Bản tin thời sự sáng 24/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 300.000 viên thuốc kháng virus molnupiravir về Việt Nam; Cục Hàng không bất ngờ ra điều kiện quan trọng với phi công, tiếp viên; nhiều chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM tạm dừng hoạt động; hơn 1.000 cán bộ, học viên quân y tiếp tục lên đường vào Nam tham gia chống dịch…

Hơn 300.000 viên thuốc kháng virus molnupiravir về Việt Nam

Hơn 300.000 viên thuốc kháng virus molnupiravir 200 mg, đủ cho hơn 7.500 liều uống, về đến TP.HCM ngày 23/8.

Hơn 300.000 viên thuốc kháng virus molnupiravir về Việt Nam

Hơn 300.000 viên thuốc kháng virus molnupiravir về Việt Nam

Dự kiến ngày 28/8, thêm 1.700.000 viên 200 mg, đủ cho 50.000 liều uống, về Việt Nam. Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong đầu tháng 9.

Ngoài ra, hiện nay, tài trợ từ doanh nghiệp trong nước là 16.000 liều, đến ngày 5/9 sẽ thêm 100.000 liều. Như vậy, từ nguồn này sẽ có tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2.320.000 viên molnupiravir 400 mg.

Molnupiravir là thuốc mới kháng virus, được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Đây là thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm 2, 3 trên thế giới.

Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".

Trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng, Hội đồng Đạo đức y sinh học quyết định thử nghiệm tại cơ sở y tế từ ngày 16 - 22/8. Hai bệnh viện Thống Nhất (tại TP.HCM) và Phổi Trung ương (Hà Nội) làm đầu mối phối hợp các cơ sở y tế triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1, 2, 3 trên bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa.

Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai chương trình Home-based care, dự kiến bắt đầu vào ngày 25/8.

Thuốc đang thử nghiệm cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ở mức độ vừa. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khi xét nghiệm PCR dương tính, có triệu chứng, thì nên sử dụng molnupiravir. Các triệu chứng vừa đến nặng, như triệu chứng hô hấp gồm hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi; đến bắt đầu có triệu chứng viêm phổi, khó thở.

Cục Hàng không bất ngờ ra điều kiện quan trọng với phi công, tiếp viên

Từ ngày 1/9, các hãng hàng không chỉ thực hiện xếp lịch bay cho phi công khi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, điều kiện này áp dụng với tiếp viên hàng không từ 1/10.

Từ 1/10, tiếp viên hàng không phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được xếp lịch bay

Từ 1/10, tiếp viên hàng không phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được xếp lịch bay

Đó là yêu cầu vừa được Cục Hàng không Việt Nam áp dụng bổ sung, nhằm phòng chống dịch Covid-19 đối với phi công và tiếp viên.

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, người khai thác tàu bay cần chấp hành nghiêm các chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ, ưu tiên nhóm nhân viên tuyến đầu thường xuyên tiếp xúc với hành khách và có nguy cơ lây nhiễm cao như người lái tàu bay, tiếp viên hàng không, nhân viên kỹ thuật.

Cụ thể, kể từ ngày 1/9, chỉ thực hiện xếp lịch bay cho người lái tàu bay khi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Tương tự, tiếp viên hàng không cũng cần tiêu đủ 2 mũi vắc xin, tuy nhiên thời điểm áp dụng chậm hơn, từ 1/10.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có chỉ thị về khai thác tàu bay trong mùa dịch. Chỉ thị nêu rõ, người khai thác tàu bay đánh giá việc chấp hành các quy định về duy trì năng định bay thiết bị và kỹ năng điều khiển tàu, kiểm tra kỹ năng và năng lực và huấn luyện định kỳ, giãn cách tối thiểu về kinh nghiệm bay đối với toàn bộ các thành viên tổ lái đang khai thác.

Tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine Covid-19 từ Ba Lan

Sáng 23/8, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận 501.600 liều vaccine AstraZeneca từ Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwe.

Tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine Covid-19 từ Ba Lan

Tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine Covid-19 từ Ba Lan

Thứ trưởng Cường cho biết, Bộ Y tế sẽ nhanh chóng phân bổ lô vaccine này đến các địa phương tùy theo tình hình thực tế về dịch bệnh.

Lô vaccine do Ba Lan tặng Việt Nam đã về tới Sân bay quốc tế Nội Bài và đang được bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Ba Lan công bố tặng Việt Nam hơn 501.000 liều vaccine Astra Zeneca, đồng thời viện trợ nhiều trang thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD. Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên mà Ba Lan viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế.

Dự kiến lô thiết bị y tế sẽ được Ba Lan chuyển sang Việt Nam trong đầu tháng 9. Các cơ quan chức năng hai nước cũng đang thúc đẩy tiến trình để tiếp nhận hơn 3 triệu liều vaccine mà Ba Lan cam kết nhượng lại cho Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 23 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại. Đến hết ngày 22/8, cả nước đã tiêm được hơn 17 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 15 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 1,8 triệu liều.

Nhiều chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM tạm dừng hoạt động

VPBank, HSBC, ACB, OCB… và nhiều ngân hàng khác đã phải tạm dừng hoạt động đa số chi nhánh, phòng giao dịch tại TP.HCM để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều ngân hàng thông báo tạm dừng hoạt động phần lớn chi nhánh, phòng giao dịch tại TP.HCM để thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Nhiều ngân hàng thông báo tạm dừng hoạt động phần lớn chi nhánh, phòng giao dịch tại TP.HCM để thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Trong thông báo gửi tới khách hàng, nhiều ngân hàng cho biết sẽ tạm dừng hoạt động phần lớn chi nhánh, phòng giao dịch tại TP.HCM để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, VPBank cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, TP.HCM đã siết chặt và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch lên mức cao nhất. Để đáp ứng chủ trương này, VPBank đã tạm thời đóng cửa phần lớn chi nhánh và phòng giao dịch trên địa bàn TP.HCM từ 23/8 đến 6/9. Hiện tại, ngân hàng này chỉ duy trì hoạt động tại 5 chi nhánh.

Không riêng VPBank, OCB cũng vừa có thông báo chỉ duy trì vận hành 4/30 điểm giao dịch tại TP.HCM từ 23/8 để thực hiện quy định giãn cách xã hội. Trong khi đó, 26 chi nhánh và phòng giao dịch còn lại sẽ tạm dừng hoạt động đến 6/9.

4 điểm giao dịch của OCB vẫn hoạt động giai đoạn này gồm chi nhánh Thủ Đức; chi nhánh Tân Thuận; chi nhánh Tân Bình và Trung tâm kinh doanh số 41 - 45 Lê Duẩn, Quận 1.

Tương tự, ACB cũng cho biết chỉ duy trì hoạt động 34 điểm giao dịch trên địa bàn TP.HCM giai đoạn này và tạm ngưng hoạt động 103 điểm giao dịch đến 6/9.

HSBC hiện chỉ duy trì hoạt động của hội sở chính đặt tại số 235 Đồng Khởi (Quận 1) trong khi các chi nhánh và phòng giao dịch khác tại TP.HCM sẽ tạm đóng cửa đến 6/9 theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Đại diện một số ngân hàng cũng cho biết dù phải tạm dừng hoạt động phần lớn điểm giao dịch tại TP.HCM nhưng các điểm ATM, giao dịch tự động vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân.

Hơn 1.000 cán bộ, học viên quân y tiếp tục lên đường vào Nam tham gia chống dịch

Đoàn công tác lần này gồm 1.096 cán bộ, học viên, được chia thành 341 tổ quân y cơ động; trong đó có 264 bác sĩ, 73 cán bộ điều dưỡng, 759 học viên của Học viện Quân y. Đoàn sẽ chia thành 5 đợt di chuyển ra sân bay Nội Bài để vào Nam tham gia chống dịch trong ngày 23/8.

Hơn 1.000 cán bộ, học viên quân y tiếp tục lên đường vào Nam tham gia chống dịch

Hơn 1.000 cán bộ, học viên quân y tiếp tục lên đường vào Nam tham gia chống dịch

Sáng 23/8, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Đến nay, Học viện đã tăng cường tổng số 1.391 quân nhân, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 4 tiến sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 79 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 38 thạc sĩ, 25 bác sĩ, 68 bác sĩ nội trú và 140 học viên sau đại học của các chuyên ngành; 72 điều dưỡng, 939 học viên quân y từ năm thứ ba đến thứ sáu.

Toàn bộ lực lượng này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.

Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, lực lượng của Học viện Quân y tăng cường tại phía Nam đã và sẽ triển khai thành khoảng 450 tổ quân y cơ động, phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo, điều phối của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch phía Nam, đoàn công tác có nhiệm vụ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin; chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc cho các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển chuyển tuyến khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác.

Tỉnh Bạc Liêu cấp bách quay lại áp dụng Chỉ thị 16 từ 3h ngày 23/8

Sau 3 tiếng hạ xuống áp dụng Chỉ thị 15, tỉnh Bạc Liêu cấp bách quay lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vì phát hiện nhiều F0 mới, dịch tễ phức tạp.

Công an kiểm tra người dân TP Bạc Liêu ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Công an kiểm tra người dân TP Bạc Liêu ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ký quyết định phong tỏa, cách ly y tế toàn TP. Bạc Liêu. Đối với thị xã Giá Rai và 5 huyện còn lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Thời gian thực hiện từ 3h ngày 23/8 đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, động thái này được đưa ra khi phát hiện thêm F0 mới, ngành y tế đánh giá các ca nhiễm có yếu tố dịch tễ phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương ở Tỉnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao.

Theo quyết định vừa được ban hành, tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Bạc Liêu sẽ tạm dừng. Mọi người tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Trừ các lực lượng chống dịch, tất cả người dân, xe không được ra đường.

Ngành y tế huy động cao nhất các nguồn lực để khẩn trương xét nghiệm, tầm soát Covid-19 đối với tất cả người dân TP. Bạc Liêu. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai các kênh phân phối, cung cấp đảm bảo điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh và các hàng hóa thiết yếu cho người dân...

Trước đó, sau 5 tuần thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã cho áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 15 trong 14 ngày, kể từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 5/9.

Phát hiện hơn 240.000 khẩu trang tái chế ở Đồng Nai

Hơn 1 tấn khẩu trang y tế (tương đương 240.000 chiếc khẩu trang) lỗi, hư được một chủ cơ sở ở Đồng Nai thu gom lại, đem về giao cho các hộ thuê trọ tái chế nhằm đưa ra thị trường.

Chủ lô hàng thừa nhận số khẩu trang y tế trên là hàng nhập trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ

Chủ lô hàng thừa nhận số khẩu trang y tế trên là hàng nhập trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT Đồng Nai phối hợp với Công an TP. Biên Hòa vừa tiến hành kiểm tra đột xuất hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Giang (tại tổ 31, khu phố 7, phường Long Bình) và phát hiện số lượng lớn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang y tế (tương đương khoảng 240.000 chiếc khẩu trang). Trong số này, có 2.300 cái khẩu trang y tế đã thành phẩm.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Giang khai nhận số khẩu trang y tế trên không có hóa đơn chứng từ, là khẩu trang lỗi, hư của các cơ sở sản xuất khẩu trang tại TP.HCM được ông Giang thu mua lại, đem về giao cho các hộ thuê trọ tái chế, sau đó, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tiếp tục khám xét, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 3.300 bao bì giấy, bịch nhựa các loại mang nhãn hiệu Thái Dương, BamBo, Skylight và 6 bao nylon đựng khẩu trang y tế loại 10 cái đã đóng gói sẵn.

Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Chuyên đề