Bản tin thời sự sáng 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vietcombank sắp bán vàng miếng qua app ngân hàng; cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch sau vụ mất 170 tỷ đồng; Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình bị cách tất cả chức vụ trong Đảng; khởi tố nguyên Chủ tịch Tập đoàn và Tổng Giám đốc Công ty Asanzo tội trốn thuế…

Vietcombank sắp bán vàng miếng qua app ngân hàng

Lãnh đạo Vietcombank cho biết sẽ bán vàng qua ứng dụng và hỗ trợ thanh toán không tiền mặt nhằm tối ưu quy trình cung ứng vàng cho người dân.

Vietcombank sắp bán vàng qua app banking

Vietcombank sắp bán vàng qua app banking

Thông tin này được ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HoSE: VCB) chia sẻ tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Cụ thể, ông Tùng cho biết, thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN và tối ưu quy trình cung ứng vàng, bán vàng cho người dân.

Trong đó, Ngân hàng sẽ bán vàng qua ứng dụng và hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng bảo đảm minh bạch và tiện lợi.

Hiện tại, cả 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) đều đã triển khai cho người tiêu dùng đăng ký mua vàng trực tuyến nhằm giảm tình trạng xếp hàng, chen lấn tại điểm bán.

Sau 3 tuần NHNN bán vàng trực tiếp cho 5 đơn vị này, giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể so với mức gần 20 triệu đồng thời gian trước.

Chia sẻ tại cuộc họp, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt của NHNN đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và ý kiến của các cơ quan chức năng.

5 đơn vị này cũng thừa nhận, nếu NHNN không can thiệp thị trường vàng, để giá chênh cao sẽ tác động tiêu cực như buôn lậu, trốn thuế, mất cân đối cán cân thanh toán, ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá và vĩ mô.

Cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch sau vụ mất 170 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Giang Hương vừa bị UBND tỉnh cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch sau khi bị Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cách chức Phó Bí thư huyện ủy.

UBND huyện Nhơn Trạch, nơi bà Giang Hương đang làm việc

UBND huyện Nhơn Trạch, nơi bà Giang Hương đang làm việc

Chiều 23/6, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cách chức chủ tịch huyện đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.

Theo lãnh đạo UBND Đồng Nai, việc cách chức đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương là căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai và quyết định của Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai.

Trước đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Giang Hương bằng hình thức cách chức Phó Bí thư huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bà Nguyễn Thị Giang Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho Tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Ngoài ra, bà Giang Hương làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, địa phương và trách nhiệm nêu gương của Đảng viên. Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, Đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch.

Tại cuộc họp báo quý I do Bộ Công an tổ chức ngày 26/3, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin về vụ nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị mất khoảng 170 tỷ đồng.

Đà Nẵng thu hút gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2024

Trong 5 tháng đầu năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã thu hút gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó cấp mới 27 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 22 triệu USD.

Thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm năm 2024, Thành phố đã cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là hơn 13.917 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 7.604 tỷ đồng và 3 dự án điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn tăng thêm là 6.313 tỷ đồng.

Trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, thành phố Đà Nẵng đã thu hút 2 dự án trong nước với vốn đầu tư 810 tỷ đồng; 3 lượt dự án trong nước tăng vốn là hơn 717 tỷ đồng.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 377 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là 210.817 tỷ đồng và 399 dự án trong nước trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông với vốn 34.458 tỷ đồng.

Với vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Đà Nẵng triệu 21,9 triệu USD vốn FDI, số vốn này tăng 12,26% so với cùng kỳ. Trong đó, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới 27 dự án với vốn đăng ký là 22,789 triệu USD.

Luỹ kế đến nay, thành phố Đà Nẵng có 1.012 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,3 tỷ USD; 40.859 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 258.212 tỷ đồng.

Về hoạt động của doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.582 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.166 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Ông Nguyễn Vũ Chi, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình, trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã vi phạm mức độ tác hại lớn, gây dư luận xấu.

Trụ sở UBND huyện Lương Sơn, nơi ông Nguyễn Vũ Chi khi làm Chủ tịch UBND huyện đã vi phạm các quy định của Nhà nước về pháp luật đất đai

Trụ sở UBND huyện Lương Sơn, nơi ông Nguyễn Vũ Chi khi làm Chủ tịch UBND huyện đã vi phạm các quy định của Nhà nước về pháp luật đất đai

Ngày 23/6, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm.

Sau khi xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của các tổ chức Đảng và kết quả kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Vũ Chi, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

Trong thời gian làm Phó Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Vũ Chi đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước.

Trên cương vị Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Vũ Chi đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 5% trái quy định của pháp luật đất đai.

Thiếu kiểm tra, giám sát, không phát hiện việc cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện trình tự, thủ tục về đất đai không đúng quy định. Trực tiếp ký quyết định về chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

Vi phạm của ông Nguyễn Vũ Chi có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Khởi tố nguyên Chủ tịch Tập đoàn và Tổng Giám đốc Công ty Asanzo tội trốn thuế

Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM khởi tố vì tội trốn thuế hơn 15,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Tam

Ông Phạm Văn Tam

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo và Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo về tội trốn thuế; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với cả Phạm Văn Tam và Phạm Xuân Tình.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, ông Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoài; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng.

Hiện vụ việc được Công an TP.HCM mở rộng điều tra.

Công ty Du lịch Giang Điền bị tình nghi lừa đảo 1.000 tỷ đồng

Lập dự án phân lô bán nền trong khu du lịch khi chưa được phép, Công ty CP Du lịch Giang Điền bị tình nghi lừa đảo hơn 1.000 tỷ đồng của khách hàng.

Dự án khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền

Dự án khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền

Ngày 23/6, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều tra dấu hiệu tội phạm tại Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền. Đây là dự án thực hiện hơn 12 năm nhưng chưa ra được sổ cho khách hàng, vừa bị Thanh tra tỉnh Đồng Nai chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Động thái này được Công an tỉnh Đồng Nai đưa ra sau khi xác minh đơn thư tố cáo của nhiều khách hàng về việc chủ đầu tư dự án trên có hành vi lừa đảo.

Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền tại huyện Trảng Bom rộng 110 ha. Trong đó, khu A rộng 37 ha là du lịch sinh thái, khu B và C là dự án dân cư rộng 81 ha nằm bên cạnh sông Buông, đối diện khu du lịch.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Du lịch Giang Điền chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng và chưa đủ điều kiện bán đất nền tại khu B và khu C của Dự án.

Tuy nhiên, Công ty đã trực tiếp và thông qua các công ty môi giới bất động sản để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết hợp đồng bán đất nền tại dự án trên. Việc này bị cho là đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật về pháp lý dự án để khuyến khích khách hàng mua đất nền, xây nhà mẫu.

Ngoài ra, Công ty còn cam kết sau khi ký hợp đồng từ 12 - 24 tháng sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Từ đó, các khách hàng đã tin tưởng, ký hợp đồng và thanh toán giá trị hợp đồng theo tiến độ mà Công ty yêu cầu.

Từ năm 2010 - 2018, Công ty CP Du lịch Giang Điền đã ký khoảng 1.267 hợp đồng mua bán với các khách hàng, nhà đầu tư, để thu về số tiền đặc biệt lớn (hơn 1.000 tỷ đồng).

Long An kiểm tra hơn 40 dự án đầu tư

Nửa đầu năm 2024, Long An đã kiểm tra, rà soát 41 dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh, qua đó ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2024, Long An đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Nửa đầu năm 2024, Long An đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Trong tháng 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã thực hiện thanh tra, phối hợp kiểm tra, rà soát 41 dự án, trong đó có 20 dự án nằm trong khu công nghiệp và 21 dự án ngoài khu công ngiệp.

Sau rà soát, Tỉnh cho biết đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (10 dự án trong khu công nghiệp và 11 dự án ngoài khu công nghiệp) với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cho biết, những dự án này bị xử phạt do không thực hiện đúng nội dung chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phối hợp kiểm tra tình hình hoạt động của 17 doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Qua đó, ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 120 triệu đồng do các doanh nghiệp kê khai hồ sơ không trung thực, vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và góp không đủ vốn.

Sở đánh giá qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời xử lý vi phạm của nhà đầu tư, doanh nghiệp, bên cạnh đó hướng dẫn nhà đầu tư doanh nghiệp chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định về đầu tư kinh doanh.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An sẽ tập trung kiểm tra, giám sát đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, nhất là các dự án đang được đánh giá là chậm tiến độ so với chủ trương đã phê duyệt.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Long An là tỉnh thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đăng ký phát triển dự án với quy mô lớn.

Hà Nội có hơn 60 điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 64 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt tại 9 quận.

Hà Nội có 64 điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt

Hà Nội có 64 điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay trên địa bàn Thành phố có 64 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt.

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm (22 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Nam Từ Liêm (9 điểm), Cầu Giấy (9 điểm), Đống Đa (4 điểm), Hai Bà Trưng (4 điểm), Bắc Từ Liêm (3 điểm), Ba Đình (2 điểm), Long Biên (2 điểm).

Trong đó có 2 bãi xe kín, có rào chắn, 62 bãi xe hở; 13 điểm trông giữ xe máy, 42 điểm trông giữ ô tô, 6 điểm trông giữ cả hai loại phương tiện.

Hiện có hai đơn vị cung cấp công nghệ chính cho các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, Công ty Thu phí tự động (VETC) triển khai tại 39 điểm, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội triển khai tại 25 điểm.

Sau 2 tháng thí điểm, các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt đã có hơn 156 nghìn lượt giao dịch với hình thức thanh toán qua hệ thống QR code, VETC, ePass và MTC đạt khoảng 89,8%; thanh toán bằng tiền mặt chỉ chiếm tỷ lệ 10,2%.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở GTVT Hà Nội hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn được doanh nghiệp trông giữ xe phản ánh như hệ thống công nghệ, máy quét biển số vẫn còn bất cập, lỗi hoặc treo; nhiều người dân vẫn quen với việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày, đặc biệt là người lớn tuổi, có tâm lý e ngại khi sử dụng những công nghệ mới...

Chuyên đề