đào đắp nền. Không chỉ có các dự án lớn của Tỉnh, ở một số huyện, thành phố Gia Nghĩa cũng đang tạm dừng việc thi công đào đắp tại các dự án đầu tư vì... thiếu đất.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, nhiều công trình do đơn vị làm chủ đầu tư đã phải tạm dừng hơn 1 tháng 15 ngày vì thiếu mỏ khai thác vật liệu đất đắp.

Điều đáng nói, thời gian phải tạm ngừng thi công lại là khoảng thời gian thuận lợi nhất để đào đắp nền các công trình, dự án bởi đây là thời điểm mùa khô. Chỉ khi có nền đường thì mới có cơ sở thi công các hạng mục khác.

Sắp tới là thời gian mùa mưa nên việc thi công sẽ gặp nhiều bất lợi, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ và hạn chế trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Sẽ thay công ty bảo vệ sau sự cố vẽ bậy lên đoàn tàu metro số 1 TP.HCM

Ngày 1/5, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đang yêu cầu xem xét thay đơn vị bảo vệ sau sự cố vẽ bậy lên tàu metro số 1.

Các toa tàu metro số 1 đang đậu tại depot Long Bình bị vẽ bậy

Các toa tàu metro số 1 đang đậu tại depot Long Bình bị vẽ bậy

Liên quan đến vụ việc đoàn tàu metro số 1 bị vẽ bậy khi đang đậu tại depot Long Bình (TP. Thủ Đức, TP.HCM) dù tại đây có đến 2 lớp bảo vệ, Ban quản lý và nhà thầu đang tiếp tục làm việc với Công an TP. Thủ Đức để điều tra làm rõ.

Cũng theo Ban quản lý, khu vực depot (nơi tập kết các đoàn tàu metro số 1) được lắp đặt nhiều camera an ninh cũng như bố trí đến 2 lớp bảo vệ. Ngoài ra, bên trong còn có hàng trăm công nhân làm việc mỗi ngày.

Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban quản lý đã yêu cầu nhà thầu phải khắc phục và xem xét lại các biện pháp an ninh.

Trước mắt, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ yêu cầu nhà thầu xem xét thay công ty bảo vệ.

Còn về diện tích bị vẽ bậy trên đoàn tàu không quá lớn nên nhà thầu đang chủ động tẩy xoá các vết sơn.

Trước đó, các toa tàu đang để tại khu vực depot Long Bình, TP. Thủ Đức, được phát hiện đã bị vẽ bậy vào ngày 30/4.

TP. Móng Cái đề nghị giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh sang Trung Quốc

TP. Móng Cái đề nghị TP. Đông Hưng (Trung Quốc) tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xuất nhập cảnh để tránh việc người dân xuất cảnh phải chờ hàng giờ.

Cảnh ùn tắc xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái trong đợt nghỉ lễ này

Cảnh ùn tắc xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái trong đợt nghỉ lễ này

Ngày 1/5, thông tin từ UBND TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này đã gửi thư trao đổi từ ngày 20/4 về việc tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động xuất nhập cảnh giữa Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - TP. Đông Hưng.

Theo UBND TP. Móng Cái, từ 21/2, cặp cửa khẩu Móng Cái - TP. Đông Hưng (Trung Quốc) đã khôi phục lại hoạt động du lịch sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã đáp ứng được nhu cầu, nhận được ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, tại khu vực kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh ở cửa khẩu Đông Hưng còn nhiều bất cập, phát sinh nhiều công đoạn, thời gian cho khách du lịch Việt Nam theo đoàn sang chơi trong ngày.

Đặc biệt, du khách Việt Nam phải sử dụng ứng dụng Wechat quét mã kiểm dịch y tế; chưa bố trí làn riêng cho khách du lịch mà phải xếp hàng chung cùng cư dân biên giới. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc khách du lịch xếp hàng chờ đợi quá lâu như hiện nay.

Cụ thể, thời gian làm thủ tục cho đoàn khách du lịch 20 người mất 2 - 4 tiếng; những ngày cuối tuần tăng lên 5 tiếng. Riêng trường hợp người có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải làm thủ tục từ 1 - 2 tiếng.

Ngoài ra, TP. Móng Cái đề nghị TP. Đông Hưng sớm mở luồng kiểm tra, xuất nhập cảnh cho khách du lịch và xe du lịch tự lái qua cửa khẩu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái).

Trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hàng ngàn du khách khắp nơi đổ về TP. Móng Cái để xuất cảnh sang TP. Đông Hưng (Trung Quốc) đi du lịch trong ngày. Đây là sản phẩm có từ nhiều năm nay tại TP. Móng Cái, nhưng do thủ tục của TP. Đông Hưng quá lâu, khiến du khách mệt mỏi chờ đợi, thời gian du lịch phía nước bạn chỉ còn 4 - 5 tiếng rồi quay về.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư