Bản tin thời sự sáng 24/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bắt tạm giam Bí thư huyện ủy Như Xuân; phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc cổ ở Thành nhà Hồ; hàng loạt mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU bị phát hiện chứa chất cấm; Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng…

Bắt tạm giam Bí thư huyện ủy Như Xuân

Ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy Như Xuân, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, bị bắt với cáo buộc sai phạm liên quan dự án Hạc Thành Tower.

Ông Nguyễn Bá Hùng

Ông Nguyễn Bá Hùng

Ngày 23/7, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ ông Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính và Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng phòng Quản lý công sản - giá cả Sở Tài chính (đã nghỉ hưu).

Cơ quan điều tra đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các bị can, thu giữ tài liệu liên quan hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tài sản của hai ông này cũng bị cấm mua bán, chuyển nhượng.

Nhà chức trách cáo buộc, khi còn công tác tại Sở Tài chính Thanh Hóa, các bị can Nguyễn Bá Hùng, Văn Xuân Hùng đã tham mưu trực tiếp dẫn đến sai phạm, gây thất thu lớn cho ngân sách, liên quan đến dự án "đất vàng" Hạc Thành Tower, tọa lạc ở ngã tư phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa.

Cụ thể, năm 1993, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa quản lý và kinh doanh, tổng diện tích hơn 7.400 m2 thuộc khu nhà ở số 1, 2 và 3 đường Phan Chu Trinh.

Đến năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá giao đất thu tiền sử dụng đất tại đường Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Mã để triển khai dự án đầu tư. Diện tích đất giao thu tiền sử dụng đất là hơn 2.700 m2, với tổng số tiền phải nộp ngân sách nhà nước gần 57 tỷ đồng, tương ứng 21 triệu đồng/m2.

Đến năm 2013, dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh, nâng diện tích từ hơn 2.700 m2 lên hơn 2.900 m2, nhưng tiền sử dụng đất Công ty Sông Mã phải nộp lại giảm từ gần 57 tỷ đồng xuống hơn 48 tỷ đồng.

Năm 2013, Công ty Sông Mã mới hoàn tất điều chỉnh mặt bằng quy hoạch, và được bàn giao đất thực địa một năm sau đó. Tuy nhiên, từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển quyền sử dụng đất đối với khu đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng Hạc Thành Tower cho Công ty TNHH Huy Hoàng (chủ đầu tư cấp 2).

Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc cổ ở Thành nhà Hồ

Khai quật đường Hoàng gia (ngự đạo) trong Thành nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa), các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật quý, hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô cổ.

Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ

Sáng 23/7, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ công bố kết quả khai quật khảo cổ đường Hoàng gia. Cuộc khai quật được tổ chức từ tháng 11/2021 đến nay, trên diện tích 14.000 m2, củng cố thêm cứ liệu lịch sử về con đường hoàng đế và quần thần đi lại trong kinh thành xưa.

Theo ông Nguyễn Thắng, cán bộ khảo cổ, tại các hố khai quật ở hai phân khu, đoàn khảo cổ phát hiện dấu tích đường Hoàng gia còn lại rất rõ nét với kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng nam thành nối thẳng về hướng đàn tế Nam giao, phần còn lại ngược về hướng cổng bắc thành.

Nền đường Hoàng gia xuất lộ khá nhiều mảnh gạch chữ nhật, ngói và đá phiến thời Hồ. Các mảnh gạch được trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý, Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất ngay tại Thành nhà Hồ tương tự các cuộc khai quật trước đây.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng, gốm sứ thời Trần Hồ...

Cuộc khai quật năm nay cùng với kết quả các lần trước còn làm xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô nhà Hồ xưa như dấu tích đường Hoàng gia, cụm kiến trúc nền vua, cụm con rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu...

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Hàng loạt mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU bị phát hiện chứa chất cấm

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã xác minh và có thông tin bước đầu liên quan đến vụ mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã xác minh về hàng loạt mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU bị phát hiện chứa chất cấm

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã xác minh về hàng loạt mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU bị phát hiện chứa chất cấm

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến các sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của Liên minh châu Âu (EU), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.

Theo thông tin rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ, trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 1 trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Cụ thể, đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene, Vụ Khoa học và Công nghệ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra.

Đối với cảnh báo từ Ba Lan về sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, thông tin ban đầu, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ nên bị trả lại.

Còn với cảnh báo của Đức về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, hiện vẫn được xác minh, nhưng có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021. Theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng

Do vi phạm một số vấn đề trong lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt Vietnam Airlines tổng cộng 170 triệu đồng.

Vietnam Airlines bị UBCKNN phạt 170 triệu đồng

Vietnam Airlines bị UBCKNN phạt 170 triệu đồng

UBCKNN quyết định xử phạt hành chính Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) tổng cộng 170 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Trong đó, cơ quan quản lý phạt Vietnam Airlines 50 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Các tài liệu chậm trễ gồm Báo cáo thường niên năm 2020, Báo cáo tài chính quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air từ công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.

Bên cạnh đó, do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập, UBCKNN tiếp tục phạt doanh nghiệp 100 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, Vietnam Airlines có 7 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Ngoài ra, UBCKNN cho biết Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán của Vietnam Airlines chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Ban Tổng giám đốc. Vì vậy, công ty bị phạt thêm 20 triệu đồng do không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.

Hai Phó giám đốc sở ở Đồng Nai cùng làm đơn xin nghỉ việc

Hai vợ chồng là 2 Phó giám đốc sở khác nhau ở Đồng Nai cùng làm đơn xin nghỉ việc sau nhiều năm công tác.

Hai Phó giám đốc sở ở Đồng Nai và là vợ chồng cùng làm đơn xin nghỉ việc

Hai Phó giám đốc sở ở Đồng Nai và là vợ chồng cùng làm đơn xin nghỉ việc

Thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn xin thôi việc của 2 Phó giám đốc sở và đang xem xét, giải quyết theo quy định.

Hai người xin nghỉ việc là ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ và vợ là bà Trần Thị Ái Liên, Phó giám đốc Sở Nội vụ.

Theo đơn xin nghỉ việc, lý do vợ chồng ông Lộc bà Liên xin nghỉ việc là do sức khỏe và việc riêng cá nhân.

Hai đơn vị nơi ông Lộc, bà Liên công tác từng xảy ra nhiều lùm xùm về khiếu nại, tố cáo, trong đó bà Liên và nhiều lãnh đạo Sở Nội vụ từng bị UBKT Tỉnh ủy Đồng Nai kỷ luật, phê bình, rút kinh nghiệm do để “nội bộ thiếu thống nhất”.

Trước khi là Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, ông Lộc từng làm Giám đốc Trung tâm tư vấn công nghiệp (thuộc Sở Công nghiệp, nay là Sở Công thương) rồi làm Phó giám đốc Sở Công thương.

Đến tháng 4 vừa qua, ông Lộc được điều động làm Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ phụ trách lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Chuyên đề